Năm mới



Tác giả: Tế Vũ

[ChanhKien.org]

Tết Nguyên Đán đến rồi, gia đình chúng tôi sẽ về quê ở Lệ Giang đón Tết như thường lệ. Ở quê nhà có một cái sân lớn, là khoảng sân ngăn cách giữa sân trong và sân ngoài. Sân trong bao gồm ngôi nhà gạch hai tầng hướng Nam Bắc, và ba ngôi nhà truyền thống của người Nạp Tây (*) ở hướng Đông Tây. Sinh hoạt thì ở trên lầu, nhà trệt thì làm bếp. Ở giữa sân chạm khắc hình trứng ngỗng và hình ngói, ở giữa được khắc một chữ Thọ (寿) bằng kiểu chữ Tiểu Triện, bốn góc có hoa văn hình con dơi (蝙蝠 biānfú) tượng trưng cho chữ “Phúc” (福 fú), ở góc sân có cái giếng nước để uống và tắm giặt hàng ngày. Trong sân còn có hai cây đào, một cây lựu vừa để ngắm cảnh vừa có lộc ăn. Dưới mái hiên có hai bồn hoa, một cái trồng hoa mai, một ít hoa lan, một ít hoa cúc, còn cái kia thì trồng rau. Sân ngoài được dùng để chăn nuôi gia súc, có chuồng lợn và chuồng gà, ngoài ra còn có một ngôi nhà kiểu cổ Nạp Tây với cấu trúc khung gỗ dùng để dự trữ lương thực và thức ăn gia súc. Gia đình ít người, thế đạo bây giờ cũng không còn yên bình, nên chúng tôi nuôi một con chó để giữ nhà. Con chó này có trí nhớ rất tốt, mặc dù chúng tôi mỗi năm về có một lần nhưng nó vẫn nhớ chúng tôi. Thức ăn để ở trên bàn nếu không phải chủ nhân đưa cho nó thì nó sẽ không ăn. Nếu chủ nhân ngồi ở trong phòng thì nó sẽ nằm ở bên ngoài. Ban đêm chủ nhân ngủ thì nó sẽ đi tuần tra trước và sau nhà để coi sóc, canh giữ.

Mỗi lần về quê con trai tôi vui lắm, có thể lấy nước ở giếng để tưới hoa, giặt giũ, rửa đồ đạc, có thể lấy một ít rau để chơi với những chú lợn. Thuở nhỏ tôi thường hay cưỡi bò, giẫm lên đống ngô chơi không biết mệt, hay thường chạy đi mua pháo đốt, tất nhiên còn rong chơi trên những cánh đồng rộng lớn.

Phong tục truyền thống đón năm mới của người Nạp Tây tuy đơn giản nhưng trang trọng. Thời điểm trước Tết một tháng là chúng tôi bắt đầu chuẩn bị đón năm mới. Đầu tiên là giết lợn, thịt được chế biến thành thịt muối và treo lên. Lúc còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán thì tôi bắt tay vào làm bánh tổ. Bánh tổ được phân thành bánh tổ gạo hoặc bánh tổ lúa mạch. Bánh tổ gạo ở các địa phương khác cũng có. Còn bánh tổ lúa mạch làm từ nguyên liệu là lúa mì hoặc lúa mạch, ngâm nước một ngày một đêm, được hấp chín sau đó cho vào cối đá giã rồi nặn thành những viên tròn. Bánh tổ nên ngâm nước lạnh để tránh bị khô. Vào chiều ngày 30 Tết, mỗi hộ gia đình trước tiên cần dán những câu đối Tết. Tuy nhiên, nếu trong gia đình có người mất thì trong thời gian chịu tang ba năm không được treo câu đối Tết. Trước khi mặt trời lặn, phải chuẩn bị bữa tối giao thừa. Món ăn truyền thống chủ yếu là đồ luộc, làm tám hoặc mười món, đầu heo đuôi heo thì không thể thiếu, ý nghĩa là đầu năm đến cuối năm đều có thịt ăn. Khi đồ ăn đã chuẩn bị xong, trước tiên đốt pháo, sau đó dâng hương tạ ơn các vị thần, tổ tiên đã chăm sóc bảo hộ trong suốt một năm qua, cầu mong một năm mới ngũ cốc bội thu, gia đình bình an. Sau đó mới đến lượt cả nhà ăn tối đoàn viên bên nhau. Trước bữa ăn phải cho chú chó ăn một bát cơm Tết, trên bàn phải có đầy đủ các món ăn. Vào ngày này, dù người con đang chu du ở chân trời góc biển nào cũng phải về nhà sum họp, không nên cứ chu du phiêu bạt bên ngoài. Còn con cái trong nhà đã lập gia đình riêng hay đã gả chồng thì không được về nhà cha mẹ ruột ăn bữa cơm đoàn viên.

