Cổ học tùy bút: Cái dũng của kẻ thất phu, khó thành đại sự!



Tác giả: Huệ Miễn

[ChanhKien.org]

Ngược dòng thời gian tìm về những trang sử xa xưa, chúng ta có thể thấy được sự tôn sùng của người xưa về dũng cảm. Biểu hiện của lòng dũng cảm có thể kể đến một số nhân vật anh hùng trong Tam Quốc Chí như Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu; hay như Lâm Xung, Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm trong Thủy Hử. Trong Thái Bình Quảng Ký cũng có ghi chép về mấy chục vị anh hùng vô cùng dũng mãnh: nào như Triệu Vân gan dạ đầy mình; nào như Lữ Mông “không vào hang cọp, sao bắt được cọp con”; nào như Dương Đại hiệp từ thuở thiếu thời đã dũng cảm, đi lại như bay; lại có Tần Quỳnh [1] – người thuận theo Thiên mệnh mà cưỡi ngựa, cầm thương tiến vào Huyền Vũ môn, hành thích kẻ phải bị hành thích trong vạn người [2], tập hợp binh mã; còn có Tiết Nhân Quý [3] “thân mặc bạch giáp, cưỡi trên lưng ngựa trắng, sức mạnh không gì có thể ngăn trở nổi”.

Trong các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và Cổ Long, điều khiến cho độc giả luôn cảm thấy say mê đó là những nhân vật anh hùng mà họ xây dựng đều mang phong thái của những người “Phấn bất cố thân, bạt đao tương trợ” (vốn không màng suy nghĩ gì đến bản thân mà luôn rút đao tương trợ người khác). Những nhân vật anh hùng này thường không màng đến an nguy của bản thân, để duy hộ chính nghĩa mà luôn sẵn sàng đứng lên chống lại những bè lũ tham quan ô lại, phường lưu manh ác bá, hay những tổ chức xã hội. Họ luôn trọng nghĩa khí, trọng tình cảm, sẵn lòng vì bạn bè mà tương trợ, thậm chí cho dù bản thân có phải hy sinh tính mạng cũng không hối tiếc. Những nhân vật anh hùng như vậy là hình tượng mà con người luôn hướng đến, và cũng là những kiểu người khiến cho tà đảng hay xã hội đen phải sợ hãi.

Học trò của Khổng Tử là Tử Lộ [4], nổi tiếng là người thẳng thắn và dũng cảm. Đối với sự dũng cảm của Tử Lộ, trong Luận Ngữ – Công Dã Tràng[5], Khổng Tử từng phê rằng:

Tử viết: “Đạo bất hành, thừa phù phù vu hải, tòng ngã giả, kỳ Do dư!” Tử lộ văn chi hỷ. Tử viết: “Do dã hảo dũng quá ngã. Vô sở thủ tài.”

Khổng Tử nói: “Nếu như chủ trương của ta hành không được, ta sẽ lên bè gỗ chèo ra biển, người có thể theo ta chắc hẳn cũng chỉ có Trọng Do!” Tử Lộ nghe vậy liền cảm thấy rất vui. Khổng Tử nói: “Trọng Do à, sự dũng cảm của con vượt qua ta, nhưng ở những phương diện khác quả thật không có chỗ để dùng”.

