Dấu chân lịch sử của phù hiệu chữ “卍” (Phần 1)
Tác giả: Thanh Nguyên
[ChanhKien.org]
1. Giới thiệu về phù hiệu chữ “卍”
Những người quen thuộc với Phật giáo sẽ không xa lạ với phù hiệu chữ “卍”. Chữ “卍” (tiếng Anh là Swastika) trong tiếng Phạn là Srivatsa, phiên âm tiếng Trung là “Shì lì jù cuō luò chà nà”, cách dịch cũ trong tiếng Trung là “Cát tường hải vân tương”, có nghĩa là “Nơi tập hợp của sự may mắn”. Trong quyển 12 của “Thập Địa Kinh Luận” do Bồ Đề Lưu Chi dịch vào thời Bắc Ngụy, ký tự này được dịch là “萬” (Vạn). Còn Cưu Ma La Thập và Huyền Trang đều dịch là “德” (Đức), mang ý nghĩa “Vạn đức trang nghiêm”, nhấn mạnh công đức vô lượng của Phật. Hiện nay, người ta thường cho rằng ký tự chữ “卍”, đọc là “Vạn” được Võ Tắc Thiên vào năm Trường Thọ thứ hai (năm 693) quy định. Trong quyển 6 của “Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập” do người thời Tống biên soạn có nói “Chủ thượng (Võ Tắc Thiên) chế định ra ký tự này, đặt ở Thiên Xu, âm đọc là vạn, nghĩa là nơi tập hợp của vạn đức may mắn”.
Cách viết phù hiệu chữ “卍” từ trước đến nay có hai loại: “卍” hướng trái và “卐” hướng phải. Trong “Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa” của Đường Huệ Lâm, ông đề xuất nên lấy chữ “卍” làm chuẩn. Phật giáo Tây Tạng coi chữ “卐” quay phải là chính quy, đây là sự khác biệt trong việc sử dụng ký hiệu chữ “卍” giữa vùng Hán địa và vùng Tây Tạng. Tuy nhiên, tôn giáo cổ xưa của vùng Tây Tạng là Bon giáo lại coi chữ “卍” là biểu tượng để tôn thờ. Trong tiếng Tây Tạng, “卍” được gọi là “Yungdrung”, có nghĩa là “kiên cố”, tượng trưng cho ánh sáng và còn mang ý nghĩa luân hồi không ngừng.
2. Phù hiệu chữ “卍” là một biểu tượng mang tính toàn cầu
Người ta thường cho rằng phù hiệu chữ “卍” là biểu tượng chuyên dùng trong Phật giáo, nhưng thực ra không phải vậy. Trong các di tích cổ đại trên khắp thế giới đều phát hiện dấu vết của phù hiệu chữ “卍”. Ở các nền văn minh cổ đại như Crete và Troy, hay Scandinavia, Scotland, Ireland, thổ dân châu Mỹ, nền văn minh Maya ở Nam Mỹ, Ả Rập, Mesopotamia, La Mã và Kitô giáo sơ khai, văn hóa Byzantine, Ấn Độ cổ đại cũng như Trung Quốc, Ai Cập, v.v., đều có sự xuất hiện của phù hiệu chữ “卍”. Sự xuất hiện rộng rãi của phù hiệu này đã được coi là một hiện tượng văn hóa phổ biến để nghiên cứu. Các nhà nhân chủng học gọi nó là “họa tiết chữ thập” hoặc “họa tiết Mặt Trời”, và họ cho rằng nó liên quan đến tín ngưỡng của con người thời kỳ đầu đối với Mặt Trời.
Trên các đồ gốm từ thời kỳ Hassuna ở Tây Á Mesopotamia khoảng năm 5000 TCN, đã phát hiện hai phù hiệu hình chữ “卍”. Một là hình chữ “卍” và một là biến thể của chữ “卍”.
Hoa văn chữ “卍” trên đồ gốm thời kỳ Hassuna ở Mesopotamia khoảng 5000 năm TCN
Hoa văn chữ “卍” được tìm thấy ở Troy
Chiếc bình gốm Hy Lạp cổ đại mô tả trận chiến thành Troy với ba chữ “卍” phía trên lưng ngựa
Tại các di chỉ thời kỳ đồ đá mới ở Tây Á, di chỉ Bakun ở Iran đã khai quật được những đồ gốm màu có niên đại không muộn hơn 3500 năm TCN, trong đó có tượng nữ thần bằng gốm tượng trưng cho sự sinh sản, trên vai của bà cũng có ký tự chữ “卍”. Trong các văn vật Hy Lạp cổ đại cũng nhiều lần phát hiện các bức tượng Thần hoặc các dụng cụ được khắc phù hiệu chữ “卍”.
