Phật Pháp, đạo đức, ngũ hành và khoa học
Thể hội tu luyện và thảo luận với các chuyên gia, học giả
Tác giả: Lân Lân
[ChanhKien.org]
Lão Tử đã nói trong Đạo Đức Kinh rằng: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập nhi bất cải, chu hành nhi bất đãi, khả dĩ vi thiên địa mẫu. Ngô bất tri kì danh, tự chi viết đạo” (dịch nghĩa: Có một vật hình thành từ trong hỗn độn, nó đã tồn tại trước cả khi thiên địa hình thành. Nó không có tiếng, không có hình, tịch mịch hư không, nó độc lập và bất biến vĩnh hằng; chuyển động tuần hoàn khắp vũ trụ mà không ngừng nghỉ, có thể coi là căn bản của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, cho nên miễn cưỡng gọi nó là Đạo).
Có thể thấy rằng “Đạo” từ tiên thiên đã có, từ khi chưa có thiên địa thì đã có “Đạo”. Từ trong “Đạo” sản sinh ra thiên địa. Vậy thì “Đạo” rốt cuộc là vật gì? “Phật Pháp” rốt cuộc là gì? Từ cổ chí kim, những bậc trí giả vẫn luôn tìm hiểu vấn đề này. Chân truyền một câu nói: “Đại Đạo chí giản chí dị”. Trong sách “Chuyển Pháp Luân”, Sư tôn đã nói vô cùng minh xác:
“Đặc tính căn bản nhất trong vũ trụ này là Chân Thiện Nhẫn, Nó chính là thể hiện tối cao của Phật Pháp, Nó chính là Phật Pháp tối căn bản” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân).
Lão Tử là người đại biểu cho Đạo gia, ông gọi Phật Pháp là “Đạo”. Nếu từ trong “Đạo” sinh ra thiên địa, vậy thì từ trong “Chân – Thiện – Nhẫn” chính là sinh ra vũ trụ.
Người tu Pháp Luân Đại Pháp biết rằng: Từ vạn cổ tới nay, đây là lần đầu tiên Sư phụ truyền Đại Pháp của vũ trụ, chân Pháp đại Đạo cho con người. Con người chỉ cần chiểu theo đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn để làm một người tốt, thì chính là đang ở nơi thế gian mà đồng hóa với đặc tính của vũ trụ. Nếu như có thể đồng hoá với đặc tính vũ trụ để làm một người tốt hơn nữa, làm một người tốt vượt khỏi người thường, thì chính là đã tu luyện trên cao tầng rồi. Kỳ thực, văn hoá truyền thống của Trung Hoa chính là văn hóa tu luyện.
Lão Tử lại nói: “Đạo sinh chi, đức súc chi…Đạo chi tôn, đức chi quý, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên.” (dịch nghĩa: Đạo sinh ra vạn vật, đức bồi dưỡng vạn vật. Đạo sở dĩ được tôn sùng, đức sở dĩ được quý trọng là vì đạo và đức sinh ra vạn vận mà không can thiệp và chi phối vạn vật mà để vạn vật tự nhiên phát triển). Đạo và đức không thể tách rời, khi sinh ra vốn đã vậy, là bản tính tiên thiên không thể thiếu để làm người. Đạo đức có thể giải thích là: Lấy đức làm gốc, cái đức này nằm ở trong Đạo, nằm ở trong Pháp; hoặc: Người thuận theo Đạo thì có đức, người nghịch với Đạo thì vô đức.
