Giải thích thành ngữ: Đuổi dân đến chỗ Thang và Vũ là Kiệt và Trụ
Tác giả: Dư Học Chân chỉnh lý
[ChanhKien.org]
1. Thành ngữ: (为渊驱鱼者,獭也;为丛驱爵者,颤也。为汤武驱民者,桀与纣也) Vi uyên khu ngư giả, thát dã; vi tùng khu tước giả, ưng dã. Vi Thang Vũ khu dân giả, Kiệt dữ Trụ dã.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Rái cá khiến cho cá chạy đến chỗ đầm nước; diều hâu khiến cho chim sẻ chạy vào rừng rậm. Hạ Kiệt và Trụ Vương khiến cho dân chúng chạy đến chỗ Thang, Vũ.
Chú thích:
Uyên: vũng nước sâu.
Khu: xua đuổi.
Thát: rái cá.
Tùng: rừng rậm.
Tước: chim tước, chim sẻ.
Ưng: một loài chim dữ giống diều hâu.
Xuất xứ: Mạnh Tử – Ly lâu thượng. “Dân tìm đến chỗ nhân từ, tựa như nước chảy chỗ trũng, gia súc ra đồng. Ấy nên xua cá đến chỗ đầm nước là rái cá; xua chim sẻ đến chỗ rừng cây là chim ưng; xua dân đến chỗ Thang, Vũ là Kiệt và Trụ”.
Giải thích: Câu thành ngữ dùng hình ảnh “rái cá xua cá đến đầm nước” và “chim ưng xua chim sẻ vào rừng” làm ví dụ để nói lên rằng vua Kiệt, vua Trụ thi hành chính sách tàn bạo, khiến dân chúng đều chạy trốn tới chỗ Thành Thang, Vũ Vương, kết quả làm lợi cho người khác mà lại chuốc họa vào thân. Câu thành ngữ này về sau dùng để ví một quốc gia hoặc một chính quyền do nguyên nhân chủ quan mà đánh mất lòng dân. Các câu thành ngữ “Vi uyên khu ngư” (đuổi cá đến chỗ nước sâu), “Vi tùng khu tước” (đuổi chim sẻ vào rừng) cũng bắt nguồn từ đây.
2. Thành ngữ: (为川者决之使导,为民者宣之使言) Vi xuyên giả quyết chi sử đạo, vi dân giả tuyên chi sử ngôn.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Người trị thủy cần nạo vét sông hồ, làm cho nước chảy thông suốt; người cai trị dân chúng cần dẫn dắt dân, khiến cho họ dám lên tiếng.
Xuất xứ: Quốc ngữ – Chu ngữ thượng. Thiệu Công nói: “Ấy là gây chướng ngại vậy. Đề phòng miệng dân còn khó hơn đề phòng nước sông. Nước sông bị tắc nghẽn đến lúc vỡ bờ, người bị hại tất sẽ nhiều, dân cũng như thế. Vậy nên với sông phải khơi thông dòng chảy, với dân phải cho được nói”. (Thiệu Công: Nhất Tác Thiệu Công, thủy tổ của nước Yên thời Chu, từng phò tá Vũ Vương diệt Thương).
Giải thích: Bối cảnh của câu thành ngữ: Chu Lệ Vương bạo ngược, người trong kinh thành bàn luận về khuyết điểm của Lệ Vương. Thiệu Công bẩm báo rằng: “Nhân dân không thể chịu được mệnh lệnh cai trị của ngài!” Lệ Vương giận dữ, tìm một thầy mo ở nước Vệ đến sai hắn điều tra những ai bình luận về khuyết điểm của Lệ Vương. Tên thầy mo này tố giác ai, nhà vua liền giết chết người đó. Người dân ở kinh thành đều không dám nói chuyện, chạm mặt nhau trên đường chỉ có thể dùng mắt ra hiệu. Lệ Vương cao hứng nói với Thiệu Công rằng ông ta đã có thể ngăn mọi người nói bậy bạ về khuyết điểm của mình! Vì vậy mới có câu nói của Thiệu Công như đã đề cập ở trên. Thế nhưng, Lệ Vương không nghe theo ý kiến của Thiệu Công, ba năm sau, người trong nước nổi loạn muốn đánh đổ Lệ Vương, Lệ Vương chạy trốn tới Trệ (nay là huyện Hoắc, tỉnh Sơn Tây), 14 năm sau chết ở nơi này. Thành ngữ “Phòng dân chi khẩu, thậm vu phòng xuyên” (đề phòng miệng dân còn khó hơn đề phòng nước sông) cũng từ đây mà ra.
