Từ vị tư vị ngã đến viên dung chỉnh thể



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp tại Đào Viên, Đài Loan

[ChanhKien.org]

Con xin kính chào Sư phụ! Xin kính chào các đồng tu!

Tôi là một giáo viên trung học đắc Pháp năm 1997 và đã tu luyện Pháp Luân Công được 25 năm. Trên con đường tu luyện của mình, trong gần 20 năm trở lại đây, tôi được an bài đảm nhiệm vị trí phụ đạo viên hoặc người phụ trách nhiều hạng mục khác nhau. Nhìn lại chặng đường đã qua, đây là một phần trong quá trình tu luyện và đề cao của tôi. Nhờ sự từ bi của Sư phụ, tôi đã chuyển từ việc chấp nhận một cách thụ động sang chủ động chịu trách nhiệm, từ vị tư vị ngã từng bước hướng tới viên dung chỉnh thể.

Thực ra, trước khi tu luyện, tôi là người đi đâu làm gì cũng thích một thân một mình. Tôi không giỏi xã giao và cũng không thích gia nhập các nhóm nhỏ. Tôi luôn chọn làm việc ở góc văn phòng, cảm thấy mình có thể làm tốt bổn phận của mình. Phong cách của tôi phù hợp với Đạo gia trong văn hóa Trung Quốc. Vì vậy khi tôi học tiếng Trung ở trường đại học, các bạn cùng lớp đã xếp tôi vào trường phái Lão Trang. Tuy nhiên, sau khi tu luyện Đại Pháp được vài năm, tôi đã trở thành phụ đạo viên hoặc người phụ trách, và tôi nhận ra rằng đó là để tôi tu bỏ tư tâm “chỉ lo cho bản thân mình”.

Năm nay, khi được yêu cầu làm người phụ trách khu vực của tôi, tôi đã thấy các tâm chấp trước của mình như tâm sợ hãi, tâm lo lắng, tâm sợ bị so sánh và tâm an dật: Tôi sợ rằng mình sẽ không thể làm tốt như người phụ trách trước đó. Thậm chí tôi còn hình dung rằng thời gian dành cho bản thân sẽ ít đi… Lúc đầu, tôi không muốn chủ động đảm nhận, thậm chí nhiều lần còn tìm cớ khước từ sự an bài này.

Trong suốt vài tuần, tôi đã không thể nào an giấc và thường xuyên phải hít thở sâu để giảm bớt áp lực trong tâm. Tôi thực sự cảm giác thấy áp lực ấy như núi. Sư phụ đã từng giảng:

“Làm người phụ trách thì áp lực lớn, đúng thế, áp lực nhỏ cũng không là tu luyện nữa.” “Cho nên tôi biết khó khăn của chư vị. Nhưng, xoay trở lại mà nói, trong khó khăn ấy mà có thể làm được tốt, thì đó chẳng phải uy đức sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Đúng vậy, tu luyện là quá trình liên tục trừ bỏ các tâm chấp trước. Hãy hồi tưởng lại, những gì bạn đang thiếu sót sẽ bổ sung cho bạn thông qua các hình thái khác nhau trong quá trình tu luyện, cho phép bạn ngộ ra và đề cao. Còn làm hay không làm việc gì đó chỉ là ở một niệm vị tư vị ngã hay là tiên tha hậu ngã. Sư phụ đã giảng:

“Kỳ thực, phụ đạo viên ấy là tình nguyện, chứ không phải cho chư vị làm phụ đạo viên thì [nghĩa là] chư vị tu thành!” (Pháp Luân Đại Pháp Nghĩa Giải – Ý kiến về Chính Pháp đề cập đến tại Hội nghị các phụ đạo viên tại Bắc Kinh [1995])

Tôi tự nhắc bản thân mình không được chỉ làm việc mà không tu luyện, còn cần phải trân trọng sự an bài tỉ mỉ của Sư phụ. Sau đây là một số thể ngộ trong tu luyện gần đây của tôi.