Hơn 2000 năm trước, Khổng Tử đã truyền cho thế nhân những tư tưởng tiêu biểu của Nho gia: Nhân (nhân từ), Nghĩa (nghĩa khí), Lễ (lễ nghi), Trí (trí huệ có được nhờ giáo dục), Tín (chính tín) để quy phạm nền tảng đạo đức của con người và xã hội. Con người chỉ cần tuân theo lời dạy của thánh nhân mà thực hành là được. Trong xã hội Trung Quốc thời xưa, biểu hiện của mối quan hệ bình thường giữa người với người là: Trung (trung thứ [1]), Hiếu (hiếu thuận với cha mẹ, huynh hữu đệ cung), Tiết (khí tiết), Nghĩa (xả thân vì nghĩa), Kính Thiên địa (kính Thần), Quân (trung quân ái quốc), Thân (thân thiết với gia đình), Sư (tôn sư trong đạo). Trạng thái xã hội biểu hiện ra tất yếu sẽ là Thành (chân thành), Thiện (thân thiện), Dung (bao dung), Hoà (hòa hợp). Đây là bộ phận “nhập thế” trong văn hoá truyền thống.
Tuy tư tưởng của Phật gia và Đạo gia là bộ phận “xuất thế” trong văn hoá truyền thống, người tu luyện tu Phật tu đạo Đạo có thể thành Phật thành Đạo, nhưng tư tưởng của Phật gia và Đạo gia lại có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống của người dân thường. Tư tưởng từ bi phổ độ của Thích giáo và tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” của Đạo giáo kết hợp cùng với luân lý của Nho giáo tạo nên thành phần cốt lõi của văn hoá truyền thống Trung Hoa. Những khái niệm về thiện ác quả báo, thiên quốc địa ngục của Phật giáo đã trở thành những kiến thức thông thường trong xã hội ai ai cũng biết.
Bởi vì nghiên cứu trực tiếp nhắm vào thân thể người, sinh mệnh, vũ trụ, nên những bậc tiên hiền đã dung nhập tư tưởng “thiên nhân hợp nhất” của Đạo gia vào trong huyết mạch văn hoá, làm cho văn hoá Trung Hoa càng trở nên bác đại tinh thâm, lưu tồn trong dân gian một nền khoa học cổ đại phát triển, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân như: Trung Y, khí công, phong thuỷ và các dự ngôn.
Trong đó Trung Y là bảo vật của Trung Hoa, là tinh túy của đất nước. Trung Y truyền thống là lấy đức làm gốc, lấy điều hòa tâm tính (tu đức) làm chủ, phòng bệnh là chính, trị bệnh là phụ. Khí công là văn hóa tu luyện, nó bao hàm những lĩnh vực như: luân lý học, ngôn ngữ học (như ngôn ngữ cơ thể), truyền bá học (như truyền bá hành vi phi ngôn ngữ), khoa học nhân thể, khoa học sinh mệnh cho tới các lĩnh vực y học; nó bao gồm: Luyện, có thể giúp thân thể khoẻ mạnh, cường tráng; Tu (tâm, tu đức), có thể tề gia trị quốc bình thiên hạ. Quân vương minh tỏ lý lẽ, chăm chỉ thực hành, thì điều hành đất nước cũng như nấu một món ăn mỹ vị; bách tích minh tỏ lý lẽ, siêng năng chăm chỉ, thì mưa thuận gió hoà, ngũ cốc bội thu, phúc thọ kéo dài. Thuật phong thuỷ được lưu truyền trong dân gian của Trung Quốc thực tế là một môn khoa học tổng hợp, bao gồm: luân lý, triết học, lịch sử, thiên văn, địa lý, khí tượng, số học, vật lý, hoá học, lực học, mỹ học, sinh thái học, kiến trúc học v.v.; dù trong lĩnh vực quân sự hay dân sự, nó cũng phát huy tác dụng to lớn (ví như những điển cố thuyền cỏ mượn tên, hoả thiêu xích bích, trâu gỗ ngựa máy trong “Tam quốc diễn nghĩa”; hay như ứng dụng trong việc quy hoạch đồng ruộng, trồng trọt đất đai, đàn tế trời, tứ hợp viện [kiến trúc nhà cổ Trung Quốc], nhà ở của người dân…).
