Hãy làm một sinh mệnh mà Thần yêu thích
Tác giả: Kính Chỉ
[ChanhKien.org]
Tôi đã từng mơ một giấc mơ khiến tôi phải giật mình tỉnh giấc, trong mơ tôi thấy mình chỉ vì chuyện phân công công việc mà nổi tâm đố kỵ rất mạnh mẽ, lúc tỉnh lại tôi thẫn thờ ngồi trên giường, cả nửa ngày không nói được câu nào. Cái tâm này đã theo tôi rất lâu, tôi cũng không ngừng bài xích và thanh lý nó từ trong tư tưởng, và cũng biết là không nên có chấp trước này, nhưng trong mơ tôi vẫn biểu hiện ra tâm tật đố mãnh liệt như vậy, điều này quả thực đã khiến tôi rất thất vọng với sự tu luyện của chính mình. Đến khi nào tôi mới diệt trừ được nó đây! Tôi thực sự rất chán ghét cái tâm này.
Các công việc nơi người thường đều là từ “chưa biết” rồi đến “biết”, từ “chưa thạo việc” đến “thạo việc”. Lúc còn là người mới ở cơ quan thì đối với ai tôi cũng giữ thái độ tôn trọng, dần dà khi cảm thấy mình có được một chút bản sự rồi thì lại bắt đầu kiêu ngạo, tuy chưa thể hiện rõ ràng ra bên ngoài nhưng trong tâm tôi bắt đầu so sánh người khác với mình, cảm thấy họ có chỗ này không tốt chỗ kia không tốt. Rồi qua thời gian lâu, dần dần khi làm việc ngày càng thành thục, kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, thì cái tâm kiêu ngạo ấy cũng bắt đầu phình to lên, khiến tôi coi thường người khác, từ đó không chịu tiếp nhận ý kiến từ người khác, không tôn trọng mọi người, nếu thấy ai đó có điểm mạnh hơn mình một chút thì trong tâm liền không phục. Cứ mãi như vậy, cái tâm đố kỵ đã thành một chấp trước khó bỏ, biểu hiện ra là ngay cả với chính bản thân mình tôi cũng thấy khó chịu, nhưng lại không vứt bỏ cái tâm ấy đi được, cái cảm giác muốn bỏ chấp trước đi nhưng không bỏ được quả thật là thống khổ!
Nhớ lại mỗi lần thay đổi công việc, tôi đều có quá trình như thế này: từ khiêm nhường đến kiêu ngạo, rồi lại phát triển thành đố kỵ. Qua nhiều năm rồi tôi vẫn chưa thoát được khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy, thậm chí còn đem kiểu tư duy ấy ra giao lưu với đồng tu; vì đã tu luyện thời gian lâu nên tôi cho rằng mức độ lý giải và nhận thức Pháp của mình thâm sâu hơn người khác, khi nói chuyện thì khẩu khí có mang theo sự coi thường người khác. Có lúc nhìn thấy đồng tu nhờ ngộ được Pháp lý mà biểu hiện ra sự thay đổi ở hành vi thì tôi cũng ôm giữ thái độ bài xích họ. Kỳ thực đây là một loại biểu hiện của sự đố kỵ, lâu dần thậm chí còn không muốn tiếp xúc với đồng tu, nó khiến cho việc tu luyện của tôi bị giậm chân tại chỗ, không có cách nào đề cao, đã vậy lại vẫn còn cho rằng bản thân tu tốt, tu cao. Hiện tượng này [theo tôi nhìn nhận] nói nhẹ thì là tâm tật đố, còn nói nặng thì là biểu hiện của tự tâm sinh ma. Tuy đã nhận thức ra được tính nghiêm trọng của vấn đề này rồi nhưng tôi vẫn chưa vứt bỏ nó được, đó mới là điều khiến tôi thấy khổ não nhất.
Gần đây sau khi đọc bài kinh văn “Chú ý tự tâm sinh ma” của Sư phụ, tôi đã minh bạch được một Pháp lý rằng: Thần yêu thích những sinh mệnh biết khiêm tốn. Thế nên Chúa Jesus mới tự xưng mình là một người đầy tớ luôn ngợi ca Thượng Đế, luôn cung kính nghe theo sự an bài của Thượng Đế. Nhìn lại một lượt cái vòng luẩn quẩn của mình, thì ra ấy là do tôi đã “bỏ quên” cái mỹ đức khiêm nhường này, đem khả năng có được nhờ rèn luyện nơi người thường ra làm tiêu chuẩn để nhận được sự tán dương từ người khác, mà không hề nghĩ rằng chính mình đã vun xới một mảnh đất phì nhiêu cho tâm đố kỵ sinh trưởng. Bản thân việc lấy “năng lực” để xét đoán người khác đã là sai lầm rồi.
