Vị tha là một loại trí huệ



Tác giả: Lam Băng Ngọc

[ChanhKien.org]

Sư phụ đã từng giảng:

“Vị tư là thuộc đặc tính căn bản của vũ trụ quá khứ, thành-trụ-hoại-diệt và sinh-lão-bệnh-tử cũng là có tính tất nhiên do thuộc tính ấy mang đến”. (Giảng Pháp tại các nơi V – Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004)

Sau này, Sư phụ lại giảng:

“Trải bao tháng năm đằng đẵng, sinh mệnh không phù hợp tiêu chuẩn nữa, đã bại hoại, hết thảy những điều này đã không còn tốt nữa, là vì ngay bản thân vũ trụ này chỉ có trí huệ lớn ngần ấy thôi, gọi là thành-trụ-hoại-diệt”. (Giảng Pháp tại các nơi XII – Giảng Pháp ở Pháp hội tại vùng đô thị New York năm 2013)

Tôi ngộ được từ trong Pháp của Sư phụ rằng: Thuộc tính của tự tư có liên hệ trực tiếp đến sự hạn chế của trí huệ. Thế nhưng trong cuộc sống hằng ngày, bình thường chỉ đem vị tư và vị tha gắn với thiện ác của một người mà không linh hoạt để suy nghĩ rộng ra hơn. Như vậy thì vị công và trí huệ rốt cuộc có quan hệ gì không? Tôi nghĩ là có. Dưới đây tôi sẽ trình bày lý giải của tôi từ ba phương diện.

1. Chỉ có một cái “tôi” nhưng lại có vô số “tha”

Nếu chỉ nghĩ cho bản thân, vậy thì chỉ cần cân nhắc lợi ích cá nhân; nhưng nếu nghĩ cho nhiều người hơn thì sẽ phải cân nhắc như thế nào để cân bằng lợi ích của nhiều người. Lấy ví dụ, nếu như một người có 100 đồng, nếu người này chỉ nghĩ cho bản thân vậy thì tự nhiên sẽ đem số tiền này dùng cho bản thân. Nhưng nếu đem 100 đồng này đều dùng cho người khác thì sao đây? Vậy thì phải cân nhắc đến vấn đề phân bố rồi. Nếu đem 100 đồng dùng cho con cái vậy thì sẽ không có tiền mua quà hoặc mua đồ cho các thành viên khác trong nhà, cách phân bố như vậy thì làm sẽ làm con cái rất vui mừng nhưng người khác sẽ chẳng vui vẻ gì. Nếu muốn mọi người đều vui vẻ, đều cảm thấy công bằng và hợp lý thì cần phải căn cứ vào tình huống thực tế để phân bố, nhưng điều này cần phải có trí huệ.

Trong người tu luyện cũng có tình huống tương tự. Hạng mục của đệ tử Đại Pháp rất nhiều, nhưng thời gian và tinh lực của mỗi từng học viên là có hạn. Làm hạng mục A có thể sẽ không còn thời gian làm hạng mục B, nếu làm cả hai hạng mục mà cứ phân tâm, đứng núi này trông núi nọ thì cả hai hạng mục đều làm không đến đầu đến đũa, vậy thì có thể sẽ có chỗ thiếu sót, sơ hở. Có thể sắp xếp được tốt thời gian của bản thân, sử dụng được tài nguyên tốt hơn cũng cần có trí huệ.

Tôi thường nghe và thấy những điều phối viên kêu gọi rất nhiều học viên tham gia hạng mục mà họ phụ trách, nhưng một học viên chỉ có chừng đó thời gian làm hạng mục giảng chân tướng thôi; nếu không làm được “thép tốt dùng làm lưỡi dao” thì sẽ tạo thành lãng phí tài nguyên. Ở đây trước tiên nói về một câu chuyện trong xã hội. Vài năm trước có hai người Mỹ đề xướng ra hoạt động từ thiện rất thành công, quyên góp được rất nhiều tiền. Tuy nhiên một cuộc điều tra xã hội đã phát hiện rằng số tiền mà người ta sẵn sàng quyên góp cho mỗi năm là có hạn nên đã đưa tiền từ thiện cho tổ chức mà hai người này ủng hộ, và như thế rất có thể họ sẽ không đưa cho các tổ chức quyên góp khác. Tổ chức từ thiện mà họ ủng hộ rất vui, hơn nữa biểu hiện bên ngoài lại có rất nhiều các ngôi sao tham gia quyên góp, cũng có không ít truyền thông đưa tin, xem ra cũng vô cùng náo nhiệt, đầy lòng nhân ái, yêu thương. Nhưng đối với toàn thể xã hội thì sao? Các khoản quyên góp không đồng đều thì sẽ dẫn đến có những tổ chức từ thiện rất cần tiền lại nhận được số tiền quyên góp càng ít hơn, khi nhìn nhận như vậy thì đây có còn là việc tốt không?