1. Trao đổi giữa các đồng tu với nhau

Không lâu sau khi tôi đảm nhận trách nhiệm, một đồng tu đã nói với tôi: “Chị không muốn trở thành bà chủ, chỉ cần chị cứ luôn mỉm cười vui vẻ như thế này”. Tôi nghĩ trong tâm tôi đâu có muốn làm bà chủ. Nhưng tôi tự nhủ: “Mình là phụ đạo viên chứ không phải chỉ đạo viên. Mình cần đặt mình hòa đồng giữa các đồng tu và mọi người nên cùng nhau đề cao. Mình không được có tâm muốn vượt lên trên các đồng tu khác”. Đôi khi lúc đối mặt với những vấn đề cụ thể, nếu không cẩn thận tôi sẽ vô tình nghĩ rằng “Mình phải đến để giải quyết vấn đề”. Nếu cơ điểm ấy không đúng đắn, tôi sẽ rơi vào tình trạng hiểu lầm không biết ai đúng ai sai. Tôi sẽ muốn giải quyết vấn đề cho xong để còn làm việc của riêng mình. Đây là cái tâm rất mạnh mẽ chú trọng vào cuộc sống của người thường, tâm an dật.

Ngược lại, cơ điểm của tôi nên được chính lại và tôi tự nhủ rằng mình sẽ đề cao cùng các đồng tu của mình. Vì vậy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: “Tại sao việc này lại xảy ra với mình?” Bởi vì ngay cả người thứ ba chứng kiến cũng phải hướng nội tìm. Tuy nhiên, sau khi làm sáng tỏ suy nghĩ của mình về Pháp lý, tôi sẽ không thể tránh khỏi việc giao lưu với các đồng tu bằng thiện tâm và sự chân thành bởi vì sự đề cao chỉnh thể mới chính là điều mà Sư phụ muốn thấy. Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy. Đôi khi nếu các đồng tu có ý kiến về người phụ trách hạng mục, họ sẽ phản ánh mọi việc với tôi, và một số thậm chí tiêu trầm và không muốn tiếp tục. Tôi nhớ có lần, một đồng tu đã nhắn tin cho tôi nói rằng cô ấy không muốn tham gia vào một hạng mục nào đó vì cô ấy không thích thái độ của người phụ trách.

Tôi đã gọi cho cô ấy. Vào thời điểm đó, cơ điểm không phải là lo lắng rằng nhân lực mà tôi tìm được sẽ không làm việc nữa, mà là quan tâm đến việc tu luyện của các đồng tu và nghĩ đến các vấn đề từ góc độ cứu độ chúng sinh. Trong quá trình giao lưu, tôi hỏi cô ấy: “Nếu người phụ trách có thái độ tốt và giọng điệu nhẹ nhàng hơn thì cô có tiếp tục làm việc đó không?” Cô ấy dừng lại vài giây và nói: “Có”. Tôi hỏi lại cô ấy: “Vậy cơ điểm của việc chúng ta làm việc này có phải là vì người phụ trách không?” Cô ấy nói: “Không phải, là để cứu người”. Tôi không nói gì thêm, và chỉ trong vài giây, cô ấy nói: “Tôi biết phải làm gì mà”. Cuối cùng, cô quyết định tiếp tục thực hiện công việc của hạng mục.

Tôi rất mừng cho đồng tu đó. Qua sự việc này, tôi cũng được nghe về trải nghiệm của đồng tu đó. Nhiều vấn đề phối hợp cụ thể không nên rơi vào trạng thái tê liệt hoặc coi mọi thứ là điều hiển nhiên, chẳng hạn như tôi nghĩ rằng các đồng tu nên hợp tác với nhau bằng mọi cách. Khi người phụ trách muốn tu thiện thì cần phải xem xét đến trình độ tiếp thụ của các đồng tu. Nếu không, tôi sẽ vô tình tạo ra sự áp đảo với các đồng tu và cản trở nỗ lực cứu người của mình.

