Một chút thể ngộ trong tu luyện: Chấp trước tham ăn và tham ngủ



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp ngoài Trung Quốc

[ChanhKien.org]

Trong sách Chuyển Pháp Luân, Sư phụ có giảng rằng:

“Bởi vì công pháp của chúng tôi là công pháp ‘Pháp luyện người’. Công pháp Pháp luyện người [này], chính là một số trạng thái sẽ từ công, từ Pháp thể hiện ra”.

Gần đây, tôi ý thức được rằng tham ăn và tham ngủ cũng là những chấp trước, đặc biệt là khi hai cái tâm này hoà lẫn với cái tâm cầu an dật thì càng không dễ phát giác ra chúng, điều này can nhiễu rất lớn đến việc tu luyện của bản thân tôi và việc thực hiện lời thệ ước trợ Sư Chính Pháp.

1. Đầu tiên hãy nói về tâm tham ăn. Hôm nay tôi đi ăn với đồng nghiệp, chúng tôi đi nhà hàng buffet, có đồ ăn tự chọn và có thể ăn bao nhiêu tuỳ thích. Trong tâm tôi rất cao hứng, cứ đi đi lại lại lấy mấy lượt thức ăn, ăn đến mức no nê. Trên đường về, tôi cảm thấy mình đã ăn quá nhiều và cảm thấy khó chịu. Kết quả là đến bữa tối tôi ăn ít hơn bình thường mà bụng vẫn còn đầy hơi. Nhớ lại lúc ăn trưa, vì cái đĩa đựng quá nhiều nên thức ăn đã rơi xuống sàn hai lần. Bởi vì tôi dành phần lớn thời gian cho việc ăn uống, nên tôi không có thời gian để trò chuyện cũng như giảng chân tướng cho các đồng nghiệp và bạn bè. Vì vậy tôi có chút hối tiếc, bởi vì đây không phải là biểu hiện mà một người tu luyện nên có, huống hồ là một đệ tử Đại Pháp.

Tôi bèn bắt đầu tự hỏi mình rằng chấp trước này đến từ đâu, bởi vì một việc tương tự như vậy đã xảy ra trước đây, mặc dù nó không nghiêm trọng bằng lần này. Từ hồi còn học trung học tôi đã ăn nhiều hơn các bạn cùng lớp. Sau khi tốt nghiệp đại học và ra nước ngoài, khi đã bắt đầu tu luyện rồi thì trạng thái của tôi vẫn như vậy. Sau giờ làm, so với đồng nghiệp tôi lại càng ăn nhiều hơn. Tôi có chú ý một hiện tượng là sau khi tu luyện, mặc dù ăn rất nhiều nhưng cân nặng của tôi không tăng, thậm chí còn giảm (đương nhiên là tôi không có cảm giác khó chịu trong thân thể), tức là khá gầy so với người bình thường. Trong tâm tôi có chút băn khoăn: Những thứ tôi ăn vào đã đi đâu?

Đồng thời trong cuộc sống của tôi còn xuất hiện một hiện tượng. Không biết từ khi nào, người vợ không tu luyện của tôi bắt đầu thích sưu tập những thứ rẻ tiền, từ nhu yếu phẩm hàng ngày đến quần áo. Mấy năm trôi qua, rất nhiều chỗ trong nhà đều đã chật kín cả. Về chuyện này tôi hết sức không vừa ý: Trong nhà cần nhiều thứ như vậy để làm gì? Chỉ với một phần nhỏ trong số này là đã đủ cho cuộc sống, nhưng vì sao vợ tôi vẫn không ngừng mua thêm? Nhưng cô ấy vẫn vậy. Một hôm tôi đột nhiên nghĩ ra: Hiện tượng này chẳng phải rất giống với chứng tham ăn của tôi sao? Chỉ cần những thứ cần thiết hàng ngày là đủ, còn những thứ dư ra thì không cần thiết và lại chiếm diện tích. Ăn vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của cơ thể là được rồi, nếu ăn quá nhiều thì cơ thể sẽ không chứa được (giống như trong một gia đình có quá nhiều đồ đạc dư thừa), không chỉ ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất của cơ thể mà còn phải giảm khả năng hấp thu để cân đối với lượng chất đưa vào cơ thể vốn đang nhiều hơn mức cần thiết. Cứ như vậy sẽ tạo ra vòng tuần hoàn ác tính, không có lợi ích gì cả.

