Vài cảm tưởng sau khi đọc lời tiên tri của Chúa Jesus



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục

[Chanhkien.org] Khoảng 2.000 năm trước, Chúa Jesus, con của Thượng Đế, đã hạ thế truyền Pháp. Bởi vì số người tin Ngài càng ngày càng đông, nó đã làm tức giận những thế lực Do Thái giáo vào thời điểm ấy và Chúa Jesus bị rất nhiều người Do Thái thù ghét. Một số nhân vật cấp cao của Do Thái giáo muốn bắt và giết Chúa Jesus. Nhưng thay vì trốn tránh họ, Chúa Jesus vẫn quay trở lại Jerusalem, thánh địa của Do Thái giáo. Lúc ấy, Chúa Jesus đã thấy trước rằng Ngài sẽ bị những kẻ xấu đóng đinh trên Thập tự giá, cũng như quả báo mà người Do Thái sẽ phải chịu vì tội ác này.

Tại Jerusalem, Chúa Jesus và các môn đồ đi vào thăm Thánh điện. Khi bước ra ngoài Thánh điện, các môn đồ của Chúa Jesus vẫn bị choáng ngợp bởi sự huy hoàng của nó.

Việc xây dựng Thánh điện bắt đầu vào thời Vua Solomon. Tuy nhiên, nó đã bị phá hủy bởi những người Babylon vào năm 586 TCN. Sau khi xây dựng một điện thờ mới, nó được biết đến là Đệ nhị Thánh điện. Trong thời kỳ của Chúa Jesus, Thánh điện mà các môn đồ của Ngài thấy có những cây cột bằng đá cẩm thạch và cao 40 feet. Thánh điện cũng được xây bằng đá cẩm thạch. Mái điện màu vàng kim và gần như tất cả phần bên ngoài Thánh điện được phủ một lớp vàng. Khi được ánh sáng mặt trời chiếu rọi, vẻ rực rỡ và huy hoàng của nó là không sao mô tả được.

Khi các môn đồ Chúa Jesus thấy công trình bằng đá cẩm thạch huy hoàng này, họ trở nên rất kích động. Một môn đồ nói với Ngài:

Thưa Thầy, xin Thầy xem, những tảng đá này thật to lớn biết bao! Những tòa nhà này hoành tráng dường nào!” (Mark 13:1)

Đức Chúa Jesus nói với ông:

Ngươi thấy những tòa nhà to lớn này chăng? Rồi đây sẽ không còn một tảng đá nào chồng trên một tảng đá nào. Tất cả sẽ bị đổ xuống.” (Mark 13:2)

Khi các môn đồ của Ngài bị choáng ngợp trước sự huy hoàng của Thánh điện, Chúa Jesus đã nói ra một lời tiên tri đáng kinh ngạc: trong tương lai, Thánh điện ở Jerusalem sẽ bị hủy diệt hoàn toàn, và sẽ không còn lại một tảng đá nào chồng lên tảng đá nào ngoài đống phế tích.

Và rồi Chúa Jesus tiên tri về thời điểm Thánh điện bị phá:

Khi các ngươi thấy Giê-ru-sa-lem bị các đạo quân vây hãm, hãy biết rằng thời kỳ hoang tàn của nó đã gần. Bấy giờ ai đang ở Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai đang ở trong thành, hãy tìm cách thoát ra; ai đang ở ngoài đồng, đừng trở vào thành, vì đó là những ngày báo trả, để tất cả những gì đã viết có thể được ứng nghiệm. Khốn thay cho những phụ nữ mang thai và những người mẹ có con còn bú trong những ngày ấy, vì sẽ có cơn đại nạn giáng xuống trong xứ, và cơn thịnh nộ nghịch lại dân này. Họ sẽ bị ngã chết bởi lưỡi gươm và bị bắt đem lưu đày giữa các nước…” (Luke 21:20-24)