2. Tu bỏ tâm sợ khổ nạn và can đảm đối mặt với chúng

Sư phụ đã giảng:

“Về trạng thái một nơi là tốt hay không, thì người phụ trách cũng rất then chốt. Tâm người thường nhiều đến thế, e cái này sợ cái kia, càng sợ càng phiền toái. Làm người phụ trách mà giảng, Sư phụ giao những học viên đó cho chư vị, chư vị cảm thấy họ tu tốt hay không thì chư vị không có trách nhiệm chăng? Là có trách nhiệm”. (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014)

Đệ tử Đại Pháp luôn được quản lý lơi lỏng, nhưng người phụ trách không phải “chỉ mỉm cười”. Khi đối diện với mâu thuẫn giữa các đồng tu, tôi thực sự cười không nổi và phải đối diện với nó.

Đôi khi tôi nghĩ: “Chuyện đó xảy ra khi nào vậy? Chúng ta vẫn còn mâu thuẫn lớn như vậy sao?” Đôi khi thật khó để bất động tâm. Tôi hướng nội tìm ở bản thân và nhận ra rằng mình đang giải quyết vấn đề vì chấp trước vào tâm hữu cầu giải quyết cho xong vấn đề. Hơn nữa, tôi cũng sợ các rắc rối và muốn hoàn thành một lần cho xong. Tôi muốn việc giao lưu của mình được hoàn thành chỉ trong một bước. Khi gặp những học viên lâu năm hay những đồng tu có tài ăn nói, những cuộc tranh luận dường như không có hồi kết, khiến tâm tôi rất mệt mỏi. Tôi biết rằng mình phải dĩ Pháp vi Sư, tu bỏ tâm sợ khó và dũng cảm đối mặt với chúng. Tuy nhiên, có những lúc mọi việc diễn ra tốt đẹp và có những lúc mọi chuyện lại không như ý muốn.

Khi một đồng tu nặng lời với tôi, nếu tôi có thể bất động tâm và bình tĩnh lắng nghe, tôi thấy rằng Sư phụ sẽ ban cho tôi trí huệ, cho phép tôi nghe rõ lý lẽ lô-gích của đồng tu đó, và sau đó dựa trên Pháp mà giao tiếp một cách bình hòa với người ấy. Ngược lại, đôi lúc tôi tưởng mình đã rất nỗ lực phối hợp nhưng vẫn bị chỉ trích không làm tròn trách nhiệm thì những bất bình, ủy khuất, v.v. sẽ chiếm ưu thế và tôi sẽ tỏ ra thiếu kiên nhẫn hoặc rơi vào trạng thái tiêu trầm. Khi gặp tình huống như vậy, tôi sẽ tạm dừng việc chia sẻ gây tranh cãi, bình tĩnh và hướng nội tìm, để mâu thuẫn giữa hai đồng tu sẽ không phát triển thành mâu thuẫn giữa nhiều người hơn, bởi xích mích nội bộ trong mâu thuẫn là điều mà cựu thế lực muốn thấy nhất.

Đồng thời, tôi ngộ ra rằng mình vẫn cần phải tu bỏ cái tâm sợ làm mất lòng người khác vốn đã trở nên thâm căn cố đế trong tôi. Tôi sợ làm mất lòng người khác. Đằng sau cái tư tâm ngoan cố này, tôi nhận thấy còn một tư tâm ẩn giấu sâu hơn. Tôi không thích bị liên lụy vào những chuyện thị phi, và tôi tự bảo vệ bản thân mình khỏi bị tổn thương. Hơn nữa, tôi từng nghĩ tôi sẽ không dễ gì làm tổn thương người khác. Suy nghĩ này ẩn giấu rất sâu khiến tôi cảm thấy việc tu luyện của mình không tệ. Con xin cảm ơn Sư phụ về đoạn Pháp đã giúp con trừ bỏ cái tâm lo lắng cái này lo lắng cái kia. Sư phụ giảng:

