Câu chuyện luân hồi: Sứ mệnh của Vương Chiêu Quân (Phần 1-2)
Tác giả: Tử Vi
[ChanhKien.org]
3. Ứng mệnh trời, Chiêu Quân ra nơi biên cương xa xôi, hoằng dương văn hóa nhà Hán an định biên cương
Người Hán không hề biết gì về đời sống của Chiêu Quân tại biên ải, chỉ dựa trên những hiểu biết và giả định của bản thân mà cho rằng Chiêu Quân ai oán. Tôi cho rằng Chiêu Quân có nhớ nhà, nhưng tuyệt đối không phải là ai oán. Hơn nữa Chiêu Quân tại biên ải có rất nhiều trải nghiệm, nhưng người Hán lại không hề biết được việc này.
Chiêu Quân lấy thân phận công chúa xuất giá ở phương xa. Thiền Vu Hô Hàn Tà coi Chiêu Quân là yên chi (cách gọi vợ vua của người Hung Nô – chú thích của người dịch). Vì để vơi bớt nỗi khổ nhớ quê hương của Chiêu Quân, ông cho người xây dựng cung điện của người Hán, ban tặng cho Chiêu Quân ở. Vào mùa đông năm thứ hai Chiêu Quân ở thảo nguyên, một đêm tối nọ trời đột nhiên giáng tuyết lớn, rất nhiều đàn dê bị tuyết vùi chết, Thiền Vu cùng Chiêu Quân đồng thời cùng gửi thư về triều đình nhà Hán để nhờ cứu trợ. Nhờ có vật tư cứu viện của Hán triều nên mối nguy nan của thảo nguyên đã được giải quyết. Một thời gian sau, Chiêu Quân sinh một người con cho Thiền Vu. Duyên phận phu thê của Thiền Vu Hô Hàn Tà và Chiêu Quân chỉ kéo dài ba năm, do Thiền Vu Hô Hàn Tà bị người khác đầu độc chết.
Sau khi Thiền Vu Hô Hàn Tà qua đời, con trai trưởng của Hô Hàn Tà Thiền Vu là Điêu Đào Mạc Cao kế vị, lịch sử gọi là Thiền Vu Phục Chu Luy. Chiêu Quân biết rằng bản thân cần phải tuân thủ tập tục của Hung Nô, gả cho Thiền Vu kế thừa. Người Hung Nô có tập tục mẹ kế sau khi chồng chết phải gả cho người kế thừa. Ba năm sinh sống ở biên ải, Chiêu Quân hiểu biết sâu sắc cuộc sống sinh hoạt của người Hung Nô. Đặc biệt là sự ngoan cường và lạc quan của người phụ nữ Hung Nô, để lại cho Chiêu Quân một ấn tượng sâu sắc.
Trong lòng Chiêu Quân, có một lý niệm trước sau như một, trong huyết mạch mang đậm dấu ấn văn hóa của người Hán. Nhưng ở tại đất người Hung Nô, Chiêu Quân phát hiện rằng quyết định của cô không chỉ liên quan đến bản thân, mà còn quan hệ đến an nguy của hai vùng đất. Nếu bản thân cô ôm giữ lý niệm của người Hán, không gả cho Thiền Vu kế tục, tự sát chết đi, thì sẽ dẫn khởi chiến tranh; cô bỏ đi, cũng sẽ dẫn khởi chiến tranh, cô chỉ có thể tuân theo tập tục tái giá của vùng đất này. Nhưng cô muốn thiên tử nhà Hán biểu thị một thái độ cho mình, cô ấy viết thư cho Hán Thành Đế, thỉnh cầu cho được hồi hương. Trong lúc viết thư, Chiêu Quân cũng biết câu trả lời của thiên tử nhà Hán tất nhiên là muốn cô tuân thủ tập tục của Hung Nô. Nhưng trong lòng Chiêu quân cũng rõ ràng rằng bản thân cô tất phải viết bức thư này, cô muốn chiếu thư của Hoàng thượng mở cho mình một con đường, như vậy, lựa chọn của mình sẽ tuân theo chỉ ý của thiên tử (chú thích của người dịch: Thời xưa, người con gái khi lấy chồng cần hỏi ý của cha mẹ, Vương Chiêu Quân có thân phận là công chúa nhà Hán, như vậy đương nhiên phải xin ý kiến của Hoàng đế nhà Hán). Quả đúng như vậy, Hán Thành Đế hạ chiếu thư, để Chiêu Quân theo tập tục của Hung Nô tái giá.
