Lời vàng của Đường Thái Tông



[ChanhKien.org]

1. Kính ngưỡng đạo đức cao thượng sáu triều đại, quan sát những gì mà bách vương để lại

Trẫm khi xử lý những sự vụ quốc gia phức tạp, vào những lúc nghỉ ngơi có thời gian rảnh rỗi có xem qua và để tâm tới những sự tích lịch sử lưu lại của những triều đại trước. Trẫm mười phần ngưỡng mộ phong tục xã hội cao thượng của sáu triều đại thời viễn cổ (chỉ Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Hạ, Thương, Chu). Nhìn chung những sự tích mà những đế vương đó lưu truyền, xét về quy luật hưng vong của quốc gia, trẫm cũng có thể bàn luận một chút về cách nhìn của cá nhân mình rồi. Mỗi khi nhớ tới sự trị vì vô vi thanh tĩnh của chính sách quản dân tự nhiên thời Hiên Viên Hoàng Đế, đến thịnh thế thái bình của Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, thì cho đến rất lâu sau cũng không hết suy ngẫm, tán thưởng, thật không thể nào quên cho được. Rồi cho đến thời cuối triều Hạ, Thương đến bạo chúa thời Tần Hán, khiến lòng người e sợ như đi trên gỗ mục băng mỏng vậy. Tuy nhiên khi ở ngôi cao của bậc quân vương, ai cũng muốn vĩnh viễn hưởng thụ tôn nghiêm của thiên tử, lưu truyền cho trăm đời đế vương về sau. Nhưng được và mất lại là không nhất trí với nhau, hưng thịnh hay diệt vong ai có thể dự liệu? Tại sao? Đại khái là do sự khiếm khuyết trong việc hiểu và tự lượng sức mình, không nghe nổi những lời nghịch tai cho nên dẫn đến diệt vong, cả đời cũng không thể tỉnh ngộ, há chẳng phải khiến cho lòng người lo sợ sao?

Phụ ngôn:

Đoạn văn ở trên, là trong một đoạn kể về Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong những năm đầu Trinh Quán, phản ánh những nỗ lực của ông trong tổng kết những bài học kinh nghiệm của lịch sử, tư tưởng đường lối làm một vị quân vương anh minh sáng suốt.

2. Loạn, bởi sử dụng kẻ bất tài làm thần tử

Quan sát nguyên nhân căn bản của xã hội vào thời thịnh trị hay vào thời đại loạn, cũng đủ để rút ra một bài học rõ ràng sâu sắc nhất cho chúng ta. Xã hội đại loạn, là do bổ nhiệm những người bất tài làm thần tử. Tín nhiệm người hiền tài làm thần tử thì có thể khiến cho thiên hạ thái bình hạnh phúc, còn tín nhiệm kẻ bất tài làm thần tử thì sẽ khiến thiên hạ gặp họa loạn. Một quân vương kề cận nguy vong, đều là tin dùng từ những sách lược sai lầm của những bề tôi bất tài. Nếu như có thể khiến cho ông ta tỉnh ngộ ra, thì đất nước làm sao có thể đứng bên bờ vực diệt vong chứ?

Phụ ngôn:

Đây cũng là một đoạn trong Kim Kính, bài viết này nói về góc độ bổ nhiệm bề tôi, tổng kết ra kinh nghiệm hưng vong của quốc gia, phản ánh việc Đường Thái Tông rất coi trọng việc bổ nhiệm hiền thần.

3. Quản lý nhân dân cần dùng văn đức, đối với biên phòng cần dùng vũ uy

Nguyên tắc của một vị quân chủ là, mình vốn là người có địa vị tôn quý nhất trong thiên hạ, cần phải đặt vạn dân vào trong tâm khảm của mình, cần đặt tất cả các địa phương trong thiên hạ vào trong tâm trí của mình, đối với nhân dân thì nhất định phải dùng phương pháp lễ nhạc văn giáo mà tiến hành quản lý, đối với biên phòng nhất định phải dùng vũ lực để tiến hành uy chấn. Không được dùng đến phương pháp vũ lực áp chế mà đối đãi với người dân trăm họ, cũng như không thể dùng phương pháp lễ nhạc văn giáo mà đối đãi với vấn đề biên phòng.

Phụ ngôn:

Đây cũng là một đoạn trong Kim Kính, nói về việc ông nhận thấy văn hay võ đều có tác dụng riêng, không thể bỏ qua bên nào cả, càng không thể dùng sai đối tượng.

