Thầy giáo đại học: Xả thân thỉnh Pháp – Trong trại tạm giam đọc Chuyển Pháp Luân (Phần 1)
Tác giả: Mai Sâm
[ChanhKien.org]
Ở giữa sàn nhà u ám trong trại tạm giam của chính quyền Trung Cộng, hai tay tôi nâng niu cuốn sách. Trên bìa cuốn sách, dưới cảnh nền vũ trụ xanh bao la, một Pháp Luân lớn hình tròn chói lọi đang xoay chuyển, xung quanh Pháp Luân lớn rải rác các Pháp Luân nhỏ lấm tấm, ở trên Pháp Luân lớn là ba đại tự viết theo chính thể lấp lánh: CHUYỂN PHÁP LUÂN. Những người bị tạm giam trong phòng đều nín thở nhìn chăm chú, ánh mắt dồn cả vào ba chữ này. Ánh nắng ban mai xuyên qua song sắt phòng giam rọi xuống, chiếu sáng ba chữ “Chuyển Pháp Luân” này tạo nên hào quang lấp lánh. Cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” ấy phá tan sự u ám của phòng giam, hiển lộ ra một vầng sáng chói; cũng là cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” này đã lật ngược sự chuyên chế của phòng giam, triển hiện ra Phật Pháp vô biên. Trưởng phòng giam trợn mắt sững sờ nhìn cuốn “Chuyển Pháp Luân” trên tay tôi, dường như ông ta không thể tin vào mắt mình và không kiềm chế được thốt lên: “Thắng lợi rồi! Đây là thắng lợi của Pháp Luân Công!”
Cảnh tượng này diễn ra tại trại tạm giam của Trung Cộng vào mùa đông năm 2000. Trước đó, tôi là giảng viên đại học. Từ nhỏ tôi đã thích đọc sách, mà cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” này nổi bật giữa hàng trăm cuốn sách tôi đã đọc và trở thành ngọn đèn chỉ đường cho cuộc đời tôi.
Tôi đặc biệt đam mê sách từ khi còn nhỏ. Năm tôi tám tuổi, tôi nhận được một cuốn truyện tranh từ cha tôi. Từ đó trở đi, sách trở thành niềm yêu thích của tôi. Giai đoạn tiểu học, tôi đã đọc vô số sách truyện như “Thuyết Đường”, “Nhạc Phi truyện”, “Dương gia tướng quân”, “Tây Du Ký”, v.v. Những cuốn sách này đã đồng hành cùng tôi trải qua rất nhiều chặng đường hạnh phúc.
Sau khi vào trung học, sở thích đọc sách của tôi chuyển từ những câu chuyện sang tìm hiểu về đạo lý cuộc đời. Lòng tôi tràn ngập những câu hỏi về nhân sinh, tôi muốn tìm đáp án giữa những trang sách. Tôi thậm chí còn dùng tiền thuốc để mua sách, điều đó cho thấy niềm yêu thích đọc sách của tôi lớn đến mức nào. Tôi tự hỏi ý nghĩa cuộc sống ở đâu, và rồi tôi tìm kiếm câu trả lời trong sách. Tôi đã từng nghiêm túc đọc Lỗ Tấn, Mao Trạch Đông, sau đó là Marx, Freud, Maslow. Sách của họ khiến tôi càng hoang mang, càng đọc càng thấy phập phồng không yên. Sau này là các tác phẩm của Lev Tolstoy, Tagore, Goethe, Chu Tác Nhân, Karl Popper, v.v. Những cuốn sách này bắt đầu gợi mở cho tôi. Cuối cùng, tôi gặp được Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử và Thích Ca Mâu Ni. Họ từ từ thắp lên một chút ánh sáng trong lòng tôi, nhưng ánh sáng này vẫn mập mờ như cũ và không thể làm dịu hoàn toàn cơn khát.
Mãi đến năm 1996, khi đang học năm thứ hai đại học, tôi vô tình phát hiện ra cuốn “Chuyển Pháp Luân” trong “Hiệu sách Hoa Tín” không mấy nổi tiếng. Trong suốt kỳ nghỉ hè, tôi đắm chìm trong thế giới của cuốn sách này, tôi dường như đã tìm được đáp án cho cuộc sống, cảm giác phấn khích không thể diễn tả bằng lời.
