Trân quý
Tác giả: Jinna, một đệ tử Đại Pháp đến từ Hoa Kỳ
[ChanhKien.org]
Con xin kính chào Sư Phụ từ bi!
Xin chào các bạn đồng tu!
Hôm nay tôi xin được chia sẻ một chút thể ngộ về : “Trân quý”.
Sư phụ đã giảng:
“Hy vọng mọi người trân quý chính mình, trân quý người khác, trân quý hoàn cảnh này của chư vị. Trân quý con đường mà chư vị đi, đó chính là trân quý bản thân chư vị.” (Thế nào là đệ tử Đại Pháp)
Tôi ngộ ra rằng đối với Sư phụ, điều quan trọng nhất chính là sự thăng hoa trong tu luyện của đệ tử. Còn với chúng ta, không gì quan trọng hơn việc cứu chúng sinh và hoàn thành thệ ước của mình. Mặc dù cựu thế lực đã bị thanh trừ rất nhiều, nhưng là đệ tử Đại Pháp chúng ta vẫn cần phải tu luyện bản thân và cứu nhiều chúng sinh hơn nữa, điều này đòi hỏi chúng ta phải “trân quý” họ nhiều hơn nữa.
1) Trân quý và cứu tất cả các chúng sinh
Chúng ta đều biết rằng con người trong thế giới ngày nay đều là Vương từ trên Thiên thượng chuyển sinh thành người. Mỗi người đại biểu cho chúng sinh trong thế giới của mình, đều đã trải qua muôn vàn gian khổ chờ đợi Đại Pháp để được Sáng thế chủ cứu độ. Tuy nhiên, một số người đã bị mê trong thế giới người thường, thậm chí có hành vi xấu tệ, nhưng họ đều đáng được trân quý.
Tôi làm việc trong một siêu thị, nơi mà hầu hết các nhân viên là người Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha, vì rào cản ngôn ngữ nên tôi ít giao tiếp với họ. Một đêm nọ, sau khi hầu hết đồng nghiệp tan ca, tôi làm việc một mình sau quầy thanh toán. Đột nhiên, một thanh niên bước vào và tiến đến chỗ tôi. Anh ta nhặt một con dao trên kệ và chĩa mũi dao vào tôi. Ban đầu tôi nghĩ là anh ta đùa, nhưng nhìn nét mặt của anh ta thì tôi biết anh ta không đùa. Suy nghĩ đầu tiên của tôi là anh ta sẽ không dám làm gì tôi. Tôi nhìn anh ta và nói: “Không! Không!” Sau đó anh ta đặt con dao xuống và bỏ đi. Tôi cảm thấy rất sợ hãi khi nhớ lại sự việc. Tại sao điều đó lại xảy ra với tôi? Khi hướng nội, tôi nhận ra rằng có những lúc tôi đã coi thường đồng nghiệp; tôi cho rằng họ lười biếng, sống bừa bộn và các tật xấu của họ thì tôi coi đó là những kẻ vô học. Tôi chưa bao giờ nghĩ họ đã từng là Vương ở thiên thượng, và họ có cơ duyên với các đệ tử Đại Pháp. Tuy nhiên, thay vì tôn trọng tôi dùng nhân tâm mà coi thường họ, vậy nên tôi đã bị cựu thế lực lợi dụng chấp trước này.
Sau này, tôi đã chủ động chào hỏi và giúp đỡ họ. Một ngày nọ, tôi làm quen với một đồng nghiệp đến từ Honduras bằng việc sử dụng ứng dụng dịch tự động, anh ấy đã làm việc tại Mỹ được ba năm. Trước đây, tôi chưa bao giờ giảng chân tướng cho họ vì e ngại rào cản ngôn ngữ. Một hôm khi tôi đang nghe nhạc Đại Pháp bằng tai nghe thì đồng nghiệp ấy đến gần và hỏi tôi đang nghe gì. Tôi đưa tai nghe của mình cho anh ấy. Sau một lúc lắng nghe, anh ấy mỉm cười và giơ ngón tay cái lên tỏ vẻ rất thích thú. Tôi nói rằng đó là âm nhạc Đại Pháp, đến từ thiên thượng. Ngay lập tức, anh ấy liền chắp hai tay trước ngực. Anh ấy hỏi tôi một số câu như “Sự khác biệt giữa Pháp Luân Đại Pháp và Cơ đốc giáo là gì?” Mặc dù khác biệt ngôn ngữ, tôi vẫn cố giải thích để anh ấy có thể hiểu được. Sau đó, tôi đã tặng một bông hoa sen và dạy anh ấy nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” bằng tiếng Trung và tiếng Anh. Sau khi học thuộc, anh ấy đã chia sẻ câu chân ngôn với những đồng nghiệp khác. Bây giờ tất cả họ đều biết nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo” bằng tiếng Trung. Đôi khi họ đến bên tôi, chỉ mỉm cười và nói “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Đây có thể là câu tiếng Trung duy nhất mà họ biết. Nhưng tôi có thể thấy được sự chân thành, niềm vui từ trái tim thuần thiện của họ. Phần minh bạch trong họ biết rằng mình đã được cứu, tôi chợt nhận ra rằng họ đều là những sinh mệnh đáng trân quý.
