Sư phụ luôn bên cạnh bảo hộ các đệ tử (1)



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Hà Bắc

[ChanhKien.org]

Bài viết này là hồi ức về trải nghiệm đến Bắc Kinh chứng thực Pháp vào năm 2001 của tôi.

Vào ngày 12 tháng 1 năm 2001, khi đó miền Bắc Trung Quốc đang trong mùa đông khắc nghiệt, tôi đến Bắc Kinh để chứng thực Pháp thì bị cảnh sát đồn công an Tiền Môn ở quảng trường Thiên An Môn bắt giữ phi pháp; sau đó tôi được chuyển giao cho công an địa phương đồn trú tại Bắc Kinh, bị giam giữ phi pháp trong Phòng An ninh Chính trị thuộc Cục Công an thành phố. Sau khi đánh đập tra tấn tôi, chúng lại đưa tôi đến trại tạm giam.

Trong thời gian này, tôi đã nếm trải đủ loại ma nạn và cực hình. Sư phụ và Đại Pháp đã bảo hộ tôi vượt qua nhiều ma nạn và nguy hiểm. Không từ ngữ nào có thể diễn tả hết lòng từ bi vô lượng của Sư phụ. Con cảm ơn Sư phụ đã bảo hộ và gia trì cho con trên suốt con đường tu luyện. Nếu không có sự bảo hộ của Sư phụ, thì một người với nghiệp lực đầy thân như tôi hoàn toàn không thể vượt qua được những nạn lớn như thế này. Dưới đây, tôi xin kể chi tiết một số trải nghiệm của mình trong thời gian đó.

1. Sư phụ cho tôi một chiếc chăn bông lớn trong trời đông giá rét

Ngày đầu tiên bị bắt đến đồn công an, trời đổ mưa tuyết nên vô cùng lạnh giá. Cảnh sát tìm được một cây đại thụ lớn, cởi áo khoác của tôi ra và còng tay tôi chặt vào thân cây làm tôi không ngồi được và cũng không cử động được.

Tôi bị tra tấn từ sáng đến tối, không được ăn, không được uống. Vừa đói vừa lạnh, chẳng bao lâu sau tôi hôn mê. Tay bị sưng đến mức không nhìn thấy còng tay nữa.

Tôi ngước nhìn lên cái cây và bầu trời thì thầm: “Ông trời à! Ông có cảm thấy rằng Sư phụ và Pháp Luân Công bị oan không? Cây đại thụ ơi! Có phải bạn cũng nghĩ rằng làm người tốt theo Chân – Thiện – Nhẫn là không sai? Bức hại Phật Pháp, bức hại người tốt là tội ác tày trời phải không?”

Dường như họ hiểu được lời tôi nói. Tôi nhìn thấy mưa tuyết rơi trên thân cây, nước chảy dọc theo các đường gân trên vỏ cây, giống như dòng nước mắt đang ào ào tuôn xuống.

Nhìn họ rơi lệ tôi cũng khóc theo. Tôi nói tiếp: “Đại thụ à, ngươi hãy ghi nhớ: Pháp Luân Đại Pháp là Phật Pháp, là Pháp chân chính nhất. Người luyện Pháp Luân Công đều là những người tốt. Người nào bức hại Đại Pháp người đó có tội, người đó là tà, là ác…” Tôi đã nói với họ rất nhiều, rất nhiều …

Trời tối, đói và lạnh đan xen, thân tâm tôi đều mệt mỏi, tôi ôm cây đại thụ ngủ.

Trong ánh trăng mờ chỉ nhìn thấy một người với nụ cười hiền từ đang đi về phía tôi, hóa ra đó là Sư phụ.