3. Thành ngữ: (为者常成,行者常至) Vi giả thường thành, hành giả thường chí.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Người kiên trì bền bỉ làm việc đúng đắn, cuối cùng sẽ thành công; người không ngừng bước về phía trước, cuối cùng sẽ đến đích.
Xuất xứ: Yến Tử Xuân Thu – Nội thiên tạp hạ: Lương Khâu Cư nói với Yến Tử: “Tôi đến chết vẫn thua ông!” Yến Tử nói: “Tôi nghe nói hay làm thường thành công, hay đi thường tới. Tôi cũng không khác gì người ta, nếu cứ chăm làm không buông bỏ, chăm đi không ngừng nghỉ, sao có thể nói khó khăn không vượt qua được?” (Lương Khâu Cư: đại phu nước Tề, sủng thần của Tề Cảnh Công).
Giải thích: Câu thành ngữ này nhấn mạnh tác dụng của “làm” và “đi”, chỉ ra rằng bất kể việc gì, chỉ cần làm một cách chính xác, “làm không ngơi”, “đi không nghỉ”, thì nhất định sẽ thành công. Yến Tử dùng hai câu này trả lời Lương Khâu Cư, không chỉ khích lệ đối phương làm việc phải có lòng kiên nhẫn, mà còn thể hiện thái độ khiêm tốn của Yến Tử. Người đời sau thường dùng hai câu này để khuyên người ta làm việc phải có tính kiên nhẫn.
4. Thành ngữ: (为官择人者治,为人择官者乱) Vi quan trạch nhân giả trị, vi nhân trạch quan giả loạn.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Tuyển người làm quan dựa theo yêu cầu của công việc thì quốc gia sẽ được quản trị tốt; tuyển người làm quan mà dựa vào tư lợi cá nhân thì quốc gia sẽ loạn.
Xuất xứ: Cựu Đường thư – Đậu Đản truyện của Lưu Thưởng thời Hậu Tấn (Ngũ Đại) và một số tác giả khác có ghi chép như sau: “Thái Tông nghe lời khuyên can, mà lại không nghe theo, bèn tự tay viết chiếu rằng: “Trẫm nghe nói: theo chức quan mà chọn người phù hợp thì sẽ đâu vào đấy, theo người mà sắp đặt chức quan thì sẽ gây hỗn loạn”. Còn trong Tân Đường thư – Đậu Đản truyện của Âu Dương Tu, Tống Kỳ và một số tác giả khác thời Tống có viết: “Thái Tông nghe lời khuyên can, nhưng không nghe theo, bèn hạ chiếu rằng: “Đản đau yếu, trẫm biết mà vẫn cho đảm trách việc, vậy là không sáng suốt. Vả lại chiểu theo chức quan mà cắt đặt người thì ổn thỏa, chiểu theo người mà cắt đặt chức quan thì loạn”.
Giải thích: Câu thành ngữ này nói lên rằng muốn cai trị tốt quốc gia phải dựa vào công việc mà tuyển chọn người, không thể vì người mà sắp đặt công việc, sắp đặt chức vị. Đây là câu thành ngữ chí lý về việc trị quốc.
5. Thành ngữ: (为将之道,当先治心) Vi tướng chi đạo, đương tiên trì tâm.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Làm tướng soái yếu lĩnh là phải rèn luyện được tố chất trong tâm.
Chú thích:
Đạo: yếu lĩnh.
Trì: rèn luyện.
Xuất xứ: Tâm thuật của Tô Tuân thời Tống. “Đạo làm tướng, trước tiên luyện tâm. Núi Thái Sơn sụp trước mặt mà sắc mặt bất biến, con nai đột nhiên xuất hiện bên cạnh mà con mắt không đảo, thế thì về sau có thể phân biệt lợi hại, có thể đối phó với kẻ địch”.
Giải thích: Câu thành ngữ này là hai câu mở đầu bài viết, đưa ra gợi ý rõ ràng về yêu cầu đối với tướng lĩnh.