Trong lúc Chiêu Quân viết thư, đã xảy ra một sự việc như sau. Thư của Chiêu Quân rơi vào tay thuộc hạ của Thiền Vu Phục Chu Luy. Bắt được thư, Thiền Vu đến lều của Chiêu Quân, thấy Thiền Vu ném ra phong thư, Chiêu Quân sững sờ một lúc, đối mặt với chất vấn của Thiền Vu, Chiêu Quân quỳ xuống đất giải thích: “Thiếp viết thư thỉnh cầu quay về là xin chỉ ý. Quan niệm về phụ nữ Hán khác với quan niệm của người Hung Nô, nếu như bản thân không nói lời nào mà tái giá, thì sẽ là bất kính với triều đình nhà Hán, dù gì thiếp cũng đã cưới Thiền Vu trước đây. Sau khi chồng chết, dựa theo tập tục, người phụ nữ thỉnh cầu trở về là việc nên làm, không sai”. Thiền Vu hỏi: “Nếu như Hoàng đế cho phép nàng về quê, ta còn thể diện nào nữa đây? Nàng nghĩ kết cục sẽ ra sao? Muốn khơi mào chiến tranh sao?” Chiêu Quân đáp: “Hoàng đế triều Hán sẽ không cho thiếp về quê, Hoàng thượng sẽ không vì thiếp mà gây ra chiến tranh, hãy tin thiếp, thư phúc đáp của Hoàng thượng sẽ để thiếp lưu tại nơi này”. Trước ánh mắt đầy nghi hoặc của Thiền Vu, Chiêu Quân nói: “Chàng và thiếp có thể đánh cược, nếu Hoàng đế triều Hán đáp ứng thiếp ở lại, Hung Nô và Hán tộc sẽ không có chiến tranh; vạn nhất Hoàng đế triều Hán đáp ứng để thiếp quay về, chàng muốn chiến tranh với Hán Triều, hãy giết thiếp đi rồi tuyên chiến”. Lời nói của Chiêu Quân khiến Thiền Vu vô cùng kinh ngạc. Anh luôn cho rằng người phụ nữ yếu đuối này không thể nói ra những lời lẽ cứng rắn như vậy.
Thư gửi đi, đúng như dự đoán, Hán Thành Đế muốn Chiêu Quân tái giá theo tập tục Hung Nô. Chiêu Quân tuân theo tập tục thảo nguyên, gả cho Thiền Vu kế nhiệm Phục Chu Luy, khi ấy, Thiền Vu Phục Chu Luy ba mươi tuổi, Chiêu Quân hai mươi mốt tuổi. Trong số vợ của Phục Chu Luy Thiền Vu, còn có một người phụ nữ cứng rắn đến từ một bộ tộc Hung Nô khác, Chiêu Quân biết rằng, Thiền Vu coi cô là một viên ngọc quý, lúc cần thiết, là một bảo bối có thể giải thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, dù gì thì đằng sau cô cũng là thế lực hùng mạnh của triều Hán.
