Nghiên cứu: Tập trung cao độ có lợi đối với sức khỏe tâm lý



Tác giả: Trần Tuấn Thôn

[ChanhKien.org]

Bạn đã từng tập trung cao độ vào một hoạt động nào đó như chơi nhạc cụ,… và hoàn toàn quên mất bản thân mình chưa? Có chuyên gia nói rằng, nếu bạn dễ dàng đắm chìm vào hoạt động mình đang làm, thì tâm trí bạn sẽ khỏe mạnh hơn về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Một bài báo đăng trên trang Conversation của tiến sĩ Miriam Mosing, phó giáo sư di truyền học hành vi tại học viện Karolinska Thụy Điển đã viết rằng, trạng thái “dòng chảy” (flow) là một khái niệm tâm lý được nhà tâm lý học người Mỹ Mihály Csíkszentmihályi đề xuất vào những năm 1970, dùng để mô tả một loại trạng thái hết sức tập trung, hoàn toàn đắm chìm vào trong một hoạt động nào đó.

Bà Mosing cho biết, khi trải nghiệm trạng thái “dòng chảy”, chúng ta có khuynh hướng làm việc hiệu quả hơn, cảm thấy có thể kiểm soát mọi thứ, thậm chí quên cả thời gian.

Trạng thái “dòng chảy” thường là trải nghiệm tích cực. Có những nhà nghiên cứu đã nghiên cứu lợi ích của trạng thái dòng chảy đối với sức khỏe tinh thần, trong đó có nhà nghiên cứu Mosing. Nghiên cứu do bà Mosing và các nhà nghiên cứu khác thực hiện cho thấy, tần suất và hoàn cảnh “trải nghiệm dòng chảy” ở mỗi người đa phần là khác nhau, hơn nữa ở mức độ nào đó nó cũng chịu ảnh hưởng của di truyền.

Nói cách khác, một số người dễ có trải nghiệm trạng thái “dòng chảy” hơn những người khác, một phần là do sự khác biệt về gen của mỗi cá nhân tạo thành, đồng thời nó cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố hoàn cảnh. Những yếu tố hoàn cảnh này có thể bao gồm hoàn cảnh nơi người đó tham gia vào một hoạt động cụ thể, mức độ phân tâm và trạng thái tâm lý của họ.

Trạng thái dòng chảy và sức khỏe tâm lý

Mosing cho biết, có người chủ trương rằng, những người dễ có trải nghiệm trạng thái “dòng chảy” có liên quan đến nhiều kết quả tích cực, bao gồm tâm lý tốt và tim mạch khỏe mạnh. Những mối liên hệ này có thể dùng làm bằng chứng để giải thích những ảnh hưởng tích cực do trạng thái “dòng chảy” mang lại.

Cho đến nay, hầu hết dữ liệu thu thập được từ các cuộc nghiên cứu đều chưa đưa ra kết luận về quan hệ nhân quả (causal effects) của “trạng thái dòng chảy” đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Bởi vì các nghiên cứu này chủ yếu dựa trên cỡ mẫu khá nhỏ và dữ liệu tự báo cáo, hơn nữa trải nghiệm trạng thái “dòng chảy” và khuynh hướng xuất hiện các vấn đề tâm lý có thể di truyền ở một mức độ nào đó.

Bà Mosing nói rằng, khuynh hướng riêng biệt của chúng ta cùng với hoàn cảnh và kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng đến lối sống của chúng ta, bao gồm việc chúng ta có dễ dàng trải nghiệm “dòng chảy” hoặc xuất hiện vấn đề tâm lý hay không.

Điều này có nghĩa là những yếu tố gia đình giống nhau, bao gồm khuynh hướng di truyền (genetic predisposition) hoặc hoàn cảnh thời thơ ấu, có thể sẽ ảnh hưởng đến việc con người có dễ dàng trải nghiệm trạng thái “dòng chảy” hay không, và cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý của họ.

Một yếu tố khác mà chúng ta gọi là sự nhạy cảm (neuroticism). Nhạy cảm là một đặc điểm tính cách con người, dùng để mô tả những người có khuynh hướng mất cân bằng cảm xúc hoặc dễ bị kích động. Những người có tính nhạy cảm cao dễ bị ảnh hưởng bởi áp lực, vấn đề về tâm lý và bệnh tim mạch hơn.

Một nghiên cứu gần đây do bà Mosing tham gia đã lần đầu tiên khảo sát xem liệu sự nhạy cảm có ảnh hưởng đến mối liên hệ giữa “dòng chảy” và sức khỏe tâm lý đã đề cập ở trên hay không, và liệu những yếu tố gia đình như gen hoặc hoàn cảnh gia đình lúc nhỏ có tác động đến chúng hay không.

Nghiên cứu này cũng là nghiên cứu đầu tiên xem xét tình huống ngược lại, tức là liệu vấn đề sức khỏe tâm lý có dẫn đến việc ít xuất hiện “trạng thái dòng chảy” hơn hay không. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu chẩn đoán thực tế của 9.300 bệnh nhân ở Thụy Điển để hoàn thành nghiên cứu này.

Kết quả cho thấy, những người thường ở trong trạng thái “dòng chảy” ít có khả năng mắc các bệnh như trầm cảm, lo âu, chứng tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực và các bệnh liên quan đến tim mạch hơn những người khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với dự đoán của các nhà nghiên cứu rằng trạng thái “dòng chảy” có tác dụng bảo vệ tim mạch và sức khoẻ tinh thần.

Đối với vấn đề liệu mọi người có nên luyện tập trạng thái “dòng chảy” nhằm làm giảm nguy cơ xuất hiện bệnh trầm cảm và lo âu hay không? Câu trả lời của bà Mosing là không. Bà cho biết, các nghiên cứu chưa thể chứng minh được liệu con người có thể kiểm soát được trạng thái “dòng chảy” hay không và kết quả mang lại là gì.

Cuối cùng, bà kết luận rằng khi con người ở trong trạng thái “dòng chảy”, rất có thể họ sẽ ít dành thời gian để suy nghĩ lại các vấn đề cuộc sống hoặc lo lắng về tương lai, bởi vì họ đang chìm đắm trong hoạt động đó và bản thân trải nghiệm “dòng chảy” cũng mang lại lợi ích cho họ.

Bà nói: “Vậy nên, nếu bạn thích làm một điều nào đó có thể khiến cho bạn mất hết cảm giác về thời gian và không gian, thì điều này có thể tốt cho bạn, ít nhất là vào lúc đó”.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/290705



Ngày đăng: 07-06-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.