Có một số điều phối viên của hạng mục có khả năng thuyết phục các đồng tu tham gia hạng mục rất tốt. Kết quả là hạng mục này có rất nhiều học viên tham gia rồi nhưng còn các hạng mục khác thì sao đây? Có mấy hạng mục cứu người mà không thiếu người chứ?

Đương nhiên, làm một người điều phối, kêu gọi nhiều đồng tu tham gia hạng mục mà họ phụ trách cũng không có gì đáng trách cả, nếu có thể kêu gọi được những học viên không bước ra mà có thể bước ra thì đây cũng là việc công đức. Nhưng nếu người điều phối có trí huệ cân nhắc đến nhiều hạng mục hơn, phạm vi ảnh hưởng rộng hơn, nếu các đồng tu đều có thể phân bố tài nguyên như thời gian, tiền bạc, tài nguyên hợp lý hơn thì có lẽ hiệu quả cứu người trên tổng thể sẽ tốt hơn.

2. Góc độ khác nhau sẽ có kết luận khác nhau

Những ngày trước khi nói chuyện với mẹ – cũng là đồng tu, về vấn đề đứng ở góc độ khác nhau nhìn nhận vấn đề. Lúc đó tôi thuận tay chỉ một chiếc cốc trên bàn ăn làm thí dụ. Trên chiếc cốc này có in ba con chó dễ thương, nhưng lúc này vì tôi ngồi đối diện với mẹ tôi nên nhìn thấy hình ảnh hoàn toàn không giống nhau. Tôi có thể nhìn thấy hai con chó nhưng mẹ tôi lại chỉ có thể nhìn thấy một con. Giả dụ, nếu như hai người chúng tôi không thể đứng tại góc độ của người khác mà nhìn nhận vấn đề vậy có thể chỉ vì có mấy con chó trên chiếc cốc mà dẫn đến cãi nhau. Tôi thậm chí có thể cảm thấy mẹ tôi sống nhiều năm như thế thật vô ích, ngay cả con số cũng không phân biệt rõ ràng; và mẹ tôi cũng có thể cảm thấy việc học toán của tôi là vô ích, ngay cả con số cũng không biết đếm. Bất luận là mẹ tôi nhìn thấy một con hay tôi nhìn thấy hai con đều là đáp án phiến diện bởi vì chiếc cốc là lập thể.

Trong tu luyện tôi thấy cũng có tồn tại loại tình huống này, trong Phật giáo có câu chuyện “Người mù xem voi”. Sư phụ từng giảng:

“Tu luyện lộ bất đồng
Đô tại Đại Pháp trung”
(Vô trở – Hồng Ngâm II)

Tạm dịch:

“Đường tu luyện khác nhau
Đều là trong Đại Pháp”
(Không gì ngăn trở – Hồng Ngâm II)

Nếu con đường của mỗi học viên không giống nhau, thì trên đường đi sẽ nhìn thấy cảnh vật không như nhau, lý giải đối với Pháp cũng sẽ không giống nhau. Có lúc tôi nhìn thấy hoặc nghe được có học viên nói người khác tu kém, tôi sẽ nghĩ: Có thật vậy không? Là người khác tu không tốt hay là vì tu không giống bạn? Nhưng mà, thường người ngoài cuộc tỉnh táo còn kẻ trong cuộc lại u mê. Có nhiều lúc tôi phát hiện thấy rằng mình cũng đang dùng tiêu chuẩn của bản thân để đo lường người khác, cũng cảm thấy người khác chỗ này không tốt, chỗ kia không đúng. Trước đây, tôi sẽ đem điều này xem thành vấn đề tâm tính, phương diện đạo đức không đủ, nhưng bây giờ tôi đã cân nhắc về nhân tố của trí huệ. Nguyên nhân là do gần đây tôi nhận thức ra rằng có thể đứng tại góc độ khác nhau mà nhìn nhận vấn đề là cần phải có trí huệ. Không có trí huệ thì cho dù có nguyện vọng nghĩ cho người khác cũng không làm được.

