Những câu chuyện hôn nhân thời cổ đại



Tác giả: Lý Tuyết Thuần

[ChanhKien.org]

1.

Vương Trạm là quan nội sử huyện Nhữ Nam, bởi vì tính ông không thích nói chuyện, không thích giao lưu, nên người ta nhầm tưởng rằng ông bị khờ khạo. Khi còn trẻ không có ai tới cầu thân, đề nghị kết thông gia, nên ông bèn tự mình cầu thân con gái của Hác Phổ. Phụ thân của Vương Trạm là Vương Sướng cho rằng ông bị ngốc, lại đúng lúc ông chưa có mối nào để thành gia thất nên đã làm theo ý muốn của ông. Sau khi kết hôn, Hác Thị quả nhiên xinh đẹp và hiền thục, cô đã sinh được Vương Thừa (Vương Thừa được ca tụng là đệ nhất danh sĩ những năm đầu thời Đông Tấn), trở thành hình mẫu người mẹ hiền đức của nhà họ Vương. Có người hỏi Vương Trạm rằng: “Làm sao mà ông biết được cô ấy tốt như vậy?” Vương Trạm nói: “Tôi từng nhìn thấy cô ấy lấy nước bên giếng, dáng vẻ và cử chỉ không có chỗ nào bất thường và khiếm nhã, điều này cho thấy cô ấy là người tuyệt vời”.

Lời bình:

Cổ nhân rất xem trọng đức hạnh của con người, dù là kết bạn hay kết hôn cũng cần chọn người có nhân phẩm tốt. Vương Trạm bề ngoài có vẻ khờ khạo, nhưng trên thực tế lại rất tinh tế. Có thể thấy được sự cao minh của Vương Trạm trong việc chọn vợ: Sau khi quan sát và đánh giá một cách tỉ mỉ và cẩn thận hành vi thường ngày của Hác Thị mới đưa ra quyết định. Vương Trạm xuất thân trong gia đình quan lại danh gia vọng tộc, cha là Vương Sướng làm quan đến chức Ty Khống, đi đến đâu cũng là tiêu điểm chú ý của mọi người. Nhưng điều ở Hác Thị khiến Vương Trạm rung động chính là sự điềm tĩnh và thanh nhã mà cô thể hiện trong lúc làm việc, đây chính là mỹ đức nên có mà người xưa coi trọng ở người phụ nữ.

2.

Vợ của Vương Hồn là Chung Thị sinh ra một cô con gái xinh đẹp và hiền thục, Vương Tế (con trai thứ của Vương Hồn) muốn tìm một người chồng xứng đôi phải lứa cho em gái của mình, nhưng mãi không tìm được ai. Có cậu con trai của một người lính nọ, tài năng xuất chúng, Vương Tế muốn gả em gái của mình cho cậu ta, bèn đem chuyện này nói với mẫu thân, mẫu thân nói: “Nếu cậu ta thực sự có tài hoa, thì không cần phải xét đến gia thế, nhưng cần cho mẹ gặp cậu ta trước đã”. Vương Tế bèn yêu cầu con trai của người lính kia đứng trộn lẫn vào cùng những người dân bình thường để mẫu thân quan sát cậu ta đằng sau bức rèm. Sau đó mẫu thân nói với Vương Tế rằng: “Người mặc y phục và tướng mạo như thế này có phải là người mà con đã chọn không?” Vương Tế đáp: “Đúng vậy thưa mẫu thân”. Mẫu thân nói: “Tài năng của cậu ta đủ để sau này nổi danh, nhưng nhìn vẻ ngoài và xương cốt thì thọ mệnh của cậu ta không dài, không thể kết hôn cùng cậu ta”. Vương Tế đã nghe theo lời mẫu thân. Con trai của người lính kia quả nhiên vài năm sau đó thì chết.

Lời bình:

Chung Thị này quả thật không tầm thường, bà là chắt gái của thái phủ Chung Dao, xuất thân từ một gia đình danh giá, có tri thức lại am hiểu lễ nghĩa, tài trí hơn người. Bà cùng với nhân vật chính Hác Thị ở câu chuyện trước là một cặp chị em dâu tốt. Có người trêu đùa Chung Thị là “Thiên hạ đệ nhất nhạc mẫu”. Khi chọn con rể, bà chỉ cần nhìn anh ta trong đám đông là có thể nhìn thấu được dòng dõi gia đình cũng như tương lai và tuổi thọ của anh ta. Có người còn nói: “Có được người mẹ như vậy là phúc phận của người con gái, bà có thể giúp con gái của mình chọn được một người chồng tốt”.

