Thiển đàm về ‘Tinh tấn bắt đầu từ việc dậy sớm luyện công’
Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp tại Đại Lục
[ChanhKien.org]
Mỗi khi giao lưu với các đồng tu, tôi luôn cảm động trước sự tinh tấn của họ. Ví như, đối với tôi, việc luyện công vào sáng sớm là khó khăn nhất. Tôi rất khâm phục những đồng tu có thể kiên trì luyện công vào sáng sớm. Một lần, tôi có hỏi một học viên lâu năm: “Cô có thường dậy sớm không ạ?” Cô ấy nói: “Tôi thức dậy lúc 3:00 giờ sáng, luyện công trong hai tiếng rưỡi, rồi phát chính niệm lúc 6:00 giờ sáng. Sau đó tôi dành một tiếng học Pháp, rồi mới nấu bữa sáng”. Tôi không khỏi thán phục và nói: “Cô thật sự làm được rất tốt”. Cô ấy đáp: “Lúc đầu sẽ thấy khó, nhưng khi đã hình thành thói quen thì sẽ thấy khó chịu nếu không dậy đúng giờ. Tinh tấn bắt đầu từ việc dậy sớm luyện công”.
‘Tinh tấn bắt đầu từ việc dậy sớm luyện công’, tôi thật sự xúc động, cảm thấy rất có đạo lý. Sáng sớm thức giấc, việc đầu tiên là luyện công. Bởi tôi không thể dậy sớm, không ít lần Sư phụ đã điểm hóa cho tôi: Trong giấc mơ tôi ôm mèo ngủ (mèo lười); tôi cũng thường ngủ bên mặt nước (ngủ nướng thêm). Tôi cũng thường ngủ lại, dù biết rằng như vậy là đang cấp năng lượng cho ‘ma lười’. Đôi lúc, tôi cảm thấy tức giận với chính bản thân mình. Vì sao tôi không thể tinh tấn? Liệu tôi có chết nếu ngủ ít đi không? Buông tâm xuống và dậy ngay thôi! Nhưng chỉ được vài ngày, rồi đâu lại vào đấy, tôi vẫn không thể hình thành thói quen. Mặc dù, tôi không để bị lỡ các công việc hàng ngày, nhưng việc thiếu nề nếp như vậy là không ổn. Trên thực tế, việc học Pháp, phát chính niệm và cứu người đòi hỏi nghị lực kiên trì làm nền tảng. Động lực của người tu luyện là đến từ Pháp. Chỉ khi tinh thần thật sự kiên định thì hành động mới có thể theo kịp.
Một lần khi nghe “Hồi ức về Sư phụ”, có một vị đồng tu nhớ lại: “Vào thời khắc kết thúc, tôi thấy trên không trung xuất hiện hai vị Bồ Tát. Một vị nói: ‘Những người này quả thật là tuyệt vời, phải trải qua muôn vàn gian khổ’. Vị kia nói: ‘Là vậy. Trong vạn người mới chọn được một người’”. Tôi có chút buồn khi nghe điều này. ‘Trải qua muôn vàn gian khổ’ nghĩa là gì? ‘Vạn người mới chọn được một người’ hàm nghĩa là sao? Đương sơ, khi chúng ta theo Sư phụ tầng tầng đi xuống, có khi nào chúng ta lười biếng không? Có khi nào chúng ta giải đãi không? Nếu không hoàn thành thệ ước, chúng ta sẽ đánh đổi bằng chính sinh mệnh của mình.
Trong hơn 20 năm mưa gió bức hại, có thể kiên trì đi cho đến ngày hôm nay quả thật không dễ dàng gì. Lấy việc dậy sớm luyện công làm ví dụ. Với những người có căn cơ tốt, ngộ tính tốt thì điều này không thành vấn đề. Đáng buồn là những người ‘ba ngày đánh cá, hai ngày phơi lưới’, có người vài ngày mới luyện công một lần. Còn có người che miệng nói: “Chớ thấy tôi luyện công ít, tôi tu tâm tính không tệ đâu”. Những năm qua, nhìn những đồng tu xung quanh, có người đã qua đời, có người không còn tu luyện, tôi không khỏi cảm khái: Bị đào thải khỏi tu luyện dễ như vậy sao? Từ việc dậy sớm luyện công, phát chính niệm, học Pháp cho đến cứu người, đều không ai quản bạn, cũng không ai bức bách bạn phải làm, khó là khó ở chỗ ấy. Biết được tiêu chuẩn của Pháp, chúng ta cần nỗ lực tinh tấn hơn lên. Khi phó xuất không đủ thì sẽ cảm thấy nuối tiếc, khi làm không tốt sẽ có cảm giác rớt xuống.
