Hán Vũ Đế vấn đạo tu luyện, nhưng giải đãi nên không thể thành Tiên



Người chỉnh lý: Quân Tử

[ChanhKien.org]

Hán Vũ Đế tu luyện giải đãi nên không thể thành tiên (Nguồn hình: Chánh Kiến sưu tầm và thiết kế)

Hán Hiếu Vũ hoàng đế hay còn gọi là Hán Vũ Đế, tên thật là Lưu Triệt, ông là con trai của Hán Cảnh Đế Lưu Khải. Khi mẹ ông mang thai thì xuất hiện điềm lành, nên Cảnh Đế gọi ông là Lưu Cát (cát: tốt, lành). Từ nhỏ, Lưu Cát đọc sách đến đâu nhớ đến đó, trí huệ thông tỏ. Vì sự thông minh, thấu triệt của con trai, Hán Cảnh Đế đã đổi tên con thành Lưu Triệt (thông suốt, thấu đáo).

Khi mới lên ngôi, Lưu Triệt không màng phú quý nhân gian, không quan tâm đến thân phận hoàng đế của mình mà thường đến danh sơn Ngũ Nhạc để cầu nguyện và chay tịnh, nuôi chí tu luyện trở thành Tiên. Ông dường như là người có thể dạy dỗ được và tiếng lòng đã vang tận tới Thiên đình. Tây Vương Mẫu thương xót Lưu Triệt thân là hoàng đế nhưng lại thành tâm cầu đạo, vì vậy bà đã cùng Thượng Nguyên Phu Nhân đến thế gian để chỉ dạy ông tu đạo.

Thượng Nguyên Phu Nhân nói với Vũ Đế rằng: “Tính cách của con vẫn còn ngũ chủng tư dục: Nóng nảy, ham muốn nữ sắc, hoang phí xa hoa, cư xử tàn nhẫn, giận dữ tự tư”, chúng đều giống như dao sắc làm tổn hại thân thể con mỗi ngày, làm hao mòn sinh mệnh của con. Cho dù con có chí muốn trường sinh, nhưng nếu không thanh trừ những chấp trước cứng đầu này thì dù có tu luyện gian khổ đến đâu cũng đều vô ích. Nếu con có thể trong tâm tồn thiện lương, thương xót cho bách tính, biết người mà thiện dùng, cần mẫn việc triều chính, cứu tế dân thường, tích nhiều âm đức, thì việc tu luyện thành Tiên mới có hy vọng”.

Bà còn nói với ông rằng: “Với địa vị cao quý được trời ban của mình, Tây Vương Mẫu đã không ngại sự ô nhiễm dơ bẩn của thế gian, giáng hạ đến chỗ con nơi đây – một nơi giống như hang dế, lưu lại cho con một bộ chân kinh tu đạo mà ngay cả các vị Tiên nhân cũng không thể dễ dàng được truyền. Nếu con có thể cung phụng một cách thận trọng những bí quyết tu đạo này và chăm chỉ tu hành, đến lúc đó Tây Vương Mẫu nhất định sẽ đến đón con lên Tiên giới, trao cho con tôn vị. Nếu con tin lời ta thì cần khích lệ bản thân tu luyện không lười biếng, nếu không ta cũng không còn lời nào để nói”.

Lúc sắp rời đi, Tây Vương Mẫu cũng khích lệ Lưu Triệt, nói rằng: “Tiên giới có một đạo lý mà ai ai cũng biết, cầu trường sinh không khó, khó ở chỗ đắc được chân pháp chân đạo, đắc được chân pháp chân đạo cũng không khó, khó ở chỗ có thể thực sự chiểu theo quy định của đại pháp đại đạo mà tu hay không, bản thân việc tu luyện cũng không phải là điều khó nhất, điều khó nhất là tu luyện như thuở đầu, một mạch tu luyện đến cuối! Sư phụ dù tốt đến đâu cũng chỉ có thể đưa phương pháp và quy tắc cho đệ tử, nhưng không thể đảm bảo đệ tử chắc chắn có thể tu thành, con nhất định cần cố gắng đó!”

Thượng Nguyên Phu Nhân cũng nói: “Nếu con thực sự có chí với đạo, dù có bị ném vào miệng hổ đói cũng không nghĩ tới việc liệu thân thể có bị tan nát hay không, có chết hay không, hoặc rơi vào nước sôi lửa bỏng cũng chẳng mảy may sợ hãi, nếu ý chí này mà không đổi thì cũng không cần lo lắng đến việc có tu thành hay không!”

Sau khi gặp Tây Vương Mẫu và Thượng Nguyên Phu Nhân, Hán Vũ Đế đã cất giữ kinh sách như bảo vật, mỗi ngày đều thắp hương lễ bái, chiểu theo yêu cầu trong kinh thư tu luyện. Sáu năm sau, ông cảm thấy tâm trí và tầm nhìn của mình đã trở nên trác việt phi phàm, khí chất và phong thái cũng trở nên cao thượng và thanh nhã, ông cho rằng bản thân có thể được đại Tiên nơi Tiên giới là Tây Vương Mẫu và Thượng Nguyên Phu Nhân đích thân giáng hạ chỉ dẫn, hẳn nhất định có thể tu thành một vị Tiên vĩ đại.

Về sau, Vũ Đế dần dần buông lơi những lời cảnh báo của Vương Mẫu, bắt đầu đắm chìm trong tửu sắc, sát phạt liên miên, đánh dẹp Liêu Đông và Triều Tiên, viễn chinh Hung Nô, xây dựng rầm rộ, sát hại những binh tướng bại trận và người nhà của họ, đối xử tàn nhẫn với dân chúng, bách tính oán khí ngút trời, từ đó càng ngày càng xa rời khỏi đạo. Vũ Đế đã nhiều lần bái lễ nhưng Tây Vương Mẫu không bao giờ đến nữa. Cung điện – nơi lưu giữ 14 cuốn kinh thư do Tây Vương Mẫu ban cho Vũ Đế cũng đột nhiên bốc cháy khiến kinh thư bị thiêu rụi toàn bộ.

Kinh thư cổ đại ghi chép rằng: Tu thành thượng Tiên, có thể bạch nhật phi thăng, được gọi là Thiên Tiên; tu thành trung Tiên, có thể ngao du khắp các danh sơn đại xuyên, được gọi là Địa Tiên; tu Tiên ở tầng hạ đẳng, trước tiên ắt phải chết, sau đó phải trải qua một thời gian dài thi thể phân huỷ mới có thể trừ tên khỏi địa phủ, đây gọi là Quỷ Tiên. Trong kinh thư cũng nói rằng, tu thành Quỷ Tiên, mặc dù gọi là Tiên, nhưng thực ra lại là quỷ. Những người tu Phật tu Đạo từ xưa đến nay, tu cả một đời mà chỉ tu thành Quỷ Tiên thì không lên được Thiên giới và Thiên quốc, cho dù không còn phải luân hồi nữa nhưng cũng không thoát khỏi nhân giới. Điều này há chẳng đáng cười lắm sao?

Vũ Đế được Tây Vương Mẫu và Thượng Nguyên Phu Nhân nơi Tiên giới truyền thụ chân kinh, nếu kiên trì bền bỉ thì có thể tu thành Tiên, nhưng bởi vì giải đãi mà chỉ có thể thành Quỷ Tiên, cuối cùng không tu thành đại đạo, thực sự đáng tiếc nhưng cũng thật đáng thương.

Theo Thái Bình Quảng Ký Thần Tiên tam.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/285812



Ngày đăng: 15-10-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.