Khi gọi điện thoại giảng chân tướng, đôi khi tôi gặp những người có thái độ không tốt, nhưng tôi luôn cố gắng không bị động tâm. Tôi thấy rằng mọi chúng sinh đều đáng được trân quý và mong sao họ đều sẽ được cứu. Tôi chắc chắn rằng phía minh bạch của họ cũng sẽ cảm nhận như vậy. Trong nhiều năm qua đã có rất nhiều ví dụ như vậy và tôi hiểu được câu:
“Đại Đạo vô địch thiên địa hành” (Thái Cực, Hồng Ngâm)
Đại Pháp từ bi có thể điều chỉnh mọi thứ không đúng đắn và đệ tử Đại Pháp không có kẻ thù.
2) Trân quý cơ duyên giữa các đồng tu và xóa bỏ giãn cách
Các đệ tử Đại Pháp theo Sư phụ hạ sinh nơi Tam giới, trải qua bao kiếp luân hồi chúng ta đều kết duyên với Sư phụ qua những vai trò khác nhau, hành trình đã đi qua rất đáng trân quý, nhưng vì các chấp trước chưa được loại bỏ nên xích mích vẫn xảy ra. Nếu chúng ta coi bản thân là một người tu luyện, hướng nội và trân trọng mối nhân duyên giữa đồng tu thì xung đột có thể được giải quyết, giãn cách có thể được xóa bỏ, và thật sự là một chỉnh thể.
Trong hơn mười năm tu luyện của mình, tôi chưa từng gặp xung đột lớn nào với các đồng tu. Tuy nhiên, tu luyện là nghiêm túc và người tu luyện cần phải trải qua khảo nghiệm trên mọi phương diện. Sư phụ đã giảng:
“Tất nhiên, những khó khăn và mâu thuẫn sẽ không được báo trước cho chư vị; [nếu] nói cho chư vị biết hết, thì chư vị còn tu gì nữa? Chúng sẽ không có tác dụng. Thông thường chúng đột nhiên xuất hiện, [như thế] mới có thể khảo nghiệm tâm tính con người, mới có thể làm cho tâm tính con người thật sự đề cao lên, coi xem có thể giữ vững tâm tính hay không, vậy mới có thể xem rõ được; do đó những mâu thuẫn xảy đến không hề tồn tại ngẫu nhiên.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Gần đây, một vị đồng tu đã từng phối hợp tôi trong việc quảng bá Thần Vận đột nhiên trở nên cáu giận, không muốn nói chuyện với tôi, và chúng tôi không thể phối hợp cùng nhau. Sau đó, với sự trợ giúp của một đồng tu khác, chúng tôi đã hoàn thành việc quảng bá Thần Vận. Vì không muốn có giãn cách nên tôi luôn tìm cách để hòa giải nhưng cô ấy không cho tôi cơ hội. Ví dụ, khi Thần Vận đến thành phố của tôi biểu diễn, chúng tôi đã tình cờ gặp nhau tại một nhà hàng, lúc ấy chỉ có hai chúng tôi. Ngay khi nhìn thấy tôi, cô ấy đã bỏ đi. Vào dịp Tết Nguyên Đán, tôi nhắn tin chúc mừng năm mới, cô ấy trả lời: “Xin đừng làm phiền tôi nữa. Tôi sẽ xóa bạn khỏi danh bạ của tôi”. Tôi tìm gặp cô ấy vài lần nữa và nói: “Tôi rất xin lỗi, đừng giận tôi nữa. Xin hãy chấp nhận lời xin lỗi của tôi”. Tuy nhiên, cô ấy vẫn không nói chuyện với tôi. Tôi đã thử bất cứ cách nào mà tôi có thể và cảm thấy mình không làm điều gì có lỗi với cô ấy. Nếu cô ấy thực sự không muốn nói chuyện với tôi, tôi sẽ ngừng xin lỗi. Sau nhiều tháng, tình hình vẫn không thay đổi, tôi biết đó là một khảo nghiệm, nhưng tôi không biết phải làm gì. Tôi cũng không biết mình đã làm gì sai. Tôi đã hướng nội rất nhiều mà vẫn chưa biết mình sai ở đâu. Tôi cảm thấy rất khó chịu.
