Luân hồi ký sự: Bão táp mưa sa (2)



Tác giả: Tiểu Liên

[ChanhKien.org]

Bài viết này kể về những trải nghiệm của một người kiên trì thực tu. Sự việc về Hiểu Vân hiện vẫn đang diễn ra.

Khi Hiểu Vân sống ở nước Đại Lý (nay thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thời kỳ Bắc Tống, cô là một nữ nhi trong vương thất, rất có tài quản lý. Mặc dù cô không mang thân phận công chúa, nhưng năng lực của cô trong vương thất ai ai cũng biết.

Thời đó, vua nước Đại Lý muốn phong cô làm quan giám sát các sự việc của quan lại. Nhưng Hiểu Vân đã từ chối, cô nói rằng: “Thần thiếp không nên ra mặt quản, để tránh có người lời ra tiếng vào, bản thân thần thiếp muốn thanh tịnh”. Nghe xong, nhà vua suy xét một hồi rồi quyết định để cô phụ trách điều phối vấn đề mối quan hệ giữa các cơ sở tu luyện trên toàn quốc với người dân địa phương. Bởi vì lúc đó nhà chùa có tài sản của chùa, có khi xảy ra xung đột về tài sản giữa nhà chùa với quan lại, phú thân địa phương; hoặc có phạm nhân chạy trốn đến chùa miếu, Đạo quán; hoặc vào năm thiên tai, nhà chùa và quốc gia cùng liên kết tổ chức pháp hội cầu phúc tiêu tai, v.v.

Nói đến sự việc, có khi có rất nhiều sự việc xảy ra, có khi lại không có sự việc gì.

Bởi vì Hiểu Vân thường xuyên qua lại với những người trong các cơ sở tu luyện, hơn nữa cô có khả năng giải quyết công việc rất tốt, sau một thời gian, uy tín của nước Đại Lý ngày càng tăng.

Rất nhiều người trên quan trường và người ở các cơ sở tu luyện đều muốn kết giao với cô. Cô cũng là người có bản tính độ lượng, ai gặp khó khăn cô cũng nguyện ý giúp đỡ.

Có lẽ cơ duyên tu luyện của cô đã chín muồi. Có một lần cô mang theo mấy tùy tùng đi tới chân dãy núi Thương Sơn, trông thấy trên đỉnh Thương Sơn có Phật quang từ từ bay lên, sau đó lại hướng về hồ Nhĩ Hải (ở tỉnh Vân Nam) rồi bay đi, sau đó lại bay trở lại, cứ như thế ba lần.

Cô cảm thấy vô cùng kinh ngạc, bèn tìm đến một người tu hành đức cao vọng trọng ở địa phương, người tu hành này là một lão ni cô gần 80 tuổi.

Lão ni cô nói: “Xem ra cô thật là có Phật duyên. Chi bằng cô hãy xuống tóc tu hành ở đây, cô thấy thế nào?” Hiểu Vân ngẫm nghĩ một chút rồi nói: “Tôi còn phải giúp đỡ vua, nếu xuống tóc có vẻ không thích hợp lắm, tôi làm đệ tử tại gia của sư cô thì thế nào?” Lão ni cô ngẫm nghĩ rồi nói: “Bởi vì năng lực của ta có hạn, nhưng mà… cô hãy đợi sư phụ của ta trở về, ta hỏi bà ấy liệu có phương pháp tu hành trong nhân gian không. Nhưng cô cần chờ đợi một thời gian, bởi vì ta không biết bà ấy lúc nào sẽ trở về”. Hiểu Vân nghe xong suy nghĩ một lát rồi nói: “Vậy cũng được”. Thế là cô cáo từ lão ni, tiếp tục làm những sự việc của mình.

Lại qua hơn nửa năm, cô đi đến chỗ lão ni hỏi thăm tình hình, kết quả sư phụ của bà vẫn chưa về.