Kỳ thực, bất kể làm chức vị gì, đầu tiên đều phải luyện tâm, sắp đặt tâm tính cho chính, mới có thể làm tốt chính sự!
6. Thành ngữ: (为善不同,同归于治;为恶不同,同归于乱) Vi thiện bất đồng, đồng quy vu trì; vi ác bất đồng, đồng quy vu loạn.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Đường lối cai trị thiện đức tuy rằng không giống nhau, nhưng kết quả đều có thể làm cho quốc gia an định; đường lối cai trị bạo hành, tuy rằng khác nhau, nhưng kết quả đều khiến cho quốc gia hỗn loạn.
Xuất xứ: Thượng thư – Chu Thư – Thái Trọng chi mệnh. “Thiên thượng công chính vô tư, luôn giúp người có đức. Lòng dân vô thường, chỉ nhớ người có ơn. Làm việc thiện tuy chẳng giống nhau, mà đều dẫn đến trị an; làm việc ác tuy chẳng giống nhau, mà đều dẫn đến hỗn loạn”.
Giải thích: Câu thành ngữ này nhấn mạnh, muốn thi hành chính sách lấy đức trị quốc thì cấm chỉ làm việc ác. Xuất phát điểm khi làm việc, điều đầu tiên cần phải ngay chính. Xuất phát điểm khi quy định chính sách cũng cần phải ngay chính!
7. Thành ngữ: (以力服人者,非心服也) Dĩ lực phục nhân giả, phi tâm phục dã.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Dựa vào vũ lực để chinh phục người khác, thì không thể khiến người khác khâm phục từ trong tâm.
Xuất xứ: Mạnh Tử – Công Tôn Sửu Thượng. “Dùng vũ lực bắt người khác phục tùng, thì không phải thực tâm phục tùng, chỉ là không đủ sức phản kháng đấy thôi. Dùng đức khiến người khác phục tùng, thì trong tâm người ta vui vẻ mà thành thực quy phục”.
Giải thích: Câu thành ngữ này được Mạnh Tử nói khi đàm luận về việc thực thi nền chính trị nhân từ. Mạnh Tử nói: “Cậy vào sức mạnh mà mượn danh nghĩa nhân ái, hiệu triệu người chinh phạt, thì có thể xưng bá chư hầu, xưng bá nhất định phải dựa vào sức mạnh quốc gia. Dựa vào đạo đức thực thi nền chính trị nhân từ, thì có thể khiến thiên hạ quy phục, như vậy không cần lấy sức mạnh quốc gia làm cơ sở – Thành Thang chỉ dựa vào đó mà tung hoành bảy mươi dặm đường, Văn Vương cũng chỉ dựa vào đó mà tung hoành trăm dặm đường, (thực thi nền chính trị nhân từ mà khiến lòng người quy phục). Cậy vào sức mạnh khiến người phục tùng, người ta sẽ không vui vẻ tâm phục.
8. Thành ngữ: (以小人之腹,为君子之心) Dĩ tiểu nhân chi phúc, vi quân tử chi tâm.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Đem bụng tiểu nhân so với lòng quân tử.
Chú thích: Tiểu nhân: ở đây dùng tự gọi bản thân một cách khiêm tốn.
Xuất xứ: Tả truyện – Chiêu Công nhị thập bát niên. “Mong rằng bụng tiểu nhân giống như lòng quân tử, vừa vặn đủ là được rồi”.