Tôi nhớ có một lần, một người bạn cùng lớp đại học hỏi tôi có phải trúng số không, bởi vì nửa đêm anh ta thức dậy nghe thấy tôi cười khanh khách trong mơ. Bản thân tôi lại không hay biết gì, có lẽ đọc “Chuyển Pháp Luân” đã giải bỏ khúc mắc trong nhiều năm của tôi, khiến tôi cảm thấy hạnh phúc tự đáy lòng. Lại có một lần, tôi tham dự một Pháp hội Pháp Luân Công trong tỉnh, rất nhiều người cùng nhau thay phiên đọc “Chuyển Pháp Luân”, tôi không cầm lòng được, nước mắt đầm đìa. Khóc trước mặt mọi người quả thực rất ngại, nhưng đây là vì niềm hạnh phúc xuất ra từ bên trong.
Một cuốn sách “Chuyển Pháp Luân” đã từng làm tôi cười, từng làm tôi khóc và mang lại cho tôi niềm hạnh phúc thực sự mà những cuốn sách khác không thể so sánh được.
Từng có một vị thầy bói tiên đoán rằng tôi sẽ bước vào đại đạo quang minh khi tôi hai mươi lăm tuổi. Dưới sự dẫn dắt của “Chuyển Pháp Luân”, cuộc đời của tôi đã phát sinh những thay đổi to lớn và bốn điều “tốt” đã xuất hiện: Điều tốt thứ nhất là sức khỏe của bản thân tôi được cải thiện, điều tốt thứ hai là mối quan hệ gia đình hòa thuận, điều tốt thứ ba là thành tích làm việc xuất sắc, và điều tốt thứ tư là ảnh hưởng tích cực đến xã hội. Đây không phải là tôi vừa bước trên đại đạo quang minh sao?
Tết Nguyên đán năm 1999, vợ chồng tôi về quê thăm người thân, mẹ tôi nhìn rồi cảm thán nói: “Chúng ta không phải là không có mắt, nhìn ra được mà. Ngày trước con ốm đau bệnh tật, nhưng bây giờ vui vẻ khỏe khoắn. Trước đây, con chỉ lo cho bản thân, đóng cửa đọc đọc viết viết, đối với việc lớn, việc nhỏ trong nhà không quan tâm để ý, bây giờ con trở nên nhiệt tình cởi mở, quan tâm săn sóc. Đây đều là lợi ích của việc tu luyện Pháp Luân Công!”
Tôi cũng có rất nhiều cảm xúc: “Tôi đã học bốn năm đại học, và điều thu hoạch được lớn nhất không gì khác hơn là tu luyện Pháp Luân Công. Pháp Luân Công có năm bộ động tác giúp thân thể khỏe mạnh. Pháp Luân Công tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn, nói lời chân, làm việc chân, làm người tốt, ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’ (không đánh lại khi bị đánh, không chửi lại khi bị chửi). Xa xôi thì không nói, chỉ nói về trường đại học của chúng tôi, luyện công được vài tháng, khuôn mặt ai cũng tràn đầy vẻ tường hòa, bước đi như bay. Vừa mới sáng sớm, mọi người đứng vây thành một vòng tròn trước tòa nhà giảng dạy của trường đại học chúng tôi, mấy chục người luyện công. Ai nói rằng chỉ có ông già bà cả luyện công? Giáo sư, chủ tịch công đoàn, bác sĩ, sinh viên, giáo viên, công nhân viên…. những người thuộc mọi tầng lớp xã hội đều có. Có một vị giáo sư trong nhà có ba người cùng luyện, đầu tiên là vợ ông luyện, căn bệnh ung thư hơn mười năm đã thuyên giảm, vị giáo sư thấy vậy cũng luyện theo và cuối cùng là người con trai đang học cao học cũng bắt đầu luyện. Vị giáo sư đó giảng dạy văn học cổ điển và hàng năm đều được danh hiệu ‘Giảng viên xuất sắc’…”
Thế nhưng, vào đêm ngày 20 tháng 7 năm 1999, hai cảnh sát của Trung Cộng đã xông vào trường đại học nơi tôi làm việc. Họ đến căn phòng ở giữa tầng sáu của ký túc xá dành cho giáo viên, nghênh ngang bước tới chỗ tôi, huơ huơ “lệnh bắt giữ” trước mặt tôi, rồi kéo tôi lên một chiếc xe chở đi và ném tôi vào trại tạm giam. Trung Cộng đã bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công như thế.