Khổng Tử vốn không tán thưởng loại dũng đó của kẻ thất phu, mà ông tôn sùng lòng dũng cảm kết hợp bởi cả Trí, Nhân, Dũng. Ông cho rằng: “Quân tử chi Đạo hữu tam: Nhân giả bất ưu, Trí giả bất hoặc, Dũng giả bất cụ” (Trích Luận Ngữ – Hiến Vấn). (Tạm dịch: Đạo của người quân tử có ba phẩm chất: người có lòng nhân thì không ưu phiền, người có trí huệ thì không bị lầm lạc, người dũng cảm thì không sợ hãi.) Đối với Khổng Tử mà nói, Trí, Nhân, Dũng là một thể thống nhất không thể tách rời; người có lòng nhân đức thì lạc quan thông suốt, không có lo lắng ưu phiền; người thông minh, có trí huệ thì không bị cám dỗ lầm lạc; người dũng cảm thì không hề sợ hãi. Trong ba phẩm chất, Nhân là chủ yếu, Trí là tri nhân (biết như thế nào là “nhân”), Dũng là hành nhân (thực hành điều “nhân”), vậy nên “Nhân giả tất hữu Dũng, Dũng giả bất tất hữu Nhân”. Người có lòng nhân nhất định cũng dũng cảm, người dũng cảm thì không nhất định có lòng nhân (Trích Luận Ngữ • Hiến Vấn). Vì lòng dũng cảm chân chính là sinh ra từ lòng nhân nghĩa, vậy nên người có lòng nhân nghĩa thì nhất định cũng dũng cảm, mà người dũng cảm thì lại không nhất định có lòng nhân ái. Dũng là cái dũng của người có lòng nhân, là cái dũng của người có trí huệ, chứ tuyệt không phải là cái dũng của kẻ thất phu.

Về cái dũng của kẻ thất phu và cái dũng của người có trí huệ, trong Luận Ngữ – Thuật Nhi có một đoạn hội thoại như sau:

Tử Lộ viết: “Tử hành tam quân, tắc thùy dữ?” Tử viết: “Bạo hổ phùng hà, tử nhi bất hối giả, ngô bất dữ dã. Tất dã lâm sự nhi cụ, hảo mưu nhi thành giả dã!”

Tử Lộ hỏi Khổng Tử: “Nếu phải thống lĩnh tam quân đánh giặc thì thầy sẽ mang ai theo cùng?”. Khổng Tử trả lời: “Loại người tay không mà đánh hổ, chân đất mà qua sông, chết cũng không hối tiếc, ta không thể cho đi cùng. Người mà ta cần ắt hẳn phải là người khi gặp chuyện thì vô cùng cảnh giác, thận trọng, biết lập mưu tính kế rồi mới đưa ra quyết định”. Khổng Tử không muốn thống lĩnh tướng sĩ với người “bạo hổ phùng hà, tử nhi vô hối” (hữu dũng vô mưu, chết không hối tiếc). Vì đối với Khổng Tử mà nói, loại người này tuy rằng coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, nhưng hữu dũng vô mưu, dễ dàng làm hỏng việc. “Dũng” là một phẩm đức trong phạm trù đạo đức của Khổng Tử, nhưng dũng cảm không phải là liều lĩnh, mà là loại người trí dũng song toàn “lâm sự nhi cụ, hảo mưu nhi thành” (gặp chuyện gì cũng đều thận trọng, biết tính kế mà thành công).

Vào thời Đông Hán, Ban Siêu lấy thân phận là sứ thần nhà Hán đi sứ sang các nước chư hầu vùng Tây vực. Sau khi đến vùng đất Thiện Thiện, vua của xứ Thiện Thiện lúc mới đầu mang thái độ cung kính niềm nở, sau lại dần trở nên lạnh nhạt. Ban Siêu tra rõ được nguyên nhân là do sứ giả Hung nô cũng đến. Trước tình thế đó, ông bèn triệu tập 36 thuộc hạ tùy tùng, hạ lệnh rằng: “Không vào hang cọp, sao bắt được cọp con! Kế sách bây giờ là, chỉ có thể nhân lúc đêm khuya, dùng lửa tấn công người Hung nô, lấy việc tấn công trước làm thế mạnh, tiêu diệt toàn bộ quân đối phương. Làm như vậy, vua quan xứ Thiện Thiện sẽ khiếp sợ, chúng ta sẽ đại công cáo thành!” Thế rồi vào lúc nửa đêm, Ban Siêu thống lĩnh thuộc hạ chạy như bay vào trận địa quân Hung nô, trải qua trận chiến ác liệt, vua của xứ Thiện Thiện sợ đến mức khấu đầu tạ tội, phải tỏ rõ thái độ sẽ phục tùng nước Hán, về sau tuyệt đối sẽ không hai lòng. Ban Siêu với trí huệ và sự dũng cảm của mình, đã giành được sự phục tùng của nhà vua xứ Thiện Thiện, đây mới là dũng cảm chân chính.