Từ Pháp tôi ngộ được rằng, tu luyện là sự thăng hoa của cảnh giới sinh mệnh, nên khi ta chấp vào việc gì thì kết quả thu được sẽ ngược lại; hơn nữa càng chấp trước sẽ càng không có được, bởi vì trong quá trình này chúng ta phải tu bỏ chấp trước. Thử nghĩ về các tăng nhân hoặc đạo sĩ trong quá khứ, họ ăn cơm canh đạm bạc, nhu cầu cần thiết không quá nhiều là đủ rồi. Những người tu luyện Đại Pháp trong xã hội hiện đại xác thực là không cần thiết phải chấp trước vào những thứ này. Từng có một đoạn thời gian tôi bắt đầu thích uống cà phê sữa và ca cao nơi công sở. Vì tất cả đều được cung cấp miễn phí nên dù biết bản thân không cần tôi vẫn thường uống một tách cà phê sữa vào buổi sáng và một hoặc hai gói bột ca cao vào các thời điểm khác trong ngày. Sau đó, tôi thấy đầu lưỡi bị đau, sau khi nghĩ lại, tôi cảm thấy rằng đó là do chấp trước của bản thân tạo thành, với người tu luyện thì chỉ cần đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống là đủ rồi, không cần phải quá xa hoa với bản thân như vậy. Vậy là tôi quyết định ngừng sử dụng cả hai loại thức uống này, cả ngày ở đơn vị tôi chỉ uống nước lọc. Cứ như vậy, gần một năm trôi qua hiệu quả đã rất tốt. Đôi khi trong lúc đi lấy nước nhìn thấy bột ca cao hay cà phê bên cạnh tôi cũng có chút thèm thuồng, nhưng rồi tôi lại ý thức được: Bản thân tôi nếu như với một việc đơn giản vậy đã nhận thức ra nhưng không làm được, chỉ nói suông, thì có còn là người tu luyện không? Thế là dần dần tôi không còn nghĩ ngợi gì đến đồ uống ở cơ quan nữa.

Từ đó tôi nghĩ rằng rất nhiều sự việc trong tu luyện đều là như vậy. Khi bạn chấp trước vào một điều gì đó, sẽ có những tình huống dẫn khởi cái tâm của bạn; khi bạn xem nhẹ nó rồi, nhận thức ra và đề cao lên rồi, khi không còn bị chấp trước dẫn động nữa, thì sẽ không xuất hiện những tình huống ấy hoặc không chú ý đến sự xuất hiện của chúng nữa. Khi tu bỏ sắc tâm và chấp trước vào sắc dục tôi đã có thể hội này, khi tranh luận với người thường, hãm nhập vào trong đó và tranh cãi tôi cũng có thể hội tương tự. Đương nhiên, đôi khi sẽ có sự lặp lại khi vượt quan, vì vậy chỉ bằng cách học Pháp cho nhiều và đề cao cảnh giới thì mới không bị những thứ nhỏ nhặt vụn vặt này tác động mà làm lỡ con đường mình cần phải đi và những việc mình cần phải làm.

2. Về việc tham ngủ, bản thân tôi có biểu hiện rất nổi cộm. Đặc biệt trong vài tháng qua, vì phải ngủ cùng con, tôi thường ngủ một mạch tới sáng và bỏ lỡ thời gian phát chính niệm, nhiều việc cần phối hợp với đồng tu cũng phải bị trì hoãn vì tôi tham gia quá muộn. Trong tâm tôi muốn thay đổi tình trạng này, nhưng lại không có đột phá. Đôi khi tôi muốn dùng tai nghe nghe các bài giảng của Sư phụ hoặc nghe nhạc Đại Pháp để giữ cho mình khỏi buồn ngủ, nhưng hiệu quả vẫn như cũ. Thời gian lâu dần tôi còn dùng cái tâm cầu an dật để bào chữa cho mình: Vì tôi phải chăm sóc con nên cũng không còn cách nào. Kỳ thực tôi cũng biết rằng đây là đang tìm cớ, bởi vì giấc ngủ dài ngắn bao nhiêu không phải là vấn đề – trong vài năm tu luyện vừa qua cũng giống như nhiều đồng tu khác, tôi không cần ngủ quá lâu; mà cùng thời gian ngủ như vậy, tôi có thể sắp xếp cho con tôi ngủ trước, tôi trở dậy phát chính niệm và hoàn thành các việc Đại Pháp chứ không như bây giờ; bên cạnh đó cái tâm tham ngủ của tôi cũng biểu hiện ở những phương diện khác, những lúc như học Pháp, luyện công, phát chính niệm tôi ít nhiều đều đã ngủ thiếp đi, nhưng khi xem các trang web Đại Pháp, đọc email hoặc lướt báo Đại Kỷ Nguyên thì lại không.

