Thăng hoa nhờ các va chạm trong cuộc sống



Tác giả: Một học viên tại Đài Loan

[Chanhkien.org] Trong suốt quá trình tu tập, tôi có khuynh hướng chỉ ra những vấn đề của người khác một cách rất thường xuyên, nhưng tôi nhận ra rằng hiếm khi nào đạt được những kết quả mà tôi mong đợi. Ví dụ như, tôi thường yêu cầu vợ mình, cũng là một học viên, hãy tự kiểm chính mình như là một người học viên Đại Pháp. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tôi nhận thấy rằng thật khó có thể thay đổi ngay cả một động tác nhỏ trong khi cô ấy tập các bài công. Tôi cũng cố gắng thay đổi một số khía cạnh của một đồng tu khác mà tôi không thích. Mặc dù tôi đã cố gắng đủ cách, anh ấy vẫn không hề thay đổi chút nào, và những va chạm cứ tăng dần lên giữa chúng tôi.

Khi những xung đột trở nên quá lớn, tôi đã tự nhủ mình chỉ nên tập trung vào làm 3 việc cho thật tốt, không cần thiết phải tự chuốc lấy phiền não và công kích người khác như thế. Tôi nên thay đổi cho thích hợp với những quan điểm mới. Dù người khác có sai lầm hay không thì đó là vấn đề của riêng họ. Nhưng, suy nghĩ lại, tôi cảm thấy, “Chẳng phải các học viên Đại Pháp cần phải bảo hộ Pháp và chứng thực Pháp sao? Nếu chúng ta lờ các vấn đề gặp phải hoặc là lảng tránh các vấn đề chính yếu khi chỉ ra những khuyết điểm, chẳng phải là cũng giống như các nhóm tôn giáo những người luôn bảo vệ cho các tâm chấp trước và cố giữ hòa khí giả tạo giữa con người ta? Làm thế nào chúng ta có thể tinh tấn như là một chỉnh thể được? Hơn nữa, nếu các học viên đều giữ im lặng khi họ nhìn thấy các vấn đề vướng mắc, thì làm sao chỉnh thể có thể cùng tinh tấn được?

Tôi đã mắc cạn giữa quan niệm của Thánh và của người thường với những suy nghĩ như thế trong một thời gian dài cho đến khi, một ngày kia, tôi lướt qua một câu chuyện ngụ ngôn Ê-dốp: “Gió Bấc và Mặt Trời”. Gió Bấc cố gắng dùng vũ lực và thổi với tất cả sức mạnh của mình, nhưng càng gắng sức thổi, thì Du Khách càng quấn chặt cái áo choàng quanh người thêm. Nhưng khi Mặt Trời tỏa hơi ấm của mình, thì Du Khách sớm tự mình cởi bỏ cái áo khoác ra. Tôi đã học được từ trong câu chuyện rằng áp lực không thể thay đổi tâm can của con người. Chỉ có những phương cách nói chuyện ấm áp và ân cần với người khác mới cho phép họ chấp nhận quan điểm của ta một cách dễ dàng thôi.

Tôi cuối cùng nhận ra rằng tôi đang đóng vai Gió Bấc. Khi tôi chỉ ra những vấn đề của người khác, tôi thường tỏ ra hống hách và thậm chí không để cho người khác một cơ hội bày tỏ nào. Đó chẳng phải giống như Gió Bắc cố gắng lột áo choàng của Du Khách bằng vũ lực đó sao? Một vài học viên đã rất ân cần và vô tư khi chỉ ra những vấn đề của người khác, và không có chút giận dữ nào cả. Các học viên có vấn đề được chỉ ra ấy không chỉ chấp nhận mà còn cảm ơn họ cho sự sửa sai đầy lòng từ bi đó nữa. Chẳng phải điều đó giống như là Mặt Trời tỏa hơi ấm khiến Du Khách tự cởi bỏ áo choàng đó sao?

Thực tế đúng là như vậy. Chừng nào chúng ta còn tu tập trong thế giới con người, không thể tránh khỏi việc chúng ta vấp phải các vấn đề khó khăn và các tâm dính mắc. Bởi mọi người có những tâm chấp trước khác nhau, nhắc nhở lẫn nhau chính là giúp nhau cùng tinh tấn. Nếu chúng ta nói chuyện với các học viên như chúng ta đang đối xử với kẻ thù, chẳng phải điều đó có nghĩa là chúng ta nghĩ rằng bản thân không hề có chút vấn đề gì hay sao?

Một ngày nọ, trong khi sửa soạn một hoạt động nhằm phơi bày tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác nội tạng của học viên Pháp Luân Công đang còn sống, tôi đã làm một tờ rơi và yêu cầu được phản hồi. Học viên mà tôi nói đến ở trên đã không thích nội dung của nó. Tôi đã nghĩ rằng tờ rơi này thật tốt, và vấn đề, nếu có, thì cũng không đáng kể gì. Vì thế tôi đã nghĩ anh ấy đang trả đũa tôi vì tôi cứ hay thường xuyên chỉ trích vấn đề của anh ấy. Sau đó, anh ấy làm một tờ rơi khác và câu từ của anh thật rất cô đọng và sắc bén. Khi so sánh, tờ rơi của tôi đúng là quá dài dòng và lỏng lẻo. Ví dụ này cho tôi thấy rằng điều mình nghĩ là đúng có thể chưa chắc đã đúng, vì thế khiêm tốn thì tốt hơn.

Ngoài ra, tôi thỉnh thoảng thấy rằng bởi những va chạm mà một số học viên đã hình thành một thái độ phản diện đối với các công việc Đại Pháp và điều này khiến chỉnh thể đã chịu nhiều tổn thất. Khi nghĩ về một điều rằng, ngay cả một người thường cũng chú ý vào việc “nhẫn nhục để giữ hòa khí”. Chẳng lẽ những học viên lại không thể làm điều mà người thường làm được hay sao? Mặt khác nữa, chẳng phải các học viên đó đang đặt những cảm xúc cá nhân lên trên Đại Pháp hay sao?

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2006/11/28/41138.html
http://www.pureinsight.org/pi/index.php?news=4360



Ngày đăng: 28-03-2009

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.