Vẻ mặt Sư Phụ thật từ bi tường hòa. Trên tay Ngài cầm một chiếc chăn bông lớn nhanh chóng quấn quanh tôi và cây đại thụ. Chiếc chăn bông dày, mềm mại, ấm áp ngay lập tức bao bọc thân tâm tôi. Đó là sự ấm áp và thoải mái mà trước đây tôi chưa bao giờ cảm nhận được, tôi thật hạnh phúc! Ôm cây đại thụ và ngủ “khò, khò”. Tôi bắt đầu ngáy.

Không biết tôi đã ngủ được bao lâu, chỉ nghe thấy có người gọi bên tai: “Này! Này! Này! Đừng ngủ nữa, còn ngáy nữa à. Mau vào phòng, đến lượt thẩm vấn cô rồi”.

2. Sư phụ gánh chịu ma nạn thay đệ tử

Sau khi được cởi trói khỏi thân cây, người tôi cứng đờ, hai chân như hai thanh sắt, không thể khuỵu gối, từng bước run rẩy đi vào phòng.

Vừa bước vào cửa, tôi đã nhìn thấy một thanh sắt và một chiếc ghế trên sàn nhà, còn có hai công an đang ngồi đó bóc vỏ quả óc chó, nhìn điệu bộ họ như đang muốn tra tấn tôi. Sau đó, tôi mới biết rằng họ từ đội cảnh sát hình sự được điều động tới đây, chuyên đánh đập các học viên Đại Pháp. Thủ đoạn đánh đập của họ cực kỳ tàn nhẫn, có thể gây ra nội thương nhưng không nhìn thấy dấu vết bên ngoài.

Hai cảnh sát nhìn nhau gật đầu tỏ ý là đã có thể bắt đầu rồi. Một người tiến tới đánh vào lưng tôi, ra lệnh: “Quỳ lên thanh sắt!” Tôi không chịu quỳ. Hai người họ tiến tới, ấn tôi vào thanh sắt, đặt tay tôi lên lưng ghế (vì tay tôi bị còng sau lưng), đánh vào đầu tôi. Một người túm tóc tôi kéo về phía sau làm mặt của tôi ngửa lên. Một cảnh sát khác đứng trước mặt tôi hỏi: “Còn luyện Pháp Luân Công nữa không?” Tôi kiên định nói: “Luyện!”

Hắn vung mạnh hai cánh tay tát vào tai tôi.

Cảnh sát: “Còn luyện hay không?”

Tôi: “Luyện”

Cảnh sát: “Luyện hay không luyện?”

Tôi: “Luyện”

Người này đánh mệt rồi, họ đổi người khác tới đánh. Người mới thay còn mạnh hơn người trước. Hai người họ luân phiên nhau đánh đập tôi không ngừng.

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi gặp phải chuyện như vậy, cũng là lần đầu tiên tôi biết trên đời có loại người độc ác như thế. Tôi cũng chưa từng thấy hoặc nghe qua người nào lại đối xử tàn nhẫn như vậy đối với đệ tử Đại Pháp, một nhóm người chỉ muốn làm người tốt theo Chân – Thiện – Nhẫn.

Chẳng bao lâu sau, tôi thấy tối đen, mũi đau nhức, mắt nổ đom đóm, tôi không thể nhìn hay nghe thấy gì, tai ù và đầu tôi đau nhức. Tôi nghĩ: “Tại sao tai tôi lại ù như vậy? Chẳng lẽ họ làm tai tôi…?” Rồi tôi lại nghĩ: “Mặc kệ nó! Đã tới đây rồi, thích làm gì thì tùy!” Lúc này trong lòng tôi không chút sợ hãi, cũng không biết sợ. Hai người họ đánh tôi cho đến khi mỏi mệt rồi mới chịu ngồi xuống ghế, vừa bóc quả óc chó vừa nói: “Nghỉ một chút, lát nữa sẽ trừng trị ngươi tiếp!”

