Luân hồi ký sự: Văn Thành công chúa (1)



Tác giả: Tử Vi

[ChanhKien.org]

Thần tạo ra con người, cấp cho con người những thứ quy phạm về ngôn hành cử chỉ lễ nghĩa giáo hóa và cấp cho con người trí huệ cần có. Đối với sự luân chuyển của sinh mệnh, sự ủy thác của linh hồn và hướng đi trong tương lai vốn đã có kế hoạch và trù tính từ vĩ mô, tất cả những điều này đều do Thần cao hơn trong vũ trụ khống chế.

Nhưng trong lúc vũ trụ đang hướng đến thời kỳ hoại diệt thì có một nhóm sinh mệnh trong thiên giới muốn tự cứu, muốn thành tựu những thứ của bản thân; họ tự cho mình là đúng đắn và sắp xếp thể hệ một cách cẩn mật, cho rằng họ có thể hoàn thành được việc tự cứu. Không ngờ rằng những sắp xếp của họ lại chính là đang phá hoại những bố cục mà Sáng Thế Chủ đã an bài xong, bọn họ đã thuận theo những thế lực đen tối đó. Song Phật Pháp vô biên, ở đâu đó trong bóng tối Sáng Thế Chủ đã tự có trù tính để phá giải những an bài bại hoại đen tối đó.

Ở đây tôi muốn nói đến chính là Tây Tạng. Trên lịch sử, vì để đức tin vào Thần có thể bén rễ tại vùng đất này, vì để kết duyên với Thần Phật, vì để những chúng sinh ở nơi đây không bị bỏ lại phía sau khi Đại Pháp hồng truyền vào lúc mạt thế, đã có rất nhiều người tu hành góp phần vào việc hồng dương Phật Pháp, ví dụ như thượng sư Marpa, tôn giả Milarepa, đại sĩ Liên Hoa Sinh và quốc sư triều Nguyên Phagpa v.v…

Tôi muốn nói đến là vào khoảng thế kỷ thứ bảy, sự việc xảy ra dưới thời cai trị của Tùng Tán Cán Bố ở vương triều Thổ Phồn. Tùng Tán Cán Bố kết hôn với Văn Thành công chúa của Đại Đường và Văn Thành công chúa cũng là người thúc đẩy việc truyền bá Phật Pháp tại Tây Tạng.

Bởi vì thế nhân đại đa số đều là những sinh mệnh trên Thiên thượng chuyển sinh đến, sinh mệnh đáng được trân quý, không thể dung thứ cho những thứ độc hại và trụy lạc. Tuy nhiên nhân thế hiểm ác rất dễ làm cho linh tính của con người bị mê lạc. Tu hành có thể thăng hoa cảnh giới của con người, cứu vãn đạo đức bại hoại và tìm lại nguồn gốc sinh mệnh. Những người đã góp phần truyền bá Phật Pháp trong lịch sử nhân loại rất xứng đáng để chúng ta tôn kính.

Trong lịch sử, hoàng đế Thái Tông của triều đại nhà Đường có rất nhiều sự tích sáng lọi.

Thánh hoàng Lý Thế Dân thực thi nền chính trị nhân từ, lấy dân chúng làm căn bản của quốc gia, dùng quân sự để xây dựng và bảo vệ vận mệnh quốc gia, dùng văn trị (văn hóa, giáo dục) để mang lại sự hòa bình và ổn định cho đất nước. Những dân tộc thiểu số xung quanh đều quy hàng nhà Đường và tôn Đường Thái Tông là “Thiên Khả Hãn”.

Từ cổ chí kim, “hòa vi quý” , “đạo trung dung” là những tư tưởng được các vương triều Trung Nguyên tôn sùng. Trên cơ bản, việc thực hiện lý tưởng “bình thiên hạ” không dựa vào võ thuật mà là dùng văn hóa và giáo dục để trị quốc; thực hiện điều đó không phải là độc tài mà là vương đạo.

Mỗi một vương triều, ngôn xuất tất hành, đều phải thực hiện lời hứa của mình! Tôi nhìn thấy trong quá trình mỗi từng dân tộc kết duyên, sự an bài của lịch sử từng bước từng bước mở ra một cách có trật tự.

