Tu bỏ tâm làm việc hời hợt



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp Đại Lục

[ChanhKien.org]

Có một số nhân tâm, nếu như không được Sư phụ điểm hoá thì quả thực không ý thức ra được, ví như tâm làm việc hời hợt, trước giờ tôi vẫn mãi không ý thức ra.

Mấy hôm trước, tôi có một giấc mơ: Ở trong một lớp học có một nhóm học sinh đang làm bài thi, tôi là giám thị, đến giờ thu bài nhưng hầu hết học sinh đều chưa làm bài xong, một số học sinh đang vội vã chép bài của nhau, một số học sinh khác thì chưa làm được bao nhiêu, nhìn qua là biết bài làm không đạt yêu cầu. Nhìn thấy các em trong trạng thái như vậy tôi nói: “Các em đừng sốt ruột, cứ từ từ làm bài, làm xong để lớp trưởng thu bài rồi nộp lại cho thầy là được”. Sau đó tôi tỉnh giấc. Giấc mơ rất rõ ràng, tôi biết đây là điểm hoá, nhưng lúc đầu tôi chưa minh bạch được nó có ý nghĩa gì. Tôi cứ suy ngẫm mãi, rồi tôi đột nhiên minh bạch ra, đây là để điểm hoá tôi tu bỏ tâm làm việc hời hợt: Một kỳ thi như vậy có thể được tính không? Một giám thị như tôi liệu có đủ tư cách không?

Tôi luôn có một thói quen: Khi làm việc cho người khác hay cho mình cũng cứ làm đại khái cho xong, ví dụ khi lau sàn hay lau cửa kính ở nhà, lau được một hồi tôi thấy nản, không sao nhẫn nại được nữa, tôi thường hay nói câu: “Thế là được rồi, làm tương đối là được rồi”. Thay vì làm mọi việc một cách triệt để và đến nơi đến chốn, trong tâm tôi thường xuất ra một niệm: “Làm thế là được rồi, đâu cần nghiêm túc đến vậy”, đây rõ ràng là tâm đối phó. Tôi biết đây là biểu hiện của văn hóa đảng, nhưng cái tâm này đã hình thành trong tôi như thế nào? Tôi nhớ khi còn làm việc trong đơn vị, mỗi lần tôi quét sàn sẽ luôn có người nói: “Được rồi, quét vài đường cho có (dấu vết) là được rồi, đâu cần nghiêm túc như vậy”. Ý là làm để lãnh đạo nhìn thấy, việc này chúng ta đã làm rồi, chúng ta siêng năng hơn những người khác, có biểu hiện tốt. Lâu dần tôi đã hình thành thói quen: mỗi lần quét sàn tôi chỉ quét vài nhát cho có (dấu quét) là được, lại còn thấy bản thân thông minh, thật biết cách làm việc.

Sau đó tôi được chuyển đến cơ quan hành chính nhà nước, lúc đầu mỗi lần lau sàn văn phòng hoặc hành lang tôi luôn vắt cây lau sàn khô ráo, sau đó mới lau sàn. Một đồng nghiệp đã nhiều lần nhắc nhở tôi rằng: “Không cần đâu, cứ tương đối là được rồi”. Vậy là tôi bèn quan sát xem anh ta lau sàn như thế nào. Khi lau sàn anh ta nhúng nhúng cây lau vào nước, cũng chẳng buồn vắt, sau đó kéo lê cây lau đến cuối hành lang, không quan tâm các ngóc ngách, chỉ kéo lê cây lau trên mặt sàn rộng, nhìn từ xa thì thấy mặt sàn cũng sáng bóng, làm cho người ta có cảm giác sàn được lau rất sạch. Vậy là tôi bèn bắt chước anh ấy, mỗi lần lau sàn tôi đều làm như vậy. Lãnh đạo đã khen ngợi tôi, nói: “Con người cậu thật cần mẫn, thật biết vì mọi người”. Kỳ thực là tôi đã làm việc hời hợt, làm để thể hiện cho người khác xem chứ trong lòng thực sự không muốn làm, thứ mà trong tâm tôi nghĩ là hình ảnh của bản thân và ấn tượng của lãnh đạo với mình.

Thói quen này cũng đã làm hại tôi, có lần tôi nhờ người sửa máy sưởi, người ấy làm việc rất nghiêm túc, làm đâu ra đấy hẳn hoi. Tôi tính sốt ruột bèn nói: “Sửa tương đối là được rồi”. Người ấy thấy tôi nói thế đã làm loáng cái là xong. Kết quả ra sao? Không lâu sau lại phải sửa thêm lần nữa. Tôi vẫn luôn không ý thức được cái tâm này có gì không đúng, khi giúp đỡ người khác hoặc chủ động làm một việc gì đó, trong tâm tôi luôn có một niệm: “Đừng khắt khe như vậy, mọi người cũng đều không dễ dàng gì, cứ tương đối là được rồi”. Kỳ thi trong giấc mơ kia cũng giống hệt như tâm thái của tôi vậy.

Tôi lại nghĩ, bao năm qua tôi vẫn không vượt qua được cái tâm này, nó giống như một đống rác trong trường không gian của tôi, do ảnh hưởng của cái tâm này mà tôi đã làm nhiều việc nhưng không có sự chân thành trong đó. Ví dụ: khi phát chính niệm cho đồng tu đang bị nghiệp bệnh, sau vài lần phát, tôi nghĩ: “Được rồi, mình cũng đã nỗ lực rồi. Hiệu quả thế nào thì còn phụ thuộc vào việc đồng tu tự thân đột phá”. Tôi đã không thực tâm kiên trì trong một thời gian dài. Đôi lúc tôi gửi bản thảo cho Minh Huệ hoặc Chánh Kiến, sau khi bản thảo đã hoàn thành, tôi không đủ nhẫn nại để chỉnh sửa bản thảo quá hai lần, tôi nghĩ: “Nếu có gì sai sót thì ban biên tập sẽ chỉnh sửa lại cho”. Làm việc không nghiêm túc sẽ rất khó làm việc được tốt, Thần liệu có lối nghĩ hời hợt như vậy không? Có làm việc như vậy không?

Người Đại Lục có câu cửa miệng: “Nhóm này lừa nhóm kia, lừa mãi lừa đến trung ương đảng”. Đằng sau cái tâm này là tư tâm, là không có trách nhiệm, là đang bằng lòng với lối sống giả dối hiện thời, không làm việc triệt để, đến nơi đến chốn. Nếu như tu bỏ cái tâm này thì có thể kết quả thu được sẽ khả quan hơn rất nhiều.

Tôi nghĩ, liệu các đồng tu đã ra nước ngoài cũng có chủng tâm này không? Nếu có thì quả thật cần gắng sức tu bỏ, nếu không sẽ rất khó để hoà hợp với chỉnh thể, chúng ta cũng không thể mang theo cái tâm này lên Thiên thượng được.

Bài viết phơi bày nhân tâm của tôi, và cũng là một chút thể hội xin được giao lưu cùng các đồng tu.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/281964



Ngày đăng: 09-07-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.