Chiêu Quân nỗ lực thích ứng thảo nguyên, không oán trời trách người. Cô đã dần hòa nhập với cuộc sống sinh hoạt của người dân thảo nguyên, dần thích ứng với mùa đông dài đằng đẵng cũng như bầu trời âm u, cái lạnh thấu xương, thức ăn hôi tanh và cuộc sống trong căn lều vải nỉ. Thiền Vu Phục Chu Luy cũng giúp Chiêu Quân trong việc thích ứng với thảo nguyên. Anh cho Chiêu Quân biết về nữ nhân mặt sói, người nữ nhân đó là một người bị thương khi chiến đấu với chó sói, khuôn mặt bị móng vuốt của sói xé toạc, sau đó chồng của cô chết đi, người em trai tiếp nhận tất cả từ anh trai, người phụ nữ mặt sói rất ít nói, một mực làm việc, tránh xa lều của người khác. Chiêu Quân biết cái khổ của nữ nhân đó, cũng biết được sự khổ tâm của Thiền Vu Phục Chu Luy, anh muốn Chiêu Quân hiểu sâu sắc rằng, điều quan trọng nhất với con người là vấn đề sinh tồn.
Yên Chi của Thiền Vu Phục Chu Luy là một người phụ nữ không dễ chung sống, cô ấy đố kỵ với diện mạo của Chiêu Quân, lại dễ bị người khác xúi giục, Chiêu Quân vẫn luôn dung nhẫn, cô ấy lại không biết điểm dừng. Địa vị của nữ nhân trên thảo nguyên được quyết định bởi sự cống hiến của người đó, sự cống hiến này sẽ đem lại vinh diệu cho họ. Chiêu Quân từng giúp đỡ thảo nguyên nhiều lần, mỗi khi thảo nguyên gặp tai nạn, mưa đá, bệnh dịch muỗi, bệnh dịch gia súc, người thiếu thức ăn nước uống, bệnh tật, Chiêu Quân có thể giải quyết nguy nan đó của thảo nguyên. Do đó, cả Thiền Vu Hô Hàn Tà và Thiền Vu Phục Chu Luy, đều đã dạy Chiêu Quân cách phân biệt thịt cừu bị ngâm trong độc, lúc đó, Chiêu Quân nhận ra hoàn cảnh của mình, cô là một người phụ nữ khôn ngoan, âm thầm tự bảo vệ mình.
Chiêu Quân khi rời khỏi cung điện nhà Hán đã mang theo rất nhiều sách, trong đó có một bức vẽ kỳ lạ do công chúa Giải Ưu mang về từ Tây Vực. Thời đó có người cho rằng nó có thể khiến tứ chi linh hoạt dẻo dai, từ hình ảnh mà tôi nhớ được, tôi cho rằng là yoga đến từ Ấn Độ, nhưng tâm pháp của nó đã thất truyền. Chiêu Quân sử dụng nó như một thuật mềm thân để rèn luyện thân thể. Thực hiện đúng từng động tác, mỗi động tác đều có thể kiên trì trong một thời gian dài, thường đổ mồ hôi nhiều, nhưng cũng cảm thấy thoải mái. Thói quen tốt này khiến thân thể không chỉ duy trì sự dẻo dai mà còn giữ được dung nhan.
Thiền Vu Phục Chu Luy ý thức được sự tiên tiến của văn hóa Hán, ông ủng hộ Chiêu Quân tại thảo nguyên dạy mọi người văn hóa Hán. Chiêu Quân mang phương thức trồng trọt, dệt may, nấu ăn, y dược, ca vũ… của người Hán đến thảo nguyên. Chiêu Quân là đại biểu của văn hóa người Hán ở thảo nguyên, cô quan tâm đến bách tính, dung nhập với thảo nguyên, có tấm lòng bác ái, vì vậy mọi người cũng dần yêu thích người con gái đẹp đa tài đa nghệ này, coi cô như là phúc âm của thảo nguyên.