Tại Thổ Phồn, nơi cách Trường An tám ngàn dặm về phía Tây thời nhà Đường, Tùng Tán Cán Bố lên ngôi Tán Phổ (là danh hiệu của Quân chủ Đế quốc Thổ Phồn của người Tạng, tương đương với Hoàng đế) và dời đô đến Luoxie (Lhasa Tây Tạng ngày nay). Tùng Tán Cán Bố đặt ra các chế độ, thiết lập các cấp bậc quan lại, ban hành luật lệ, đưa vào văn hóa và kỹ thuật từ Nepal, Thiên Trúc v.v… để phát triển xã hội Thổ Phồn. Tùng Tán Cán Bố từng phái sứ giả đến Đại Đường, ông nghe sứ giả nói rằng các nước như Thổ Cốc Hồn và Đột Quyết đều kết hôn với công chúa nhà Đường, ông cũng có suy nghĩ như vậy nên đã phái sứ giả đến nhà Đường để cầu hôn nhưng bị Đường Thái Tông cự tuyệt.

Sứ giả trở về Thổ Phồn và nói dối rằng: “Khi vừa mới đến Trường An, nhà Đường đối xử rất ưu ái và cho phép kết thông gia, sau đó vì quốc vương Thổ Cốc Hồn vào triều gây ly gián cho nên việc thảo luận thông hôn bất thành”. Tùng Tán Cán Bố nghe vậy thì nổi giận lôi đình, liền đem quân tấn công Thổ Cốc Hồn, kết quả Thổ Cốc Hồn thất bại. Tùng Tán Cán Bố lại đem quân tấn công hai bộ lạc khác là Đảng Hạng và Bạch Lan, sau đó dẫn theo 20 vạn binh lính đóng quân tại phía Tây Tùng Châu (nay thuộc huyện Tùng Phan, Tứ Xuyên); đồng thời ông còn phái sứ giả mang ngân lượng, vàng bạc châu báu, lụa là gấm vóc đến Trường An, gọi đó là lễ vật cầu hôn. Sứ giả đến truyền tin rằng: Nếu như đại quốc không gả công chúa thì sẽ lập tức bị tấn công vào thành.

Quả nhiên Tùng Tán Cán Bố đã đem quân tấn công Tùng Châu, vì Tùng Châu xem thường quân địch nên bị thất bại. Sau đó Đường Thái Tông điều binh khiển tướng ra trận và đã đánh bại được Thổ Phồn. Tùng Tán Cán Bố dẫn binh rút lui, đồng thời cử sứ giả đến tạ tội, một lần nữa lại yêu cầu thông hôn và đã được Đường Thái Tông đồng ý. Năm 640 Công Nguyên, Tùng Tán Cán Bố đã cử đại tướng Lục Đông Tán vào triều.

Công chúa Văn Thành là thứ nữ (con gái vợ lẽ) của Lý Đạo Tông – chú của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, khuê danh (tên lúc chưa xuất giá) là Băng Nhạn, tên gọi lúc nhỏ là Hồng Nhi. Khi Băng Nhạn ra đời, trong giấc mơ mẹ nàng đã nhìn thấy cầu vồng trong suốt, một người con gái xinh đẹp đi men dọc theo cầu vồng mà hạ xuống, vì vậy khi đứa trẻ chào đời đã được đặt tên mụ là Hồng Nhi.

Hồng Nhi rất thông minh và lanh lợi, có kiến thức sâu rộng, năng lực lĩnh hội tốt, đặc biệt là rất thích xem sách lạ. Nàng biết xem chiêm tinh, có thể liên hệ đến việc chính sự, nàng còn biết xem phong thủy và biết được điềm lành dữ; ngoài ra nhìn đồ vật nàng có thể biết được hướng đi. Là con gái của tôn thất nhưng nàng lại chủ động xin gả cho Tạng Vương, chuyện này là như thế nào đây?

Trong thời gian xảy ra cuộc chiến giữa nhà Đường và Thổ Phồn, Hồng Nhi chỉ hơn mười tuổi, khi quan sát thiên tượng phía Tây trong đêm đã nói rằng: Thổ Phồn nhất định sẽ bị đánh bại. Lúc đó quản gia cho rằng điều này là chuyện hoang đường, cho đến khi có tin từ chiến trường truyền đến thì mọi người mới tín phục.

Hóa ra trước khi Sứ giả Thổ Phồn đến Trường An Hồng Nhi đã nhìn thấy sợi chỉ đỏ từ phía Tây lao đến trói chặt mắt cá chân của mình. Nàng liền lặng lẽ bói một quẻ cho bản thân, quẻ bói cho thấy sao Hồng Loan đang di chuyển và sẽ được gả cho quân vương Tây Thổ. Nàng đem theo cung nữ trốn ra ngoài thành tìm đến nơi xem quẻ, quẻ lại bói trúng sao Hồng Loan di chuyển.