Vào ngày đầu năm mới, đàn ông phải dậy từ sáng sớm; việc đầu tiên sau khi thức dậy là nhóm bếp lò, sau đó phụ nữ mới thức dậy. Sáng mùng 1 thì không được ăn mặn, chỉ ăn bánh tổ, bánh quẩy, bánh kếp, ăn sáng xong sẽ lên núi tảo mộ. Tảo mộ là dịp tập hợp, hội tụ quan trọng của người Nạp Tây, mỗi dòng họ đều có mộ tổ tiên riêng, mộ tổ thường được chọn ở những sườn đồi hướng tốt, giao thông đi lại thuận tiện, không chiếm dụng đất ruộng màu mỡ, cũng lại thuận tiện cho việc thờ cúng. Mỗi người phải chuẩn bị đồ cúng cần thiết như nhang, cành trúc, đồ ăn, trà, rượu. Hoạt động tảo hộ bắt đầu bằng việc nhóm lửa, nhóm lửa không chỉ để chuẩn bị bữa ăn mà quan trọng hơn là để tổ tiên biết rằng con cháu đến bái kiến. Sau đó pha trà rượu, thắp hương, cắm cành trúc. Trước tiên là cúng thần núi, sau là dâng hương, cắm cành trúc, dâng trà rượu, dâng thức ăn theo thứ tự vai vế tổ tiên. Đợi khi tất cả hoàn thành, vẫn còn để một phần thức ăn để mời những linh hồn người chết ở xung quanh không được thờ cúng đến cùng thưởng thức. Sau khi thờ cúng xong, cả gia đình cùng nhau dùng bữa, theo truyền thống của người Nạp Tây thì tảo mộ và cúng bái tổ tiên là cơ hội để tổ tiên về đoàn tụ với con cháu ở dương gian, cũng là dịp để mời tổ tiên đến chung vui Tết cùng con cháu. Vì vậy, hầu như rất ít khi có không khí bi thương âu sầu, ngoại trừ có ai đó trong gia đình vừa qua đời. Người Nạp Tây truyền thống rất coi trọng việc hiếu kính với người lớn tuổi và chú trọng giản tiện việc mai táng. Đối với người lớn tuổi khi còn sống phải rất hiếu thuận, ai không hiếu thuận với cụ già sẽ bị người khác coi thường, nhưng khi người già chết thì không so bì phần mộ cao và đẹp hơn mộ của dòng họ khác hay không, chỉ cần quét dọn thờ cúng đúng giờ là được rồi. Tư tưởng “tề sinh tử” (2) có ảnh hưởng rất lạc quan đối với người Nạp Tây.

Mùng một Tết qua đi cũng là lúc đi chúc Tết và đón khách đến nhà chơi Tết. Con cháu phải lần lượt đến thăm ông bà lớn tuổi, nếu cha mẹ còn khỏe mạnh, thì con cái cần đi thăm những người lớn tuổi hơn. Con gái đã lấy chồng cũng về quê thăm bố mẹ ruột trong thời gian này. Họ hàng thân thiết cũng sắp xếp thời gian để mời nhau dùng bữa. “Kính trên nhường dưới” cũng là một quan niệm đạo đức nhân văn quan trọng của người Nạp Tây.

“Nhất phương thủy thổ dưỡng nhất phương nhân” (3). Lệ Giang không phải là một nơi rộng lớn, nhưng phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, nó không chỉ khiến cuộc sống trở nên sung túc, thoải mái mà còn mang lại linh khí cho người dân nơi đây. Lệ Giang là nơi giao thoa của văn hóa đời Hán và Tây Tạng. Người Nạp Tây sống cùng với dân tộc Bạch, Di, Tạng và Lật Túc. Các nền văn hóa khác nhau đã cùng tồn tại hài hòa trong hàng trăm năm như Bạch giáo của Tây Tạng, Phật giáo của người Hán, Nho giáo, Đạo giáo, còn có Đông Ba giáo cổ xưa cũng được truyền bá ở vùng đất này. Sự hình thành lâu đời của rất nhiều nền văn hóa đã khiến người Nạp Tây tín Thần, tín Phật, kính trời kính đất, tin rằng vạn vật đều có linh tính, trân quý cuộc sống, trân trọng văn hóa, tôn trọng trí tuệ của dân tộc. Nhạc cổ Lệ Giang nổi tiếng thực ra chủ yếu là nhạc cung đình và nhạc Đông Kinh từ đời Đường đến đời Nguyên đời Hán, mấu chốt là nó đã thất truyền ở địa phương khác, nhưng nó đã được lưu truyền trong dân tộc Nạp Tây ở Lệ Giang. Đây là một vùng đất hoài cổ nơi có những người dân đáng kính trọng.