Nhà văn Miguel de Cervantes người Tây Ban Nha từng nói: “Quá nhát gan là hèn nhát, quá bạo gan là lỗ mãng, dũng cảm là vừa vặn thích hợp”. Người mang tâm hư vinh, sự hiếu kỳ hoặc lòng tham mà mạo hiểm sinh mệnh của mình thì không phải là người dũng cảm. Dũng cảm không đồng nghĩa là liều lĩnh bất chấp mọi thứ với tâm tình kích động, nó là thứ bén rễ trong tâm, là phẩm chất mang tính ổn định lâu dài của con người, tựa như cây tùng cây bách trải qua cái lạnh của mùa đông mà không héo tàn, bốn mùa đều tươi tốt.

Xét về lòng dũng cảm thì không quan trọng lớn hay nhỏ, người truy cầu sự tiến bộ, truy cầu chân lý, truy cầu chính nghĩa là người dũng cảm; người có thể xông pha trận mạc, chiến đấu quên mình trên chiến trường là người dũng cảm; người biết khai phá, dám nghĩ dám làm trong sự nghiệp, luôn chiến đấu không ngơi nghỉ với khó khăn là người dũng cảm; người kiên quyết đấu tranh với những quan niệm và dục vọng cản trở sự tiến bộ của bản thân trong quá trình trưởng thành là người dũng cảm.

Sự dũng cảm không nằm ở cơ bắp, mà là từ một đầu óc bình tĩnh.

Nhìn tổng quan cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tổng thống Donald Trump thuận theo Thiên lý, hợp với lòng dân, thấu tình đạt lý, nổi tiếng với khả năng lãnh đạo tài tình. Mà bên phía tà đảng Trung Cộng đi ngược với Thiên lý, làm trái với ý dân, chơi trò gian lận, càn quấy phách lối. Người nhân hậu thấu tình đạt lý tất thắng, kẻ bỉ ổi xấu xa tất bại!

Quả thật là:

Trung cộng độc tài thượng Tây lâu,
Dâm hủ xấu, nguyệt như câu.
Tịch mịch vô bằng thâm viện tỏa thanh thu,
Trái khoản tiễn bất đoạn, dân phẫn lý hoàn loạn.
Duy ổn một hữu cứu, chân câu ai sầu!
Ý, biệt thị nhất phiên khổ vị tại tâm đầu!” [6]

Dịch thơ:

Trung Cộng độc tài lên Tây lầu
Hoang dâm, hủ bại lại ác xấu
Mảnh trăng vắt vẻo như lưỡi câu
Khoảnh sân tịch mịch như đang sầu
Trời thu một mảnh sắc thương đau
Khoản nợ cắt mãi sao cứ tồn
Dân oán thán, lý lẽ nào hay!
Duy trì ổn định chẳng ai cưu mang
Thật lắm nỗi sầu!
Ôi, chẳng phải lại một nỗi bi ai dằm trong tâm!

Diễn nghĩa: [7]

Trung Cộng độc tài đấu với chính trường phương Tây,
Hoang dâm, hủ bại lại ác xấu.
Nhìn trời cao chỉ thấy một mảnh trăng tàn như lưỡi câu.
Trung Cộng không bè không bạn bị cô lập trong sân đình chính trường quốc tế.
[Tình thế của Trung Cộng] như bị phủ trong sắc trời thu thê lương tiêu điều.
Khoản nợ cắt mãi vẫn tồn đọng, lòng dân oán thán, lý lẽ vẫn không rõ ràng,
Chỉ có thể duy trì trạng thái ổn định mà không có bất cứ sự cứu trợ nào.
Thật lắm nỗi buồn lo! Ôi, chẳng phải lại một nỗi bi ai dằm trong tâm!

