Thiển đàm về sáng tác tiểu thuyết (7)



Tác giả: Thụy Thần

[ChanhKien.org]

“Lấy con người làm ví dụ, Đạo gia xem [thân] thể người như một tiểu vũ trụ; con người có thân thể vật chất; nhưng chỉ cái thân thể vật chất ấy không thể đủ cấu thành một con người hoàn chỉnh được; còn phải có tính khí, tính cách, đặc tính, và nguyên thần mới có thể cấu thành một con người hoàn chỉnh, độc lập, và mang theo cá tính tự ngã”. (Chuyển Pháp Luân)

Tác giả bài viết này hiểu rằng, để khắc họa nhân vật một cách sinh động, đầy đủ thì sẽ liên quan đến việc miêu tả sâu sắc về tính khí, tính cách, đặc tính và nội hàm của một con người.

Việc khắc họa nhân vật trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc đã tạo nên nhiều hình tượng nhân vật quen thuộc, được yêu thích, có nhiều thủ pháp trong đó rất đáng để tham khảo.

Ví dụ, trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, nhân vật Trương Phi được gọi là “Mãnh Trương Phi”, tính khí cương liệt như lửa. Tuy nhiên, ông lại là người tuy thô mà vẫn tinh tế, trong hồi “Trương Dực Đức vì nghĩa tha Nghiêm Nhan”, Trương Phi đã dùng mưu kế để bắt sống Nghiêm Nhan, sau đó dùng nghĩa để đối đãi với Nghiêm Nhan, khiến người ta khâm phục. Tính cách của ông hàm chứa sâu sắc một chữ “nghĩa”, mà một trong những đặc điểm của ông là “mãnh” (mạnh mẽ). Tại trận Trường Bản ở Đương Dương, Trương Phi chỉ một tiếng thét đã đẩy lùi trăm vạn quân Tào, thật sự rất mạnh mẽ, giống như võ linh hạ thế vậy, đặc tính võ linh ấy cũng mang xuống theo. Trong mắt độc giả, ông là một nhân vật sống động, bạn có thể nhìn ông ấy từ nhiều góc độ khác nhau. Vừa có thể thấy hình tượng thô kệch, nhưng uy mãnh, lại có thể nhìn thấy mặt tinh tế và biết dùng mưu kế của ông. Như thể một bức tranh vẽ nhân vật tỉ mỉ, với nhiều nét phác họa thô, nhưng cũng có những đường nét tinh tế, tỉ mỉ ở nơi khóe mắt, chân mày.

Với Gia Cát Lượng, ấn tượng sâu đậm nhất mà ông để lại cho người ta có lẽ là trí tuệ tuyệt vời của mình. Câu chuyện “Thuyền cỏ mượn tên” thực sự là một kiệt tác của Thần, không khỏi khiến người ta phải cúi đầu thán phục. Những kế sách từ túi gấm của Gia Cát Lượng từng cái một nối tiếp nhau triển hiện ra, khiến người đọc không khỏi kinh ngạc, ba chữ “Gia Cát Lượng” đã trở thành danh từ đại biểu cho trí huệ.

Thêm một ví dụ khác, trong “Hồng lâu mộng”, việc khắc họa nhân vật thường thường là trên nhiều phương diện, từ ngôn ngữ đến trang phục, từ biểu cảm đến tính cách, tất cả đều được thể hiện một cách phong phú nhiều màu sắc.

Ví dụ, tác giả miêu tả Giả Bảo Ngọc như sau: “Người vừa tiến vào là một vị công tử trẻ tuổi: trên đầu đội mũ tím nạm ngọc, ngang trán buộc dây vàng khảm hai rồng chụp ngọc, mặc áo chẽn đỏ thêu trăm con bướm vờn hoa, thắt lưng dây tơ ngũ sắc tết hoa, bên ngoài khoác áo dài điểm hoa màu đá xanh, chân mang đôi hài nền xanh. Mặt như trăng rằm giữa thu, sắc như hoa xuân buổi sớm. Tóc mai gọn ghẽ như dao xén, lông mày rõ như mực kẻ, má như cánh hoa đào, mắt như sóng nước mùa thu”. Đây chẳng phải là một bức tranh nhân vật được vẽ tỉ mỉ, tinh tế với những đường nét sống động hay sao?

Một ví dụ khác, trong “Thủy hử”, đoạn “Võ Tòng đả hổ trên đồi Cảnh Dương”, tác giả đã thông qua những miêu tả tinh tế về hành động của con hổ như “vồ, quật, cào” để làm nổi bật hình ảnh Võ Tòng với võ nghệ thần dũng và sự gan dạ, thận trọng, khiến nhân vật trở nên sống động như thật.

