Tác giả: Ngũ Lăng Niên Thiếu
[ChanhKien.org]
Rằm tháng Giêng vừa mới trôi qua, không khỏi khiến tôi nhớ đến ba cảnh tượng về ngày Tết Nguyên Tiêu trong Hồng Lâu Mộng. Trong ba cảnh tượng ấy, thì cảnh khiến tôi có cảm xúc nhất chính là ở chương “Nguyên phi thăm nhà”. Trong chương Nguyên phi thăm nhà này, tác giả dùng câu “Lửa mạnh nấu dầu, hoa tươi điểm gấm” để miêu tả cảnh tượng lẽ ra phải vô cùng náo nhiệt, long trọng, nhưng vì thời điểm thăm nhà lại khiến tôi cảm thấy lạnh lẽo từng cơn.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng sắp xếp lại thời gian Nguyên phi về thăm nhà: Nguyên phi về thăm nhà bắt đầu chính thức từ mồng tám tháng Giêng, quan viên các cấp chuẩn bị nghi lễ; đến ngày mười bốn thì hoàn tất công việc chuẩn bị. Toàn thể Giả phủ từ trên xuống dưới trong ngày mười bốn tháng Giêng đã thức trắng đêm. Vào canh năm ngày mười lăm, Giả mẫu và những người có tước vị trang điểm theo cấp bậc, đứng chờ bên ngoài Giả phủ suốt cả một ngày. Đến chiều tối ngày rằm tháng Giêng, các thái giám bẩm báo rằng Nguyên phi sẽ nhập phủ vào giờ Hợi; giờ Sửu ba khắc ngày mười sáu, Nguyên phi hồi cung.
Trong phong tục dân gian Trung Quốc, phụ nữ về thăm nhà thường phải đến nhà trước khi mặt trời lặn, đi trong ngày và về trong ngày. Việc Nguyên phi nhập phủ vào giờ Hợi, tức khoảng hơn 7 giờ tối, và xuất phủ vào giờ Sửu ba khắc, tức khoảng hơn 2 giờ rạng sáng hôm sau, rõ ràng là không phù hợp với bất kỳ điều nào trong tập tục dân gian này. Khi các thái giám bẩm báo, họ cũng đã đưa ra lời giải thích về việc này, nói là do ngày Tết Nguyên Tiêu, Hoàng đế ban ngày dẫn Nguyên phi tham gia các công việc nghi lễ trong cung, mãi đến chập tối mới xin chỉ thị để xuất cung. Nhìn bề ngoài, điều này thể hiện địa vị của Nguyên phi trong cung trong dịp lễ trọng đại như vậy, Nguyên phi vẫn là nhân vật quan trọng tham dự các hoạt động nghi lễ. Nhưng nhìn ở tầng sâu hơn, vẫn có thể thấy được manh mối về mối quan hệ giữa Hoàng đế và Nguyên phi, ở đây chúng ta tạm thời chưa bàn đến.
Nguyên phi vào phủ, xem xét những bài trí của Giả phủ. Vì hoạt động lần này, Giả phủ đã dùng đến toàn bộ tích lũy trong một năm để xây dựng, tu sửa Đại Quan Viên. Nhưng đáng tiếc là việc dạo chơi Đại Quan Viên vào ban đêm lại không thể hiện được sự tráng lệ như ban ngày, điều này lại càng làm nổi bật cảm giác lạnh lẽo ẩn sau vẻ ngoài náo nhiệt ấy. Xem tiếp, thời gian Nguyên phi ở trong phủ là bảy tiếng đồng hồ, phản ứng của nàng có thể nói là cũng có phần bất thường. Trong nguyên văn mô tả như sau: “Đến phòng thất của Giả mẫu, định hành gia lễ, Giả mẫu và mọi người đều quỳ xuống ngăn lại. Giả phi rơi lệ, hai bên tiến lên gặp mặt, một tay nắm Giả mẫu, một tay nắm Vương phu nhân, ba người trong lòng đều có nhiều điều muốn nói mà không thể cất thành lời, chỉ biết nức nở cùng khóc mà thôi… Một lúc sau, Giả phi mới nén bi thương mà gượng cười, an ủi rằng: ‘Ngày trước đưa tiễn con đến nơi chẳng được gặp người, hôm nay