Giải thích: Bối cảnh của câu thành ngữ này là vào thời Xuân Thu, mùa thu năm Lỗ Chiêu Công thứ 28, Hàn Tuyên Tử của nước Tấn chết, Ngụy Hiến Tử chấp chính. Mùa đông năm đó, huyện Ngạnh Dương xảy ra một vụ tranh chấp tố tụng, đại phu Ngụy Mậu của huyện này không thể phán quyết, liền đem vụ việc trình lên Ngụy Hiến Tử. Một bên đương sự có thế lực của vụ kiện liền đem một đội nữ nhạc tặng cho Ngụy Hiến Tử, Ngụy Hiến Tử chuẩn bị nhận. Sau khi Ngụy Mậu biết liền nói với các đại phu Diêm Một, Nữ Khoan: “Vị đó nhờ vào việc không nhận hối lộ mà vang danh chư hầu, nếu như tiếp nhận đội nữ nhạc của người Ngạnh Dương, thì không còn kiểu hối lộ nào lớn hơn nữa. Hai vị nhất định phải khuyên can!” Hai người họ đều đồng ý, sau lúc bãi triều, chờ ở sân nhà. Cơm nước đưa lên, Ngụy Hiến Tử gọi họ cùng ăn. Đợi đến khi cơm nước bày lên, hai người thở dài ba lượt. Sau khi ăn xong, Ngụy Hiến Tử hỏi họ vì sao thở dài? Hai người đồng thanh trả lời: “Có người thưởng rượu cho hai người chúng tôi uống, nên cả ngày hôm qua không ăn cơm. Cơm nước vừa đưa lên, lo rằng không đủ ăn, bởi vậy thở dài. Lúc cơm nước được một nửa, chúng tôi bèn tự trách: “Lẽ nào tướng quân để chúng ta không đủ ăn?”, bởi vậy lần thứ hai thở dài. Đợi đến lúc cơm nước xong xuôi, hy vọng nội tâm quân tử cũng giống như dạ dày tiểu nhân, no đủ vừa vặn là được rồi”. Ngụy Hiến Tử nghe họ nói xong, hiểu ý, liền từ chối khéo hối lộ của người Ngạnh Dương. Từ trích đoạn thành ngữ này, về sau ý nghĩa biến thành tỉ dụ dựa vào ý nghĩ thấp hèn của bản thân mà phỏng đoán ý muốn của chính nhân quân tử (tự nói một cách khiêm nhường), câu chữ cũng biến thành “Lấy bụng tiểu nhân đo lòng quân tử”.
9. Thành ngữ: (以天下之目视,则无不见) Dĩ thiên hạ chi mục thị, tắc vô bất kiến!
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Dùng con mắt của người thiên hạ mà quan sát, thì không thể không thấy sự vật.
Xuất xứ: Đặng Tích Tử – Chuyển từ thiên. “Mắt quý ở sáng, tai quý ở thông, tâm quý ở vị công. Dùng mắt thiên hạ mà nhìn, thì không thể không thấy; dùng tai thiên hạ mà nghe, thì không thể không nghe thấy; dùng trí thiên hạ mà suy, thì không thể không biết”.
Giải thích: sách Đặng Tích Tử, còn gọi là Đặng Tử, do Đặng Tích sáng tác. Câu thành ngữ này nói rằng dẫu là chuyện gì chỉ cần dựa vào sức mạnh người trong thiên hạ thì có thể sáng mắt, thính tai và không gì không biết, cũng sẽ không có gì bỏ sót hoặc hiểu lầm.
10. Thành ngữ: (以文会友,以友辅仁) Dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Dựa vào văn chương kết giao bằng hữu, dựa vào sự giúp đỡ của bằng hữu mà nâng cao phẩm hạnh đạo đức của mình.
Chú thích:
Phụ: giúp đỡ.
Nhân: chỉ phẩm hạnh đạo đức.
Xuất xứ: Luận ngữ – Nhan Uyên. Tăng Tử nói: “Quân tử lấy văn mà kết bạn, lấy bạn mà giúp nâng cao phẩm hạnh đạo đức”.
Giải thích: Câu thành ngữ này là do Tăng Sâm học trò Khổng Tử nói về đạo kết giao bạn bè. Về sau, “dĩ văn hội hữu” thường được hội nhóm bạn bè văn chương dẫn lại. Đây là một kiểu kết giao chân chính, hành vi và thái độ chính nghĩa giúp người.
11. Thành ngữ: (以心裁轻重,则同功殊赏,同罪殊罚矣) Dĩ tâm tài khinh trọng, tắc đồng công thù thưởng, đồng tội thù phạt hĩ.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Dựa vào yêu ghét chủ quan của cá nhân mà thưởng phạt, thế thì chắc chắn xuất hiện những người có công như nhau mà thưởng lại khác nhau, những người có tội giống nhau mà phạt lại khác nhau.
Chú thích:
Tâm: chỉ mong muốn chủ quan.
Tài: Định đoạt.
Khinh trọng: chỉ sự nặng nhẹ của việc thưởng phạt.
Thù: không giống nhau.
Xuất xứ: Thận Tử – Quân nhân. “Quân vương bỏ qua luật pháp mà theo mong muốn của bản thân, tất cùng công khác thưởng, cùng tội khác phạt vậy, do đó mà gây oán hận”.