Quay đầu nhìn lại con đường tu tâm của mình, khi bản thân trong lúc vô thức biểu hiện Thiện và chân thành với người khác, thậm chí khi bị phê bình vẫn có thể khiêm tốn tiếp thụ, đó là tôi đã thực hiện được Chân, Thiện, Nhẫn ở bề mặt. Khi tâm kiêu ngạo nổi lên mà biểu hiện ra thiện thì thiện ấy chỉ là ngụy thiện. Tuy bề ngoài tôi không thể hiện coi thường ai nhưng trong tâm lại đang so sánh, đó chính là miệng một đằng tâm một nẻo, khẩu Phật tâm ma. Phát triển tiếp nữa, sau khi cái tâm đố kỵ hình thành rồi thì Thiện cũng chẳng còn nữa, lúc này ngoài miệng đầy những lời giả dối, không muốn chia sẻ với người khác cái “chân kinh” (kinh nghiệm chân chính) mà mình có được, những thứ được tôi chia sẻ chỉ là kinh nghiệm giả, càng không nói tới Nhẫn, trong tâm trở nên oán hận khôn xiết đối với thành tựu của người khác. Đó chẳng phải là quá trình từng bước từng bước xa rời đặc tính Chân, Thiện, Nhẫn của vũ trụ sao! Từng bước từng bước biến thành tự tâm sinh ma hay sao! Khi tôi đi ngược lại đặc tính vũ trụ thì cuộc sống không còn được thuận lợi tốt đẹp nữa, ma nạn trong tu luyện cũng nhiều, ấy cũng bởi vì chư Thần không còn giúp đỡ tôi nữa, là nghiệp lực dẫn dắt tôi chứ không phải là Thần nữa. Từ đó, những tâm tranh đấu, hiển thị… mà nghiệp lực mang tới sẽ dần khiến tôi trở nên hoang mang, lạc lõng, thậm chí mất đi chính tín đối với tu luyện. Đây mới là điều đáng sợ nhất.
Vậy làm sao mới thoát được cái vòng luẩn quẩn của tật đố này đây, điều tôi thấy mình cần làm là luôn nhất mực bảo trì tâm thái khiêm tốn. Thứ nhất, khiêm tốn sẽ giúp tôi đứng về phía Thần, bởi vì chư Thần yêu thích những sinh mệnh khiêm tốn, tôi ngộ ra rằng khiêm tốn cũng là biểu hiện của Nhẫn, dẫu rằng trong tình cảnh thuận lợi hay khó khăn, dẫu rằng ở địa vị cao hay thấp trong xã hội, dẫu rằng năng lực lớn hay nhỏ, chỉ có khiêm tốn mới giúp chúng ta không xa rời đặc tính Nhẫn. Phẩm chất khiêm tốn bảo vệ chúng ta không bị tổn thương bởi hoàn cảnh bên ngoài, khiêm tốn giúp chúng ta được Thần bảo hộ dẫu trong hoàn cảnh khốn cùng. Thứ hai, khiêm tốn giúp chúng ta giữ được tâm thái tốt, không rơi vào đấu tranh. Sư phụ đã giảng:
“Người tu Đạo chân chính cũng có phản ánh [vấn đề tâm tật đố] này, đối với nhau không phục; [nếu] tâm tranh đấu không bỏ, cũng dễ sinh ra tâm tật đố.” (Chuyển Pháp Luân – “Bài giảng thứ bảy”).
Tâm tranh đấu chẳng phải là do chấp trước vào danh lợi tình nơi người thường dẫn khởi hay sao, dẫu là danh hay là lợi thậm chí là tình thì đều khiến chúng ta đi tranh giành một phen, chẳng ai chịu phục ai, đó chính là ác. Đó chẳng phải là văn hoá đảng đấu với trời đấu với đất hay sao, văn hoá đảng vốn là xem thường hết thảy, miệt thị Thần Phật mà! Nhưng nếu chúng ta làm được khiêm tốn, đối với ai cũng đều giữ thái độ khiêm tốn, không có thái độ xem mình cao hơn người khác một bậc thì sẽ không có tranh đấu, khi đối đãi với người khác cũng sẽ tự nhiên trở nên hoà ái thiện lương, như vậy chẳng phải đã đồng hoá với đặc tính Thiện của vũ trụ rồi ư? Cuối cùng, khiêm tốn sẽ giúp con đường tu luyện của bản thân không có chướng ngại. Làm một người tu luyện thì phải biết e sợ cái tâm tự mãn, sức chứa trong tâm của mỗi người là hữu hạn, khi tu luyện đến một cảnh giới nhất định rồi cũng cần mở rộng cái tâm ra thì mới đạt được đề cao. Một khi tự ngã của chúng ta được lấp đầy rồi thì tâm tính không cách nào đề cao lên được, cảnh giới cũng chẳng thể thăng hoa, bởi vì chúng ta nhìn không ra chỗ thiếu sót của chính mình, đó là chướng ngại cự đại cho con đường tu luyện. Nếu có thể khiêm tốn nhẫn nhường, đặt bản thân ở vị trí thấp xuống một chút, đối đãi với người khác bằng sự chân thành, thì dung lượng của tâm tính sẽ thăng hoa và đề cao lên một cách bất tri bất giác, thế thì chúng ta chẳng phải đã đồng hoá với đặc tính Chân của vũ trụ hay sao?
Điều này cho thấy việc chư Thần yêu thích các sinh mệnh khiêm tốn cũng có lý do, là bởi vì khiêm tốn giúp chúng ta đồng hóa với đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ. Khiêm tốn là trạng thái mà các vị Thần yêu thích, khiêm tốn giúp chúng ta có thể bảo trì được tâm thái bình hoà dù khi gặp phải phong cuồng bão táp hay gặp khi áp lực cực lớn đè nặng như núi Thái Sơn, do vậy các đồng tu, hãy làm một sinh mệnh mà Thần yêu thích!
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/80282
Ngày đăng: 18-10-2021
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.