Không lâu sau, Chúa Jesus bị bắt trên đỉnh núi Olives. Ngài bị đưa đi và bị thẩm phán phi pháp trước Sanhedrin (Tòa án tối cao của Do Thái giáo) và các đại chủ tế. Rồi Ngài bị đưa tới Pontius Pilate, Tổng đốc Judaea của La Mã từ năm 26 đến năm 36 SCN. Những người Do Thái đã yêu cầu Pilate kết án Chúa Jesus. Pilate không đồng ý với quyết định xử tử Chúa Jesus của Sanhedrin và không muốn xét xử Chúa Jesus. Do đó Pilate đã gửi Chúa Jesus tới Herod, và rồi Herod lại gửi lại Chúa Jesus cho Pilate. Pilate tuyên bố rằng Chúa Jesus vô tội và muốn thả Ngài. Nhưng dưới áp lực mạnh mẽ của đám đông dân chúng Do Thái bị kích động, Pilate cuối cùng đã phán Chúa Jesus tội tử hình.

Sau khi Chúa Jesus chết, lời tiên tri của Ngài đã trở thành hiện thực. Năm 70 SCN, người Do Thái phản kháng lại Đế quốc La Mã và binh lính La Mã đã bao vây Jerusalem. Nhiều người Do Thái đã quay trở lại giúp đỡ. Không có nhiều lương thực ở Jerusalem, và dịch bệnh cũng bùng phát khắp thành phố. Kết quả là, vô số người đã bị chết bởi đói và dịch bệnh. Người ta nói rằng trong một đêm, 40 thi thể được quẳng ra ngoài thành. Mặc dù người Do Thái đã cố hết sức bảo vệ thành phố, cuối cùng họ vẫn thất thủ. Người La Mã tràn vào thành phố và phá hủy ngôi điện. Đại quân La Mã thấy rằng rất nhiều vàng bạc đã bị tan chảy bởi ngọn lửa và len vào kẽ giữa những tảng đá cẩm thạch. Do đó Tướng quân La Mã đã ra lệnh quân lính đục hết vàng bạc ra khỏi khe và họ đã tách từng tảng đá một. Kết quả là lời tiên tri của Chúa Jesus đã được hoàn tất: “Rồi đây sẽ không còn một tảng đá nào chồng trên một tảng đá nào. Tất cả sẽ bị đổ xuống.Toàn bộ Thánh điện bị phá hủy và trở thành đống hoang phế.

Người ta nói rằng một triệu người Do Thái đã bị giết trong cuộc chiến và những ai sống sót thì bị bắt và trở thành nô lệ. Họ phân tán tại rất nhiều quốc gia. Điều này lại ứng nghiệm với lời tiên tri của Chúa Jesus: “…sẽ có cơn đại nạn giáng xuống trong xứ, và cơn thịnh nộ nghịch lại dân này. Họ sẽ bị ngã chết bởi lưỡi gươm và bị bắt đem lưu đày giữa các nước…

Còn có một sự thật kinh người khác. Trong số hàng triệu người bị giết chết, không có ai là tín đồ Cơ Đốc giáo. Tại sao? Bởi vì tất cả tín đồ của Chúa Jesus đều nhớ lời Ngài: “Khi các ngươi thấy Giê-ru-sa-lem bị các đạo quân vây hãm, hãy biết rằng thời kỳ hoang tàn của nó đã gần. Bấy giờ ai đang ở Giu-đê, hãy trốn lên núi; ai đang ở trong thành, hãy tìm cách thoát ra; ai đang ở ngoài đồng, đừng trở vào thành, vì đó là những ngày báo trả, để tất cả những gì đã viết có thể được ứng nghiệm.

Do đó khi những tín đồ Cơ Đốc thấy quân La Mã đến, họ đều làm theo lời Chúa Jesus. Những ai ở trong thành thì chạy ra ngoài thành, còn những ai không ở trong thành thì không có ai chạy vào trong thành cả. Một số người di tản lên núi, một số người qua bờ Đông sông Jordan, còn những người khác thì chạy sang các vùng khác. Vì thế khi dân chúng trong thành Jerusalam bị chết bởi nạn đói, dịch bệnh và chiến tranh, thì chỉ những ai tin Chúa Jesus mới được bình an.