Một ngày nọ, khi tôi chia sẻ câu chuyện này với các đồng tu làm hạng mục trên nền tảng RTC, một đồng tu đã hỏi tôi: “Lòng từ bi của bạn đâu rồi?” Và sau đó, cô ấy chuyển chủ đề. Ban đầu, tôi cảm thấy không thoải mái bởi vì tôi luôn cho rằng mình có tâm từ bi. Khi đồng tu nhắc đến điều này, tôi nghĩ là Sư phụ điểm hóa, tôi nghiêm túc hướng nội và nhận ra rằng mình có xu hướng dựa dẫm vào người khác. Khi làm các hạng mục, tôi đã nhờ các đồng tu giúp đỡ mà không suy nghĩ thấu đáo, tôi chưa bao giờ đứng trên quan điểm của người khác và cũng không nghĩ đến khó khăn của người khác. Mặc dù tôi đang làm việc cứu người, nhưng một số hành vi của tôi còn bị ảnh hưởng bởi văn hóa đảng. Tôi thường áp đặt quan điểm của mình và không coi trọng cảm xúc của người khác. Thời gian qua hẳn là nhiều người đã phải chịu đựng những hành vi đó. Hướng nội sâu hơn, tôi phát hiện ra tôi không có đủ lòng từ bi. Tại Pháp hội New York vào năm ngoái, một đồng tu đã đưa đồng tu khác hơn 80 tuổi đến Pháp hội chia sẻ tâm đắc thể hội. Khi thấy vị đồng tu lớn tuổi đi lại chậm chạp, tôi đã nói với vị đồng tu rằng năm sau không nên đưa bác ấy đến. Tôi sợ đồng tu tuổi tác cao sẽ gây ảnh hưởng đến người khác. Tôi không hề có lòng từ bi. Đồng tu cao tuổi vẫn muốn đến Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm, thì cần hỗ trợ bác ấy. Tại sao tôi có thể nói ra những lời như vậy? Nhiều tháng trôi qua, tôi vẫn chưa nhận ra vấn đề của mình. Bởi vì tôi không thích học viên Đại Pháp lớn tuổi, và cũng có người khác không ưa tôi. Tôi nhận ra sự ích kỷ của mình, sau khi ngộ ra điều này, tôi ngay lập tức quy chính suy nghĩ của bản thân. Tôi phát chính niệm loại bỏ những tư tưởng xấu và trân quý mối quan hệ nhân duyên giữa các đồng tu. Giờ đây, mâu thuẫn đã được giải quyết, vị đồng tu mâu thuẫn với tôi khi làm Thần Vận đã nói chuyện với tôi như bình thường.
