Tuỳ bút tu luyện: Hãy để “hướng nội tìm” trở thành một thói quen



Tác giả: Vũ Tôn

[ChanhKien.org]

Sư tôn trong cuốn sách Chuyển Pháp Luân có giảng cho chúng ta rằng:

“Tu luyện chân chính, cần phải hướng tâm mà tu, hướng nội mà tu, hướng nội mà tìm, chứ không hướng ngoại mà tìm”.

Tôi thể ngộ rằng, đoạn giảng Pháp này của Sư tôn đã điểm rõ ra rằng, tu luyện chân chính, chính là tìm lại chính mình và hướng nội tìm.

Lý đã biết là như vậy, nhưng mấy chục năm sống trong xã hội người thường, thậm chí là trong không biết bao nhiêu năm chuyển sinh luân hồi trên trần thế, người ta luôn đẩy mâu thuẫn ra ngoài, tìm lỗi của người khác đã trở thành một thói quen hiển nhiên. Có lẽ điều này đã hình thành nên cả một tư duy cố định, mỗi khi có vấn đề hoặc gặp việc bất mãn, là lập tức bắn ra ngoài như một mũi tên, cản cũng không cản nổi. Có thể đôi khi những chính niệm còn sót lại biết được là sai rồi, cần tìm lại chính mình, nhưng quán tính tư duy lớn mạnh đã cản trở, căn bản không thể đảo ngược lại được. Niệm đầu hướng ngoại tìm mạnh mẽ như một làn sóng tiến lên, sức mạnh của bản thân căn bản không có cách nào để chuyển biến loại niệm đầu này, từ đó tạo thành đủ loại nhân tâm, không thể tìm được chính niệm của người tu luyện nữa.

Cách đây một thời gian, nhiều lần đọc bài viết của đồng tu trên trang Minh Huệ Net có tựa đề “Hãy tự hỏi bản thân “Mình có điều gì không phù hợp với Đại Pháp?”, tôi đã thu được rất nhiều lợi ích từ bài viết đó. Trong bài viết, đồng tu đã chia sẻ tâm đắc của mình về việc “hướng nội tìm”. Đồng tu đặt “hướng nội tìm” trở thành một thói quen, không phải cứ xuất hiện vấn đề thì mới đi hướng nội tìm, mà hàng ngày đều tự vấn chính mình, kiểu tự vấn này không phải là một loại chất vấn mang tính phê phán cần phải tìm ra kết quả, mà là sự chú ý, tìm kiếm thầm lặng như gió xuân và mưa phùn thấm ướt vạn vật, nhẹ nhàng hướng dẫn và khám phá bản thân, đề cao bản thân, từ đó hóa giải được các vấn đề.

Tôi cũng đã từng thử tự vấn bản thân: Tôi có chỗ nào chưa phù hợp với Đại Pháp? Sau khi nói vài lần, trong lòng thấy bình yên đến kỳ lạ, ồ, hóa ra “hướng ngoại tìm” sẽ đi kèm với kích động, tức giận bất bình, còn “hướng nội tìm” thì lại khiến mình cảm thấy bình yên, tường hòa hơn. Không có gì ngạc nhiên khi trong bài viết có đoạn: Có một đồng tu luôn thấy oán hận đối với một đồng tu khác, trên đường đến nhà đồng tu ấy liên tục nghĩ đến câu “Tôi có chỗ nào chưa phù hợp với Đại Pháp”, thì khi chưa tới nhà của đồng tu, trong lòng đã không còn thấy bất bình, oán hận nữa. Hàm nghĩa của câu “hướng nội tìm” quả là bác đại tinh thâm, và thù thắng vô tỷ.

Hiện nay hàng ngày tôi đều tranh thủ dành chút thời gian ngồi xếp bằng, trong lòng thầm niệm: “Tôi có chỗ nào chưa phù hợp với Đại Pháp?”, khi đó tư duy “hướng ngoại nhìn, hướng ngoại tìm” đã có thay đổi rất lớn, loại thay đổi này không phải là dùng vũ lực của con người để bắn ra ngoài như một mũi tên để hướng vào chính mình, mà là kết quả của việc chủ động đồng hóa với Đại Pháp.

Sư tôn có giảng:

“Làm người tu luyện, hướng nội tìm, đây là Pháp bảo”. (Giảng Pháp tại các nơi IX – Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế Washington DC năm 2009)

Hãy chuyển hóa từ tư duy người thường của chúng ta sang tư duy của người tu luyện, để “hướng nội tìm” trở thành một thói quen.

Con xin khấu tạ Sư tôn.

Bài viết có điểm nào chưa phù hợp với Pháp, mong được các đồng tu từ bi chỉ chính.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/275070



Ngày đăng: 12-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.