Chiêu Quân có vài lần sớm nhận thức được nguy nan của thảo nguyên, có lần cô nằm mộng thấy dịch bệnh ở thảo nguyên, hoặc có lần khi nhẩm đọc Đạo Đức Kinh cô nhìn thấy các hình thức tai nạn giáng xuống, thấy được những hình ảnh đáng sợ, thấy những người du mục trên thảo nguyên, gia súc trong chuồng, người ở trước lều, chẳng mấy chốc, gia súc bị nhiễm bệnh, có người bị lây bệnh.
Ở trên thảo nguyên, còn có một người cũng có thể sớm biết trước được tai nạn giáng xuống, ông là Thông Nhãn Vu. Ông là người có công năng, có thể biết được thiên ý, chữa trị được các loại bệnh kỳ lạ, người ở thảo nguyên rất tôn kính ông. Thông Nhãn Vu cho rằng, tai nạn là do Thần linh muốn đào thải sinh mệnh, con người sẽ không thể trốn thoát, chỉ có thể bị động tiếp thụ, sống chết tại số. Thông Nhãn Vu ngồi xếp bằng trong chiếc lều của mình rồi nhìn vào thảo nguyên, ông thấy thảm họa sắp đến, rất nhanh chóng, ông phát hiện ra bức thư của Chiêu Quân đã được gửi đi, trong bức thư đó báo về một thảm họa phát sinh, để người Hán chuẩn bị vật tư cứu tai nạn. Thông Nhãn Vu giật mình, ông đột nhiên đứng dậy, nhưng lại ngồi trở lại. Ông cho rằng, Chiêu Quân không phải là người thường, ông muốn quan sát Chiêu Quân, nếu như Chiêu Quân gây hại cho thảo nguyên, ông sẽ trừ khử Chiêu Quân, ông muốn thảo nguyên an toàn, để ông có thể ở nơi an toàn này luyện những thứ của mình.
Khi tai nạn thật sự đến, khi bức thư cầu viện của Thiền Vu gửi đi, Thông Nhãn Vu phát hiện, vật tư cứu viện đã đang trên đường chuyển đến. Trong đó có các loại thuốc, có thể giải trừ chướng khí (là một loại khí lạnh hay hơi độc phát ra từ xác chết) của thảo nguyên, có thể cứu giúp mọi người. Thông Nhãn Vu đã yên tâm, ông ta cho rằng Chiêu Quân có thể trở thành người bạn tôn quý của thảo nguyên. Chẳng mấy chốc, mọi người đã truyền tai nhau: Bức thư của công chúa gửi đi có hiệu quả thần kỳ, có thể giải cứu nguy nan của thảo nguyên. Những vị đại phu người Hán sẽ cứu trị cho người và gia súc, họ đem những người bệnh cách ly, điều trị riêng. Người ta đồn rằng, công chúa làm việc chăm chỉ với các đại phu người Hán, không sợ bị lây nhiễm.
Thông Nhãn Vu cũng phát hiện, những thứ cuồn cuộn từ trong ký ức của Chiêu Quân, có thể phát ra năng lượng, giống như dòng sông, không đứt đoạn, có những sinh mệnh mặc giáp vàng kỳ lạ đang bảo hộ Chiêu Quân. Đồng thời, trên người Chiêu Quân có một thứ gì đó bảo vệ, trên đó có hai con cá đang đuổi nhau và còn có những văn tự xem không hiểu. Có một lần, Thông Nhãn Vu quyết định thử một chút độ thâm sâu của những thứ này, kết quả phát hiện, những thứ ông niệm chú gọi đến đều bị chặn lại ở ngoài lều của Chiêu Quân, có thiên binh thiên tướng đang bày trận bảo hộ vị công chúa đó. Trong thời gian này còn phát sinh một sự việc kỳ lạ, từ trong lều của Thiền Vu Phục Chu Luy xông ra một lực lượng hình con rồng gia nhập vào hàng ngũ bảo vệ; từ trong lều của mẫu thân của Thiền Vu Phục Chu Luy (vợ chính của Thiền Vu Hô Hàn Tà), cũng xông ra một lực lượng gia nhập vào hàng ngũ bảo vệ. Thông Nhãn Vu nhanh chóng thu lại những thứ mình gọi đến, Thông Nhãn Vu còn chuyển đi, rời xa nơi sống của vị công chúa người Hán, ông cho rằng, những thứ không động được tốt nhất không nên động, nên chuyên tâm làm việc của mình thì hơn.
