Khi người lớn tuổi học thuộc Pháp



Tác giả: Tiên Tứ, đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Khi các đồng tu lớn tuổi học Pháp và học thuộc Pháp thì họ có cách nói thế này, lớn tuổi rồi học không nhớ được. Kỳ thực điều ấy không đúng. Mà đây lại vừa khớp là an bài từng tầng từng tầng từ cực vi quan đến cực hoành quan của cựu thế lực, kiểu quan niệm ấy vừa hay lại phù hợp hoặc là thừa nhận sự biến dị và an bài của cựu thế lực. Chẳng phải Sư tôn đã từng giảng về vấn đề cựu thế lực sao? Từng tầng từng tầng mà chúng ta theo Sư tôn hạ xuống đều đã biến dị rồi, thế nên Sư tôn mới đến để vãn cứu vũ trụ và chúng sinh, mới xuất hiện sự kiện Chính Pháp này. Cựu thế lực khiến chúng ta nhớ đến Pháp của vũ trụ cũ, chúng an bài từng tầng từng tầng những việc trong Chính Pháp, muốn đưa vũ trụ trở lại cơ chế “thành, trụ, hoại, diệt” trước Chính Pháp. Mà sự “lão” của quá trình sinh lão bệnh tử của thân thể người chính là cơ chế này. Nói rằng lão rồi (già rồi), thừa nhận sự lão ấy thì chính là đang thừa nhận cựu thế lực hoặc đang thừa nhận lý của vũ trụ cũ là đúng, thế thì các tế bào của thân thể người, đặc biệt là các tế bào não bộ ở từng tầng từng tầng trong các không gian khác đang bị các nhân tố vật chất cũ bao phủ, giống như máy tính hoặc điện thoại di động không còn hoạt động tốt hoặc hoạt động chậm lại vậy. Biện pháp để giải quyết vấn đề này chính là phát chính niệm, phủ định và thanh trừ tất cả những an bài và các nhân tố của cựu thế lực ở tất cả các tầng từ cực vi quan đến cực hoành quan. Đồng thời khi càng không nhớ thì ta càng phải gắng học, càng phải gắng học thuộc, càng phải gắng nhớ, điều này là phù hợp với Đại Pháp có phải không?

Tôi đã từng học thuộc Pháp vào hơn mười năm trước, lúc đó tôi đã ngoài 60 tuổi, mỗi ngày tôi có thể học thuộc từ bốn đến mười trang, đại khái là buổi tối học thuộc thô một lượt, sáng hôm sau lại học thuộc đến nhuần nhuyễn, rồi quay lại học thuộc một đoạn đã học trước đó một cách nhuần nhuyễn, khả năng ghi nhớ cũng không tệ. Sau khi học thuộc được ba bài giảng, trong đầu tôi đột nhiên nảy ra ý nghĩ “quá chậm”, vì mục tiêu là học nhanh nên cuối cùng tôi đã từ bỏ việc học thuộc Pháp và chuyển sang đọc một bài giảng mỗi ngày để tăng tốc. Lúc ấy mặc dù tôi đọc sách rất nhanh, nhưng những gì thu hoạch được thực sự rất nhỏ, rất nhỏ.

Những năm sau này, các đồng tu liên tục đăng tải những bài tâm đắc trong quá trình học thuộc Pháp của họ lên Internet, tôi cũng thấy rằng trong lúc học Pháp tôi đề cao rất chậm, thu hoạch được rất ít, vì vậy tôi đã thay đổi suy nghĩ và quay trở lại học thuộc Pháp. Lúc đầu mọi thứ cũng tạm ổn, mỗi ngày học thuộc ba trang thì cũng khả dĩ, nhưng học nhiều trang hơn thì khó ghi nhớ được, về sau thì càng ngày học thuộc càng chậm, nhưng lại thu hoạch được càng nhiều, tôi cảm thấy trường năng lượng của thân thể mình cũng đã trở nên rất lớn, tín tâm cũng tăng lên, tôi đã mất hơn một năm để học thuộc quyển Chuyển Pháp Luân trong lần học thuộc đầu tiên, nhưng khi luyện công, tôi cảm thấy trường năng lượng của thân thể mình đã được tăng cường rất nhiều, và dần dần tôi đã có được một số nhận thức đối với việc tu luyện, tu luyện như thế nào, chấp trước là gì, tu bỏ chấp trước như thế nào, đề cao ra sao… Ví dụ có lần ở lối vào của một cửa hàng, người khác tạt nước vào người tôi, tôi lập tức muốn gây sự lại với anh ta, người kia lại tạt nước vào người tôi lần nữa, tôi vung nắm đấm muốn đánh anh ta, vừa cử động thì bất ngờ ngã xuống nước, tôi bò dậy muốn đá anh ta một cước, nhưng vừa nhấc chân lên thì lại vô cớ ngã xuống, hơn nữa lúc ngã xuống vũng nước, điều thần kỳ là tuy ngồi trong nước nhưng tôi không bị dính một giọt nước nào, lúc này tôi mới nhận ra Sư phụ không muốn tôi mất đức, Sư phụ bảo tôi nhẫn, để tôi trượt ngã, bảo tôi tu tâm, bảo tôi giữ gìn tâm tính, bảo tôi thủ đức. Sau đó, tôi thấy rất giận bản thân mình, tôi đã tu luyện như thế sao? Một chút việc nhỏ cũng không ngộ được, không nhẫn được, không hiểu gì về tu luyện, tâm tính không được, hoàn toàn giống như người thường thì làm sao đây, lại còn tu luyện nhiều năm như vậy.