Qua việc này tôi nhớ những lời Sư tôn đã giảng:
“Vậy thì khi phát sinh mâu thuẫn cần các bên tự hướng nội tìm nguyên nhân của bản thân, bất kể là sự việc này lỗi tại chư vị hay không. Hãy nhớ kỹ lời tôi nói: bất kể là sự việc này lỗi tại chư vị hay là không tại chư vị, chư vị đều phải tìm ở chính mình, chư vị sẽ phát hiện ra vấn đề. Nếu như sự việc này tuyệt đối không có quan hệ gì với chư vị, không có tâm mà chư vị nên bỏ, vậy thì sự việc này cũng sẽ rất hiếm phát sinh trên thân chư vị. Nếu như chư vị không có cái tâm này, thì sẽ không dẫn khởi mâu thuẫn, phải chịu trách nhiệm đối với tu luyện của chư vị mà. Phàm khi mâu thuẫn phát sinh ở trên thân chư vị, xuất hiện ở chỗ của chư vị, xuất hiện giữa chư vị với nhau, thì rất có thể là có quan hệ với chư vị, sẽ có những thứ mà chư vị phải bỏ. Cho dù là lỗi tại chư vị hay không, Pháp thân của tôi khi loại bỏ tâm của chư vị, lại không quan tâm là sự việc này lỗi tại họ hay là lỗi tại chư vị. Chỉ cần chư vị có cái tâm này, họ nghĩ hết mọi biện pháp khiến chư vị xuất hiện mâu thuẫn, khiến chư vị nhận thức được cái tâm còn thiếu sót, cho nên chư vị vẫn còn ở đó tìm: việc này không phải lỗi tại tôi nhé. Hoặc là chư vị vẫn còn đang nghĩ: Tôi đang duy hộ Pháp nhé. Người kia đang nghĩ: Tôi cũng đang duy hộ Pháp. Kỳ thực chư vị có thể đều có chỗ không đúng thì mới có mâu thuẫn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu)
3) Trân quý hoàn cảnh tu luyện và sự phối hợp với đồng tu
Nền tảng RTC là môi trường tốt để các đệ tử Đại Pháp học Pháp, tu luyện và cứu chúng sinh. Tôi đã làm hạng mục này được 5 năm và rất trân quý hoàn cảnh tu luyện này. Thời gian đầu, tôi chỉ nghe cuộc điện thoại của các đồng tu khác và những chia sẻ của họ. Tôi là người rất ít nói. Tuy nhiên, tu luyện là nghiêm túc phi thường, nếu không có áp lực và khổ nạn thì không phải là tu luyện chân chính, và không thể đề cao.
Tôi bắt đầu gọi điện thoại giảng chân tướng nhưng không dám gọi trực tuyến. Sau khi phòng thu phát sóng trực tuyến thứ cấp thành lập, tôi bắt đầu gọi ở phòng thu thứ cấp có quy mô nhỏ. Một ngày nọ, điều phối viên tìm tôi và đề nghị tôi đến phòng thu phát trực tuyến vì phòng thu chính cần nhiều người hơn. Mặc dù không tự tin vào khả năng của mình nhưng nghĩ đến nhu cầu hoạt động bình thường của nền tảng, tôi đã đồng ý mà không do dự. Ngay sau đó, một điều phối viên khác nói rằng: Cần một người cho ca tối cùng ngày, và hỏi tôi có thể đảm nhận việc này không? Nghĩ đến việc duy trì hoạt động của nền tảng, tôi lại đồng ý. Tuy nhiên nói thì dễ nhưng thực hiện mới là khó. Vào mùa đông, tôi cần thức dậy lúc 3:55 sáng để phát chính niệm và học Pháp, việc gọi điện bắt đầu từ lúc 5:30 sáng và sau đó là tham gia chia sẻ, công việc kết thúc lúc 8:30. Lúc đó tôi vội vàng đến nơi làm việc. Vào buổi chiều, tôi cần phải hoàn thành công việc sớm hơn để kịp đến ca trực của hạng mục. Tôi không có đủ thời gian để học Pháp và luyện công. Trong một khoảng thời gian, đã vài lần tôi muốn tìm điều phối viên để đổi ca, nhưng nghĩ đến trách nhiệm của mình và những khó khăn của hạng mục, tôi ngại ngùng không dám mở lời, vì vậy tôi đã kiên trì cho đến nay là hơn một năm. Sau đó, điều phối viên đề nghị tôi làm thêm hai ca khác vốn đang thiếu người, và tôi đã đồng ý, như vậy tôi phải trực bốn lần một tuần. Mặc dù rất vất vả nhưng khi nghĩ đến những chúng sinh trân quý đã được cứu trong nhiều năm qua, tôi cảm thấy mọi thứ không còn khó khăn nữa.
