Tiểu thuyết: Liễu ám hoa minh (Phần 1)



Tác giả: Thanh Tân

[ChanhKien.org]

1. Kết duyên

Chuyện kể rằng, ở phía Bắc Trung Quốc đại lục có một ngôi làng nhỏ với khoảng hơn một trăm hộ gia đình, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng ngô và đậu tương trên những mảnh đất khô cằn. Vì ruộng đất không nhiều nên hầu hết các hộ trong thôn đều không khá giả lắm. Trong thôn có một hộ gia đình, có thể nói là hộ giàu nhất nhì trong thôn. Vì sao lại nói đây là một gia đình giàu có? Khi đi vào thôn không xa, bạn sẽ nhìn thấy một căn nhà rộng năm gian, trông nổi bật hơn hẳn so với những căn nhà khác và đặc biệt bắt mắt. Gạch đỏ ngói đỏ, cửa chính và cửa sổ có màu xanh lam, cửa sổ lớn bằng kính sáng loá, hàng rào sắt đen bao xung quanh tạo thành chiếc sân nhỏ ngay ngắn cùng gạch lát màu đỏ và được quét dọn sạch sẽ. Phía Tây là một chuồng gà được xây bằng gạch đỏ, phía trên có mấy ổ gà lót bằng lá ngô để gà đẻ trứng, bên dưới là những thanh củi gỗ được xếp ngay ngắn sát tường. Có thể thấy chủ nhà là người cần cù, biết việc.

Việc sở hữu một căn nhà năm gian là điều hiếm thấy lúc bấy giờ, riêng điểm này cũng thấy rằng đây là một hộ giàu có. Thực ra còn một điểm nữa, đó là gia đình này có bảy người cùng chung sống hoà thuận với nhau, điều này cũng là chuyện hiếm gặp trong thôn.

Ông Lưu Khuê và vợ Trần Nguyệt Nga, con trai cả Lưu Tường Thuỵ, con dâu cả Trình Quế Viên (tên mụ là Tiểu Viên), con trai út là Lưu Tường Hoà, con dâu út là Trình Quế Phương (tên mụ Tiểu Phương), còn có cháu trai út là Lưu Vũ, biệt danh Bảo Bảo. Hai vợ chồng già còn có một người con gái đi lấy chồng ở vùng khác. Đại gia đình này chung sống với nhau rất hoà thuận, hạnh phúc.

Điều đáng nói nhất là: Hai người con trai của ông Lưu Khuê là anh em sinh đôi, khoảng hơn 30 tuổi, dáng người trung bình, khỏe mạnh, tính tình giản dị chân chất. Cũng may là hai anh em tuy sinh đôi nhưng ngoại hình cũng không quá giống nhau, người anh mắt to hơn, da ngăm đen, hoạt bát, vui vẻ. Người em mắt nhỏ hơn, da trắng, trầm tính, cẩn thận, tính cách hướng nội, nói chung rất dễ phân biệt hai anh em.

Điều thú vị hơn là: Hai người con dâu cũng là hai chị em song sinh, tướng mạo, tính tình khá giống nhau, chỉ có điều chị cả tính trầm hơn một chút, còn em gái thì hoạt bát hơn, nhưng người ngoài vẫn rất khó phân biệt được. Hai chị em đều có nét thanh tú, đôi mắt hình hạnh nhân, lông mày lá liễu. Cả hai có chiều cao trung bình, thân hình mảnh mai, làn da trắng, tóc buộc cao kiểu đuôi ngựa. Hai người còn thường mặc quần áo giống nhau, điều này khiến họ thường nổi bật trước đám đông, trông rất bắt mắt, đôi khi người trong nhà cũng không phân biệt được. Mùa hè, hai chị em thường mặc váy dài in họa tiết hoa, đi dép xăng-đan trắng, hễ ra đường là từ người già đến trẻ nhỏ trong thôn đều nghểnh cổ nhìn theo.

Càng thú vị hơn là, cặp song sinh chị em này lại được gả cho cặp song sinh anh em, chị gái được gả cho người em trai, em gái được gả cho người anh trai. Xem ra điều này còn thú vị hơn cả phim Hàn Quốc. Thỉnh thoảng cũng xảy ra việc nhận nhầm người. Một lần, người em trai Tường Hoà ra ngoài mấy ngày không về nhà, khi vừa mở cổng bước vào, nhìn thấy em gái Tiểu Viên đang bận rộn trong sân, em trai lầm tưởng đó là Tiểu Phương vợ mình, vội vàng hô lên: “Vợ ơi, anh về rồi”. Tiểu Viên – chị dâu kiêm em vợ vội vàng cười nói: “Tôi là chị dâu của cậu – Tiểu Viên, lần sau nói chuyện thì gọi tên trước, nhận đúng người rồi hãy gọi nhé”. Em chồng kiêm anh rể ngượng ngùng gãi đầu cười: “Em xin lỗi chị dâu, em nhận nhầm người rồi, lần sau em sẽ chú ý hơn”. Người trong nhà nghe được câu chuyện cũng bật cười ha ha.