Thời gian đó, cô nghe thấy rất nhiều người đang có tiền, có quyền bỗng dưng suy bại, có người ngày hôm trước còn sống rất tốt, qua ngày thứ hai liền phát bệnh thậm chí không biết nguyên nhân vì sao mà qua đời. Điều này khiến cô minh bạch rằng hết thảy mọi việc trên thế gian đều là vô thường.

Lại ba năm trôi qua, lão ni cô nhờ người chuyển lời đến bảo cô hãy tới chỗ bà một chuyến.

Lúc cô tới, lão ni cô giới thiệu cô với sư phụ bà ấy, một vị nữ sư phụ đã 150 tuổi, tuy nhiên dung mạo của bà khá trẻ, nhìn chỉ trạc tuổi lão ni cô.

Vị nữ sư phụ kia nói với Hiểu Vân: “Ta và ngươi thật có duyên, nếu ngươi đã muốn bước vào cửa tu hành, vậy thì ta sẽ cấp cho ngươi một loại phương pháp tu hành mà không cần xuất gia”.

Phương pháp tu hành của bà kỳ thực chính là luôn ghi nhớ bản thân mình là một người tu hành trong thế gian hỗn loạn, lúc bình thường luôn giữ tâm ở trạng thái thanh tĩnh. Đương nhiên nói ra thì dễ, sư phụ của cô phải cấp cho cô một số thứ trên thân thể mới có thể khởi tác dụng, nếu không chỉ dựa vào ý chí của con người thì không thể được.

Cuối cùng bà ấy nói với Hiểu Vân, nếu như tâm niệm bị sự việc bên ngoài quấy nhiễu, thì hãy dùng phương pháp bà ấy cấp cho cô (cụ thể ra sao thì không nói rõ).

Khi mới bắt đầu xử lý sự việc, các loại nhân tâm đều có, tâm hiển thị, tâm tranh đấu v.v., sau này phát hiện những thứ này đều là điều mà người tu hành cần trừ bỏ, cô bắt đầu ức chế những thứ này. Lúc ngồi đả tọa trong đầu thường xuyên xuất hiện các loại sự việc, can nhiễu rất ghê gớm. Về sau, thuận theo việc cô không ngừng tiến bộ trong tu luyện, những thứ can nhiễu này càng ngày càng nhẹ đi.

Trong tu luyện, chúng ta đều biết có một số nhân tâm cần trừ bỏ hết lần này tới lần khác, vậy thì nó sẽ có một hoàn cảnh biểu hiện tại nhân gian.

Có một lần một vị công tử trong vương tộc đến một ngôi chùa thắp hương, không may bị người khác giết hại trước chùa. Sự việc này chấn động cả triều đình và dân chúng. Nhà vua cử cô đi điều tra vụ án này.

Sau khi đi sâu vào điều tra, cô phát hiện hung thủ là con trai của một trọng thần trong triều đình, hai người vì cướp đoạt ruộng đất mà nảy sinh mâu thuẫn.

Một bên là thế lực vương tộc, một bên là trọng thần triều đình, cô rơi vào tình thế khó xử phải đưa ra lựa chọn giữa hai bên.

Bởi vì cô một lòng muốn chuyện này sớm được giải quyết, dụng tâm quá nhiều ở phương diện này, khi đả tọa, trong tâm vẫn cứ nghĩ đến sự việc này, không thể tĩnh xuống được, cũng không cách nào thể hội đến trạng thái mỹ diệu và thù thắng kia.

Một lúc sau cô cảm thấy mình có điều gì đó rất không đúng. Ngẫm nghĩ sự tình này không thể giải quyết trong một lúc, mà còn làm lỡ việc tu luyện.

Thế là cô bắt đầu vận dụng phương pháp mà sư phụ dạy cho mình để thanh trừ những thứ can nhiễu này, để bản thân thật sự tĩnh xuống được.

Khi cô thật sự làm tốt được phương diện này, thì can nhiễu này yếu đi rất nhiều.