4. Một bậc thầy về thiết kế xây dựng, nhất định dùng gỗ lớn để làm trụ cột

Một bậc thầy về thiết kế xây dựng, nhất định dùng gỗ lớn làm rường cột, dùng vật liệu gỗ nhỏ làm rui mè, như vậy vật liệu dù to hay nhỏ đều không bị bỏ đi, đây là cách sử dụng vật liệu trong thiết kế xây dựng của một bậc thầy điêu luyện. Không chỉ nhà cửa mới có trụ cột, quốc gia cũng như vậy, phải có người đại đức làm tể tướng, đây cũng là trụ cột của quốc gia vậy.

Phụ ngôn:

Đây cũng là một đoạn trong Kim Kính, phản ánh tư tưởng Đường Thái Tông việc đánh giá tài năng và bổ nhiệm thần tử.

5. Bậc quân chủ tiết chế dục vọng bản thân, dân chúng bốn bể đều an lạc

Việc đào một lượng lớn ao hồ, xây dựng đền đài nhà cửa, cho đến việc đi khắp nơi tìm kiếm dị bảo quý hiếm, đã khiến người dân trăm họ không thể cày cấy ruộng nương, khiến cho phụ nữ không thể nuôi tằm dệt vải, nông điền hoang hóa, hộ khẩu suy giảm. Nhìn thấy dân chúng cơ hàn đói rét, mà không thấy bi thương thay cho họ, nhìn thấy họ gian lao khổ cực, mà cũng không thấy cảm thương cho họ. Đây chính là bậc quân chủ khiến cho người dân trăm họ khốn khổ lầm than, quyết không phải là vị quân chủ có thể đưa đến cho người dân trăm họ cuộc sống thái bình tốt đẹp. Khi mà thuế má ít, lao dịch rất nhẹ, bách tính nhà nhà đều sung túc đầy đủ, ở trên không có chính lệnh trưng thu thuế má tàn bạo, thì bên dưới khắp nơi đều cất lên lời ca ngợi tán thán, bậc quân chủ biết kiềm chế dục vọng của tự thân, sẽ khiến cho người dân trăm họ trong thiên hạ có cuộc sống an lạc thái bình, đây là bậc quân chủ biết lo cho dân lo cho nước, là bậc quân chủ có thể khiến cho người dân trăm họ có cuộc sống thái bình hạnh phúc.

Phụ ngôn:

Đây cũng là một đoạn trong Kim Kính nói về tầm nhìn của vua Đường Thái Tông về quan điểm liên hệ giữa vị quân vương với dân chúng, cũng phán ánh nguyện vọng của ông làm sao để làm một vị quân vương hết lòng vì dân vì nước.

6. Như cây quế nó chỉ sống ở núi cao, chỉ có sương trong mây tắm ướt hoa của nó

Cũng như cây quế, nó chỉ sinh trưởng ở những dãy núi cao, chỉ có sương trong mây mới tắm ướt những bông hoa của nó, như hoa sen chỉ khi sinh trưởng trong nước biếc, thì bụi bẩn mới không làm cho hoa lá của nó ô nhiễm được. Không phải hoa sen vốn có thể sạch sẽ tinh khiết, cũng không phải cây quế bản chất của nó là kiền tịnh sạch sẽ, mà kỳ thực là do nó dựa vào những dãy núi rất cao đó, như thế những bụi bẩn nhỏ bé kia không thể bay tới đó mà tích tụ lại, cũng như hoa sen mượn nhờ sóng nước tịnh sạch kia, như vậy những thứ không sạch sẽ không thể đến làm ô nhiễm nó được.

Phụ ngôn:

Đại Đường Tam Tạng Thánh giáo tự, là lời tựa mà Đường Thái Tông viết cho bộ kinh Phật mà Huyền Trang dịch và chỉnh lý, thể hiện quan điểm của ông về mối quan hệ giữa phẩm đức và hoàn cảnh xung quanh, nói rõ rằng nhân loại có tri thức, nên “kết thiện duyên để bản thân được hạnh phúc”.

Mấu chốt trong công tác trị vì quốc gia, trước hết nhất thiết phải bảo toàn cho được căn bản của quốc gia, giả như vùng đất Trung Nguyên không an định, thì tuy rằng các dân tộc thiểu số ở phương xa tới quy phục, thì cũng có ý nghĩa gì chứ?

Phụ ngôn:

Đây là một đoạn trong chính bản luận, nói về quan điểm trị quốc trước hết phải kiến thiết quốc gia của mình thật tốt, khiến cho người dân trong quốc gia mình an cư lạc nghiệp. Sau đó mới bàn về các vấn đề liên quan đến quốc gia hay dân tộc khác.

Các thông tin ở trên là được trích chọn trong Trung Quốc vạn đại đế vương ngữ lục

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/155465



Ngày đăng: 28-02-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.