Bởi vì vật chất vận động tuần hoàn theo một quy luật nhất định, sự sinh sôi, phát triển của mọi sự vật đều tuân theo tiền nhân, có tiền nhân (nguyên nhân từ trước) mới có hậu quả (kết quả về sau), thiện có thiện quả, ác có ác quả, đều theo nhân đó, mà được quả đó, không ra khỏi cửa mà biết được việc trong thiên hạ, cho nên mới có dự ngôn. Trong cao trào khí công sau thời kỳ Đại cách mạng văn hoá, có một công năng được thế giới công nhận liên quan đến khả năng tiên tri, đoán trước sự việc gọi là công năng túc mệnh thông, Công năng này được giảng trong sách Chuyển Pháp Luân như sau:
“Sao lại gọi là ‘túc mệnh thông’? Ấy là có thể biết được tương lai và quá khứ của cá nhân; lớn nữa thì có thể biết được sự thịnh suy của xã hội; còn lớn hơn nữa thì có thể thấy được những quy luật biến hoá của toàn thiên thể; đó chính là ‘công năng túc mệnh thông’.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân).
Từ hàng trăm nghìn năm nay, cuốn sách “Kinh Dịch” mà mọi người dân Trung Quốc đều quen thuộc, được tôn xưng là quần kinh chi đạo (đạo của các loại kinh), tính chuẩn xác của những dự ngôn trong sách Kinh Dịch thì ngay cả khoa học hiện đại cũng khó mà sánh được. Trong môi trường khoa học cổ đại phát triển và được kiến tạo bởi văn hóa truyền thống như vậy, từ quân vương đến thần dân bách tính đều có thể tự ước thúc tâm của mình để hành xử theo đạo, làm được “chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”.
Nhìn tổng quan văn minh lịch sử của Trung Hoa, các tín ngưỡng Nho, Thích, Đạo đã tạo dựng nên cho người Trung Quốc một hệ thống đạo đức vô cùng hoàn chỉnh và ổn định, hệ thống đạo đức này là bộ chuẩn tắc, quy phạm về hành vi để con người chung sống cùng nhau, cũng là nền tảng đảm bảo cho sự tồn tại, an định và hoà hợp của xã hội.
“Đức là tích từ đời trước; vua, quan, phú, quý thảy đều từ đức mà ra, vô đức thì chẳng được gì, mất đức sẽ mất hết.” (Giàu mà có đức – Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Sư phụ đã chỉ rõ trong sách “Chuyển Pháp Luân”:
“Kim mộc thuỷ hoả thổ, ngũ hành ấy cấu thành nên mọi sự vật trong vũ trụ;” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)
“Vạn sự vạn vật trong vũ trụ này; [tất cả những thứ ấy] chúng đều có phương diện tồn tại vật chất; đồng thời chúng cũng có tồn tại đặc tính Chân Thiện Nhẫn. Dẫu là vi lạp vật chất nào thì cũng bao hàm chủng đặc tính ấy, trong vi lạp cực nhỏ cũng bao hàm chủng đặc tính ấy.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân).
Ở trong thế giới vật chất mà chúng ta đang sinh tồn, chủng đặc tính đó được biểu hiện là: âm dương đồng tồn, tương sinh tương khắc.
Lấy một gia đình làm ví dụ. Nam là dương, nữ là âm; bên ngoài là dương, bên trong là âm; nam giới dương cương, nữ giới âm nhu; nam chủ ngoại, nữ chủ nội; đàn ông kiếm sống nuôi gia đình, phụ nữ hỗ trợ chồng và dạy dỗ con; cương nhu hòa hợp, một căng một trùng; gan mật đối chiếu nhau (phủ là dương, tạng là âm: mật là dương, gan là âm), kiên cố bất phá, có như vậy cuộc sống gia đình mới có thể hòa hợp mỹ mãn, phong phú đa dạng.