Bức tượng nữ thần Hy Lạp hình chuông có khắc hai phù hiệu chữ “卍” chồng lên nhau khoảng năm 900 TCN
Chiếc bình chứa ngũ cốc khoảng 700 năm TCN được khai quật ở Hy Lạp, xung quanh hình vẽ Artemis (Thần Mặt Trăng và nữ thần săn bắn) xuất hiện nhiều ký hiệu chữ “卍”.
Trên các con dấu khoảng 2000 năm TCN được tìm thấy ở Ấn Độ cũng có nhiều phù hiệu chữ “卍”. Và các biến thể của nó. Cuốn sách “Mohenjodaro and the Indus Civilization” của tác giả J. Marshall cũng đăng nhiều con dấu hoa văn chữ “卍” được khai quật từ thung lũng Ấn Độ khoảng 2000 năm TCN.
Hoa văn chữ “卍” trên con dấu và đồng bạc của di tích Mohenjo-Daro tại thung lũng Ấn Độ, có niên đại từ 4000 đến 5000 năm trước.
Trong văn hóa Sumer khoảng 5000 năm trước cũng đã phát hiện nhiều phù hiệu chữ “卍” mang ý nghĩa may mắn cát tường. Theo những phát hiện khảo cổ, phù hiệu chữ “卍” đã được lưu hành phổ biến vào thời kỳ đồ đồng ở châu Âu, được sử dụng như một biểu tượng trang trí trong nghệ thuật Kitô giáo thời kỳ đầu và nghệ thuật Byzantine. Ở Hy Lạp, người Crete cổ đại và người Troy đã sử dụng rộng rãi biểu tượng này trong các đồ trang trí. Ở các khu mộ và trên các đồ đồng được khai quật ở vùng Caucasus cũng phát hiện có hoa văn chữ “卍”. Người Indian ở Navajo thuộc Bắc Mỹ cổ đại (người Indian coi phù hiệu chữ “卍” tượng trưng cho thần gió và thần mưa), người Maya và Polynesia ở Nam và Trung Mỹ cũng đã sử dụng phù hiệu “卍”. Ở Trung Quốc, sự xuất hiện của phù hiệu chữ “卍” có thể truy ngược từ thời kỳ đồ đá mới.
Trên tảng đá lớn được phát hiện ở Yorkshire nước Anh có khắc hoa văn chữ “卍”, được cho là khắc vào khoảng năm 2000 TCN. Các nhà nghiên cứu còn phát hiện những tảng đá khắc tương tự ở Thụy Điển và Ý.
Phù hiệu chữ “卍” ở Hy Lạp cổ đại (tranh gốm)
Phù hiệu chữ “卍” ở Ai Cập cổ đại (tranh gốm)
3. Phù hiệu chữ “卍” trong lịch sử Trung Quốc
Nếu bạn cho rằng ký tự “卍” được truyền nhập vào Trung Quốc cùng với Phật giáo, thì đó là một sai lầm lớn. Theo các phát hiện khảo cổ hiện nay, từ thời kỳ đồ đá mới khoảng 9000 năm trước, Trung Quốc đã xuất hiện các hoa văn có ký tự hình chữ “卍”. Hoa văn này không chỉ xuất hiện mà còn thường xuyên được tìm thấy trong các di tích cổ đại ở nhiều nơi tại Trung Quốc, bao gồm Cam Túc, Thanh Hải (văn hóa Mã Gia Diêu), Quảng Đông (văn hóa Thạch Hạp), Nội Mông (văn hóa Tiểu Hà Diên), Hồ Nam (văn hóa Bành Đầu Sơn, văn hóa Cao Miếu), Chiết Giang (văn hóa Hà Mỗ Độ), Sơn Đông (văn hóa Đại Vấn Khẩu), v.v. Hiện tượng này cho thấy rằng từ thời cổ đại, tổ tiên người Trung Quốc không xa lạ gì với biểu tượng thiêng liêng này. Do đó, sự xuất hiện của ký tự “卍” ở Trung Quốc không chỉ sớm hơn thời kỳ của Phật Đà, mà còn sớm hơn cả thời kỳ khởi nguồn của Phật giáo ở Ấn Độ.
