Đông Phương Sóc can gián Hán Vũ Đế



Tác giả: Cổ Phong

[ChanhKien.org]

Đông Phương Sóc là một nhân vật nổi tiếng thời Tây Hán, “Sử Ký” ghi lại những câu chuyện về ông trong “Hoạt Kê liệt truyện”, ông là người cơ trí và khôi hài, có hiểu biết rộng rãi, được Hán Vũ Đế vô cùng yêu mến và kính trọng. Đồng thời Đông Phương Sóc cũng là một người có tấm lòng trong sáng, là người cương trực, có dũng khí, dám thẳng thắn can gián Hán Vũ Đế, lưu lại nhiều câu chuyện khiến người đời ca tụng. Dưới đây chỉ là hai ví dụ:

Trong “Hán Thư” có ghi chép rằng, khi Hán Vũ Đế 18 tuổi (năm Kiến Nguyên thứ ba), bắt đầu cải trang ra ngoài đi săn cùng một số thị vệ, tự xưng là Bình Dương Hầu, thường xuyên cưỡi ngựa giẫm hỏng hoa màu của nông dân, khiến nông dân tức giận và cáo trạng lên quan huyện. Sau này Hán Vũ Đế dự định xây dựng Thượng Lâm Uyển để dành riêng cho việc săn bắn của mình. Đông Phương Sóc can gián rằng: Xây dựng Thượng Lâm Uyển có ba điểm không phù hợp: Một là, không chỉ chiếm mất vùng đất dồi dào sản vật mà còn lấn chiếm mất ruộng đồng của nông dân, không có chỗ nào tốt. Hai là, nuôi hươu, thỏ, hổ, sói phá hoại nhà cửa và mồ mả của bách tính, khiến cho già trẻ đều oán hận. Ba là, vườn xây dựng chạy dài theo hướng từ đông sang tây, bên trong lại có kênh ngòi, mương lớn rạch sâu, là việc rất nguy hiểm. Năm đó Trụ Vương xây chín thành trong cung, làm cho chư hầu nổi loạn; Sở Linh Vương xây Chương Hoa đài làm cho dân Sở tán loạn; nhà Tần vì xây Cung A Phòng mà thiên hạ đại loạn. Bây giờ bề tôi tự liều chết can ngăn, hy vọng quân vương có thể tự suy xét lại.

Lúc đó Hán Vũ Đế vẫn còn rất trẻ, nghe không lọt tai lời khuyên của Đông Phương Sóc, nhưng ông biết lòng trung thành của Đông Phương Sóc, tất cả những gì ông nói suy cho cùng cũng có lý nên đã phong cho ông làm quan Thái Trung Đại Phu và ban cho ông trăm cân vàng. Nhưng vẫn xây dựng Thượng Lâm Uyển.

Quán Đào công chúa là cô ruột của Hán Vũ Đế, ở góa suốt sau khi chồng qua đời, đến hơn 50 tuổi bắt đầu sủng ái một thanh niên trẻ tên là Đổng Yển, mọi người đều gọi cậu ta là Đổng Quân. Có lần Hán Vũ Đế đến vấn an Quán Đào công chúa, công chúa đã kéo Đổng Yển ra gặp Hán Vũ Đế rồi cùng dùng tiệc với ông. Từ đó về sau, thiên hạ đều biết đến Đổng Yển, đủ các loại người đều đến gặp Đổng Yển, Đổng Yển còn cùng Hán Vũ Đế xem chọi gà, đá cầu, đua chó, đua ngựa v.v… vô cùng vui vẻ.

Có lần, Hán Vũ Đế dự định mở tiệc chiêu đãi Quán Đào công chúa và Đổng Yển ở Tuyên Thất, lúc đó Đông Phương Sóc đang cầm cây kích bảo vệ cho hoàng đế Hán Vũ Đế, ông đặt cây kích xuống và nói với Hán Vũ Đế: Đổng Yển đáng chém vì ba tội lớn: Một là, Đổng Yển đã tư thông với công chúa; hai là, Đổng Yển làm bại hoại việc giáo hóa quan hệ nam nữ và làm loạn lễ nghi hôn nhân; ba là, Đổng Yển không thể khuyên bệ hạ noi theo các thánh vương thượng cổ, lại còn dụ dỗ bệ hạ vui chơi với việc đua chó ngựa, truy cầu vào ham muốn của tai mắt, thực chất là một tên đại tặc. Vũ Đế nghe xong trầm mặc rất lâu, sau đó nói, ta đã định xong tiệc rượu rồi, sau này sẽ cải chính. Đông Phương Sóc nói, không được, Tuyên Thất là chính điện của tiên đế, chỉ có bàn bạc đại sự liên quan đến pháp chế của quốc gia mới có thể được phép bước vào, chuyện dâm loạn sẽ dẫn đến họa phản loạn. Năm đó sủng thần của Tề Hoàn Công là Thụ Điêu dâm loạn, dẫn đến việc nịnh thần Dịch Nha làm loạn; Khánh Phủ chết rồi thì Lỗ Quốc mới được bảo toàn; Quản Thúc và Sái Thúc bị chém thì nhà Chu mới được an định. Vũ Đế nói: Được. Thế là đem tiệc rượu chuyển về Bắc Cung, và ban thưởng cho Đông Phương Sóc 30 cân vàng, Đổng Yển cũng dần dần ít được sủng ái, đến 30 tuổi thì chết.

Qua câu chuyện trên có thể thấy rằng, Quán Đào công chúa tư thông Đổng Yển, tội lỗi chủ yếu ở Quán Đào công chúa, Hán Vũ Đế mời Đổng Yển cùng vui chơi hưởng lạc, thậm chí còn tổ chức tiệc rượu tại chính định của tiên đế, sai lầm này chủ yếu ở tại Hán Vũ Đế. Đông Phương Sóc nói rằng nên chém Đổng Yển là một cách can gián khéo léo, Hán Vũ Đế cuối cùng cũng nghe theo và ban thưởng cho Đông Phương Sóc, tin rằng ông là bề tôi trung nghĩa chính trực. Hơn nữa chúng ta cũng có thể thấy rằng, tuy mọi người đều nói Hán Vũ Đế tài trí hơn người, nhưng đời sống sinh hoạt của xã hội thời đó đã bắt đầu tha hóa, may mắn thay là có một vị quan dám thẳng thắn khuyên can như Đông Phương Sóc, bản thân Hán Vũ Đế cũng có thể phân biệt được đúng sai. Vì vậy trong “Hán Thư” có ghi chép rằng: Đông Phương Sóc “thẳng thắn khuyên răn, và thường xuyên can gián”.

Trong hàng ngàn năm nay, mọi người đều luôn truyền tụng những câu chuyện của các thánh hiền cổ đại, một mặt có thể trọng đức tu thân, mặt khác còn có trách nhiệm trợ giúp và ủng hộ chính nghĩa.

Tài liệu lịch sử tham khảo:

“Sử Ký” của Tư Mã Thiên
“Hán Thư” của Ban Cố.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/279636



Ngày đăng: 01-02-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.