Cũng như vậy, trong xã hội nhân loại thiện ác đồng thời tồn tại, có như vậy sinh mệnh mới có sinh cơ; làm bất cứ việc gì cũng phải kính Thiên thuận Đạo thì mới trôi chảy thuận lợi, kỳ thực, đó chính là phù hợp với một tầng Pháp lý Chân – Thiện – Nhẫn ở tầng thế gian này. Con người trải qua nỗ lực sẽ biết trân quý thành quả mà họ không dễ dàng mới đạt được, sinh mệnh sống trong mâu thuẫn mới cảm thấy cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Vậy cũng nói âm dương ngũ hành, tương sinh tương khắc là hai mặt không thể tách rời của một sự vật, là quy luật và nguyên nhân sinh-diệt của vạn vật trên thế gian. Tương sinh thúc đẩy sự vật phát triển và trưởng thành, tương khắc duy trì sự cân bằng của sự vật trong quá trình biến hóa phát triển.
Con người là anh linh của vạn vật, Đạo gia coi thân thể người như một tiểu vũ trụ. Ngũ phủ và ngũ tạng (phủ là dương, gồm: túi mật, ruột non, dạ dày, ruột già, bàng quang. Tạng là âm, gồm: gan, tim, lá lách, phổi, thận) tương ứng với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), đây là trung tâm hoạt động của cơ thể; hoạt động ý thức tinh thần của con người (như ngũ thần: hồn, thần, ý, phách, chí; ngũ chí: nộ, hỉ, tư, ưu, khủng) cũng thuộc về ngũ tạng; Ngũ tạng thông qua kinh mạch (ngũ kinh: phế kinh, tâm kinh, can kinh, tỳ kinh, thận kinh) kết nối khắp cơ thể, thể hiện tính chỉnh thể của cơ thể con người. Ngũ tạng cũng có liên hệ với tự nhiên (như năm hướng: Đông, Nam, Trung, Tây, Bắc; hoặc năm mùa xuân, hạ, trường hạ, thu, đông), biểu thị tính thống nhất giữa con người với tự nhiên. Tính chỉnh thể của cơ thể người và tính thống nhất giữa con người với tự nhiên được duy trì dựa trên đạo đức.
Tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” đại biểu cho vũ trụ quan của tổ tiên chúng ta. Cũng chính nhờ thiên nhân hợp nhất, nên cơ thể con người mới có tính thích ứng nhất định với tự nhiên. Nếu vượt khỏi phạm trù thích ứng sinh lý này sẽ sinh ra phản ứng bệnh lý. Lấy mộc làm ví dụ: gan thuộc mộc, gan tàng hồn, có tính tĩnh, liên quan đến sự tức giận, tức giận quá sẽ làm thương tổn gan. Lại vì mộc khắc thổ, tỳ vị thuộc thổ, tức giận quá có thể tổn thương tỳ vị. Dựa theo đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn ở tầng Pháp lý này mà nói, con người không nên tức giận, vì sẽ dẫn đến mất đức. Ngũ tạng cũng liên quan tới ngũ quan (mắt, lưỡi, miệng, mũi, tai), ngũ vị (chua, đắng, ngọt, cay, mặn) và ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen). Các thầy thuốc thời xưa xem màu sắc của ngũ quan có thể đoán được bệnh của tạng phủ, sau đó dùng thuốc theo ngũ vị để điều trị. Gan thuộc mộc, có vị chua, gan thích chua, gan có thể dùng loại thảo dược có vị chua để chữa trị. Đương nhiên, đó chỉ là kế sách tạm thời, muốn trị tận gốc rễ bệnh, cần phải chú trọng điều tâm (tu đức), phải thủ đức mà không thất đức. Người đức cao vọng trọng thì có thể hưởng hết tuổi trời, bình thản mà ra đi.