Sau đó không lâu, lại có lần người đồng nghiệp đứng canh gác cùng lớn tiếng la mắng và yêu cầu tôi phê bình một đồng nghiệp khác, tôi liền nổi giận, anh muốn chỉ trích ai, phê bình ai thì anh tự làm là được, sao có thể chỉ huy tôi thành cây gậy để đánh mắng người khác, đi đắc tội với người khác được? Sau lúc đó tôi lại hối hận, tôi làm người tu hành kiểu gì đây? Uổng công tu luyện bấy nhiêu năm! Qua mấy lượt liên tiếp phát tiết, kích động khi đụng phải mâu thuẫn trong thực tiễn tôi mới thực sự hiểu được một chút khái niệm trong tu luyện chính là tu hành! Là tu sửa những suy nghĩ và hành vi của chính mình! Đồng thời qua đó tôi mới thể nghiệm được tầm quan trọng của việc học thuộc Pháp và sự liên hệ chặt chẽ giữa việc học thuộc Pháp và tu luyện. Kỳ thực, mỗi một lần mâu thuẫn đột nhiên phát sinh đều là một cơ hội khó có được để chúng ta đề cao tâm tính, có thể ngộ ra được hay không đó là đang vượt quan hay không, có thể vượt được hay không chính là mấu chốt có thể đề cao hay không, nếu như ngộ ra được đó là vượt được quan rồi, nếu như có thể vượt qua được thì chính là đề cao rồi. Kỳ thực mỗi ngày chúng ta đều là đang vượt quan, chúng ta nghe gì, thấy gì cho đến nghĩ tưởng điều gì, làm gì thì đều là đang vượt quan, có phải vậy không? Trong quá trình học thuộc Pháp mà xuất hiện mâu thuẫn, bạn hãy tự mình xử lý nhé! Đồng thời, tôi còn ngộ ra rằng Sư phụ đang khuyến khích tôi học thuộc Pháp. Tôi phải mất hơn mười tháng để học thuộc quyển Chuyển Pháp Luân lần thứ hai. Bây giờ thì tôi đang học thuộc lần thứ ba rồi.

Lần học thuộc Pháp này lại càng có ý nghĩa hơn, đôi khi rất khó học thuộc được một đoạn hay một câu nhưng tôi không nản lòng, tôi phát hiện rằng những câu hoặc những chỗ không thuộc được nhuần nhuyễn hoặc không nhớ được chính là chỗ tôi chưa ngộ ra Đạo Lý, là những chỗ tôi chưa làm tốt hoặc chưa đạt đến tiêu chuẩn. Tôi lại học thuộc [những đoạn đó] từng lượt từng lượt một, dù là phải mất mấy ngày mới hoàn thành, đương nhiên là không cần hữu ý tra xét, đào sâu vào con chữ hay tìm tòi để lần ra nội hàm nào đó, chúng ta không thể làm như vậy và cũng không cần thiết làm như vậy, học đến nhuần nhuyễn rồi thì bản thân tự nhiên sẽ minh bạch được đạo lý trong đó. Đương nhiên, cùng một đoạn, cùng một câu, nếu lần sau học thuộc đến chỗ đấy, có thể hàm nghĩa ngộ ra được sẽ không giống như trước, vì đã thăng hoa mà! Vậy nên bây giờ tôi không nghĩ đến tốc độ học thuộc Pháp nữa, học thuộc được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nhưng tôi không buông lơi chính mình! Khi tôi học thuộc Pháp và luyện công, không biết vì lý do gì mà tôi bị xoay vặn bụng rất ghê gớm, thậm chí thường bị quặn đau, tôi cũng biết đó là hảo sự, là Sư tôn đang giúp đỡ tôi, Sư tôn đang khuyến khích tôi học thuộc Pháp, đồng hóa với Pháp, tu sửa tâm tính và hành vi của mình.

