Phỏng vấn độc quyền: Những gì tôi biết về tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ



Tác giả: Di Bình

[ChanhKien.org]

Ngày 16/12, ông Đỗ Văn, cựu cố vấn pháp lý cho Chính phủ Nội Mông, hiện đang sống ở châu Âu, đã đến thăm trụ sở chính của hãng Truyền thông The Epoch Times ở New York và nhận trả lời phỏng vấn độc quyền. (Ảnh: Đài Truyền hình Tân Đường Nhân – NTDTV)

Ông Đỗ Văn, cựu Giám đốc Văn phòng Cố vấn Pháp luật của chính quyền Nội Mông, người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kết án phi pháp và bỏ tù 12 năm, hiện đang sống ở châu Âu. Đôi khi, ông gặp những người không tin rằng các học viên Pháp Luân Công đang bị mổ cướp nội tạng, giống như ông ấy cách đây nhiều năm cũng không tin. Ông sẽ nói với họ rằng: “Các bạn hãy đi trên đường phố Bắc Kinh và quan sát xem, gạch lát đường xung quanh bệnh viện đều tràn ngập các tin quảng cáo về việc cấy ghép nội tạng, giống như quảng cáo ‘làm bằng giả’ vài năm trước”.

“Mỗi quảng cáo đều là bằng chứng, mỗi cuộc điện thoại đều là bằng chứng”. Đỗ Văn nói và nhớ lại tất cả những gì ông đã thấy trong tù liên quan đến nạn mổ cướp nội tạng. “Chỉ khi đích thân trải nghiệm những điều này, bạn mới có thể cảm nhận được bóng tối dày đặc không lối thoát, thật quá đáng sợ, thật khủng khiếp!”

Là nạn nhân của cuộc đấu tranh băng đảng trong nội bộ ĐCSTQ, ông Đỗ Văn đã thoát chết trong gang tấc tại nhà tù đen tối của ĐCSTQ. Năm 2023, ông mới rời khỏi Trung Quốc sang định cư ở châu Âu.

Ông đến New York lần đầu tiên vào dịp Giáng sinh năm nay và ghé thăm The Epoch Times và Đài Truyền hình NTD, nơi ông đã phỏng vấn nhiều lần. Ông coi đây là “hai hãng truyền thông duy nhất của người Trung Quốc ở nước ngoài mà ĐCSTQ coi trọng nhất và chưa bị ĐCSTQ mua chuộc”.

* Giai đoạn đầu nhận thức về “mổ cướp nội tạng”: Hoài nghi

Về lời kêu gọi của các học viên Pháp Luân Công nhằm chấm dứt nạn mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ trong gần 20 năm, Đỗ Văn nói rằng ông đã trải qua một quá trình tìm hiểu gồm ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên là “hoài nghi”.

“Là một người bình thường, tôi không tin điều đó. Mổ lấy nội tạng của người còn sống sao? Dù sao thì tôi cũng không tin, bởi vì đó không phải là điều con người có thể làm, đó là điều cầm thú mới dám làm”. Ông nói: “Tôi đã nghe câu chuyện này rất lâu rồi, (nhưng tôi vẫn nghĩ) các học viên Pháp Luân Công đang gạt người”.

* Giai đoạn thứ hai tìm hiểu về “mổ cướp nội tạng”: ĐCSTQ mổ lấy nội tạng từ các tử tù

Vào giai đoạn hai, ông tin rằng ĐCSTQ đã mổ lấy nội tạng của các tù nhân bị hành quyết.

Sau khi bị cầm tù, ông ở trong trại tạm giam sáu năm. Trong thời gian đó, ông đã chứng kiến ​​32 người bước ra khỏi phòng giam của họ sau khi bị kết án tử hình. Thỉnh thoảng ông giúp những tử tù này viết giấy xin hiến tạng. Lúc này, cảnh sát nói với ông: “Hiến gì mà hiến? Anh đùa à? Ai trả tiền cho tử tù chứ?”

