Điềm xấu? “Quả cầu lửa” từ trên trời rơi xuống Hàng Châu gây ra tiếng động lớn
[ChanhKien.org]
Video “quả cầu lửa” từ trên trời rơi xuống: https://www.ganjing.com/zh-TW/video/1fft6sekp2k1mFgBWgbHLh74G1si1c
Chập tối ngày 15 tháng 12 năm 2022, tại Hàng Châu, Kim Hoa và các nơi khác ở tỉnh Chiết Giang đã phát hiện ra một “quả cầu lửa” cực lớn xuyên qua bầu trời rồi rơi xuống địa phận Chiết Giang, nghi là thiên thạch.
Vào thời cổ đại thiên thạch rơi thường được coi là “điềm xấu”, cư dân mạng xôn xao suy đoán: “Có chuyện gì lớn sắp xảy ra sao?”
Theo thông tin tổng hợp trên internet, nhiều cư dân mạng ở Hàng Châu, Phổ Giang – Kim Hoa và những nơi khác đã chứng kiến một vật thể nghi là thiên thạch từ trên trời rơi xuống và phát ra tiếng động lớn. Thời gian xảy ra sự việc là vào khoảng từ 5:40 đến 6:00 chiều ngày 15 tháng 12. Đoạn video trên mạng cho thấy bầu trời dường như có một “quả cầu lửa” rất sáng rơi xuống với tốc độ rất nhanh và lao thẳng xuống mặt đất.
Theo các báo cáo, một mảnh nhỏ đã được tìm thấy ở huyện Phổ Giang, thành phố Kim Hoa, nghi là mảnh vỡ của “quả cầu lửa”. Cảnh sát địa phương đã bao vây hiện trường và đang tiếp tục điều tra vị trí nơi “quả cầu lửa” rơi xuống.
Vào lúc 7:11 tối hôm đó, ông Trần, một người dân ở làng Thành Đầu, thị trấn Đàn Khê, huyện Phổ Giang, thành phố Kim Hoa, nói với bản tin “Buổi tối Tiền Giang”: “Quả thực thiên thạch đã rơi xuống làng Thành Đầu, đập xuống đường bê tông trước cửa nhà dân trong làng, nó tạo ra một lỗ sâu chừng 6-7 cm trên mặt đường, may là không có người bị thương”.
Ông Trần cho biết, viên thiên thạch có kích thước bằng quả trứng ngỗng, phẳng, màu đen, đặc, nặng khoảng 700 gam, hiện cảnh sát đã mang đi để tiến hành điều tra.
Được biết, một hộ nông dân trong vùng có thể cũng sở hữu một vật tương tự như vậy, họ cho biết: “Nhìn thì tuy nhỏ nhỏ như vậy, nhưng nó khá nặng, không có nhiệt độ rõ ràng, trước khi nhặt nó lên, chúng tôi đã thấy một quả cầu lửa lớn rơi xuống và cảm thấy chấn động rất lớn.
Theo tờ “Tin tức Chiết Giang”, cô Quý, làm việc ở đường Bán Sơn quận Củng Thự, cho biết: “Tôi đi làm ở Bán Sơn và lái xe về nhà ở Tân Giang. Khi tôi đi qua đường cao tốc trên cao Thu Thạch, trời khi đó đã tối, bỗng bầu trời đột nhiên sáng lên trông giống như ban ngày vậy. Tôi nhìn thấy thứ gì đó giống như một ngọn lửa trên bầu trời, lướt qua với tốc độ rất nhanh trong vài giây. Lúc đó, tôi nghĩ đó là một quả pháo hoa lớn. Sau khi nghĩ lại thấy không đúng. Pháo hoa đã bị cấm ở thành phố Hàng Châu. Bây giờ tôi mới hiểu, đó chắc là một khối thiên thạch rơi xuống. Lúc đó, tôi nhìn xuống đồng hồ là 17:48″.
Theo báo cáo, tính đến 10:00 tối ngày hôm đó, có tổng cộng ba khối bị nghi ngờ là thiên thạch đã được tìm thấy ở thị trấn Đàn Khê, ngoại trừ một viên ở làng Thành Đầu, còn một viên nặng 300 – 400 gam được tìm thấy ở làng Tự Tiền. Viên lớn nhất nặng 3,4 kg do Trần Cân Hoa – một người dân làng Mao Điếm, và chồng của cô tìm thấy.
Cô Trần Cân Hoa cho biết, khoảng 6:00 tối, hai vợ chồng ra ngoài đi dạo, khi đến một cây cầu gần toà nhà hành chính của thị trấn thì phát hiện một luồng sáng trắng đột nhiên lóe lên trên bầu trời, trông khá đáng sợ, giống như sấm sét vậy.
