Luật sư nhân quyền: Trả lời những người chỉ trích Pháp Luân Công
Tác giả: Terri Marsh/Trần Đình biên soạn
[ChanhKien.org]
Ngày 11/11/2024, Đoàn nhạc Thiên Quốc Nhạc Đoàn của Pháp Luân Đại Pháp đã tham gia cuộc diễu hành ngày Cựu Chiến binh lần thứ 105 tại New York, các thành viên mặc trang phục thời Đường và trình diễn những bản nhạc hùng tráng. (Ảnh: Đới Binh/The Epoch Times)
Theo bất kỳ tiêu chuẩn nào, Pháp Luân Công đều được coi là một tôn giáo. Hệ thống tín ngưỡng, tổ chức xã hội và tiêu chuẩn đạo đức của Pháp Luân Công không có sự khác biệt so với với các tôn giáo chính thống khác được luật pháp Hoa Kỳ và luật pháp quốc tế bảo hộ. Địa vị tôn giáo của Pháp Luân Công đã được nhiều chính phủ, bao gồm Hoa Kỳ công nhận, đồng thời cũng nhận được sự thừa nhận từ các chuyên gia và cơ quan điều tra của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ liên quan, các tổ chức xã hội dân sự, cũng như các nhà nghiên cứu về tôn giáo Trung Quốc.
Lấy một ví dụ rõ ràng, tiến sĩ Benjamin Penny, một trong những chuyên gia nổi tiếng về nghiên cứu Pháp Luân Công và các tôn giáo tại Trung Quốc, trong một tác phẩm của mình có tựa đề “Tín ngưỡng tôn giáo của Pháp Luân Công” (The Religion of Falun Gong) đã trực tiếp chỉ rõ rằng Pháp Luân Công có “tính chất tôn giáo sâu sắc”, hơn nữa “nhìn từ các góc độ ý nghĩa khác nhau, đều được coi là một tôn giáo”.
Không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy giáo lý hoặc phương pháp tu luyện của Pháp Luân Công có khác biệt so với các tôn giáo tồn tại phổ biến như Tin Lành, Công giáo, Phật giáo Tây Tạng, Thiền tông, Đạo giáo, Ấn Độ giáo, lại càng không có “tính gây tranh cãi” cũng như “tính chính trị”. Trên thực tế, phương pháp tu luyện và giáo lý của Pháp Luân Công hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí định nghĩa về tôn giáo của tất cả các Tòa án Phúc thẩm Liên bang Hoa Kỳ.
Cũng như câu nói “Cầu nguyện là chìa khóa mở cánh cửa thiên đàng” (trích từ “Phúc Âm Mathew” 6:1-15), “tu luyện” là con đường để các đệ tử Pháp Luân Công có được trí huệ, được khai sáng và cứu rỗi, đồng thời trở về bản nguyên và con người chân thật của mình. Thông qua tu trì “thiện tâm” và “chính niệm”, người tu luyện có thể đồng hóa với “Chân, Thiện, Nhẫn”, đây là hình thức cao nhất của siêu hình học. Trong Kinh sách chính của Pháp Luân Công, cuốn “Chuyển Pháp Luân”, đặc biệt nhấn mạnh rằng người tu luyện phải từ bi. Những nguyên tắc đạo đức hoặc tiêu chuẩn luân lý khác bao gồm: phải thiện đãi cha mẹ và con cái của mình, trong các phương diện trước tiên nghĩ đến người khác sau đó mới nghĩ đến bản thân, tránh việc sát sinh, đố kỵ, tham dục, phẫn nộ và thù hận, cũng như việc trọng đức tu thiện,… Những người tu luyện mà đồng hóa với lời dạy của Đấng Sáng Thế (Divine Creator), thì chính là người đắc Đạo – Thần.
Sự tu luyện của các đệ tử, được thực hiện dưới sự chỉ dẫn của Đại sư Lý Hồng Chí, lãnh tụ tinh thần của Pháp Luân Công, chủ yếu thông qua các tác phẩm và các bài viết mà ông đã xuất bản, các đệ tử gọi đây là “Kinh văn”. Trong đó không chỉ gồm các “Kinh sách” của Pháp Luân Công, mà còn bao gồm những tập thơ. Trên thực tế, giống như trong các bài Kinh văn của Pháp Luân Công đã chỉ rõ, Ngài Lý chỉ có một trách nhiệm duy nhất chính là chỉ dẫn con đường tu luyện cho các tín đồ, chỉ thế mà thôi. Rất nhiều Kinh văn đã chỉ dẫn các đệ tử rằng đừng xem ông như là “cấp trên” để đến xin chỉ thị, bởi vì cũng như trong một số bài giảng Pháp của ông (bao gồm một lần giảng Pháp vào năm 2019) cũng chỉ rõ điều ấy, ông “không phải ông chủ”, “chỉ quản việc tu luyện”, các đệ tử thậm chí không nên hỏi “các chuyện công việc”, bởi vì điều đó sẽ dẫn đến việc ông sẽ đóng vai trò mà ông không muốn: Ông chủ của các đệ tử.
Các hành vi bôi nhọ Pháp Luân Công thường lặp lại những tuyên truyền chống Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc. Một số người hiểu sai đã bỏ qua tín ngưỡng cốt lõi của Pháp Luân Công, đó là người tu luyện cần nỗ lực thực hành “Chân Thiện Nhẫn”, họ cũng phớt lờ cảm giác thần thánh trong các gian điện đường của chùa Long Tuyền, lại càng xem nhẹ vai trò then chốt của tu luyện trong quá trình đào tạo các học viên biểu diễn tại Học viện Nghệ thuật Phi Thiên và Đại học Phi Thiên, cũng không nhận ra ý nghĩa của sự cứu rỗi trong mỗi buổi biểu diễn của Shen Yun.