Hiện nay chúng ta biết rằng ký tự “卍” xuất hiện sớm nhất trong văn hóa Bành Đầu Sơn cách đây khoảng 9000 năm trước. Trên các đồ gốm trong văn hóa Cao Miếu ở Hồ Nam khoảng 7400 năm trước và trong văn hóa Hà Mỗ Độ (khoảng 6900 năm trước), người ta phát hiện một chiếc đĩa gốm có bốn con chim tạo thành hình chữ “卍” với mỏ chim làm biểu tượng trung tâm. Các hoa văn chữ “卍” chủ yếu xuất hiện trên nhiều đồ gốm thuộc loại Mã Xưởng trong văn hóa Mã Gia Diêu ở khu vực Cam Túc và Thanh Hải, có niên đại khoảng 4000 năm trước; trong văn hóa Thạch Hạp ở Quảng Đông khoảng 4800 năm trước, người ta cũng phát hiện các đồ gốm có hoa văn chữ “卍”; trong văn hóa Tiểu Hà Diên tại Nội Mông cũng khai quật được một chiếc bình lớn miệng rộng cũng có vẽ ký tự “卍”, có niên đại khoảng 4870 năm trước. Những khám phá khảo cổ ở các địa phương khác cũng không ít: ví dụ như trên các đồ gốm văn hóa Tiểu Hà Diên được khai quật ở khu mộ đá Thạch Bồng Sơn, Ngạo Hán Kỳ, Liêu Ninh, phát hiện có bảy ký tự “卍” được khắc và vẽ. Trên các bức họa đá ở núi Burhantu, Urat hậu kỳ Nội Mông, và trên các viên đá khắc nhân tạo thời Hán Ngụy được khai quật ở Shaya, Tân Cương, cũng có phát hiện ký tự “卍”.
Đồ gốm màu và hình phóng đại của ký tự “卍” được khai quật từ di tích văn hóa Đại Vấn Khẩu M2007 (Văn hóa Đại Vấn Khẩu, khoảng năm 4300 TCN ~2500 TCN).
Bình gốm loại Mã Xưởng được khai quật từ Quan Hộ Đài, huyện Dân Hòa, có niên đại khoảng 6300 năm trước.
Ký tự may mắn “卍” trên đồ gốm văn hóa Tiểu Hà Diên, có niên đại khoảng 4500 năm trước.
Bình gốm loại Mã Xưởng, được khai quật từ khu mộ Liễu Loan, huyện Lạc Đô, tỉnh Thanh Hải vào năm 1975, có niên đại khoảng 4300 năm trước.
Vào năm 1980, một chiếc bình gốm cổ dài có hoa văn “卍” từ thời kỳ đồ đá mới được khai quật tại huyện Dân Hòa, tỉnh Thanh Hải. Xung quanh bình có hoa văn bốn hình tròn kết hợp với ký tự “卍”, đường nét tròn trịa, rõ ràng, được chế tác rất tinh xảo.
Bình cổ dài có hoa văn chữ “卍” của văn hóa Mã Gia Diêu thời kỳ đồ đá mới.
Ngoài những vật dụng cổ của Trung Quốc sử dụng ký tự “卍” đã đề cập ở trên, trên móc đai bằng đồng của nước Ba Thục cổ cũng có ký hiệu tương tự chữ “卍” (chữ “卍” kèm theo khung vuông). Ở thời nhà Đường, từ thời Đường Đức Tông đến cuối thời Đường, đã từng phổ biến gương chữ “卍”, như chiếc gương đồng khai quật từ khu mộ Lưu Gia Cừ, huyện Thiểm, tỉnh Hà Nam, có ký hiệu hình chữ “卍” rỗng, bên cạnh có bốn chữ “Vĩnh Thọ Chi Kính”. Chiếc bát sứ thời Tống khai quật ở Huệ Dương, Quảng Đông, bên trong có ký hiệu tương tự chữ “卍” (chữ “卍” kèm theo hai vòng tròn). Tại di chỉ lò gốm Khúc Đấu Cung, Đức Hóa, Phúc Kiến thời nhà Nguyên đã khai quật được nhiều hộp phấn trang trí bằng chữ “卍”. Đầu thời Minh xuất hiện một loại mũ gọi là “khăn trùm đầu chữ 卍”, bát cánh hoa sen, đĩa hoa xanh thời Vạn Lịch cũng có ký hiệu chữ “卍” làm trang trí. Trên đĩa sứ xuất khẩu nổi tiếng “sứ Kraak” cũng thường thấy ký hiệu chữ “卍”, thông thường được làm viền trang trí, cũng có khi vẽ ở giữa đĩa làm hoa văn chính. Trên các sản phẩm dệt gấm, cửa sổ chạm khắc thời Thanh thường xuất hiện hoa văn “Vạn bất đoạn” liên kết bởi nhiều chữ “卍”, trên các sản phẩm thủ công khác cũng không khó tìm thấy. Người ta thường cho rằng, việc sử dụng ký hiệu chữ “卍” trên các vật dụng cổ qua các triều đại trên đều mang ngụ ý may mắn.
Đĩa sứ Kraak men xanh thời kỳ đầu nhà Thanh của lò gốm Đức Hóa (lấy hoa văn chữ “卍” làm họa tiết chính).
Kíp nổ được chế tạo vào tháng 2 năm Dân Quốc thứ 28 (năm 1940) có khắc ký tự “卍”.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/35250
Ngày đăng: 18-11-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.