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/245455

Chú thích của người dịch:

[1] Tần Quỳnh (571? – 638), tự Thúc Bảo (tiếng Hán: 秦叔寶) là danh tướng nhà Đường dưới Triều Đường Thái Tông. Ông là một trong 24 công thần được vẽ chân dung trên Lăng Yên Các. (https://vi.m.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A7n_Th%C3%BAc_B%E1%BA%A3o)

[2] Sự biến Huyền Vũ Môn

[3] Tiết Lễ (薛禮, 613-683), tự Nhân Quý (仁貴, còn đọc là Nhơn Quý), là một danh tướng thời nhà Đường, phục vụ qua 2 triều vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông.

Tiết Nhân Quý được lưu truyền trong nhiều giai thoại dân gian, được biết nhiều qua tạp kịch “Tiết Nhân Quý áo gấm về quê”, hay tiểu thuyết Tiết Nhân Quý chinh Đông, Đường Tiết gia phủ truyện. Hình tượng Tiết Nhân Quý mặc bạch giáp tay cầm thiên hỏa kích và cưỡi ngựa trắng là hình tượng theo Tiết Nhân Quý và người đời theo suốt cuộc đời viễn chinh giúp triều Đường đi đến thái bình trong nhiều thập kỉ.

(theo https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Ti%E1%BA%BFt_Nh%C3%A2n_Qu%C3%BDhttps://vi.m.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%A7n_Th%C3%BAc_B%E1%BA%A3o)

[4] Trọng Do (tiếng Trung: 仲由, 542 – 480), họ Trọng, tên Do, tự Tử Lộ (子路), hiệu Quý Lộ (季路) là một quan đại phu nước Lỗ. Ông là một trong Thất thập nhị hiền được thời phối ở Văn miếu (https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%)

[5] “Luận Ngữ – Công Dã Tràng”: Là thiên thứ 5 trong 28 thiên của cuốn Luận Ngữ, lấy việc bàn luận về Nhân Đức làm chủ chốt.

Công Dã Tràng, hay Công Dã Trường, là một người họ Công Dã, tên Chi, tự Tử Trường, con rể của Khổng Tử.

[6] Nguyên vốn được cải biên từ bài thơ Tương Kiến Hoan – Vô ngôn độc thượng Tây lâu của tác giả Lý Dục – vị quân chủ cuối cùng của thời Nam Đường.

Nguyên văn:

“Vô ngôn độc thượng Tây lâu, nguyệt như câu.
Tịch mịch ngô đồng thâm viện tỏa thanh thu.
Tiễn bất đoạn, lý hoàn loạn, thị ly sầu.
Biệt thị nhất ban tư vị tại tâm đầu.”

Diễn nghĩa:

Lặng lẽ không một lời, tịch mịch cô liêu, một mình chậm rãi bước lên Tây lầu vắng vẻ.
Ngẩng đầu trông, chỉ có mảnh trăng lạnh lẽo như lưỡi câu đối diện.
Cúi đầu nhìn lại, chỉ thấy cây ngô đồng lặng lẽ tịch liêu trong sân đình.
Khoảnh sân u buồn tịch mịch chìm trong sắc trời thu thê lương tiêu điều. Cắt không đứt, lý chẳng tỏ, khiến lòng người rối bời, thật sự là nỗi đau nước mất nhà tan!
Nỗi hoài niệm không thôi khắc khoải, niềm nhớ thương đau đáu trong tâm, lại là một nỗi bi thương chẳng thể nói thành lời!

(Dịch từ trang: https://zhidao.baidu.com/question/61127556.html)

[7] Đây chỉ là diễn nghĩa theo cách hiểu của dịch giả. Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.



Ngày đăng: 13-10-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.