Chung Thị biết xem tướng, điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên ở thời cổ đại. Tướng học, phong thủy, chu dịch, ngũ hành, bát quái v.v… những thứ này được cổ nhân tôn sùng đều không phải là mê tín, và đang dần được khoa học hiện đại chứng thực.

Hôn nhân cổ đại chủ yếu dựa vào “ý cha mẹ, lời mối mái”, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Cha mẹ có kinh nghiệm sống phong phú và từng trải hơn con cái nhiều, họ nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn, nhìn xa trông rộng và chính xác hơn con trẻ. Hôn nhân gia đình của người xưa nhìn chung tương đối ổn định.

Hôn nhân hiện nay chủ yếu là do giới trẻ tự mình quyết định, những năm gần đây còn phổ biến cái gì gọi là hẹn hò trên truyền hình, hẹn hò trực tuyến, hẹn hò tập thể… đủ mọi hình thức, loại gì cũng có. Nhưng hiện tại tỷ lệ ly hôn đang tăng lên hàng năm. Tất nhiên điều này có liên quan đến nhiều phương diện, trong đó có sự thiếu kinh nghiệm của giới trẻ, càng có liên quan đến sự xuống dốc đạo đức của toàn thể xã hội.

3.

Thái phủ Hy Giám phái người gửi thư cho thừa tướng Vương Đạo với mong muốn tìm con rể cho gia đình. Vương Đạo nói với người đưa thư của Hy Giám rằng: “Người đi đến Đông Sương phòng, tùy ý lựa chọn”. Người đưa thư quay về nói với Hy Giám rằng: “Con cháu ở nhà họ Vương đều rất tốt, nghe nói có người đến nhà chọn rể, đều ngồi ngay ngắn, nghiêm nghị và dè dặt. Chỉ có một thiếu gia nằm phơi bụng trên giường phía đông ngủ, như chưa thể từng nghe nói đến việc chọn rể này”. Hy Giám nói: “Người này chính là tốt nhất!” và lập tức phái người tới hỏi thăm, hóa ra đây chính là Vương Hy Chi, liền đem con gái gả cho anh ta.

Bình luận:

Thái phủ Hy Giám là trọng thần thời Đông Tấn, khi còn nhỏ ông theo học đại sư Trịnh Huyền của Nho gia, thông thạo nhiều sách kinh điển, ông nổi tiếng vì sự nho nhã và thanh tao. Chuyện ông chọn rể cho ái nữ đã trở thành giai thoại “kén rể đông sàng” (kén rể bên giường đông, ý chỉ kén được con rể tốt) lưu truyền thiên cổ.

Nhà họ Vương có nhiều người con ưu tú, vậy tại sao ông lại chọn đúng con rể đông sàng Vương Hy Chi? Chúng ta cần biết rằng, lúc đó Vương Hy Chi vẫn chưa phải là “Thư Thánh”. Bởi vì Hy Giám đã quen với những quan nịnh thần bợ đỡ trong triều đình nên ông nhìn thấy phẩm chất điềm tĩnh, tự do tự tại, tiêu sái độc đáo ở Vương Hy Chi. Theo ghi chép lịch sử thì Vương Hy Chi là người tín ngưỡng Đạo giáo, tôn trọng tự nhiên. Cách đối nhân xử thế và tác phẩm thư pháp cả một đời của ông đều rất phù hợp với Đạo. Các tác phẩm thư pháp của ông, chẳng hạn như “Khoái tuyết thời tình thiếp” trong tập thơ “Lan Đình Tự” được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất hành thư, thể hiện ra được khí chất chân thật, khiến cho người ta cảm thấy sự tiêu sái phóng khoáng và thuần tịnh tự nhiên. Người ta tán dương các tác phẩm của Vương Hy Chi là “Thiên chất tự nhiên, tài hoa xuất chúng hơn người”. Vương Hy Chi dùng thành tích của mình để chứng minh cho nhãn quang chọn con rể của nhạc phụ Hy Giám là hoàn toàn chuẩn xác!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/285061



Ngày đăng: 18-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.