Khi tôi đang học thuộc đến mục “Chuyển hóa nghiệp lực” của bài giảng thứ tư, một đồng tu đã đăng bài viết “Chút thiển ngộ về Tu khẩu” trên tuần báo Minh Huệ thứ 1045, bài viết này đã gợi mở cho tôi rất nhiều:

Tôi còn nhớ có đồng tu từng kể một chuyện: Hai đồng tu đi xe đạp trên đường gặp một cô gái trẻ đi đến, cô gái này trang điểm đậm. Sau khi đi qua rồi, đồng tu ngồi phía sau xe nói: “Chà! Bạn vừa làm gì vậy?”

Đồng tu phía trước xe đạp nói: “Chẳng làm gì, sao vậy?”

Đồng tu phía sau nói: “Tôi nhìn thấy từ trên thân bạn có một thứ gì đó trông giống như miếng vải bông rơi lên thân của cô gái kia.”

Đồng tu đó giật mình nói: “Ồ, tôi nhìn thấy cô gái đó, trong tâm nghĩ: ‘Thật giống một con gấu trúc khổng lồ!’

Chỉ một niệm này mà cấp đức cho người ta. Đa số đồng tu chúng ta thường chỉ coi tu khẩu như tu hành vi bề mặt. Nếu không chú trọng và không tu khẩu cũng sẽ mất đức.

Tôi thật sự thấy biết ơn đồng tu về bài viết này, nó giống như một tiếng sét mạnh đánh thức tôi về một nhận thức mới trong tu luyện, một nhận thức mới về thân-khẩu-ý. Xét từ góc độ lớn, tu thân, nếu không làm điều xấu sẽ không bị mất đức; xét từ góc độ nhỏ, tu tâm tu ý cũng như vậy, thậm chí còn quan trọng hơn! Ngay cả nghĩ thì cũng không thể nghĩ đến việc xấu, nếu nghĩ đến việc xấu cũng sẽ bị mất đức. Trong mục Đề cao tâm tính trong sách Chuyển Pháp Luân Sư tôn giảng rằng:

“Chư vị luôn từ bi, lấy Thiện đãi người, làm việc gì đều luôn luôn cân nhắc đến người khác, mỗi khi gặp vấn đề thì trước hết nghĩ rằng: ‘Việc này đối với người khác có thể chịu được không, đối với người khác có phương hại gì không’; như vậy sẽ không xuất hiện vấn đề gì”.

Vì vậy với tâm oán hận, với việc oán trách ai, nhìn thấy ai không thuận mắt, kỳ thị ai, ghen ghét ai, tẩy chay ai, nói điều thị phi v.v…đều là những việc thuộc phạm trù tu ý, tu tâm.

“Do đó chư vị luyện công cần theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn cao hơn nữa mà yêu cầu bản thân” (Chuyển Pháp Luân).

Trước đây, khi nghe người khác nói chuyện, tôi luôn thích nói thẳng ra ai đúng ai sai, khi người khác nói chuyện thị phi tôi luôn thích bày tỏ thái độ hay bày tỏ nhận thức và cách nhìn của chính mình, còn cho rằng nếu lấy Pháp làm trung tâm thì lời nói sẽ không có vấn đề, kỳ thực đều là sai lầm, đều sai cả, đó là thói quen của người thường, cần phải tu bỏ triệt để! Tất nhiên trong đó không bao gồm việc giảng chân tướng! Giảng chân tướng là cần quy chính những thứ không đúng mà người thường do bị ô nhiễm mà thành, là để cứu người.

Cách đây không lâu, một đồng tu lớn tuổi nói với tôi rằng việc học thuộc Pháp thật khó, ông không ghi nhớ được, vậy nên tôi mới muốn viết bài giao lưu tâm đắc này để chia sẻ quan điểm của mình và để khuyến khích các đồng tu cùng học thuộc Pháp, đồng hóa với Pháp, mong rằng các đồng tu, đặc biệt là các đồng tu lớn tuổi, sẽ sớm có được sự thăng hoa!