Trong thời gian đó có một chuyện đã xảy ra, một ngày nọ, Đỗ Văn và một tử tù cùng có mặt tại tòa. Ông hỏi một cảnh sát trong phiên toà: “Bây giờ án tử hình được thực hiện như thế nào? Trước kia những người bị bắn phải trả tiền đạn, nghe nói bây giờ đổi sang tiêm thuốc (để thi hành án tử hình). Mũi tiêm này họ có phải trả tiền không?”

“Cảnh sát đó nói rằng một mũi tiêm tốn 2.800 nhân dân tệ (khoảng 383 USD), nhưng hiện giờ (tử tù) không phải trả tiền nữa. Tôi hỏi tại sao, anh ấy nói rất đơn giản, chỉ cần gây mê lấy nội tạng của họ, và người đó sẽ chết mà không cần tiêm…”

Ông Đỗ Văn nhớ lại: “Chỉ đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng thực sự có việc ‘mổ lấy nội tạng’ của người còn sống. Cảnh sát nói rõ với tôi rằng đừng tìm hiểu vấn đề nội tạng này nữa, đã lấy nội tạng của họ rồi, không cần làm gì nữa, không bồi thường gì cho họ nữa, coi như báo đáp xã hội vậy”.

Sau khi ra tù, ông đã hỏi một người bạn cũ trong hệ thống tòa án, người này cũng nói rõ với ông rằng hiện nay tử tù không còn phải tiêm thuốc nữa. “Chỉ cần bác sĩ pháp y nói một câu với bệnh viện, rồi họ qua đó mổ bụng phạm nhân lấy nội tạng mang đi, sau đó hỏa táng phạm nhân. Người nhà không được gặp, không cho gia đình xem thi thể, chỉ cho họ nhìn thấy tro cốt”.

Trong thời gian này, ông Đỗ Văn còn thấy Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu khi đó đã nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, “Ông ấy dường như đã làm chứng về việc tử tù bị lấy nội tạng khi còn sống, một sự thực rất rõ ràng”.

* Giai đoạn thứ ba tìm hiểu về “mổ cướp nội tạng”: ĐCSTQ mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống

Sau đó, ông Đỗ Văn đã đi đến giai đoạn hiểu biết thứ ba, cuối cùng ông cũng tin rằng ĐCSTQ đã mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống, và những gì các học viên Pháp Luân Công nói là đúng.

“Tôi đã gặp một số bạn tù giàu có (đã từng) thay nội tạng, chủ yếu là ghép gan và thận. Có người chi 3 triệu tệ (khoảng 411.000 USD), có người chi 2 triệu tệ (khoảng 274.000 USD), có người chi 900.000 tệ (khoảng 123.000 USD). Đây là cái giá rẻ nhất. Tôi hỏi họ thay như thế nào. Họ nói: ‘Có người giúp sắp xếp, có người bán, chỉ cần đưa tiền là được, còn lại không phải lo lắng… Đó là cả một ngành công nghiệp’”.

Ông nói: “Qua đó tôi mới biết được rằng hóa ra việc mổ lấy nội tạng từ người sống thực sự tồn tại. Hơn nữa, quy mô có thể vượt xa dự đoán của các chuyên gia nước ngoài. Bởi vì bạn thấy đấy, chỉ riêng khu nhà tù nhỏ của chúng tôi đã có bấy nhiêu ca ghép gan và thận rồi. Xung quanh tôi có rất nhiều người cấy ghép nội tạng (một người bạn cũ của tôi đột ngột qua đời, sau này tôi nghe nói anh ấy chết vì cấy ghép nội tạng). Vậy nội tạng đến từ đâu? Có được mấy người hiến tạng đây?…”

Vậy tại sao vẫn có những mức giá khác nhau? Sau khi ra tù tìm hiểu thêm, ông Đỗ Văn mới biết giá nội tạng của các học viên Pháp Luân Công sẽ khác, độ tuổi khác nhau giá cũng khác nhau.