Thuận theo việc cô liên tục tiến bộ trong tu luyện, cô cũng bất giác mà dùng trạng thái tâm tính của người tu luyện để xử lý các sự việc bên ngoài; đồng thời biết dùng trí huệ to lớn hơn để đối đãi với những vấn đề này.

Ví dự như vụ án kể trên, người ta thường cảm thấy sự việc này rất khó giải quyết, nhưng cô đã giải quyết ổn thỏa. Cô chân thành thỉnh mời người lớn của hai gia đình ngồi lại với nhau để tìm cách ̉giải quyết. Phía bên cha mẹ mất con trai nói đứa con này không còn nữa, chúng tôi phải làm sao? Quan đại thần cũng nói, đứa con này của tôi nếu bị xử trảm thì tôi phải làm sao đây? Người lớn tuổi hai bên nói xong liền than thở khóc kể.

Lúc này Hiểu Vân sớm đã điều tra rõ cả hai gia đình đều chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật gia rất sâu sắc. Đồng thời Hiểu Vân cũng biết được nhân duyên bên trong.

Thế là Hiểu Vân nói với người cha có con bị hại: “Lúc con ông còn nhỏ bởi vì trên đầu có một chỏm không mọc tóc, trong tâm ông lo lắng đi khắp nơi tìm người giúp đỡ, sau đó gặp được một vị cao tăng, ông ấy đã trị khỏi. Trước khi vị cao tăng đi, ông ấy tìm đến nơi vắng người nói cho ông rằng, con trai của ông vì trước đây từng làm cường đạo, hôm nay mặc dù sinh ra trong vương thất, nhưng cuối cùng sẽ gặp số phận bị người ta giết trước cổng chùa!” Người cha nghe xong vô cùng kinh hãi, bởi vì sự việc này chỉ có mình ông ấy biết, ngay cả vợ ông ấy còn không rõ. Nên ông hỏi Hiểu Vân vì sao mà cô ấy biết được chuyện này. Hiểu Vân cười và nói: “Bởi vì tôi là một người tu hành, tôi cũng có thể biết một số sự việc mà người khác không biết”.

Sau đó cô ngoảnh đầu lại nói với quan đại thần: “Mặc dù tại đây có duyên cớ từ kiếp trước, nhưng hôm nay con trai ông giết người là không đúng. Theo pháp luật của nước ta tội này nên xử trảm. Tôi cũng không thể thiên vị ai. Nếu ông và con trai ông vẫn còn thiện niệm, muốn hối cải, vậy ông hãy thành tâm cầu Thần Phật. Tuyệt đối đừng cầu cứu những người tu luyện có thành tựu giúp đỡ, như vậy có khi lại hủy con đường tu đạo của họ”.

Bởi vì cả hai gia đình đều tín Phật, vậy nên một khi nghe những lời này, hai gia đình đều rất vừa lòng.

Lúc này, người con của trọng thần sớm đã bị giam trong ngục, trong phòng giam anh ấy phản tỉnh bản thân mình nhất thời gây nên tội, trong tâm lặng lẽ cầu Thần Phật giúp đỡ. Cha anh ấy ở bên ngoài cũng vậy.

Đến ngày bị đưa ra xử trảm, lúc con trai đại thần bị áp giải đến pháp trường để hành quyết, đột nhiên một trận cuồng phong nổi lên, gió thổi mạnh đến nỗi đao phủ không mở mắt lên được. Mũ của quan giám sát xử trảm (Giám trảm quan) bị thổi bay lên trời.

Bởi vì nơi đây rất nhiều người đều có tín ngưỡng đối với Phật, nhìn thấy cảnh này, đa số họ cho rằng người này không đáng chết.

Hiểu Vân nhìn thấy cảnh này cũng rất cảm động. Lúc này có vị quan dâng sớ lên vua nói rằng gặp cảnh tượng lạ khi xử trảm người này.