Tôi giải mã một chút cảnh tượng mà Thông Nhãn Vu nhìn thấy. Dòng năng lượng mà Thông Nhãn Vu nhìn thấy, là cảnh tượng triển hiện ra ở không gian khác khi Chiêu Quân đọc Đạo Đức Kinh. Thông Nhãn Vu nhìn thấy đồ hình Thái Cực, nhìn thấy bùa hộ thân của Chiêu Quân, bùa hộ thân đó là do người nhà mẹ đẻ của Hoàng hậu Vương Chính Quân xin từ một vị đạo sĩ, nó đã được đạo sĩ gia trì, rồi sau đó Hoàng hậu đem nó tặng cho Chiêu Quân. Khi Thiền Vu Hô Hàn Tà đưa Chiêu Quân về phương Bắc, có một vị đạo sĩ cản đường thỉnh cầu gặp công chúa, đạo sĩ nói với công chúa, bùa hộ mệnh này được ba vị tôn sư gia trì, bùa này nếu qua khỏi quan ải phía Bắc thì nhất định phải do người có tướng mệnh lớn nắm giữ, không thể rời khỏi thân thể, mong công chúa thường đọc niệm Đạo Đức Kinh để được bình an và bảo vệ tính mạng cho nhân dân.
Nhân đây, tôi giải thích một chút về người có tướng mệnh lớn, người có tướng mệnh lớn, tự thân có Thần hộ pháp. Thiền Vu có hộ pháp Thần binh, thì Chiêu Quân cũng có, trong số hộ pháp của Chiêu Quân, có loan phụng, Chiêu Quân mang danh phận công chúa, đó là danh phận có trong mệnh. Toàn bộ trang phục của công chúa là phục sức của thiên giới, mang theo sự uy nghi của thiên giới ở trong đó. Mỗi khi sứ thần của nhà Hán đến, Chiêu Quân đều xuất hiện với đầy đủ trang phục, dung nhan mỹ lệ, y phục đẹp đẽ, mũ áo tinh xảo, lễ nghi phức tạp đều khiến Thiền Vu Phục Chu Luy trong lòng tán thưởng.
Trên thảo nguyên cũng có thế lực phản đối công chúa, đó là một người phụ nữ thuộc tộc Bắc Hung Nô được gả cho Thiền Vu Phục Chu Luy, người phụ nữ này luôn bí mật sinh sự, xúi giục yên chi làm khó Chiêu Quân, nhằm phá hoại yên bình của thảo nguyên, cô ta đố kỵ với công chúa, muốn hại chết công chúa. Vì thế Thông Nhãn Vu quyết định mang những thứ vốn luyện dùng cho bản thân mình ra để bảo vệ công chúa. Thông Nhãn Vu nói với Thiền Vu Phục Chu Luy, Chiêu Quân là quý nhân của thảo nguyên, cần thiện đãi cô ấy, bảo vệ cô ấy. Thiền Vu biết rằng có người đang sinh sự, sau khi biết được người đứng đằng sau, ông đã bí mật hạ lệnh cho giải quyết người phụ nữ kia. Thiền Vu cảnh cáo Yên Chi, chớ có sinh sự, chớ có đố kỵ, rồi nói với Chiêu Quân, ở trên thảo nguyên, nàng không cần nhìn sắc mặt của người khác, nàng chỉ cần nhìn sắc mặt của ta là được rồi.