Bởi vì thiên nhân hợp nhất, ngũ hành ứng với ngũ phủ, ngũ sắc, ngũ vật (trùng, binh hoang, phong, tang, khiếm), bậc trí giả quan sát năm màu sắc của mây có thể biết được cát, hung, phong, khiếm, vì thế mới có câu không ra khỏi cửa mà biết được việc trong thiên hạ. Như khi nước nhiều, nước vượng thì lấy đất bao quanh, có thể tưới ruộng, nuôi dưỡng vạn vật. Đó cũng bởi vì thổ khắc thủy, thủy sinh mộc. Hiện nay ở Trung Quốc xảy ra rất nhiều lũ lụt, cũng là do đạo đức suy đồi, chặt phá rừng quá mức, dẫn đến mộc không thể khắc chế thổ, thổ bị tổn hại nên không thể khắc chế thủy. Nên mới gọi là nhân khởi họa đoan, thiên giáng tai nạn (tai nạn ông Trời giáng xuống là do con người gây nên). Thiên nhân hợp nhất, những biến cố trong giới tự nhiên cũng là bởi con người thất đức mà dẫn tới.
Người xưa nói: “kẻ cướp cũng có đạo”, vạn vật đều có đạo. Vậy thì bậc trí giả không ra khỏi cửa mà biết việc thiên hạ, hay như thầy lang đoán và chữa bệnh, chẳng phải cũng bao gồm đạo của khoa học tự nhiên, đạo của y học, đạo của khoa học luân lý mà các chuyên gia, học giả đã dốc hết tinh lực cả đời siêng năng học tập, nghiên cứu mới có thể ngộ ra sao?
Cổ nhân có một câu nói hay: “văn chương bản thiên thành, diệu thủ ngẫu đắc chi” (văn chương vốn là thứ tự nhiên mà thành, người viết chỉ là ngẫu nhiên đạt được”. Văn chương từ vạn cổ đều là biến hoá trong các quy tắc của học thuyết ngũ hành âm dương, tương sinh tương khắc, tuần hoàn lặp lại, chính là trời xanh ban cho người hiền đức kia kỹ năng, để họ ngẫu nhiên đạt được mà thôi.
Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/64616
Chú thích:
[1] Trung Thứ:
Khổng Tử đang giảng bài, bỗng nói với Tăng Tử: “Này Tăng Tử, đạo của ta có phải được thấu hiểu chỉ với một nguyên tắc cơ bản?”.
Tăng Tử lễ phép: “Thưa đúng“
Tử Lộ hỏi thầy: ”Xin hỏi Phu tử, có hay không một chữ duy nhất để con có thể thực thi cả đời ?”. Khổng Tử đáp: ”Nếu muốn thế, đấy chính là chữ “Thứ !”.
Các học trò khác của Khổng Tử đều không hiểu họ đang luận bàn chuyện gì. Khổng Tử nói xong đã đứng lên đi mà không giải thích. Lúc đó, các học trò khác vội vây quanh Tăng Tử và Tử Lộ, xúm xít hỏi: ”Thầy nói thế có nghĩa là gì ?”.
Tăng Tử đáp: ”Thầy nói về đạo của người chỉ là “Trung Thứ” mà thôI!”.
Tăng Tử lại lấy chuyện mình ra giải thích tiếp: ”Mỗi ngày tôi đều nhiều lần tự cảnh tỉnh bản thân: Làm việc giúp người liệu đã tận lực tận tâm? Kết giao bạn hữu liệu có chân thành trung thực? Đạo thầy truyền cho đã ôn luyện chăng? Dốc lòng dốc sức, đó chính là “Trung“.
Tử Lộ bảo: ”Suy kỷ cập nhân (Suy từ mình để biết đến người khác) ấy là “Thứ“, điều gì mình không muốn thì không nên làm cho kẻ khác. Cái gì mình muốn gây dựng cho mình cũng nên gây dựng cho người khác. Cái gì mình muốn thành công cũng nên giúp cho kẻ khác thành công“.
Ngày đăng: 19-06-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.