Giải thích: sách Thận Tử có tổng cộng 42 thiên, hiện còn lưu lại bảy thiên. Thận Tử chủ trương pháp trị. Câu thành ngữ này nhấn mạnh theo nếp mà làm việc, không thể dựa vào mong muốn chủ quan của quân chủ mà xử lý vấn đề.
12. Thành ngữ: (以肉去蚁,蚁愈多;以鱼驱蝇,蝇愈至) Dĩ nhục khứ nghĩ, nghĩ dũ đa; dĩ ngư khu dăng, dăng dũ chí.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Dùng thịt đuổi kiến, kiến sẽ càng ngày càng nhiều; dùng cá đuổi ruồi, ruồi càng đuổi càng đến.
Xuất xứ: Hàn Phi Tử – Ngoại trữ thuyết. Tử Xước nói: “Người ta không thể tay trái vẽ hình vuông còn tay phải vẻ hình tròn. Lấy thịt đuổi kiến, kiến càng nhiều; lấy cá xua ruồi, ruồi càng tới.”
Giải thích: Câu thành ngữ này dùng “lấy thịt xua kiến”, “lấy cá đuổi ruồi” làm ví dụ, nói lên rằng phương pháp không thích hợp, càng nỗ lực làm thì càng rời xa mục đích. Hàn Phi Tử trích dẫn thí dụ này để nói rằng: dùng tư ngôn, tư tâm, tư lợi mà trị quốc, tất kẻ gian sẽ không mời mà tới!
13. Thành ngữ: (以诈遇民,偷取一时,后必无复) Dĩ trá ngộ dân, thâu thủ nhất thì, hậu tất vô phục.
Dịch theo ngôn ngữ hiện đại: Dùng phương thức lừa dối đối đãi với dân chúng, có thể tạm thời đạt được, nhưng sau đó dân chúng chắc chắn sẽ không còn tin tưởng nữa.
Xuất xứ: Hàn Phi Tử – Nan nhất: “Đốt rừng sẽ bắt được nhiều thú, nhưng sau tất không còn thú nữa; lừa dối dân sẽ thu được kết quả nhất thời, nhưng sau tất không còn ai phục nữa”.
Giải thích: Bối cảnh câu thành ngữ này là vào thời Xuân Thu, Tấn Văn Công giao chiến với nước Sở, hỏi kế Cữu Phạm: “Ta cùng nước Sở giao chiến, bọn họ đông người, chúng ta ít người, làm sao bây giờ?” Cữu Phạm nói: “Người quân tử đa lễ, không chê rằng trung tín nhiều quá, thời chiến tranh, lại không chê rằng lừa gạt nhiều quá. Ngài chỉ cần lừa gạt bọn họ là được”. Tấn Văn Công lại đem chuyện này hỏi kế Ung Quý, Ung Quý trả lời như đã dẫn ở trên. Tấn Văn Công nói: “Nói đúng lắm”. Tấn Văn Công dùng mưu lược của Cữu Phạm đánh bại nước Sở tại trận chiến Thành Bộc, hồi triều ban thưởng tước lộc, trước tiên ban cho Ung Quý, sau mới ban cho Cữu Phạm. Quần thần không hiểu việc này, nói rằng đánh bại nước Sở là dùng mưu lược Cữu Phạm, vì sao lại ban thưởng tước lộc sau? Tấn Văn Công giải thích: “Lời Cữu Phạm là kế tạm thời thích nghi; lời Ung Quý phù hợp với lợi ích dài lâu muôn đời”. Khổng Tử nghe việc này, nói: “Tấn Văn Công có thể xưng bá là phải! Đã biết nhất thời thích nghi, lại hiểu được lợi ích dài lâu muôn đời”.
Về sau, Hàn Phi bác bỏ chuyện này, cho rằng Cữu Phạm nói không phải có ý là lừa gạt đối với dân chúng mà là đối với kẻ địch, câu trả lời của Ung Quý không ăn nhập với câu hỏi của Tấn Văn Công.
Câu thành ngữ này được người đời sau dùng để nói rằng không thể làm việc chỉ vì lợi ích trước mắt mà không lý gì đến lợi ích lâu dài.
Dịch từ: http://zhengjian.org/node/261632
Ngày đăng: 16-04-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.