Thông Nhãn Vu nghĩ rằng công chúa đã thiết lập một trường năng lượng trên thảo nguyên, mang đến hơi thở của vương triều phương Nam. Dùng mắt mà xét, công chúa rất xinh đẹp, lại không già đi; về tâm mà xét, công chúa rất thiện lương không có tâm xấu; luận trí huệ mà xét, công chúa không ngốc nghếch, rất biết linh hoạt. Thông Nhãn Vu phát hiện, thiên ý cũng đứng về phía công chúa. Sau cùng, điều duy nhất khiến ông ta không bằng lòng với công chúa đó là, khi công chúa nhớ nhà, công chúa gảy cây đàn tì bà phát xuất ra thanh âm khiến người ta não lòng. Thông Nhãn Vu quyết định nói với Chiêu Quân, ông nói, cô đã kết rễ ở thảo nguyên, không nên cứ lưu luyến phương Nam, thảo nguyên cũng có bóng dáng của cô, cuộc sống sau này của cô không thể tách rời thảo nguyên, cô cần có một tâm hồn lớn như thảo nguyên vậy. Nếu cô đàn lại những giai điệu u sầu, thì tôi chỉ có thể làm thế này (Trong khi nói chuyện, Thông Nhãn Vu lấy ra hai viên cỏ nhung và nhét chúng vào tai). Chiêu Quân hiểu ý của thuật sĩ, lại không thể không cười.
Sự phó xuất của Chiêu Quân đối với thảo nguyên đã được sự công nhận của những người trên thảo nguyên, bao gồm cả sự sủng ái của Thiền Vu Phục Chu Luy. Người trên thảo nguyên đều hát hay múa giỏi, thượng tôn sức mạnh, năm nào trong đại hội đấu vật đều có dũng sĩ quyết thắng, Thiền Vu Phục Chu Luy cũng là cao thủ đấu vật, trong những ngày lễ sau này, khi vui vẻ, anh thường hát lên một ca khúc. Âm thanh cao bao la đó vang vọng khắp bầu trời. Lúc này, mẫu thân của Thiền Vu Phục Chu Luy, đã động viên Chiêu Quân tham gia cuộc vui, hoặc có người quỳ xuống hô to, thỉnh cầu công chúa phụ hát. Chiêu Quân xuất hiện rất nổi bật, khúc hát của Chiêu Quân rất uyển chuyển, thanh âm trong trẻo. Thiền Vu Phục Chu Luy rất kinh ngạc, có chút mê hoặc, thân thể mảnh mai của Chiêu Quân làm sao có thể phát ra giọng hát có sức xuyên thấu đến như vậy.
Trong lễ kỷ niệm sau đại hội đấu vật hàng năm, Thiền Vu có thể mang đi cô gái mà anh ta muốn, và vào ngày thứ hai, ban tặng danh hiệu cho cô ấy để cô ấy thành người phụ nữ của mình. Tuy nhiên, anh ta đã có một số lần làm ra những hành động kỳ lạ, dưới sự theo dõi của mọi người, anh đã đưa tay ra với Chiêu Quân. Khi Chiêu Quân còn đang ngạc nhiên, xung quanh cô ấy sẽ có tiếng vỗ tay và tiếng huýt sáo thiện ý, người hầu bên cạnh vội đẩy Chiêu Quân về phía Thiền Vu.