Một số người thậm chí đánh đồng hành vi sai trái của một số ít tín đồ với hoạt động tôn giáo thực tiễn, đem những sai lầm của tín đồ đổ lỗi cho tôn giáo, giống như việc đem các hành vi tàn ác của quân Thập tự chinh hoặc những người lầm đường lạc lối khác quy trách nhiệm cho lời dạy của Chúa Giê-su, của các lãnh tụ tinh thần khác cũng như lời dạy của Thần.
Gần đây, trong một bài viết của “The New York Times” thậm chí đã đưa ra những cáo buộc không đúng sự thật đối với Shen Yun, Đại sư Lý Hồng Chí và vợ ông, bà Lý. Ông Lương, một người con trai của một học viên Pháp Luân Công đã qua đời, dường như đã đưa ra các cáo buộc qua thư điện tử, với nội dung đại ý cáo buộc rằng trước khi mẹ ông qua đời vào năm 2019, Shen Yun, Đại sư Lý Hồng Chí hoặc Lý phu nhân đã ép mẹ ông phải trả tiền. Tuy nhiên, các tài liệu mà chúng tôi đã kiểm tra, có thể là những tài liệu mà phóng viên chưa từng được xem, cho thấy những cáo buộc này hoàn toàn không có căn cứ. Người mẹ quá cố của ông Lương, giống như các học viên Pháp Luân Công khác, đã tình nguyện làm việc nhiều năm tại Đoàn Nghệ thuật Shen Yun. Bà không bao giờ yêu cầu thù lao: động cơ của bà là ủng hộ cho mục tiêu của Shen Yun cũng như sự đồng tình với những triết lý của Pháp Luân Công.
Bà không mua đàn piano cho Shen Yun như những gì con trai bà đã nói, cũng không chi tiền của mình để mua sắm đồ xa xỉ cho gia đình Ngài Lý. Thật vậy, vì lý do làm hậu cần, bà đồng ý cho bà Lý sử dụng thẻ tín dụng phụ trong thời gian du lịch ở nước ngoài, nhưng khi xem xét kỹ các hồ sơ, có thể thấy hầu hết các khoản thanh toán qua thẻ tín dụng đều đã được hoàn trả lại cho bà hoặc di sản của bà. Việc kiểm tra các tài liệu cũng cho thấy, những khoản chi mà ông Lương tuyên bố là chi cho Đại sư Lý và phu nhân thực tế là những vật phẩm mà mẹ ông đã mua cho bản thân sử dụng.
Rõ ràng, điều này không thể phủ nhận rằng bà Lương lúc còn sống đã rất hào phóng khi quyên góp trợ giúp cho các tổ chức liên quan đến Pháp Luân Công nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bà bị ép buộc làm như vậy. Đối với một cá nhân mà nói, việc cung cấp tài chính cho các hoạt động từ thiện rõ ràng là không vi phạm pháp luật, thậm chí cũng không có gì đáng để nghi ngờ (cho dù người thân có thể cho rằng số tiền quyên góp là không hợp lý).
Đương nhiên, nếu bà không quyên góp tiền tài cho Shen Yun, thì tài sản thừa kế của ông Lương sẽ nhiều hơn. Nhưng bà cũng giống như những công dân trưởng thành độc lập trên quốc gia này, có quyền ra những quyết định như vậy. Sự oán hận của con trai bà là điều có thể hiểu được, nhưng những căn cứ thực tế mà ông ấy tuyên bố lại không tồn tại.
Có người ám chỉ rằng cái chết của bà là do Ngài Lý và những người khác gây ra hoặc thúc đẩy dẫn đến, điều này cũng không đúng. Pháp Luân Công không giống như những gì con trai bà đang ám chỉ, rằng một người khi có bệnh rồi không được tìm kiếm sự chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Hoàn toàn ngược lại, khi bệnh ung thư của bà chuyển biến xấu và bệnh tình trở nên nghiêm trọng, chính các đồng nghiệp của bà tại Shen Yun đã kiên quyết yêu cầu bà đi kiểm tra bác sỹ, hơn nữa một đồng nghiệp trong đó đã đích thân đưa bà đến bệnh viện (trong tình huống mà bà phản đối).
Nhắc lại lần nữa, trường hợp người mắc bệnh nặng từ chối tiếp nhận trị liệu y học như thế là không hề hiếm gặp: đây không phải là dấu hiệu của việc bị tẩy não, bà lại không phải là một đứa trẻ dễ bị lừa gạt, không biết dùng cách thức mà bà cho là tốt nhất để quản lý công việc cũng như chăm sóc sức khỏe của mình. Việc con trai bà (hoặc bạn bè của con trai bà) cố gắng thuyết phục công chúng tin rằng bà không phải là người như vậy là một sự sỉ nhục và thiếu tôn trọng đối với hình ảnh của bà trong ký ức của mọi người.
Những cáo buộc này và các cáo buộc tương tự hoàn toàn vô căn cứ, thông qua con đường pháp luật, tại một thời điểm thích hợp, sẽ có thể chứng minh những cáo buộc này là hoàn toàn thiếu suy nghĩ và thô bỉ.
Tác giả bài viết Terri Marsh là Chủ tịch Điều hành của Quỹ Pháp lý Nhân quyền (Human Rights Law Foundation), những quan điểm được biểu đạt trong bài viết này là quan điểm cá nhân của tác giả, không thay mặt cho quan điểm của “The Epoch Times”.
Bài viết gốc có tựa đề “A Response to Falun Gong Critics” được đăng trên The Epoch Times Anh ngữ.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/294312
Ngày đăng: 14-01-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.