Tôi nhớ mình đã từng được nghe giáo viên ngữ văn giảng về ý nghĩa của việc “cưỡi ngựa xem hoa”, chính là cưỡi ngựa lên cánh đồng hoa trên núi thưởng thức vẻ đẹp của hoa, ý là chỉ một chút công phu bề mặt. Còn đẹp như thế nào? Đẹp ở đâu? Có điều gì tâm đắc? Có thể rất khó để nhận biết và hồi tưởng lại được mỹ vị thực sự của nó. Còn nếu “cưỡi ngựa xem hoa” với tốc độ chậm hơn một chút như là đi, thì quả thực bạn có thể thưởng thức được nhiều cảnh đẹp ở xung quanh hoặc từ bốn phương tám hướng hơn. Nhưng nếu như bước chậm qua biển hoa thì sao? Như thế chẳng phải ngay cả cỏ cây, côn trùng, ong bướm trên đường cũng có thể thu vào tầm mắt hay sao?

Vậy nên việc học thuộc Pháp cũng giống như đạo lý này. Chúng ta không cần dùng tốc độ để đánh giá, việc học nhanh có ưu điểm của học nhanh, việc học chậm có chỗ hay của học chậm. Trong sách Chuyển Pháp Luân Sư tôn đã giảng vấn đề về ngộ:

“Bởi vì [ngộ mà] họ nói chẳng qua là về nhận thức đối với [Pháp] lý trong quá trình tu luyện. Về [Pháp] lý ấy, có người lập tức nhận thức ra ngay; có người ngộ ra, nhận thức ra một cách từ từ. Ngộ thế nào là không được? Lập tức nhận thức ra thì tốt hơn, ngộ ra một cách từ từ thì cũng được; chẳng phải cùng là ngộ? Đều là ngộ cả thôi; do đó không [ai] sai cả”.

Học thuộc Pháp với tốc độ chậm có ưu điểm là: không dễ mất tập trung, tâm đặt trong Pháp, không thể nóng vội trong việc học thuộc được, chỉ với một giọt nước lã mà đòi vã nên hồ là điều không thể, tu luyện là cần tu bỏ tất cả tâm chấp trước nơi người thường, tâm nóng vội chẳng phải đúng là cần tu bỏ hay sao?

Trước kia có một đồng tu phải mất rất, rất lâu mới đọc được một chữ, một câu, rồi đến một đoạn kinh văn, nhưng khi ấy mỗi chữ trong sách đều triển hiện ra cảnh tượng tại các cảnh giới ở tầng tầng các không gian khác nhau! Vì vậy, chúng ta đừng tạo chướng ngại cho chính mình, cản trở việc học thuộc Pháp và đề cao của chính mình!

Mong tất cả những người chân tu Đại Pháp sẽ mau chóng đồng hóa và tu luyện lên trong Đại Pháp, trong giai đoạn quá độ sang Pháp chính nhân gian này cần nhanh chóng đề cao tâm tính lên, trong quá trình vãn cứu những người tốt hữu duyên thì hãy mau chóng chứng thực Đại Pháp và thăng hoa bản thân! Với những người đề cao tâm tính chậm và không hiểu hoặc không biết cách hướng nội, cá nhân tôi thể hội rằng bạn cũng có thể thử một chút, đầu tiên hãy tóm gọn các tâm tranh đấu, sắc dục và sợ hãi để tu bỏ trước thử xem. Khi ba cái tâm chấp trước này được tu bỏ phần lớn rồi, có lẽ bạn sẽ biết cách tu và hướng nội như thế nào! Nếu không, bất kỳ cái tâm nào cũng sẽ giống như một sợi dây thừng dày chắc buộc vào con thuyền đang muốn ra khơi, nó buộc chặt con thuyền vào những cái cọc của người thường, vậy thì làm sao có thể đạt được mục tiêu là thăng hoa đây? Tôi đã từng dò dẫm tìm kiếm trong hơn 20 năm, cuối cùng phát hiện ra rằng khi thay đổi quan niệm và nắm bắt được một vài điểm then chốt thì có thể dẫn khởi được toàn bộ quá trình. Nếu nắm bắt được ba cái tâm này thì [quá trình tu luyện] sẽ khác rồi. Tất nhiên, điều này có đúng hay không thì mỗi người cần phải dựa vào thực tiễn và thể hội của chính mình mới biết được!

Tôi viết bài chia này nhân dịp kỷ niệm 30 năm Sư phụ hồng truyền Đại Pháp, điều đầu tiên là tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình đối với Sư phụ! Tạ ơn Sư phụ đã vất vả, chịu đựng và khổ độ! Thứ hai xem như đây là một bài chia sẻ cho các đồng tu đang ở trong tu luyện gian khó tham khảo! Nếu có điều chi không đúng, xin các đồng tu chỉ chính!

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/275309



Ngày đăng: 02-08-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.