Trại tạm giam của Trung Cộng có tường cao và hàng rào điện, có cảnh sát vũ trang cầm súng canh gác. Vừa bước vào phòng giam, cánh cửa sắt của phòng giam đóng sầm lại sau lưng tôi. Cảm giác khi bước vào phòng giam rất kỳ lạ, như đang ở trong một cái bẫy khổng lồ. “Cái bẫy” cao khoảng bảy, tám mét đổ lại, che kín và không thông gió. Chỉ có phía trên cùng bức tường của “cái bẫy” mở cửa sổ sắt, song thép của cửa sổ uốn cong vào trong, trông giống như đầu hổ. Cửa sổ sắt đầu hổ làm ra chỉ để cai ngục đi kiểm tra. Ngay bên ngoài cửa sổ sắt là lối đi tuần tra, cách lối đi hai mét, có một mái nhà một tầng khác. Mái nhà đó đã cướp đi hết ánh nắng hàng ngày của phòng giam, khiến bên trong phòng giam tối om. Những ngày âm u, bên trong trông giống như bóng đen lay động, ngày nắng cũng hiếm khi có một tia nắng.
Trưởng phòng giam là lão Diệp và phó trưởng phòng lão Đới đều là đến vì vấn đề kinh tế. Lão Diệp lúc trước từng là cảnh sát vũ trang. Trước đây, Trung Nam Hải ở Bắc Kinh có một đội cảnh sát vũ trang để bảo vệ an toàn cho Mao Trạch Đông, và lão Diệp là một trong số đó. Sau khi xuất ngũ, lão Diệp trở về thành phố và giữ chức vụ lãnh đạo Ngân hàng Nhân dân thành phố. Ông ta bị giam giữ ở đây vì mâu thuẫn với viện kiểm sát về tranh chấp tài chính. Lão Diệp đã ly hôn từ lâu, bởi vì khi ở Trung Nam Hải bị “nhuốm đỏ” không ít, nên ông ta rất hiếu chiến, tính nóng như lửa và quả thật như một “Tiểu Mao Trạch Đông”. Mọi người đều sợ ông ta. Lão Đới phó trưởng phòng giam, bốn tuổi đã mất cha mẹ, được núi Võ Đang thu nhận nuôi dưỡng. Ông ta làm đạo đồng được vài năm thì gặp Đại Cách mạng Văn hóa, bị ép phải xuống núi, buộc phải hoàn tục, thành gia lập nghiệp. Ông là người có tâm tính tốt và chịu được khổ. Bởi vì tâm địa tốt và sẵn sàng cho vay, ông ta từ một người không một xu dính túi trở thành người đứng đầu một hội ngân quỹ đường phố, nhưng năm ngoái phần lớn số tiền đó không thu hồi được, vì thế nên lão Đới bị bắt vào đây. Ông ta tâm địa thiện lương và tính như trẻ con, nên được mọi người gọi đùa là “Lão ngoan đồng”.
Trong phòng giam, trải qua tranh đấu, tôi đã có thể tự do luyện công và sống chung với mọi người một cách vui vẻ. Tôi cũng nói với những người có duyên ở trong phòng giam sự thật về Pháp Luân Công. Mọi người đều cảm thấy Pháp Luân Công thực sự không giống như những gì nói thuyết trên TV và báo chí.
Vào mùa đông năm 2000. Tôi nhớ rất rõ, lúc đó, trong căn phòng âm u của trại tạm giam, trên các tấm ván lát giường ghép liền với nhau, kê sát vào góc tường, xếp đầy những cái chăn bông. Mắt chăm chú nhìn vào đống chăn xếp như ngọn núi nhỏ, tôi rơi vào trầm tư: Những người bạn có số hiệu trong phòng tạm giam đã dần dần thay đổi cách nhìn về tôi và Pháp Luân Công, nhưng vẫn chưa đủ. Tôi là người không thích nói chuyện, chỉ trò chuyện được vài câu, cũng khó có được chủ đề chung. Hầu hết mọi người ở đây đều là học sinh sơ trung (tương đương học sinh trung học cơ sở ở Việt Nam), người có trình độ tiểu học cũng không ít, đến đâu tìm được sinh viên đại học để nghe tôi giảng chân tướng? Phải nghĩ cách. Nếu có thể mang về một ít sách Pháp Luân Công thì tốt quá. Vừa mới có suy nghĩ như thế, tôi lại nghĩ liệu mình có thể làm được không? Tôi lại nghĩ, mình không phải là người tu luyện sao? Người tu luyện không thể một ngày không luyện công, cũng không thể một ngày không học Pháp! Chỉ dựa vào một điểm này, cũng phải thử. Đúng rồi, sẽ thử xem.
Thế là, từ ngày hôm sau, tôi bắt đầu tuyệt thực. Cả một ngày, tôi không ăn uống gì.