Thiền Vu Phục Chu Luy cũng có chỗ không hài lòng đối với Chiêu Quân, anh cảm thấy Chiêu Quân gầy rộc, ăn quá ít, cảm thấy cháo mà Chiêu Quân ăn không bổ dưỡng, bèn sai người cho sữa tươi vào nồi cháo của Chiêu Quân, đun thành váng sữa. Chiêu Quân cũng có nỗi lòng đau buồn, nên Thiền Vu rất lo cho Chiêu Quân, lo cô sống không lâu. Trong một đêm vào mùa hè, bên ngoài mưa rất to, Thiền Vu đột nhiên tỉnh dậy, cảm nhận có người đang cầu cứu anh, anh chạy thật nhanh tới lều của Chiêu Quân, phát hiện bên trong không có người, mò mẫm tìm quanh lều dưới mưa, anh đã tìm được Chiêu Quân bị mưa bão đánh ngã, liền cõng cô trở lại lều. Trong thời khắc đó, Thiền Vu Phục Chu Luy rất sợ hãi, sợ mất Chiêu Quân, sau việc này, anh nhất quyết gặng hỏi Chiêu Quân, có phải có một niệm đầu không muốn sống, muốn bị mưa bão cuốn chết. Chiêu Quân liên tục biện bạch rằng cô tỉnh dậy và muốn ra ngoài hít thở nhưng cơn mưa đến trút xuống quá nhanh. Trận mưa xối xả này chính là số mệnh của Chiêu Quân, những sinh mệnh ở không gian khác đang bảo vệ Chiêu Quân, họ biết rằng Chiêu Quân gặp phải tai họa này nhưng không tổn hại đến tính mạng.
Thiền Vu Phục Chu Luy thích nhìn Chiêu Quân tràn đầy sức sống, thích Chiêu Quân mặc áo choàng và ôm cây đàn tì bà trên tay, nhưng anh không thích Chiêu Quân chơi những bản nhạc buồn, và cũng không thích cô ấy đau lòng và cau mày. Kỳ thực, sau này mới xuất hiện sự việc Chiêu Quân đau lòng. Sau khi kết hôn với Thiền Vu Phục Chu Luy, trong một bữa tiệc lửa tại một lễ hội, người kể chuyện già râu tóc bạc trắng đã hát những bài ca cổ của Hung Nô, để tưởng nhớ lại vinh quang của tổ tiên, ca ngợi Mặc Đốn Thiền Vu huy hoàng nhất trong lịch sử Hung Nô. Khi nghe đến đoạn Thiền Vu Mặc Đốn giết người phụ nữ yêu dấu của mình, bất giác đột nhiên Chiêu Quân cảm thấy đau lòng, một cảm giác bi thương. Sau này, cảm giác này cũng bất chợt xuất hiện. Chiêu Quân không biết rằng, sự đau lòng này có quan hệ với mối hận trong lịch sử, có quan hệ với Thiền Vu Phục Chu Luy, Thiền Vu Phục Chu Luy trong quá khứ đã từng làm tổn thương bản thân cô, anh có ân oán kiếp trước với Chiêu Quân, ở kiếp sau cũng quyến luyến đối với Chiêu Quân, trong các vị Quân vương của phương Bắc, anh cũng có thể tính vào hàng cực phẩm (hạng nhất) rồi.
Nhìn lại quá khứ, tôi thấy hành trình đã trải qua của một người phụ nữ từ cung đình nhà Hán hướng đến thảo nguyên đảm nhận thiên mệnh, nhìn thấy hành trình của một người phụ nữ xinh đẹp gánh vách trên vai sứ mệnh với trái tim tràn ngập ánh nắng và niềm tự hào. Đã là một anh hùng hào kiệt, Thượng Thiên ban cho họ tài văn có thể an bang, tài võ có thể trị quốc. Với một người phụ nữ, liệu có thể làm được như vậy? Câu trả lời là có. Chiêu Quân được Thượng Thiên giao cho một sứ mệnh như vậy, và để cô ấy đảm nhận sứ mệnh hòa thân, ổn định biên giới giữa nhà Hán và Hung Nô, đồng thời để họ kết duyên với nền văn hóa Hán. Người đời sau đánh giá rất cao vai trò của Chiêu Quân: “Kể từ khi Chiêu Quân ra nơi biên thùy, hai tộc Hán và Hung Nô không có chiến tranh, nhân khẩu đông đúc, vùng biên cương yên ổn, ngựa trâu đầy đàn, ba đời không phát sinh chiến loạn, không có cảnh bắt người đi chiến đấu”.
(Còn tiếp)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/273221
Ngày đăng: 02-04-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.