Sau khi đọc đoạn lịch sử này, tôi đã liên tưởng tới cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc ngày nay. Điều này thực sự khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

Các học viên Pháp Luân Công chỉ đơn thuần là một nhóm người tu luyện chiểu theo nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn’. Họ nói lời chân, tốt với người khác, và khoan dung với người khác khi gặp mâu thuẫn. Họ có ảnh hưởng tích cực đối với toàn xã hội. Tuy nhiên, khi số lượng học viên ngày càng tăng lên, Giang Trạch Dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trở nên ganh tỵ và nghi ngờ, rồi từ đó tiến hành một cuộc đàn áp và bức hại Pháp Luân Công, gây ra một thảm họa cho toàn đất nước và nhân dân Trung Quốc. Chỉ trong vòng mấy ngày, những lừa dối được thêu dệt trên các phương tiện truyền thông đã lan tràn khắp thế giới. Để kích động sự thù hận của công chúng đối với Pháp Luân Công, ĐCSTQ thậm chí còn dàn dựng cái gọi là “vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn” vào năm 2001. Vô số thủ đoạn tà ác đã được viện đến trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, thậm chí đến mức mổ cắp nội tạng sống từ các học viên.

Những người ở Trung Quốc ngày nay bị đầu độc bởi những lời dối trá của ĐCSTQ. Do đó, họ làm ngơ trước cuộc đàn áp, thậm chí đi theo ĐCSTQ làm điều xấu. Chẳng phải đây là phạm phải tội ác sao? Có gì khác biệt giữa người dân Trung Quốc ngày nay và người Do Thái ở Jerusalem xưa kia, những người bị xúi giục chống lại Chúa Jesus? Hãy nghĩ về quả báo mà người Do Thái đã phải chịu và thảm kịch bị hủy diệt của Jerusalem! Các học viên Pháp Luân Công đã mạo hiểm cả tính mạng mình chỉ để nói với mọi người sự thật. Ấy là để giúp người ta không vì vô tri mà phạm tội, để giúp họ tránh khỏi chịu quả báo như người Do Thái, những người bị kích động chống lại Chúa Jesus. Các học viên Pháp Luân Công khuyên người Trung Quốc thoái đảng, là để giúp họ thoát khỏi bị quả báo cùng Giang Trạch Dân và ĐCSTQ. Khi học viên Pháp Luân Công giảng chân tướng và khuyên thoái đảng, ấy là hoàn toàn nghĩ cho con người thế gian.

Nếu bạn tin lời các học viên Pháp Luân Công và thoát khỏi sự lừa dối của tà ác; nếu bạn tin rằng “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và thoái xuất ĐCSTQ cùng các tổ chức liên đới, thì trong tương lai khi ĐCSTQ chịu báo ứng, bạn sẽ bình an vô sự giống như các tín đồ Cơ Đốc giáo năm xưa.

Sau khi đọc xong câu chuyện này, hy vọng các bạn sẽ không còn nghĩ rằng các nỗ lực giảng chân tướng của học viên Pháp Luân Công là không liên quan gì đến bạn. Nếu bạn là thành viên của ĐCSTQ, hãy mau mau thoát ly khỏi nó, cũng giống như những người Cơ Đốc giáo mau chóng rời khỏi thành Jerusalem. Thực ra tất cả điều này đã được đề cập trong sách «Khải Huyền» của «Thánh Kinh»:

Sau đó tôi nghe một tiếng khác từ Trời nói rằng, “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi nó, Để các ngươi không dự phần vào những tội lỗi của nó, Và để các ngươi không đón nhận những tai họa chung với nó’.” (Khải Huyền, 18:4)

Dịch từ:

http://zhengjian.org/zj/articles/2007/12/29/50135.html
http://www.pureinsight.org/node/5172



Ngày đăng: 25-04-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.