Trong người thường có không ít người cảm thấy hình học không gian là khó, bởi vì họ không có cách nào tưởng tượng được trạng thái trong hình lập thể 3D. Khi học sinh không thể trả lời được câu hỏi về hình học không gian, bình thường người ta sẽ nghĩ học sinh này về phương diện này chưa được, không đủ thông minh. Đối với người thường nếu có thể tưởng tượng ra đồ hình 3D sẽ được xem là một loại năng lực. Vậy thì nếu đem sự việc suy nghĩ một cách thấu đáo, nhìn nhận sự vật từ nhiều góc độ, thậm chí là đứng trên góc độ của người khác mà cân nhắc vấn đề chẳng phải cũng là một loại năng lực và trí huệ sao?

Có người muốn tốt cho người khác, muốn giúp đỡ người ta nhưng kết quả giúp vào còn khiến hỏng việc, thành ra lại khiến người khác phiền lòng, nguyên nhân là vì sao? Có một tình huống chính là, anh ta đứng tại góc độ bản thân mà xét thì cho rằng mình làm thế là vì tốt cho người khác, chứ không đặt mình vào vị trí của người khác mà nghĩ. Nhưng có thể biết được tâm tư của người khác quả là không hề dễ dàng; không chỉ cân nhắc sở thích cá nhân của người khác mà còn phải cân nhắc yêu cầu của Đại Pháp đối với sinh mệnh, sau đó lại vì người khác mà làm chút việc gì đó, vậy thì càng khó hơn rồi. Nghĩ cho người khác là một môn học vấn nên cần có trí huệ mới có thể làm được tốt.

3. Vị tư là thông minh, vị công là trí huệ

Xã hội hiện đại có rất nhiều người ngưỡng mộ những kẻ khôn ranh, cho rằng họ “thông minh”. Nếu chỉ biết nghĩ cho lợi ích cá nhân thì sẽ được xem là “thông minh”, vậy ngược lại với điều đó là những người nguyện ý vì người khác mà phó xuất thì có thể được xem là có “trí huệ” không? Phần đầu của bài viết này có nói người bình thường chỉ đem vị công và vị tư gắn liền với thiện ác, kỳ thực đây là một nhận thức rất nông cạn. Người thường sẽ đem “lợi kỷ” và “thông minh” gắn liền với nhau; nói cách khác đem “lợi ích cá nhân” gắn liền với “ngộ tính kém” trong tu luyện. Từ góc độ này mà nhìn thì người thường cũng đang nói tự tư là không có biểu hiện của trí huệ.

Người khôn ranh có thể vì bảo hộ lợi ích cá nhân mà chấp trước ăn không ngon, ngủ không yên. Nhưng nếu như cân nhắc như thế nào để cân bằng lợi ích các bên thì có lẽ sẽ không xuất hiện tình huống này. Trong “Giảng Pháp vào tết Nguyên Tiêu năm 2003” Sư phụ có giảng:

“Khi chư vị có vô số chúng sinh cần chư vị đi quản, thì cũng sẽ rất bận tâm”.

Cho nên tôi nghĩ, vị công có lẽ cũng phải lao tâm khổ tứ, nhưng bởi vì trong lòng thản đãng nên sẽ không nặng nề và thống khổ như vị tư.

Trong phần mở đầu “Luận ngữ” có câu Pháp:

“Đại Pháp là trí huệ của Sáng Thế Chủ”.

Câu Pháp này không biết tôi đã đọc thuộc lòng bao nhiêu lần rồi nhưng dường như gần đây mới bắt đầu có thể ngộ sâu sắc hơn đối với từ “trí huệ”. Bây giờ lý giải của tôi đối với câu Pháp này là học Pháp là đang tăng thêm trí huệ, học Pháp không tốt sẽ thiếu đi trí huệ; có cái tâm vị công nhưng cũng không thể nào làm được. Nếu nói vị tha là một loại trí huệ, nếu làm được điểm này thì cũng là dấu hiệu của việc học Pháp được tốt.

Một chút thiển kiến cá nhân, có chỗ nào không thích đáng mong đồng tu bao dung. Hợp thập!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/287792



Ngày đăng: 05-04-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.