Hồng Nhi là người có tư tưởng tự do không bị ràng buộc nên tin rằng đã là vận mệnh thì không tranh, nếu không phải vận mệnh thì có tranh cũng không có tác dụng gì, thuận theo mệnh mới được thịnh vượng. Cho nên sau khi Sứ giả Thổ Phồn đến Trường An, các công chúa hoàng thất đều không muốn gả chồng xa, điều này làm cho Thái Tông rất phiền não. Hồng Nhi nói với cha rằng nàng nguyện ý gả đến Thổ Phồn xa xôi để giải nỗi phiền muộn của bệ hạ. Thái Tông nghe được điều này rất vui mừng, ông đã bỏ chữ Băng trong tên của Hồng Nhi rồi gọi là Lý Nhạn Nhi và phong hiệu cho nàng là Văn Thành công chúa, hy vọng công chúa sẽ dùng văn hóa và giáo dục làm trợ thủ đắc lực hỗ trợ vua Thổ Phồn.

Có một đêm Văn Thành công chúa nằm mơ thấy địa hình Thổ Phồn, cảm thấy địa hình này rất kỳ quái, sau khi tỉnh lại nàng đã vẽ lại địa hình của Thổ Phồn. Sau khi xem đi xem lại nàng đã phát hiện rằng đằng sau địa hình này chính là hình tượng một nữ ma nằm ngửa, địa hình hung hiểm, bất lợi cho chúng sinh và vận mệnh đất nước.

Vào thời Đại Đường, Phật giáo, Đạo giáo hưng thịnh và được xem trọng, tư tưởng được mở rộng. Văn Thành công chúa cải trang thành nam giới cùng với đích huynh (anh trai con vợ cả của cha) đi gặp Viên Thiên Cang. Viên Thiên Cang là người rất nổi tiếng, ông đã từng cùng với Lý Thuần Phong suy diễn về các triều đại, lưu lại “Thôi Bối Đồ”, dự ngôn cho các triều đại tương lai. Văn Thành công chúa đến gặp Viên Thiên Cang, ông nói: “Công chúa gánh vác sứ mệnh của Thiên giới mà đến, có Phật duyên với Tán Phổ của Thổ Phồn, cùng với vua Thổ Phồn thay đổi phong thủy xấu của Thổ Phồn, truyền bá Phật giáo để tạo phúc cho dân chúng Thổ Phồn. Công chúa có hóa thân Bồ Tát, tọa Như Lai, công lao ghi dấu thiên cổ, mỹ danh lưu truyền đời đời”. Sau đó Viên Thiên Cang đã tặng cho Văn Thành công chúa một chiếc túi Như Ý, bên trong có một lá bùa hộ mệnh đã được Viên gia dùng rất nhiều công lực để gia trì, chiếc túi được công chúa mang theo bên mình và được dặn không được mở ra.

Văn Thành công chúa rất tin vào Phật giáo, lão tăng trong tu viện cũng điểm hóa cho nàng đi về phía Tây, kiên định không từ bỏ việc truyền bá Phật duyên và xây dựng chùa chiền ở đây. Công chúa minh bạch rằng đây là sứ mệnh của mình, không khước từ sứ mệnh và dũng cảm gánh vác trách nhiệm.

Thái Tông Lý Thế Dân dẫn theo hàng trăm các quan trong triều đưa tiễn Văn Thành công chúa ra khỏi thành Trường An và ân cần dặn dò: “Lần này đi Thổ Phồn, trọng trách lớn đường xá xa xôi, hãy vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Hãy hoằng dương văn hoá thiên triều, giáo hóa dân tộc khác. Chớ vì được mất cá nhân mà lo sầu, hãy hỗ trợ Thổ Phần giảng dạy lễ nghĩa và trong tâm ghi nhớ sự uy nghi của thiên triều”. Văn Thành công chúa nhận lời. Đó là năm 641 Công Nguyên, lúc này công chúa mới 17 tuổi.