“Nếu trong lời mà chư vị nói, cơ điểm mục đích là vì bản thân mình, mỗi lời nói đều để ve vuốt lòng người: “Ái chà, bạn đừng hiểu lầm tôi việc này nhé, đừng hiểu lầm tôi việc kia nhé”, “tôi nói lời này là không để người ta bắt bẻ tôi”. Cái gì chư vị cũng có, trong não chư vị hoạt động xuất ra những lời ấy là mang theo tín tức phi thường bất hảo. Nếu chư vị quả thật là thiện tâm, không có bất kể cái gì là bản thân cả, thì lời nói xuất ra ấy, chính là lương thiện đơn thuần”. (Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên ở Trường Xuân [1998])

Tôi tự nhủ rằng mình nên cởi mở và thẳng thắn, đồng thời cố gắng hết sức để trở nên từ bi và bao dung. Ngay cả khi đối mặt với những lời chỉ trích và hiểu lầm nhất thời từ các đồng tu, tôi không nên cảm thấy ủy khuất hay oán trách, và không nên hình thành quan điểm cố định về các đồng tu.

3. “Thính nhi bất văn” và tu khẩu

Tôi nghĩ người phụ trách cần phải “thính nhi bất văn” (nghe mà chẳng nghe thấy) và nên tu khẩu. Tại sao? Bởi vì mâu thuẫn giữa các đồng tu chắc chắn sẽ có liên quan đến việc nghe một số phát biểu tương đối chi tiết hoặc chỉ đích danh, nên tôi tự nhắc mình rằng khi nghe những điều này sẽ không được hình thành bất kể quan niệm nào về các đồng tu có liên quan. Tôi cũng phải tu khẩu trước những việc liên quan đến riêng tư của các đồng tu.

Đối với tôi, “thính nhi bất văn” là một thử thách lớn, bởi vì trong đầu tôi thường phải tiêu hóa các thông tin đầy mâu thuẫn giữa các đồng tu. Đối với tôi, sau khi nghe các thông tin, nhưng không để chúng ảnh hưởng đến tâm thanh tịnh của mình, tôi cần phải học Pháp thật nhiều và đôi khi phát chính niệm nhiều hơn. Ngoài ra, tôi cũng nhắc nhở bản thân không được vì tình riêng với người khác mà động tâm, cũng không được vì tình riêng mà ngại giao lưu với người khác, ngay cả với những đồng tu thân thiết nhất của tôi. Và sau khi sự việc qua rồi, tôi cần phải xóa sạch nó trong tâm. Tôi phải tin tưởng rằng tất cả các đồng tu đều đang tu luyện cùng một Đại Pháp và mọi người sẽ tiếp tục đề cao. Do đó tôi sẽ không có thành kiến với trạng thái vượt quan tạm thời ấy của các đồng tu.

Ngoài ra, người phụ trách cũng phải thực hành tu khẩu. Rất ít khi tôi không đặt tâm vào tu khẩu, bởi vì tôi biết rằng mấy chuyện thị phi đều từ nhanh mồm nhanh miệng mà ra. Hơn nữa nếu người nói có chấp trước và có cảm xúc thì sẽ có tác động tiêu cực đến những đồng tu đang nghe và cả các đồng tu được nhắc đến. Tôi nhớ có một lần, khi trở về nhà, tôi kể với đồng tu chồng: “Một đồng tu đã kể với em về những chuyện xảy ra với đồng tu kia, v.v”. Lúc đó tôi đang trong trạng thái phàn nàn, chồng tôi liền nhắc nhở: “Sao em lại nói với anh chuyện này?” Chồng tôi chỉ ra rằng trạng thái giao tiếp của tôi lúc đó không phải là chia sẻ mà là tôi bị động tâm và lời nói cứ thế tuôn ra không kiềm chế được. Cảm ơn gia đình và các bạn đồng tu đã kịp thời chia sẻ và chỉ ra chỗ sai. Cho đến nay tôi vẫn còn ấn tượng sâu sắc và luôn cảnh giác với bản thân mình.