Những sự việc xảy ra hàng ngày trông thật bình thường, kỳ thực đều là an bài trong tu luyện. Mỗi sự việc chúng ta làm không tốt đều là những điểm trừ. Sáng sớm có việc của sáng sớm, ban ngày có việc của ban ngày, buổi tối có việc của buổi tối. Trong bộn bề bận rộn ấy, dường như thấp thoáng có một sợi dây xuyên suốt trong đó, đó chính là con đường tu luyện của bản thân: có những nhân tố để bạn đề cao phù hợp với trạng thái người thường.
Tôi nhớ có một bài chia sẻ viết rằng: các vị Thần hộ Pháp sẽ chấm điểm cho các đệ tử Đại Pháp mỗi ngày, nếu vượt đèn đỏ sẽ bị trừ 10 điểm, nếu nhìn ngắm các cô nương xinh đẹp sẽ bị trừ 10 điểm. Việc không luyện công chẳng phải cũng vậy sao? Con số đó là bao nhiêu? Tôi đoán có lẽ ít nhất phải là 30 điểm? Một học viên tinh tấn sẽ không buông lơi việc hàng ngày dậy sớm luyện công. Học Pháp tốt mới có thể có động lực. Tôi thường nghĩ đến những kỳ vọng của Sư phụ và sự phó xuất của Ngài dành cho các đệ tử, nghĩ đến những chúng sinh trên Thiên quốc đang trông ngóng Vương của họ quay trở về. Nó sẽ khơi dậy sự tinh tấn để vượt qua khó khăn.
Tôi luôn nhắc nhở bản thân không được giải đãi, tinh tấn không ngừng. Mỗi ngày, tranh thủ phát chính niệm thường xuyên hơn, thanh trừ những mây mù trong vũ trụ; tận dụng mọi cơ hội truyền phúc âm của Đại Pháp tới thế nhân, bởi chúng sinh chính là tài phú của vũ trụ; và điều quan trọng nhất là phải tu tốt chính mình.
Sư phụ giảng:
“Không có sự đề cao của chư vị, thì không có viên mãn của chư vị; chúng sinh mà chư vị cứu sẽ đi đâu? Ai cần [họ]?” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York năm 2008, Giảng Pháp tại các nơi VIII)
Phó xuất là phải chịu khổ, lấy khổ làm vui là trạng thái của Thần. Nếu đạt đến trạng thái ấy, thì điều gì có thể ngăn cản bạn đây?
Dường như mỗi ngày trôi qua chỉ trong chớp mắt. Nếu tôi không dậy sớm luyện công, thì chỉ có thể luyện bù vào thời gian ban đêm. Tuy nhiên, đến đêm tôi lại cảm thấy buồn ngủ và muốn gác lại việc luyện công sang ngày hôm sau. Tôi thường do dự: luyện hay không luyện? Những lúc như vậy, tôi nhất định không thể chần chừ mà phải tiến về trước. Có lần, vì buổi sáng chưa kịp luyện bài công pháp số hai nên tôi dự tính sẽ luyện bù vào buổi tối. Tuy nhiên, tôi bận làm các việc đến tận 11:00 giờ đêm. Lúc này, mí mắt trĩu nặng, tôi chỉ muốn nằm xuống. Nhưng ngày mai còn có việc của ngày mai, tôi quyết tâm luyện trạm trang trong một giờ. Trong phút chốc, tôi cảm nhận được sự gia trì của Sư phụ, năng lượng mạnh mẽ, bề mặt như có tĩnh điện. Tôi không hề cảm thấy mệt mỏi. Sau khi luyện công, tôi phát chính niệm trong 20 phút. Chẳng phải tôi đã làm được sao?
Một đồng tu nói với tôi rằng: “Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng ta nên ngẫm lại một lần những việc đã làm trong ngày: Có chỗ nào sai sót? Có chỗ nào chưa tốt? Từ đó theo Pháp mà quy chính bản thân”. Tôi thấy như vậy rất tốt. Còn một điểm nữa là phát chính niệm thanh trừ giả ngã: tâm tranh đấu, tâm tự ngã, tâm sắc dục … bất cứ chấp trước nào đều thanh trừ, mặc niệm khẩu quyết: “Pháp Chính càn khôn, tà ác toàn diệt!” rồi tôi mới đi ngủ.
Từ việc dậy sớm luyện công cho đến khi chợp mắt, mỗi ngày tôi đều cảm thấy thuần tịnh và bản thân đề cao lên, cảm giác thật mỹ hảo!
Trên đây chỉ là một chút thiển ngộ của bản thân, có chỗ nào chưa phù hợp với Pháp, xin các đồng tu chỉ chính!
Dịch từ:
https://www.pureinsight.org/node/7635
https://www.zhengjian.org/node/266742
Ngày đăng: 26-10-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.