thật chẳng dễ dàng gì mới được về thăm nhà, mẹ con chúng ta giờ chẳng nói chẳng cười, lại chỉ biết khóc mãi, lát nữa con đi rồi, lại không biết đến khi nào mới có thể gặp lại!’” Nói đến đây, nàng không kìm được lại nghẹn ngào rơi lệ. Hình phu nhân vội bước đến khuyên nhủ. Giả mẫu và những người khác mời Giả phi ngồi, rồi lần lượt ra mắt, lại không khỏi khóc thêm một hồi. Khi thấy Bảo Ngọc có chút trưởng thành, đoạn Nguyên phi khuyên bảo, tiểu thái giám dẫn Bảo Ngọc bước tới, hành lễ quốc lễ xong, gọi cậu lại gần, nắm tay ôm vào lòng, lại vuốt ve đầu và cổ cậu mà mỉm cười nói: “Đã lớn hơn nhiều so với trước rồi”, lời còn chưa dứt, nước mắt đã như mưa tuôn. Lúc hồi cung, mọi người đã tạ ân xong, thái giám hầu việc tâu rằng: “Giờ đã là giờ Sửu ba khắc, xin thỉnh giá hồi cung”. Nguyên phi không kìm được, nước mắt lại trào ra. Nếu nói rằng, vì gặp lại người thân sau thời gian dài xa cách khiến nàng xúc động nghẹn ngào, khóc không thành lời thì có thể hiểu được. Nhưng việc khóc nghẹn nhiều lần như vậy không khỏi khiến người ta liên tưởng đến hoàn cảnh của Nguyên phi trong cung có thật sự huy hoàng như biểu hiện bề ngoài không? Thực ra thì không phải vậy. Việc phi tần được thăm nhà, không phải chỉ vài lời nói chuyện phu thê là có thể làm được. Nghĩ thôi cũng biết, việc Nguyên phi thăm nhà hẳn là đã được bàn bạc với Hoàng đế từ rất lâu trước đó. Thế nhưng đến ngày hôm ấy, Hoàng đế vẫn cứ kéo nàng đi khắp nơi tham gia lễ nghi, giống như là Hoàng đế quên mất hôm nay nàng phải về thăm nhà vậy. Từ đó có thể thấy, những gì Hoàng đế thể hiện bên ngoài chẳng qua là làm cho Giả phủ xem, thực chất tất cả cũng chỉ là một vở kịch mà thôi.
Nói đến kịch, thì không thể không nhắc đến bốn vở kịch hay mà Nguyên phi đã chọn: “Hào yến”, “Khất xảo”, “Tiên duyên” và “Ly hồn”. Trước hết là vở kịch đầu tiên, trích từ hồi thứ năm của vở “Nhất Bổng Tuyết” một tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn kịch thời Minh mạt Thanh sơ là Lý Ngọc. Nội dung kể về một câu chuyện vong ân bội nghĩa. Tình tiết đại khái như sau: Vào thời Gia Tĩnh, Nghiêm Thế Phiên để ý đến một chiếc chén ngọc, muốn lấy nó từ tay người sở hữu là Mặc Hoài Cổ. Nhưng Mặc Hoài Cổ không nỡ rời bỏ vật quý, bèn đưa cho hắn một món đồ giả. Kết quả là, trong những môn khách nhà ông lại có một kẻ vong ân bội nghĩa, hắn âm thầm tố cáo Mặc Hoài Cổ, thế là Nghiêm Thế Phiên vin vào tội mưu toan chiếm đoạt cổ vật để hãm hại Mặc Hoài Cổ, buộc ông phải dẫn cả gia đình trốn chạy. Trong “Hồng Lâu Mộng”, khi viết đến vở kịch này, tác giả còn lồng thêm vở tạp kịch “Sói Trung Sơn”, mà nội dung chính cũng là kể về kẻ vong ân bội nghĩa. (Một câu trong vở Sói Trung Sơn viết: “Xem kỹ Sói Trung Sơn, đắc thế liền ngông cuồng”). Những độc giả từng đọc Hồng Lâu Mộng đều hiểu rằng “Hồng Lâu Mộng” ẩn chứa tầng tầng lớp lớp ý ngầm trong đó, và ở đây có thể mạnh dạn suy đoán điều này ám chỉ sự suy vong của Giả phủ có liên quan đến “Sói Trung Sơn”.