4. Bài trừ can nhiễu và trân quý hoàn cảnh tu luyện

Mỗi một đồng tu đều rất đáng trân quý. Bất kể khi nào mà đồng tu vượt quan, tôi luôn cố gắng hết sức để ngừng các việc đang làm hoặc các hạng mục của riêng mình, và giao lưu chia sẻ về Pháp với các đồng tu một cách kịp thời, bởi vì sự đề cao của đồng tu cũng là sự đề cao của chỉnh thể. Nhiều lúc, tôi cũng lo lắng về tình hình của các đồng tu tham gia học Pháp tập thể hoặc luyện công ở huyện hoặc các điểm luyện công, bởi vì đó là môi trường mà Sư phụ đã để lại cho chúng ta. Sư phụ giảng:

“Học Pháp tập thể là một trong những hoàn cảnh do Sư phụ sáng lập ra cho chư vị, lưu lại loại hình thức này, Sư phụ nghĩ cũng nên làm như vậy. Vì đó là do thực tiễn mà ra, tu như vậy đối với học viên là nâng cao rất nhanh. Tự tu luyện một mình, đề cao không có nhân tố xúc tiến”. (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương)

Hơn nữa, thông qua việc học Pháp tập thể và giao lưu chia sẻ, tôi có thể nhìn thấy những điểm sáng của các đồng tu, học hỏi từ họ, bổ khuyết cho nhau và không bị giới hạn trong khuôn khổ hiểu biết của bản thân. Tôi nhớ là mình đã ở trong trạng thái độc tu trong hai năm đầu tiên sau khi đắc Pháp. Tôi cảm thấy biết ơn mẹ chồng tôi, cũng là một đồng tu vì đã khuyến khích và động viên tôi. Một lần khi về quê thăm người thân, mẹ chồng tôi đã hy sinh cơ hội được tham gia nhóm chia sẻ để giúp chúng tôi chăm sóc con nhỏ mới được vài tháng tuổi. Bà khuyến khích vợ chồng tôi tham gia vào buổi giao lưu chia sẻ của nhóm đồng tu địa phương vào ngày hôm đó. Chỉ sau đó tôi mới nhận ra rằng từ trước tới giờ tôi vẫn đang tu luyện trong một tháp ngà, nơi trú ẩn của những trải nghiệm cá nhân, và từ đó trở đi tôi rất trân quý thời gian học Pháp tập thể.

Trong hai năm qua, do dịch bệnh, một số đồng tu đã dần ly khai môi trường tu luyện tập thể mà Sư phụ đã để lại cho chúng ta vì các yếu tố như phòng chống dịch bệnh và người thân trong gia đình. Điều này rất nguy hiểm vì tà ác ở không gian khác vẫn đang theo dõi. Chúng ta cần phải hình thành một chỉnh thể và ngăn chặn cựu thế lực lợi dụng chúng ta. Hơn nữa, dù bận rộn đến đâu, chúng ta cũng phải học Pháp một cách nhập tâm để đắc Pháp, tinh tấn thực tu và làm tốt ba việc.

Sư phụ giảng:

“Những nơi nào đang thực thi thật tốt cứu độ chúng sinh và chứng thực Pháp, và có biến đổi lớn, nhất định là vì mọi người học Pháp tốt. Những đệ tử Đại Pháp nào có đề cao cá nhân nhanh chóng nhất định là vì coi trọng học Pháp. Vì Pháp là cơ sở, là căn bản của đệ tử Đại Pháp, là bảo đảm cho hết thảy, là thông lộ từ con người trở thành Thần”. (Gửi Pháp hội Úc [2006] – Tinh tấn yếu chỉ III)

Tôi hy vọng tất cả chúng ta đều trân quý môi trường học Pháp luyện công tập thể và cùng nhau đề cao.