Suy xét nguyên nhân của việc này, tôi thấy ngay từ nhỏ tôi đã nằm xuống là ngủ, và trong mấy chục năm qua dù là trước hay sau khi tu luyện tôi không bị hoặc rất ít bị mất ngủ. Khi trò chuyện với người khác, đôi khi tôi cho rằng đây là một trong những điểm mạnh của mình, thậm chí còn lâng lâng tự mãn về điều này. Người thường hoàn toàn không biết rằng người tu luyện có yêu cầu cao hơn, cùng với việc cảnh giới thăng hoa, và yêu cầu sứ mệnh trợ Sư Chính Pháp, rất nhiều quan niệm của người thường cần phải được thay đổi. Nếu bạn tiếp tục chấp trước vào những thứ của người thường thì con đường bạn đang đi sẽ bị ngăn trở. Thử nghĩ, khi cái tâm tham ngủ của bản thân làm ảnh hưởng đến việc học Pháp, luyện công và phát chính niệm thì nó đã khởi tác dụng gì? Thời gian phát chính niệm cũng giống như một trận chiến mà chính-tà đang giao tranh, nhưng bản thân lại ngủ mất, điều này thực sự đã làm lỡ mất cơ hội cứu độ chúng sinh, và tạo ra rất nhiều tổn thất không thể bù đắp được.

Nhìn lại con đường tu luyện đã đi qua, tôi nghĩ rằng nguyên nhân vẫn là do bản thân đã không làm tốt. Nhất là một năm trở lại đây, do nguyên nhân ở nhiều phương diện, bản thân lại sinh ra tâm cầu an dật, chưa nghiêm khắc yêu cầu chính mình ở nhiều phương diện. Khi chủ ý thức của bản thân không mạnh và chính niệm không đủ thì dễ tạo ra can nhiễu ở nhiều mặt. Tham ngủ là biểu hiện bề ngoài nhưng căn nguyên là do tôi nhận thức chưa đủ về sứ mệnh tu luyện và trợ Sư Chính Pháp của một đệ tử Đại Pháp. Nếu muốn thay đổi trạng thái này từ căn bản thì chúng ta cần thường xuyên nghĩ đến và nhận thức ra tầm quan trọng của Pháp từ sâu trong tâm, phải biết quý tiếc cơ duyên chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh này. Nói cách khác, phải học Pháp cho tốt.

3. Trong truyện Tây Du Ký có nhân vật Trư Bát Giới, bản thân là sinh mệnh trên thượng giới, nhưng do phạm lỗi mà bị giáng xuống trần. Trên đường trợ giúp Đường Tăng đi thỉnh kinh, chỉ vì tham ăn, tham ngủ, tham sắc mà anh ta đã làm lỡ dở nhiều việc. Câu chuyện này cũng đem đến cho chúng ta một khải thị, trong quá trình tu luyện của các đệ tử Đại Pháp có nhiều phương diện cần phải làm tốt. Chỉ nhận ra thiếu sót của bản thân thôi thì chưa đủ, cần phải thực sự loại bỏ chúng. Hơn nữa, nếu là sinh mệnh do Đại Pháp tạo tựu nên thì sinh mệnh ấy cũng phải đạt được yêu cầu tương ứng, nếu không thì tương lai sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với chúng sinh?

Trên đây là một số chấp trước của bản thân, viết ra cũng có chút xấu hổ. Nhưng tôi nghĩ nếu cứ mãi ở trạng thái đó cũng không phải là giải pháp, lỗi sai của mình cũng là lỗi sai của người khác. Hơn nữa tôi cũng còn nhiều phương diện chưa nhận thức được rõ ràng, bởi vì muốn che đậy thiếu sót của bản thân mà tạo thành như vậy. Cùng với việc học Pháp thâm sâu, khi nhìn rõ mấu chốt của vấn đề thì tôi có thể loại bỏ các chấp trước và làm tốt những gì bản thân cần làm.

Một chút thể hội cá nhân, xin được chia sẻ cùng các đồng tu.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/63314



Ngày đăng: 28-05-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.