Vua lập tức cho gọi Hiểu Vân tiến vào điện để trao đổi chuyện này, Hiểu Vân ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Luật pháp có sự uy nghiêm của nó, không thể thay đổi. Nhưng thiên tượng đã cảnh báo chúng ta cũng nên cân nhắc. Nếu không thì thế này, đổi họ của người này thành họ của nữ thân quyến của con trai vương thất bị giết, cho làm nô bộc của vị vương thất bị mất con kia, làm tròn bổn phận của một người con trai. Như vậy có thể khiến vương thất mất con có thể bình hòa trong tâm, lại có thể để vị trọng thần không mất con trai, qua ba năm sau, họ có thể đến thăm con trai. Khi đại thần sắp lâm chung, con ông cũng có thể sắp xếp nghi lễ cho cha mẹ già, nhưng không thể lo ma chay, coi đó như sự trừng phạt nặng nề nhất ở kiếp này. Khi cha mẹ của người bị hại lâm chung, thì người này cần tận sức làm tròn lễ nghi, trách nhiệm của người con trai. Đây cũng là sự trừng phạt đối với anh ta”.

Quốc vương nghe xong cũng cảm thấy xử lý như vậy khá thoả đáng, thế là ban bố chiếu thư, dựa theo đó mà hành sự.

Hai gia đình và đông đảo dân chúng nghe được sự việc này đều rất hài lòng.

Trong quá trình thực tu của kiếp đó, về sau Hiểu Vân có thể làm đến được không bị hãm vào bản thân sự việc, mà là nhảy thoát ra khỏi sự việc để nhìn vấn đề, có thể dần dần dung nhập trí tuệ được gia tăng thông qua tu luyện để thực hiện chức trách của mình, điểm này rất khó làm được.

Sau đó cô cũng trải qua một chuỗi các sự việc, thậm chí liên quan đến phương diện địa vị, hôn nhân của bản thân, cô đều có thể dùng trí huệ tu xuất ra để giải quyết sự việc một cách thỏa đáng. Sau đó sư phụ thấy cô đã thành thục trong tu luyện, nên đã đưa cô đến Hạ Quan (thuộc Nam Kinh, tỉnh Giang Tô) tìm nơi thanh tĩnh để bế quan tu hành.

Trong phương thức tu hành bế quan này, bởi vì cô đã rất thành thục, vậy nên tiến bộ cũng rất nhanh, cuối cùng cô đã tu luyện thành công. Việc này chúng tôi không nói chi tiết.

Đây chính là:

Đại Lý Thương Sơn Phật quang hiển

Hồng trần cứu độ người hữu duyên

Thực hiện trách nhiệm triển trí tuệ

Kiên trì thực tu viên mãn về!

Hậu ký: “Kiên trì thực tu” là một đề tài cực kỳ rộng lớn, ở đây chỉ dùng một câu chuyện nhỏ để thuyết minh một chút về chủ đề này. Kỳ thực, vấn đề người tu hành kiên trì thực tu cần thể hiện tại mọi phương diện, nếu chúng ta chỉ xem nó như câu khẩu hiệu hoặc chỉ dừng ở bề mặt chữ nghĩa, thì đó đều là lừa mình dối người.

“Đề cao” cũng vậy, rất nhiều người sau khi giao lưu với người khác cảm thấy bản thân có sự gợi mở và đề cao rất lớn, đó chỉ là một loại cảm giác cá nhân mà thôi, hoàn toàn khác với việc chân chính đề cao.

Cá nhân tôi cảm thấy hãy để tâm của chúng ta mọi lúc hòa tan trong Pháp, làm gì cũng chiểu theo Pháp, không thể muốn thế nào liền làm thế nấy, để rồi công nhiên đi ngược lại Pháp của Sư phụ, mà vẫn cảm thấy bản thân đề cao và thăng hoa rất lớn, đó đều là “cảm giác của cá nhân”. Điều này không được thừa nhận, xin hãy chú ý điểm này.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/272501



Ngày đăng: 02-11-2022

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.