Đừng sao lãng với những vấn đề nhỏ
Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc
[ChanhKien.org] Khi đến ngân hàng, tôi thấy ở trên bàn có một tấm biển đề “Thẻ điện thoại Nuo Che”. Người bảo vệ nói: “Cái này phát miễn phí đấy, chị nên lấy một cái”. Tôi tự nhủ thật trùng hợp, mình cũng đang có nhu cầu, thế là tôi lấy một cái. Sau đó tôi lại nghĩ, vì phát miễn phí, tôi có thể lấy một cái nữa không? Tôi hỏi người bảo vệ, anh nói: “Lấy đi. Cái đó phát miễn phí mà”. Tôi lại nghĩ, vì là miễn phí, tôi nên lấy thêm, thế là tôi lấy năm cái. Rồi tôi nhẩm tính nếu tặng cho gia đình và bạn bè thì năm cái chắc chắn không đủ, nên tôi lại hỏi người bảo vệ. Người bảo vệ mỉm cười và nói: “Cứ lấy đi. Phát miễn phí mà”. Cuối cùng tôi lấy thêm 10 cái nữa. Trong lòng tôi khấp khởi mừng thầm và nghĩ rằng mình có thể về nhà và tặng thẻ cho rất nhiều người. Một thẻ Nuo Che chẳng là gì cả. Nếu bạn không lấy thì người khác cũng sẽ lấy thôi.
Khi tôi về đến nhà và tặng thẻ cho bạn bè, một số người nói: “Tôi đã có một cái rồi. Thôi cảm ơn chị”. Số khác chỉ lấy một cái, thế là tôi nói: “Lấy thêm một cái nữa nhé? Thẻ miễn phí mà”. Bạn tôi nói: “Một cái là đủ rồi, không cần nữa đâu”. Chỉ khi đó tôi mới giật mình tỉnh ngộ. Khi tôi cứ lấy thêm những thẻ này, trên bề mặt là tôi lấy chúng cho những người khác, nhưng sâu bên trong đó là tâm tham lam. Tôi tự vấn bản thân: “Một vị Thần có làm điều này không? Liệu họ có tâm tham lam này không? Lấy những thứ của người này để phát tặng người khác, mình là loại người gì vậy?” Ngay cả khi nó không phải là của tôi và tôi có thể lấy bao nhiêu tùy thích, thì lấy nhiều lần chính là ích kỷ. Khi tôi tặng thẻ cho người thường, họ chỉ lấy một cái và từ chối lấy thêm. Ấy vậy mà tôi đã lấy hàng chục cái. Tôi còn tham lam hơn cả người thường. Tâm chấp chước này sao mà xấu xa và dơ bẩn đến thế!
Tôi chợt nhớ có một học viên trở về từ Canada đã kể với tôi rằng: có một siêu thị dành cho người nghèo, và tất cả mọi thứ đều phát miễn phí. Tôi đã rất ngạc nhiên: “Có cả nơi mà bạn có thể lấy những thứ miễn phí ư?” Đồng tu đó nói: “Những người dân địa phương đến siêu thị đó chỉ lấy một chút ít thôi. Họ chỉ lấy vừa đủ khẩu phần ăn của họ. Người Trung Quốc không giống như thế. Họ nhét đầy túi lớn túi nhỏ như là những con bò chết đói nhìn thấy cỏ non vậy. Thật là quá tham lam”. Bây giờ tôi mới nghĩ về điều này, nếu mà tôi đến siêu thị dành cho người nghèo đó, thì có lẽ tôi cũng đã giống như một con bò chết đói. Khi một người phải quyết định một việc gì đó mà không có ai theo dõi thì đó là khi tâm tính và cảnh giới của người đó bộc lộ rõ ràng nhất.
Một vài lần khi tôi đi ăn buffet với những người bạn không phải học viên, họ thường nói: “Hãy ăn đủ cho hai bữa để khỏi phí tiền”. Thế là mọi người đều ăn uống rất nhiều trước khi họ lê bước ra khỏi nhà hàng. Mặc dù tôi đã không ăn nhiều như họ nói, tôi cũng có tâm tham lam và không muốn phí tiền. Thật là tâm tham lam đáng hổ thẹn và ngoan cố. Liệu Thần có nghĩ như thế không? Liệu họ có ăn như thế không?
Thỉnh thoảng bạn bè rủ tôi đi ăn nhà hàng, sau khi chúng tôi an tọa và thậm chí trước khi tất cả các món ăn được dọn ra đầy đủ, tôi đã mất kiên nhẫn rồi. Tôi vô thức cầm đôi đũa lên và nói: “Còn chờ gì nữa. Hãy ăn đi…” Thực tế là bên trong tôi đang rất thiếu kiên nhẫn và tham lam. Tôi không lịch sự và khiêm nhường đặt người khác lên trước, mà đó là tâm chấp chước rằng tôi cao hơn người khác. Sự ích kỷ này thể hiện rất tự nhiên và được chôn giấu rất sâu. Đặc biệt khi tôi nhìn thấy những món mà tôi thích, tôi luôn muốn ăn thêm một vài miếng. Tôi đã không cân nhắc rằng nếu tôi ăn thêm thì những người khác cùng bàn sẽ phải ăn ít đi. Một lần nọ tôi tham dự một bữa tối có món bào ngư. Tôi nghĩ rằng đây là món ăn bổ dưỡng mà tôi hiếm khi được ăn, nên tôi đã ăn hai con. Rồi tôi nghe thấy ai đó nói rằng mỗi đĩa chỉ có 10 con, nên mỗi người chỉ được một con thôi. Bởi vì mỗi bàn có 10 người, nghĩa là chắc chắn sẽ có một người không được ăn. Khi tôi nhớ lại những điều nhỏ nhặt này, tôi thấy vô cùng xấu hổ. Làm sao mà một người tu luyện như tôi lại có thể làm những điều này kia chứ?
Những việc nhỏ nhặt này thực ra không nhỏ chút nào. Chỗ khó là nhận ra những “việc nhỏ” ấy, nhận ra rồi nhưng để chúng trôi qua, hoặc nhận ra và nghĩ rằng nó không có vấn đề gì to tát, không phải là khổ nạn lớn gì. Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn của Pháp, thì có thể nhận ra ngay rằng những việc này không hề nhỏ chút nào.
Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7236
Ngày đăng: 12-09-2017
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.