Đời người dễ tự thấy bi thương



Tác giả: Tiêm Tiêm

[ChanhKien.org]

Từ xưa đến nay, các thi nhân thường bày tỏ cảm xúc từ trong sâu thẳm nội tâm mình, có một số trong đó là cảm giác bi thương.

“Bất thị ái hoa tức dục tử,
Chỉ khủng hoa tận lão tương thôi.
Phồn chi dung dị phân phân lạc,
Nộn nhụy thương lường tế tế khai”.

Tạm dịch nghĩa:

“Không phải vì yêu hoa mà muốn chết,
Chỉ sợ hoa tàn, tuổi già vội đến mau.
Cành hoa nở rậm rạp dễ rơi rụng,
Nụ non xin hãy bàn nhau nở từ từ”.

Đây là bài thơ cuối cùng trong tập thơ “Giang bạn độc bộ tầm hoa thất tuyệt cú” của Đỗ Phủ, nhà thơ nổi tiếng thời Đường.

Nhà thơ nhìn thấy những đóa hoa mỹ lệ mà nghĩ đến số phận của mình. Đằng sau hình ảnh hoa nở hoa tàn là những năm tháng trôi qua phí hoài trong cuộc đời. Khi thấy những cánh hoa lần lượt rơi rụng vì nở quá chen chúc trên cành, nhà thơ hy vọng rằng hoa có thể cùng nhau bàn bạc và chậm rãi bung nở, đừng vội vàng tranh giành đua nở như vậy.

Có lẽ, những gì nhà thơ nhìn thấy chính là cảnh tượng con người ở thế gian vì danh lợi mà tranh mà đoạt. Đặc biệt là chiến tranh đã mang đến biết bao đau thương cho bách tính, khiến ông không đành lòng. Mà thuận theo năm tháng trôi qua, bản thân nhà thơ dường như đã không còn hy vọng có thể nhìn thấy một ngày trời quang mây tạnh nữa.

Nhà thơ thương cảm cho những bông hoa, thương cảm cho những bách tính lưu lạc mất nơi nương tựa, và còn thấy bi thương hơn cho chính số phận của mình. Sinh tại thời loạn lạc, còn có điều gì đáng để hy vọng đây? Cuộc đời con người rốt cuộc là vì điều gì? Những thứ chúng ta theo đuổi như sắc đẹp, danh vọng và tài phú, đều chỉ như gió thoảng mây bay. Thứ hôm nay có được có lẽ ngày mai sẽ mất đi. Cũng như Tào Tuyết Cần từng nói: “Một thứ là trăng ở trong nước, một thứ là hoa ở trong gương”, tất cả đều là ảo ảnh.

Nhà thơ tự thấy bi thương đó là biểu hiện của lý trí thanh tỉnh. Nhưng còn thế nhân ngày nay, trong chốn mê mang, liệu có thể thực sự tĩnh tâm mà suy nghĩ về tương lai của chính mình hay không?

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/293664



Ngày đăng: 21-01-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.