Tôi đã từng cân nhắc chuyển sang làm hạng mục khác. Một đêm, khi tôi chuẩn bị rời khỏi nền tảng RTC, máy tính xách tay của tôi đột nhiên mất tín hiệu. Tôi cảm thấy rất lạ vì trước đây không có sự cố tương tự. Tôi bình tĩnh suy nghĩ: Không di chuyển! Không di chuyển! (Trong tiếng Trung, không di chuyển có nghĩa là không phản hồi). Tôi đột nhiên được bừng tỉnh và nói với Sư phụ trong tâm: “Con xin lỗi Sư phụ. Con sai rồi. Con sẽ ở lại đây để cứu người”. Ngay sau đó, máy tính của tôi đã hoạt động bình thường trở lại. Sự việc này khiến tôi rất cảm động, vào thời điểm quan trọng này, vị trí của mỗi đệ tử Đại Pháp đều đã được cố định, không thể tùy ý thay đổi, và không thể tiêu trầm. Giống như trong chiến tranh, mỗi người lính ở đâu đều có sự sắp xếp mà không thể tự ý đến vị trí của người khác và để trống chỗ của mình. Vì vậy, tôi đã quyết định ở lại hạng mục.
Gần đây, phương thức hoạt động nền tảng RTC có thay đổi và tôi được yêu cầu làm trưởng nhóm. Tôi cảm thấy lúng túng. Thứ nhất, tôi còn thiếu kinh nghiệm, có rất nhiều đồng tu có thể giảng chân tướng tốt hơn tôi. Thứ hai, tôi lo lắng không có nhiều người tham gia gọi điện trong khoảng thời gian này. Tôi lo lắng rằng mình không thể điều phối công việc tốt, trở thành trưởng nhóm là một thử thách, vậy nên tôi từ chối không muốn nhận trách nhiệm này. Tuy nhiên, điều phối viên nhấn mạnh rằng tôi nên làm điều đó và dường như tôi không có cơ hội để nói không. Tôi ngộ ra rằng bề mặt là nhiệm vụ do điều phối viên giao, nhưng thực ra đó chính là Sư phụ đã cho tôi cơ hội để tu luyện và đề cao. Tôi cần phải đối mặt với những thách thức và tôi đã đồng ý. Trong tuần đầu tiên, với sự phối hợp của các đồng tu, mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Tuần thứ hai, tôi đã lên lịch cho năm đồng tu gọi điện vào một khoảng thời gian cụ thể, tuy nhiên, một ngày trước đó, giờ làm việc của một đồng tu bị thay đổi khiến anh ấy không thể tham gia. Vài phút trước cuộc gọi, một đồng tu khác cũng không thể đến và chỉ còn lại ba người. Tôi nghĩ rằng mọi thứ vẫn ổn vì ít nhất vẫn có ba người. Tuy nhiên, sau cuộc gọi đầu tiên, một đồng tu nói rằng máy tính của cô ấy đã bị hỏng. Lúc này chỉ còn lại tôi và một đồng tu mới khác. Tôi tự nhủ, tôi cần phải gọi điện để cứu mọi người cho dù tôi là người duy nhất còn lại. Cựu thế lực không thể ngăn cản tôi cứu người. Sư phụ đã giảng:
“Tà ác không dám phản đối việc giảng rõ chân tướng và cứu độ chúng sinh, điểm then chốt là ở chỗ tâm thái khi làm công tác không có sơ hở cho chúng dùi vào.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Boston năm 2002)
Ngay sau đó, một số đồng tu đã tham gia phối hợp cùng với tôi, mọi thứ trở lại bình thường.
Điều đáng vui mừng hơn nữa là một số học viên mới cũng tham gia cùng chúng tôi. Tôi nhận ra rằng gọi điện cứu độ chúng sinh là việc làm đúng đắn nhất. Nếu chúng ta có chính niệm mạnh mẽ thì những can nhiễu sẽ bị loại bỏ bởi vì chúng ta có Sư tôn từ bi vĩ đại. Tôi cũng ngộ ra rằng nền tảng RTC là một môi trường tu luyện do Sư phụ tạo ra cho chúng tôi và chúng tôi có thể hoàn thành thệ ước của mình ở đây, vì vậy tôi cần phải trân quý hoàn cảnh tu luyện của mình. Đồng thời tôi cũng có trách nhiệm phối hợp, bổ sung, hoàn thiện môi trường tu luyện này, cần phải nỗ lực duy trì nó, tất cả đều là một phần trong quá trình tu luyện.
Trên đây là thể ngộ trong tầng thứ sở tại cá nhân, có điều gì không phù hợp với Pháp xin đồng tu từ bi chỉ rõ.
Dịch từ:
http://www.zhengjian.org/node/247618
http://www.pureinsight.org/node/7399
Ngày đăng: 27-02-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.