Cảm ngộ về từ “Lùi”



Tác giả: Tâm Liên

[ChanhKien.org]

Mấy ngày gần đây, công việc của tôi có gặp một số chướng ngại, cảm thấy dù cố gắng thế nào cũng không đột phá được. Khi tôi quyết định nghỉ ngơi, dừng lại một chút, thật sự tĩnh tâm suy nghĩ, thì một câu nói hiện lên trong đầu: “Nóng vội muốn đạt kết quả ngay, không bằng lùi lại để xây dựng nền tảng”. Tôi chợt cảm thấy chữ “lùi” này rất khác thường, trước đây cho rằng “lùi lại để xây dựng nền tảng” có ý nghĩa là vì mục tiêu mà hành động, cả câu không phải mang nghĩa đen là “lùi” mà ngược lại, lại là “tiến”. Nhưng hiện nay tôi lại có một vài cảm ngộ khác.

Tôi nghĩ về thời xưa, bất kể là người nào làm nghề gì, trước khi học tập hay làm việc đầu tiên đều phải ngồi đả tọa, tĩnh tâm, chứ không phải là vì để hoàn thành nhiệm vụ mà tranh thủ thời gian để lao đi làm cho kịp tiến độ, điều này so với chữ “lùi” trong câu “lùi lại để xây dựng nền tảng” cũng mang ý nghĩa tương tự. Tĩnh tâm có thể giúp con người xuất sinh trí huệ, mà muốn tĩnh lại thì cần phải lùi một bước, buông bỏ chấp niệm trong tâm về tiến độ và mục tiêu, đột phá trở ngại về quan niệm đã được hình thành thì mới có thể triển hiện ra điều mỹ diệu mà mình không thể nghĩ tới, có lúc cũng được gọi là linh cảm. Trong nhịp điệu công việc, cuộc sống hối hả hàng ngày chúng ta đã không thể trải nghiệm được trí huệ của chữ “lùi”, nếu mù quáng tìm cách tiến lên thì sẽ thực sự mất đi phương hướng, chỉ khi chúng ta chịu buông bỏ chấp niệm vào chữ “tiến”, thì mới có thể thực sự được khai sáng.

Khổng Tử có câu: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ” (Diễn nghĩa: Ta 15 tuổi lập chí học tập, 30 tuổi có thể tự lập, 40 tuổi không bị mê hoặc bởi những hiện tượng bề mặt của ngoại cảnh, 50 tuổi hiểu được thiên mệnh là gì, 60 tuổi có thể lắng nghe và đối đãi chính xác với những ý kiến khác nhau, 70 tuổi có thể làm theo ý muốn của mình mà không vượt ra ngoài khuôn phép) cũng đã nói rõ trí huệ của chữ “lùi”. Con người hiện đại thường cho rằng thời kỳ thanh niên trai trẻ mới là thời kỳ phát triển nhất, tràn đầy năng lượng nhất, còn đối với thời kỳ lão hóa thì chỉ có thể nghĩ đến một từ “dưỡng lão”. Tuy nhiên ý nghĩa câu nói ấy của Khổng Tử lại hoàn toàn tương phản, chỉ sau khi năm tháng dần trôi đi, con người mới dần bước chậm lại, buông bỏ chấp trước ràng buộc với những thứ bên ngoài như danh – lợi – tình, hiểu được thế nào là “lùi”, thì trí huệ thực sự của sinh mệnh mới được khai mở, mới có thể đạt đến “tòng tâm sở dục”.

Khi đối mặt với sai lầm hãy nhìn lại bản thân, suy nghĩ và sửa đổi bản thân; khi đối diện với mâu thuẫn thì không đi tranh đấu, lùi một bước biển rộng trời cao; khi đối diện với thành quả thì không đi tranh giành danh lợi, công thành rồi thì quay mình lùi lại. “Lùi” chính là một loại giải thoát, một loại trí huệ, lại càng là một loại cảnh giới. Khi một người có thể giữ vững bản tính, hiểu về sự khiêm tốn và buông bỏ, vượt ra khỏi giới hạn của vật chất bên ngoài, thì nhất định trong nháy mắt có thể thấy được cảnh tượng rộng lớn, lúc đó còn vấn đề gì khó khăn khiến chúng ta không thể vượt qua được chứ?

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/276453



Ngày đăng: 31-05-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.