5. Mở rộng khả năng phối hợp chỉnh thể

Trong bộ phim kỷ niệm 10 năm của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun, có một cảnh khiến tôi vô cùng cảm động. Khi vũ công chính vào cánh gà để thay đồ, các diễn viên khác đã lao tới giúp cô hoàn thành việc thay đồ trong thời gian ngắn nhất. Sau khi được tất cả các thành viên động viên, các diễn viên nhanh chóng quay trở lại sân khấu và hoàn thành màn trình diễn tuyệt hảo. Tôi nhìn thấy cảnh tượng các diễn viên Shen Yun ngưng tụ thành một chỉnh thể vô tư vô ngã khiến người ta cảm động. Vài năm sau, mặc dù các vũ công chính ban đầu không còn đóng vai chính nhưng họ vẫn cống hiến hết mình để thể hiện một màn trình diễn hoàn mỹ và hỗ trợ lẫn nhau, ngay cả các diễn viên đóng vai dân làng trong vở vũ kịch cũng đã thể hiện một nỗ lực phi thường để thực hiện từng động tác một cách tốt đẹp nhất.

Điều này đã mang lại cho tôi nguồn cảm hứng rất lớn. Đúng vậy, Chính Pháp yêu cầu chúng ta phải ở một vị trí nhất định, không có vấn đề chúng ta muốn hay không muốn, chỉ là có cần hay không. Khi tất cả chúng ta có đủ dũng khí để thực hiện, chúng ta sẽ thấy con đường tu luyện mà Sư phụ đã trải sẵn cho chúng ta, và chúng ta có thể lĩnh hội được nội hàm từ bi của Phật ân hạo đãng.

Những gì chia sẻ trên đây là một vài thể ngộ tu luyện của tôi với tư cách là phụ đạo viên hoặc người phụ trách. Thông thường, ngoài các hạng mục cứu người của riêng mình, khi các đồng tu cần sự trợ giúp hoặc phối hợp, tôi sẽ mở rộng khả năng của mình cùng các đồng tu chứng thực Pháp, chẳng hạn như quảng bá Shen Yun trong cuộc sống hàng ngày, tổ chức các buổi tiệc trà hoặc quảng bá phim ảnh và các phương tiện truyền thông giảng chân tướng, v.v.

Vào đầu năm 2022, Shen Yun đã không thể biểu diễn ở Đài Loan khiến mọi người đều cảm thấy trong lòng nặng trĩu. Khi được xác nhận là Shen Yun có thể biểu diễn trở lại, tất cả chúng tôi đều minh bạch rằng đây là một cơ hội và sự từ bi mà Sư tôn đã lưu cấp cho các học viên Đài Loan. Nhưng bước đột phá về mặt chỉnh thể là gì? Hai năm vừa qua Shen Yun chưa được diễn ở Đài Loan, và các đồng tu lại đảm nhận nhiều hạng mục hơn. Do đó, khi Shen Yun đến Đài Loan chúng ta cần khuếch đại khả năng, diệt trừ quan niệm “Tôi đã có nhiều việc ở các hạng mục khác” và tích cực phối hợp với Shen Yun để cứu người.

Việc quảng bá Shen Yun không phải là trách nhiệm của một số ít đồng tu. Mọi người ai cũng có chúng sinh tương ứng của mình. Tôi nhớ Sư phụ đã giảng:

“Mỗi lời nói, mỗi truyền đơn, mỗi lần ấn nút bàn phím, mỗi cuộc điện thoại, mỗi lá thư của chư vị đều có tác dụng to lớn; những sinh mệnh đã biết rõ sự thật, đều là môi trường truyền [tin], họ cũng đang giảng chân tướng”. (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ quốc năm 2003)

Trong tu luyện, tôi thật sự cảm thấy có những người hữu duyên đang đợi chờ chúng ta. Sư phụ cũng giảng:

“Tu tại tự kỷ, công tại Sư phụ” (Chuyển Pháp Luân)

Ngoài việc có nguyện vọng, chúng ta cũng phải có động lực để tu luyện mới có thể nhận được thánh duyên do Sư tôn an bài. Vào năm 2023, tôi xin cảm ơn Shen Yun vì sẽ biểu diễn ở Đài Loan một lần nữa, và tôi mong muốn được tinh tấn cùng các đồng tu để có thể xứng đáng với ân điển mà Sư tôn đã ban cho chúng ta.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Xin cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội giao lưu tâm đắc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan năm 2022)

Dịch từ:

http://www.pureinsight.org/node/7757

https://www.zhengjian.org/node/279608



Ngày đăng: 04-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.