Thật không may, kể từ khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền cổ vũ thuyết vô thần, Lệ Giang – một vùng đất biên giới, cũng đã trải qua những cơn bão đẫm máu hết lần này đến lần khác. Cuộc vận động “Trấn áp phản cách mạng” đã giết chết rất nhiều người có văn hóa ở địa phương. Cuộc vận động “Cấm cửa các môn phái phản động” buộc nhiều lạt ma, nhà sư, đạo sĩ phải trở về đời sống thế tục. “Phong trào giáo dục xã hội chủ nghĩa”, “Cách mạng văn hóa” đã thiêu hủy kinh thư, phá hủy tượng thần, phá đền chùa. Cuộc vận động “Phê Lâm phê Khổng” (phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử) đã đem một thế hệ thánh hiền noi gương tốt cho muôn đời ra bỡn cợt hạ thấp giá trị xuống không đáng một đồng. Tư tưởng “đấu với Trời, đấu với đất, đấu với người” làm cho tín niệm tích lũy hàng ngàn năm qua lần lượt bị bôi nhọ. Văn hóa truyền thống đã dần bị hủy hoại trong sự tàn phá không dừng. Khi con người đánh mất tín ngưỡng và rơi vào trạng thái hoang mang, thời đại “tôn thờ đồng tiền” bắt đầu, và con người bắt đầu chạy theo tiền bạc. Các quan niệm truyền thống của người Nạp Tây ngày càng mất dần, việc kiếm tiền và thỏa mãn những ham muốn ích kỷ đã trở nên quan trọng. Vì tiền tài, kẻ tranh người đoạt, thậm chí làm tổn hại đến sinh mệnh người khác đã trở nên phổ biến. Năm nay về quê ăn Tết, cũng là lúc tôi gặp phải chuyện chính quyền địa phương muốn cưỡng chế thu hồi toàn bộ đất đai trong làng, và số tiền đền bù mà dân làng nhận được chỉ tương đương với sản lượng trong hai năm của mỗi gia đình khoán đất. Người ta nói rằng nghĩa trang trên sườn đồi cũng sẽ được quy hoạch để làm đường, và tôi không biết còn nơi nào có thể dời đi. Lệ Giang là một nơi rất hẻo lánh, một khi liên lạc với thế giới bên ngoài bị cắt đứt, đất canh tác không trồng được lương thực thì lập tức sẽ xảy ra nạn đói. Họ thật không muốn dân có cơm ăn, càng không muốn dân có nơi an táng, đây là cái thể loại chính quyền gì và thời đại nào đây?

Lệ Giang, mảnh đất xinh đẹp như viên ngọc nằm ở biên giới, đang dần nhanh chóng mất đi phong thái của nó. Tôi đã chứng kiến các phong tục văn hóa cổ xưa như không nhặt của rơi trên đường và không cần đóng cửa vào ban đêm đã không còn nữa. Những ngọn núi xanh, làn nước trong vắt và khung cảnh nông thôn rộng lớn cũng không còn nữa. Tôi rất hy vọng rằng có một loại tín ngưỡng hoàn toàn mới có thể dẫn dắt người dân ra khỏi màn sương tà thuyết ngụy biện của Trung Cộng, một lần nữa tìm lại được cuộc sống tốt đẹp, tín Thần, kính Phật và thiên nhân hợp nhất.

Ghi chú của người dịch:

(1) Người Nạp Tây là một dân tộc cư trú chủ yếu ở đông nam vùng núi Himalaya ở tây bắc Vân Nam, Trung Quốc.

(2) Tề sinh tử: sinh và tử không khác biệt nhau, đều như nhau

(3) Là một câu nói rất quen thuộc trong tiếng Trung, ý nói mỗi người chúng ta sinh ra ở các vùng miền khác nhau thì cũng thường mang những nét đặc trưng về ngoại hình và tính cách của vùng miền đấy.

Dịch từ:

https://www.zhengjian.org/node/72100



Ngày đăng: 17-01-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.