“Khi đi bộ về, tôi thấy trên đường nhựa cách thôn khoảng 200 mét có một cục đá đen, mặt đường bị lún sâu khoảng 2 cm, tôi không dám nhặt vì không biết có hại hay không”.
Cô Trần Cân Hoa cho biết, sau khoảng một giờ, họ thấy video quay cảnh người ta nhặt thiên thạch ở làng Thành Đầu trên điện thoại di động, sau khi xem thì thấy nó giống với viên đá ở cổng làng, hai người quay lại nhặt. Khi đem viên đá ra cân thì thấy trọng lượng là 3,4 kg, nặng hơn đá thường.
Ở làng Tự Tiền một người dân tên là Trần Quần Hồng phát hiện vật thể nghi là thiên thạch. Thời điểm xảy ra vụ việc, gia đình anh Trần Quần Hồng đang ăn cơm ở phòng ăn cạnh đó thì nghe thấy tiếng động lớn, tưởng nhà ai nổ bình ga, sau đó nghe thấy tiếng kính trong nhà mình bị vỡ vụn.
Về vấn đề này, ông Lâu Mậu Viên, kỹ sư cấp cao của Hiệp hội Khí tượng Chiết Giang, nói với chương trình “Bản tin hàng giờ” rằng quả cầu lửa này, nó có thể là một phần bên ngoài của thiên thể, hoặc tiểu thiên thể, hoặc một thiên thạch nhỏ, khi gặp lực hút của Trái Đất nó đã bị rơi xuống, xuyên qua tầng khí quyển và bốc cháy, sự việc này không liên quan đến biến hóa của thời tiết.
Cư dân mạng sôi nổi bàn tán
Chủ đề “quả cầu lửa rơi xuống Chiết Giang” lọt vào “danh sách tìm kiếm nóng”, khiến cư dân mạng bàn tán sôi nổi.
Blogger quân sự “Ngạo Kiều tiểu tham mưu” cho biết: “Tôi chứng kiến sự việc này xảy ra trên đường cao tốc Hàng Châu! Lúc đó là khoảng 6:00 tối! Nó vụt qua trong nháy mắt, rất là sáng!… Phải chăng là người ngoài hành tinh ghé thăm Trái Đất? Thiên thạch rơi?”
Một cư dân mạng Đại Lục cho biết: “Nó lướt qua trên đỉnh đầu mẹ tôi với khoảng cách chừng ba bốn tầng lầu, lúc ấy bà đang đi bộ ở phố Phổ Giang – Kim Hoa. Ngay sau đó là một tiếng động lớn và mặt đất bắt đầu rung chuyển. Hẳn là nó đã rơi xuống khu vực gần nhà tôi”.
Còn có người nói: “Sao trên trời, người dưới đất. Nghĩ đến thiên thạch Cát Lâm năm 1976, liệu có xảy ra chuyện gì lớn không?”, “Tôi đã thấy nó, rất chấn động”, “Trời giáng thiên thạch, là nguyên nhân gì?”, “Chiểu theo cách nói của người xưa, e là có chuyện lớn sắp xảy ra”.
Theo thống kê điều tra, đã có nhiều vụ rơi thiên thạch ở Trung Quốc. Một trong những sự kiện chấn động nhất là ngày 8 tháng 3 năm 1976, khi một “cơn mưa thiên thạch” khổng lồ rơi xuống Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Theo dân gian, mưa thiên thạch trăm năm không gặp, sau trận mưa thiên thạch ở Cát Lâm, tình hình chính trị xã hội của Trung Quốc đã có những biến động mạnh mẽ.
Ngày 28 tháng 7 năm 1976, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra ở Đường Sơn, Hà Bắc. Theo số liệu chính thức, có 240.000 người chết và 160.000 người bị thương nặng.
Cũng trong năm 1976, ba người đứng đầu của Trung Cộng là Chu Ân Lai, Chu Đức và Mao Trạch Đông lần lượt qua đời. Vào ngày 6 tháng 10 cùng năm, một cuộc đảo chính đã diễn ra trong chính trường Trung Cộng. “Bè lũ bốn tên” gồm Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và những người ủng hộ họ đã bị lật đổ. Đây là sự kiện đánh dấu sự kết thúc của “Đại cách mạng Văn hóa” và sự thay đổi trong chính quyền Trung Cộng.
(Theo thời báo NTD)
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/280071
Ngày đăng: 17-01-2023
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.