Ông nói, đây là một logic rất đơn giản. Vì tu luyện nên học viên Pháp Luân Công không hút thuốc không uống rượu, và có sức khỏe tốt, nên nội tạng của họ cũng tốt, giá sẽ cao. Giá cả chênh lệch là do có sự khác biệt về nguồn gốc. Một phương diện khác là do độ tuổi, ít tuổi quá không được, trẻ em cũng không được. Nội tạng của người ở độ tuổi khoảng chừng từ 16-22 là tốt nhất.

Ông Đỗ Văn cho rằng như vậy sẽ nảy sinh một vấn đề, nếu nội tạng của tù nhân tương thích, thì dù tội rất nhỏ hay tình tiết không nghiêm trọng, họ vẫn sẽ bị kết án tử hình. Đây gọi là “giết người theo nhu cầu”.

Ông còn tận mắt chứng kiến một sự việc, sau khi ông ra tù vào năm ngoái, một người phụ nữ tìm đến ông và nói rằng cô ấy đã bị mất một quả thận sau khi phẫu thuật triệt sản buồng trứng.

“Cô ấy hỏi tôi có thể giúp cô ấy không. Tôi nói rằng tôi thực sự nên giúp cô ấy viết bài cố gắng phản ánh về vấn đề này, nếu không được thì tôi sẽ báo cho truyền thông… Sau đó, cô ấy biến mất không tìm thấy đâu nữa”. Ông Đỗ Văn nói: “Việc này xảy ra vào năm ngoái”.

Một người bạn đi cùng ông Đỗ Văn, tiến sĩ Triệu Vân Long, chiến lược gia quốc tế tại tổ chức phi chính phủ của Liên hợp quốc ở New York, cho biết chỉ hai ngày trước, khi đang ăn tối với một người bạn ở New York, ông hỏi vì sao vợ ông ấy không đi cùng, ông nói rằng vợ mình đang “ở Trung Quốc chờ ghép thận”.

Tiến sĩ Triệu hỏi: “Vì sao không ghép ở Hoa Kỳ, điều kiện y tế sẽ tốt hơn?” Bạn ông đáp: “Ở Trung Quốc có thể ghép rất nhanh, thời gian xếp hàng (chờ nội tạng) ở Hoa Kỳ quá lâu”. Sau đó ông ấy giữ bí mật và không nói chuyện này nữa.

Sau khi ra tù, ông Đỗ Văn đến Bắc Kinh và nhìn thấy các hình ảnh quảng cáo về cấy ghép nội tạng dán trên đường phố và trên gạch lát sàn trước cổng các bệnh viện lớn. Chúng giống như những tờ quảng cáo làm bằng giả tràn ngập đường phố những năm trước.

Ông nói: “Tôi từng hỏi bằng chứng ở đâu. Đó chính là bằng chứng! Bây giờ có đủ kiểu quảng cáo được dán trên đường phố Bắc Kinh – choáng ngợp khắp nơi, mỗi tờ quảng cáo đều là bằng chứng! Mỗi cuộc gọi điện thoại đều là bằng chứng: Nội tạng con người có thể được mua bán công khai!” “(Quảng cáo nói) ‘Nếu ghép tạng không thành công, chỉ cần gọi đến số này, sẽ có nội tạng tương thích’. Chỉ cần bạn có đủ tiền, họ sẽ bắt một người còn sống tới mổ lấy tạng ghép cho bạn, đây là điều ám chỉ trong câu đó. Họ có hệ thống có tổ chức, bác sĩ và mọi thứ… Họ thực sự đang mổ cướp nội tạng người sống trên quy mô lớn”.

Nhìn lại quá trình nhận thức của mình về nạn mổ cướp nội tạng sống các học viên Pháp Luân Công và nạn mổ lấy nội tạng người của Trung Quốc, ông Đỗ Văn nói: “Chỉ khi đích thân trải nghiệm những điều này, bạn mới có thể cảm nhận được bóng tối dày đặc không lối thoát, thật quá đáng sợ, thật khủng khiếp. Làm bằng giả còn bị đả kích, còn cấy ghép nội tạng lại không bị bắt…”

(Theo The Epoch Times)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/294016



Ngày đăng: 14-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.