Socrates: Người thành lập văn hóa



Tác giả: Neli Magdalini Sfigopoulo

Này các anh, các anh nên nhìn Socrates khi đội quân đã thoát khỏi Dilos. Trong trận chiến đó, ta đã có dịp tốt để được chiêm ngưỡng ông ta, vì trong trận đánh đó ta ngồi trên lưng ngựa và không quá sợ hãi. Ông ta bước đi rất bình tĩnh, nhìn quân của chúng ta và quân địch, và đối với mọi người – ngay cả đối với cả những người ở đằng xa — thật rõ ràng rằng nếu kẻ nào cố gắng động đến người đàn ông đó, ông ta sẽ tự vệ rất can đảm”. – Lời của Tướng Alkiviades trong Tuyển tập của Plato, (trích từ buổi hội thảo về Tuyển tập của Plato).

Cái chết của Socrates (Ảnh của Đài phát thanh Hy vọng)

Cái chết của Socrates (Ảnh của Đài phát thanh Hy vọng)

Socrates (từ năm 470 – đến năm 339 trước Công Nguyên) sinh ra trong thời đại hoàng kim của đất nước Hy Lạp. Trong thời gian ông sống, ông đã chứng kiến sự đi lên của nền dân chủ sau thời kỳ trị vì của những bạo chúa; ông đã nhìn thấy đền Parthenon và cung điện tại Acropolis của Athens được dựng lên từ đổ nát; và ông cũng chứng kiến tất cả các lĩnh vực về âm nhạc, nghệ thuật, văn chương đi lên đến đỉnh điểm. Nhưng khi trưởng thành, ông cũng chứng kiến sự suy đồi của xã hội Hy Lạp, và cuối cùng ông đã cảm nhận được sự thối nát của Athens ở tuổi 70 của mình, khi người dân Athens đã xử ông tội chết.

Socrates là một nhân vật đặc thù trong lịch sử. Ông hiện thân trong định nghĩa của một triết gia thời nay – Ông không quan tâm đến của cải vật chất, thay vào đó ông đã dành trọn thời gian của mình để tu luyện phần tâm linh bằng cách trau giồi đạo đức. Như ông đã nói: “Đức là khi bạn tránh xa những gì thêm thắt, không chân thật”.

Ông đã lập gia đình và có 3 người con trai, ban đầu ông làm nghề điêu khắc nhưng sau đã bỏ việc để đi sâu vào lĩnh vực triết học. Ông không trải qua sự giáo dục từ một trường học nào cả và cũng không để lại bất cứ cuốn kinh sách nào. Những gì mà chúng ta được biết về ông là từ những học trò của ông và phần lớn là từ các tác phẩm của Plato và những màn kịch hoặc hài kịch của thời  đó.

Socrates không bao giờ nhận tiền của ai và không bao giờ hứa hẹn mang đến kiến thức hoặc sự thành công cho ai. Ăn mặc một cách tồi tàn, chân không mang giày, ông đi bộ từ sáng cho đến tối trong chợ và sân vận động để thảo luận không hết các đề tài với những ai muốn bàn thảo với ông.

Tôi nói dông dài không gì hơn là để thuyết phục bọn trẻ và những người lớn tuổi không nên bận tâm đến thân thể của họ hay tiền bạc của họ, mà nên quan tâm đến phần tâm linh của họ, để làm thế nào cho nó được tốt hơn. Tôi bảo họ rằng tiền bạc không tạo nên đức, nhưng đức có thể tạo ra tiền bạc và tất cả những thứ vật chất khác thuộc về cả cá nhân và cộng đồng. Nếu nói rằng tôi đã làm hư bọn trẻ, thì lời buộc tội đó sẽ gây ra tai hại. Dù các người có trả tự do cho tôi hay không, tôi vẫn làm những gì mà tôi đã làm ngay cả khi tôi phải chết nhiều lần đi nữa”.

Socrates đã tìm cách dẫn dắt người ta đi đến kết luận của ông qua những cách thức mà hiện nay chúng ta gọi là Phương Pháp Socrates. Ông đã lắng tai nghe những cuộc thảo luận một cách yên lặng và hỏi những câu hỏi như thể là ông không biết gì về chủ đề của cuộc thảo luận cho đến khi toàn nhóm đưa ra kết luận. Ông có một khả năng kỳ lạ để hướng dẫn người nào đó tán thành với ông ngay cả khi họ không muốn tán thành. Và một số người ghét ông vì chính điều đó, bởi vì ông có thể chứng minh những lời nói của ông mà không kiêu ngạo, và họ cũng không thể nói rằng ông sai lầm.

Ông đã từng nói, “Tôi biết anh sẽ không tin tôi, nhưng phương thức cao nhất trong những điều tốt đẹp nhất của con người là tự hỏi mình và hỏi những người khác”. Ông luôn luôn tuyên bố rằng: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả”, ám chỉ rằng trí tuệ của con người rất giới hạn – chỉ có Thượng Đế là uyên bác.

Chính quyền Athens đã cho ông lựa chọn giữa sự giữ im lặng hoặc bị chết bằng thuốc độc – Ông đã chọn uống thuốc độc. Đây cũng là số phận của những nhà hiền triết sau thời của ông. Nếu Socrates sống ở bất cứ thời đại nào, có lẽ người ta sẽ bức hại ông bởi vì ông đã tạo nên “phiền phức” cho những đầu óc đồi bại mà không thể chấp nhận những gì ngoài lợi ích cá nhân.

Những quan điểm của Socrates và phương pháp dạy bảo của ông đã đóng một vai trò đặc định trong lịch sử. Ngày nay phương pháp Socrates được áp dụng trong những trường luật, trong tâm lý trị liệu, huấn luyện và phát triển nhân lực, và trong việc soạn thảo các bài học trong trường.

Chú  thích:

Đền Parthenon: đền thờ nữ thần Đồng Trinh Athena (gọi là Temple of Athena the Virgin)
Acropolis: điểm cao nhất trong những thành phố Hy Lạp, thường là chỗ để xây đền thờ hoặc cung điện cho vua.

(Theo The Epoch Times)



Ngày đăng: 23-10-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.