Tiếp theo, sáng sớm ngày thứ hai, giờ ăn sáng đến. Khi những người bị tạm giam đi đổ bô, trải khăn bàn, bày bát đũa, chia phần ăn, lão Diệp và lão Đới vừa chỉ huy vừa khuyên răn tôi: “Cơm được dọn ra rồi, chọn ít thức ăn ngon đi. Đảng cộng sản có chút hẹp hòi, cơm thì ‘toàn sạn’, canh thì ‘toàn nước’, có điều cậu không ăn một chút nào thì không phải Đảng cộng sản đói mà là cậu đói đó nha”.
Tôi ngồi trên mặt đất có lót một chiếc áo bông rách, dựa lưng vào bức tường lạnh lẽo. Lão Đới đưa cho tôi một bát cơm chất đầy thức ăn, nhưng sau khi nhận lấy, tôi cẩn thận đặt lại xuống sàn nhà. Tôi trịnh trọng bày tỏ lập trường của mình: “Tôi muốn đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân của Pháp Luân Công. Chỉ sau khi mang sách đến tôi mới ăn”.
Nghe được lý do tuyệt thực của tôi, lão Diệp ngạc nhiên đến nửa ngày vẫn chưa hoàn hồn. Lão khó mà tin được nên lắc lắc cái đầu, liên tục nói: “Không thể được. Chuyển Pháp Luân ở bên ngoài bị chính phủ coi là bất hợp pháp, càng không nói ở trong trại tạm giam này, tuyệt đối không thể”. Trong suốt thời gian ăn cơm, ông ta lúc thì nhìn tôi, lúc thì lại nhìn xuống sàn nhà, không kìm được mà cười nhạt.
Đến chiều ngày thứ tư, lãnh đạo trại tạm giam tập trung tại phòng trực ban và tiến hành “bao vây tấn công” tôi.
“Muốn xem sách là chuyện tốt, tôi thì bực mình vì con tôi không thích đọc sách, chẳng có thành tích gì cả. Sau này mong anh có thể giúp tôi phụ đạo cho nó. Ngoài sách Pháp Luân Công ra, anh muốn đọc loại sách nào? Cam đoan là chỗ tôi có, được không nào? Việc nào ra việc nấy, cơm làm ra là phải ăn. Làm người đều phải nói đến cái tình”. Uông chỉ huy ra vẻ khoan dung, hắn thuộc “phái ôn hòa”.
“Chuyên chính vô sản không phải làm bằng đậu phụ! Chân ở trong giày, bay không được, trốn không thoát. Ông nội tôi, cha tôi đều là ăn bát cơm chuyên chính này, nói rất dài dòng, mấy cái Quốc dân đảng, tội phạm chiến tranh Nhật Bản, năm thành phần đen địa, phú, phản, hoại, hữu và phái theo chủ nghĩa tư bản, rồi các phần tử sinh viên đại học vận động dân chủ, một sợi dây thừng đứa trói đứa treo, liền ngoan ngoãn phục tùng, quỳ xuống xin tha. Cái gì gọi là tra tấn…” Phó trại giam họ Trịnh diễn vai ác thuộc “phái cứng rắn”.
“… Nói từ góc độ pháp luật của chính phủ, Pháp Luân Công được xác định rõ rồi, sách Pháp Luân Công ở bên ngoài đều là sách cấm. Phải nghiêm túc chấp hành kỷ luật của Đảng và luật pháp của nhà nước. Anh bây giờ, thứ nhất, lập tức ăn cơm; thứ hai, tuân thủ quy định của trại giam; thứ ba, kiểm điểm hối lỗi. Làm xong ba điều này, tôi sẽ nộp đơn lên đơn vị thụ lý án để anh được khoan hồng: mỗi tháng được gặp vợ con một lần, không bị kết án, không bị đưa đi lao động; đơn vị sẽ đón anh về tiếp tục công tác”. Giám đốc Từ, người đứng đầu trại giam nói.
“Tôi tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn, đây là điều chính đáng. Làm sao phải kiểm điểm hối lỗi? Tín ngưỡng của tôi là vô tội, được Hiến pháp bảo vệ và tôi cũng không vi phạm bất kỳ điều khoản nào của luật hình sự. Tại sao tôi phải bị bỏ tù? Trong trường hợp của tôi, tôi phải được thả vô điều kiện. Học sinh vẫn đang chờ tôi về lên lớp. Đọc Chuyển Pháp Luân, đó là quyền lợi của tôi. Người tu luyện, không thể một ngày không học Pháp!” Tôi trả lời họ bằng một thái độ kiên quyết. …………
Cứ như thế, anh một câu, tôi một câu, giằng co suốt một buổi chiều. Không còn cách nào khác, giám đốc Từ đành tuyên bố “cuộc bao vây” kết thúc.
(Còn tiếp)
Ngày đăng: 04-05-2025
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.