Các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc thuộc tứ đại danh tác thường là một bức tranh thu nhỏ của một triều đại hoặc xã hội. Mà những câu chuyện, tình tiết phức tạp, đa dạng trong các tác phẩm này giống như một bức thảm gấm được dệt thành, từ lớn đến nhỏ, từ ngoài vào trong, tình tiết phức tạp, liễu ám hoa minh, tạo thành một cuộn tranh lịch sử tráng lệ, dần dần được mở ra.

Các tác phẩm này có một số điểm chung trong thủ pháp sáng tác:

Thứ nhất, nội dung chứa đựng nội hàm sâu sắc và hồng đại;

Thứ hai, cảnh tượng rộng lớn với rất nhiều nhân vật;

Thứ ba, cốt truyện với tình tiết đan xen phức tạp, hấp dẫn và đầy bất ngờ;

Thứ tư, nhân vật được khắc họa sống động, tinh tế, đi sâu vào từng chi tiết;

Thứ năm, liên quan rộng lớn nhiều lĩnh vực, từ thiên văn địa lý, binh pháp chiến thuật, cầm kỳ thư họa, thơ ca từ phú, phục sức ẩm thực, kiến trúc sân vườn, y dược y lý cho đến thủ công mỹ nghệ dân gian, tóm lại là bao la vạn tượng;

Thứ sáu, văn phong được dày công tôi luyện đến mức điêu luyện thành thục, có thể được ca ngợi là nét bút xuất thần cũng không quá lời.

Số lượng nhân vật trong các tiểu thuyết này có thể lên đến vài trăm. Mỗi nhân vật chính (hoặc nhân vật tương đối quan trọng) đều có tính cách, phẩm chất và đặc điểm riêng biệt, mỗi người là một sinh mệnh độc đáo.

Ví dụ, trong “Hồng lâu mộng”, số lượng nhân vật rất lớn, có thể nói là mỗi người một vẻ. Thậm chí, tên nhân vật cũng liên quan đến tính cách, đặc điểm của nhân vật hoặc ẩn chứa hàm ý. Chẳng hạn, bốn vị tiểu thư nhà họ Giả có tên là Nguyên Xuân, Nghênh Xuân, Thám Xuân và Tích Xuân, ghép lại có thể hàm ý “Nguyên ứng thán tức” (Vốn nên than tiếc). Tên họ Giả (賈) nghĩa là giả (假), không có thực, còn nhân vật Chân Sĩ Ẩn (甄士隱), nghĩa là “điều chân thực ẩn giấu”.

Trong “Thủy Hử truyện”, một trăm lẻ tám vị hảo hán Lương Sơn Bạc đều có tính cách, diện mạo, bản sự, binh khí và trang phục không giống nhau, mỗi người đều mang một thần thái riêng biệt.

Nhiều nhân vật nổi tiếng còn sở hữu những đạo cụ và danh hiệu đặc trưng:

Ví dụ, Nhạc Phi dùng một cây thương Lệ Tuyền, mặc áo bào trắng, cưỡi ngựa trắng, thông thạo binh thư, mang đầy đủ trung nghĩa hiếu của nhà Nho, được tôn xưng là “Nhạc Gia”, uy chấn Trung Nguyên.

Gia Cát Lượng với chiếc quạt lông vũ và khăn vải, luôn giữ nụ cười điềm tĩnh, bày mưu tính kế, quyết thắng ngoài ngàn dặm.

Quan Vân Trường với thanh đại đao, cưỡi ngựa Xích Thố, râu dài tới ngực, nổi tiếng trọng nghĩa khí.

Tôn Ngộ Không mà mọi người đều biết với cây gậy Như Ý Kim Cô Bổng có thể biến lớn thu nhỏ tùy ý, danh xưng “Tề Thiên Đại Thánh”.

Trư Bát Giới có chiếc cào chín răng, ánh hào quang rực rỡ, cũng không phải vật phàm.

Lý Quỳ cầm đôi rìu lớn, được người đời gọi là “Hắc Toàn Phong”.

Giả Bảo Ngọc khi sinh ra, trong miệng đã ngậm một viên ngọc, vốn là một mảnh đá còn sót lại từ thủa Nữ Oa vá trời.

Những nhân vật sống động này, chỉ cần đọc qua một lần đã in sâu vào tâm trí, khiến người ta không khỏi thán phục.

Thông qua khắc họa chân thực và sinh động các nhân vật, văn hóa tu luyện cùng những giá trị đạo đức quý báu như “trung, nghĩa”, “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” được lồng ghép vào một cách tự nhiên, ngấm dần vào lòng người, mãi mãi trường tồn.

Trên đây chỉ là những kiến giải nông cạn của tôi về việc sáng tác tiểu thuyết, nếu có chỗ nào không thỏa đáng, mong được chỉ rõ.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/54061



Ngày đăng: 24-12-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.