Lúc này, tâm trí tôi rất tĩnh lặng, không màng đến sinh tử. Tôi nghĩ, đời này đắc được Pháp thì chết cũng đáng. Giống như câu:

“Triêu văn đạo, tịch khả tử”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998])

Tôi điều gì cũng không quan tâm nữa, nhẩm Pháp thôi. Thế là tôi bắt đầu nhẩm Pháp:

“Sinh vô sở cầu
Tử bất tích lưu
Đãng tận vọng niệm
Phật bất nan tu.”
(Hồng Ngâm – Vô tồn)

Tôi nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần, càng nhẩm tâm càng trở nên sáng tỏ hơn, càng nhẩm chính niệm càng mạnh. Cứ như thế, Đại Pháp không ngừng vang vọng trong tâm tôi.

Hai tên cảnh sát tà ác ăn no rồi, nghỉ ngơi đủ rồi lại chuẩn bị tiếp tục hành ác.

Bọn chúng cầm quả óc chó trên tay, vén tay áo lên, huơ tay đứng trước mặt tôi tiếp tục hỏi: “Tại sao cô tập Pháp Luân Công? Luyện hay không luyện?”. Tôi nói: “Luyện chứ, công pháp tốt như vầy, đối với người dân và quốc gia có trăm điều lợi mà không một điều hại, tại sao không luyện?”

Hai người này giống như phát điên, vừa nắm tóc vừa tát tôi, lại còn ném quả óc chó vào mặt tôi. Bọn chúng hung hãn chửi bới: “Cho mày tập! Tao cho mày luyện! Đánh chết mày! Đánh chết mày! Đánh chết mày tính là tự sát!” Tâm thái hung tàn làm khuôn mặt chúng biến dạng giống như ma quỷ tại nhân gian.

Chúng ra sức đánh và tát tôi, chỉ nghe thấy tiếng “bộp, bộp” không ngừng vang lên bên tai. Tuy nhiên, tôi không hề cảm thấy đau. Cái tát vào mặt giống như đánh vào quả bóng cao su. Mặc dù họ đánh tôi rất mạnh nhưng tôi thực sự không cảm thấy đau chút nào. Tôi biết rằng Sư phụ đang ở bên cạnh coi sóc, bảo hộ tôi và thay tôi gánh chịu tội nghiệp. Hết thảy những hình thức ma nạn này được Sư phụ lợi dụng để:

“làm cho người tu luyện giải thoát khỏi những ràng buộc của người thường và nghiệp lực”.
“trong kiên định và thành thục tu luyện sẽ tiến về viên mãn vĩ đại”.
(Cưỡng chế không thể thay đổi lòng người – Tinh Tấn Yếu Chỉ II)

Những gì tôi phải chịu đựng chỉ là bề ngoài, còn nghiệp lực thực sự đã được Sư phụ thay tôi gánh chịu.

Trong tâm tôi vô cùng kích động. So với những lần bị đánh đập dã man trước đó, tôi chứng kiến ​​được điều Sư phụ đã giảng trong Pháp sau này:

“Có [hiện diện] của Pháp vĩ đại nhường này, trong chính niệm chư vị là đồng tại với Đại Pháp, đó là sự bảo đảm rất to lớn”. (Giảng Pháp tại Manhattan [2006])

Trước đây, tôi cảm thấy đau khi bị cảnh sát đánh đập là vì tôi đã đứng trên cơ điểm của con người và dùng nhục thể để chống cự, coi đó là sự bức hại của con người đối với con người. Nhưng bây giờ tôi dựa trên Pháp và hòa tan vào Pháp, pháp lực vô biên của Đại Pháp liền triển hiện ra. Điều này khiến tôi thực sự thể hội được thêm một tầng hàm nghĩa nữa lời giảng của Sư phụ:

“Gốc của tôi gắn trên vũ trụ, ai có thể động tới chư vị, người ấy có thể động đến tôi; nói thẳng ra, người ấy có thể động đến vũ trụ này”. (Chuyển Pháp Luân)

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/290515



Ngày đăng: 03-07-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.