Vở kịch thứ hai là “Khất Xảo”, trích từ vở kinh điển “Trường Sinh Điện”. Câu chuyện này mọi người đều không lạ lẫm, kể về mối tình giữa Dương Quý Phi và Đường Huyền Tông, kết cục là Dương Quý Phi bị thắt cổ chết ở dốc Mã Ngôi. Sau này Hồng Lâu Mộng có viết đến việc Nguyên phi bệnh chết, cá nhân tôi cho rằng rất có thể là bị bí mật xử tử, mà cách thức ấy chính là thắt cổ.
Vở kịch thứ ba là “Tiên Duyên”, trích từ vở “Hàm Đan Mộng – Tiên Duyên” của Thang Hiển Tổ. Câu chuyện này rất giống với “Giấc mộng hoàng lương”. Từ ba vở kịch đầu tiên, tôi cảm thấy Nguyên phi không giống một nhân vật trong kịch, mà giống như đang ở một góc nhìn của Thượng Đế, nàng đã có một sự đánh giá bao quát về Giả phủ, chốn cung đình, thậm chí cả trăm trạng thái nhân sinh ở thế gian: cuộc đời như một giấc mộng hoàng lương, chẳng bằng sớm tỉnh ngộ, đi tìm sứ mệnh chân chính của đời người. Điều này cũng có mối liên hệ với việc Giả Bảo Ngọc sau này đoạn tuyệt hồng trần.
Vở kịch thứ tư là “Ly Hồn”, trích từ “Mẫu Đơn Đình – Ly Hồn”, kể về cảnh Đỗ Lệ Nương quy tiên. Từ đây có thể thấy, trong lòng Nguyên Xuân thực ra đã có dự cảm về cái chết của mình. Nhiều học giả nghiên cứu Hồng Lâu Mộng cũng cho rằng vở kịch này còn ngầm báo trước kết cục của Lâm Đại Ngọc.
Từ đoạn này trở đi đến lúc hồi loan, Nguyên phi hồi cung vào giờ Sửu ba khắc. Giờ Sửu ba khắc, tôi nghĩ đến hình ảnh Nguyên phi ngồi trong kiệu, một nữ nhân có thân phận phi tần, hồi cung vào lúc rạng sáng, chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy có gì đó không tiện nói ra, thậm chí còn có cảm giác giống như người đã chết, sau khi gặp lại người thân vào ngày đầu thất tuần, rồi quay về âm phủ. Tóm lại, chương này mang đến một cảm giác tổng thể rằng: dịp Tết Nguyên Tiêu vốn dĩ là ngày đoàn viên, vậy mà lại giống như một lần sinh ly tử biệt được dự đoán trước, ngập tràn hương vị bi kịch.
Nhìn thấy Nguyên phi, không khỏi khiến tôi liên tưởng đến Hoa phi của Ung Chính Hoàng đế. Hoa phi từng mang thai bảy lần, có đến bảy người con, nhưng tất cả đều yểu mệnh. Có ghi chép cho rằng, ngay cả khi đang mang thai, bà vẫn phải tham dự trọn vẹn tang lễ của Khang Hy Hoàng đế, điều này có thể nói là rất giống với hoàn cảnh của Nguyên phi. Quả không hổ danh là người chiến thắng trong cuộc tranh đoạt ngai vàng của chín hoàng tử, cuối cùng Ung Chính Hoàng đế thực sự cũng chỉ đổi lấy được danh xưng “cô gia quả nhân” (kẻ cô đơn nơi quyền lực tối cao). Hồng Lâu Mộng kể lại toàn bộ quá trình thịnh suy của một gia tộc, từ đó chúng ta thấy rằng, dù là danh môn thế tộc, cũng khó thoát khỏi giấc mộng hoàng lương. Có thể thấy, từ bậc đế vương ở trên cao đến kẻ ăn xin ở dưới, đều khó tránh khỏi những bất lực và khổ nạn của thế gian. Tôi nghĩ rằng, những điển tích lưu lại ở thế gian, đều có đạo lý để chúng có thể lưu lại đến hôm nay. Đời người như mộng bao giờ mới tỉnh? Đại Pháp hồng truyền, đánh thức người trong mộng.