Trong lịch sử Trung Quốc, chính sách hòa hiếu kết giao đã có từ lâu đời. Những người đàn ông trong tôn thất chiến đấu trong những trận chiến đẫm máu để bảo vệ lãnh thổ; những phụ nữ trong tôn thất phải gả cho người của dân tộc khác để giữ gìn hòa bình biên giới, đây cũng là trách nhiệm của họ. Nhìn tổng quan về chính sách hòa hiếu kết giao trong suốt quá trình lịch sử, đa phần là khi quốc lực đã cạn kiệt thì hầu hết những cuộc hôn nhân như vậy đều là chiến lược để tìm kiếm và gìn giữ hòa bình đối với các nước bộ tộc xung quanh. Việc Văn Thành công chúa gả vào Tây Tạng lần này có khác biệt rất lớn so với những lần hoà hiếu kết giao khác trong lịch sử. Lúc đó nhà Đường rất cường thịnh, Thổ Phồn cũng là một chính quyền mạnh mẽ phồn vinh. Sau khi nhà Đường đánh bại Thổ Phồn và đồng ý với yêu cầu kết hôn của Thổ Phồn, việc này đã đặt nền móng cho sự giao hảo hữu nghị giữa nhà Đường và Thổ Phồn.

Lúc Văn Thành công chúa vào Tây Tạng, người đưa tiễn rất đông và hồi môn mà Thái Tông cho nàng cũng rất nhiều, như: bức tượng Thích Ca Mâu Ni bằng vàng, ngọc ngà châu báu, tủ sách bằng vàng ngọc, 360 cuốn kinh Phật và các loại trang sức bằng vàng ngọc. Ngoài ra còn có nhiều loại thực phẩm, chăn đệm gấm vóc với nhiều hoa văn đẹp đẽ, 300 loại kinh điển bói toán, gương minh giám phân biệt rõ ràng thiện ác, các tác phẩm về xây dựng và kỹ thuật, dược phương trị bệnh, các tác phẩm nghiên cứu y học và dụng cụ y tế v.v…, cũng như các loại ngũ cốc và hạt. Văn Thành công chúa đem theo lượng lớn vệ binh, cung nữ, thợ thủ công và nghệ nhân từ thành Trường An đi về phía Tây. Sau nhiều tháng bôn ba gian khổ, đi qua Cam Túc, đến Thanh Hải, vượt núi Nhật Nguyệt rồi băng qua con đập của sông lớn, cuối cùng đến được đầu nguồn sông Hoàng Hà nằm trong Thanh Hải là Hà Nguyên (huyện Hưng Hải, tỉnh Thanh Hải ngày nay).

Tùng Tán Cán Bố mang theo quân lính và vệ binh từ Lhasa hướng đến Bách Hải để chờ đợi, sau đó đến Hà Nguyên để đón tiếp. Văn Thành công chúa tương kiến vua Thổ Phồn đã chờ đợi từ lâu ở Hà Nguyên, Tùng Tán Cán Bố rất nể phục trước sự đoan trang và thanh cao của Văn Thành công chúa. Sau khi về đến Luoxe (Lhasa), Tùng Tán Cán Bố đã cử hành một hôn lễ rất hoành tráng với Văn Thành công chúa. Nhân dân ca hát nhảy múa, cả đô thành tràn ngập không khí vui tươi. Lúc đó Thần Tiên trên Thiên giới cũng chăm chú nhìn vào Lhasa.

Trước khi Tùng Tán Cán Bố nắm quyền, ở Thổ Phồn có một loại tôn giáo gọi là Bôn giáo đã tồn tại trên dưới 1000 năm; chuyên cầu phúc, xua đuổi tai họa, cầu mưa, bói toán, bùa chú v.v… Đến khi Tùng Tán Cán Bố lên nắm quyền đã thống nhất ngôn ngữ Tây Tạng, bắt đầu dịch kinh Phật và lần đầu tiên truyền bá Phật giáo. Tùng Tán Cán Bố phái người đến biên giới Ấn Độ và Nepal để thỉnh tượng Quan Âm (bức tượng hiện vẫn được lưu giữ tại cung điện Potala) làm đối tượng thờ cúng và tu Phật. Sau đó Tùng Tán Cán Bố kết hôn với Xích Tôn công chúa của Nepal. Công chúa đã mang đến tượng Thích Ca Mâu Ni, tượng Di Lặc và tượng Phật bất động, v.v…(tượng Phật bất động hiện được thờ tại chùa Ramoche, còn tượng phật Di Lặc và các tượng khác được thờ ở chùa Đại Chiêu).

(Còn tiếp)

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/286692



Ngày đăng: 02-01-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.