Loại kết hợp đầy kịch tính này đã mang lại yếu tố hài hước trong gia đình: Hai chị em là mối quan hệ chị em dâu, hai anh em là mối quan hệ anh em ruột thịt, đối với em gái Tiểu Viên mà nói: Chị gái cũng là em dâu, em rể cũng là anh chồng. Đối với Tiểu Phương mà nói: em gái cũng là chị dâu, em rể lại là bác cả. Đối với Bảo Bảo mà nói: Bác gái là dì, bác trai là chú. Ôi, mọi người trong nhà đều là kiêm nhiều chức, ngay cả người hiểu chuyện đôi khi cũng bị nhầm lẫn. Trong nhà thường có tiếng cười nói rôm rả. Chị cả – người đi lấy chồng ở địa phương khác, cũng rất vui nên thường mua quần áo đẹp cho hai người em dâu, nhắc đến chị không giấu được niềm vui trong lòng, tự hào nói: “Nhà tôi rất may mắn, hai em dâu của tôi vừa hiểu chuyện, lại xinh đẹp, hễ trang điểm lên là đẹp như hoa vậy”.

Lưu Khuê là người đàn ông trung niên có thân hình cường tráng, tính tình vui vẻ hào phóng, khuôn mặt màu đồng vì phơi nắng gió nhưng tràn đầy niềm vui, tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng sức khỏe của ông rất tốt. Ông là một thợ mộc giỏi, ngoài việc trồng cấy hàng năm, ông dành thời gian còn lại làm việc ở các công trường xây dựng. Hai người con trai là trợ thủ đắc lực của ông, mỗi năm kiếm được không ít tiền, khiến cuộc sống trong nhà cũng sung túc hơn.

Ở nông thôn, nếu chỉ dựa vào làm ruộng thì cũng chỉ duy trì được cái ăn cái mặc. Số tiền ít ỏi kiếm được từ việc đồng áng thậm chí còn không đủ tiền mừng cưới. Ở trong thôn, nhà nào có đám cưới, sinh con, thi đỗ, mừng sinh nhật, làm nhà, thậm chí làm nhà kho, chuồng lợn, đều phải bày hai mâm cỗ để mời dân làng đến ăn, không khí vô cùng náo nhiệt. Cùng là bà con trong xóm nên cũng thường xuyên gặp nhau, nên họ đưa thiếp mời thì chắc chắn phải đi rồi, mà đi mừng cũng cần có phong bì hoặc lì xì đỏ.

Ở nông thôn ngày nay, nếu người nông dân chỉ dựa vào làm ruộng để sinh sống thì cuộc sống sẽ khá khó khăn. Hiện nay tục sính lễ ở nông thôn cũng rất nặng: Cần có nhà, có đất, có xe, có tiền, có ba loại trang sức bằng vàng (bao gồm: dây chuyền vàng, bông tai vàng, nhẫn vàng), v.v. Có trường hợp thì nhà chồng còn phải mua cho căn hộ ở thành phố. Nếu không có những món sính lễ lớn này thì con trai sẽ độc thân, không cưới được vợ. Có nhà vì để cưới vợ cho con, mà người lớn phải dành hết cả số tiền có được từ việc chi tiêu tằn tiện, nhưng vẫn không đủ, nên đành phải vay tiền, dẫn đến nợ nần chồng chất. Hiện tại ở nông thôn cũng có không ít người rời bỏ nhà cửa và công việc để ra ngoài làm, nhiều người trẻ vì đi làm ăn xa nên dẫn đến ly hôn. Ôi, thật là những ngày tháng vất vả.

Có thể thấy những “tay nghề giỏi” trong nhà ông Lưu đã giúp ích rất nhiều, hai con trai thì “như hổ mọc cánh”, cuộc sống từng ngày cũng êm xuôi, khiến người dân trong thôn không khỏi ngưỡng mộ. Điều khiến bà con càng thêm ngưỡng mộ là: Đó là một đại gia đình chung sống hoà thuận, vui vẻ, không có xích mích hay cãi vã, con cái hiếu thuận với cha mẹ. Theo lời của bà Trương hàng xóm: “Ôi, hãy nhìn gia đình này xem, con dâu thì tươi cười với mẹ chồng, còn mẹ chồng thì đối xử với con dâu như con gái ruột, gia đình này thật có phúc, đúng là hiếm có”.

Tình huống của hầu hết các gia đình trong thôn là con trai lấy vợ sẽ ra ở riêng, vì người trẻ không muốn ở cùng người già và mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu cũng không tốt. Cũng có mấy hộ ở cùng nhau, nhưng nay thì đánh nhau, mai thì cãi nhau. Có nhà tranh giành sính lễ, có nhà thì con dâu không ưa mẹ chồng, có nhà thì mẹ chồng soi mói con dâu. Còn có nhà kiện cáo nhau, cha kiện con, con dâu kiện mẹ chồng, cãi vã liên miên, nói ly hôn là ly hôn, cũng chẳng coi đó là việc gì to tát. Ài, con người ngày nay đều xem trọng đồng tiền, cũng chẳng còn nói đến “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” nữa, đạo đức trượt dốc. Những gì là hiếu thảo, thành tín, lễ tiết, đều đã bị bỏ lại phía sau, chỉ xem trọng tiền, những nét đẹp truyền thống đều đã không còn nữa.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/271948



Ngày đăng: 23-06-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.