Những khúc mắc về khoa học hiện đại



Tác giả: Bình Tâm

[ChanhKien.org]

Xã hội ngày nay phát triển dựa trên khoa học kỹ thuật, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự hình thành các hệ thống lý luận khác nhau đã dần thay thế các quan niệm và các ngành học truyền thống của nhân loại. Khoa học đã mang đến cho xã hội nhân loại sự phát triển thịnh vượng chưa từng có, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, thế giới ngày càng trở nên nhỏ bé, nhưng kèm theo đó là các hiểm họa ngày càng nhiều. Các ngành học của con người hiện đại ngày càng bó hẹp trong một khuôn khổ, khiến các nhà khoa học chỉ có thể là chuyên gia, học giả trong một lĩnh vực nhất định, ví dụ: các nhà vật lý học thường chỉ biết rất ít về sinh học hoặc xã hội học, các chuyên gia y tế thường không hiểu gì về triết học và chính trị, các giáo sư tâm lý học lại không biết lập trình máy tính. Các chuyên gia đạt được thành tựu lớn trong một lĩnh vực nào đó có thể không có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực khác.

Vì sự phát triển quá nhanh chóng của nhân loại, nhiều vấn đề nan giải đã xuất hiện trong xã hội như vấn đề môi trường, dân số, kinh tế, mối đe dọa hạt nhân, vấn đề giáo dục, bệnh tâm lý, vấn đề quan hệ xã hội, v.v. Các chuyên gia thường giải thích nguyên nhân của những vấn đề đó và tìm kiếm các biện pháp giải quyết vấn đề trong chuyên ngành sở trường của họ. Nhưng chúng ta biết rằng sự nảy sinh các vấn đề xã hội có nguyên nhân rất phức tạp và khó hiểu, nó là do nhiều yếu tố khác nhau gây ra. Điều này làm cho những vấn đề mà nhân loại phải đối mặt càng ngày càng nan giải, và càng ngày càng không thể giải quyết chúng bằng các phương pháp khoa học.

Ví dụ, các loại công thức trong khoa học hiện đại thực chất là các suy luận đảo ngược sử dụng một lượng lớn dữ liệu thu thập được. Cho dù là tất cả các loại định lý và công thức sử dụng thực tế trong khoa học, hoặc là các bài toán tính toán khổng lồ được giải quyết bằng mô hình toán học hiện đại, thì con người chỉ khám phá được bản chất thông qua các hiện tượng. Một khi các định lý và công thức được công chúng chấp nhận, thì các hiện tượng hoặc vấn đề thực tế không thể giải quyết được bằng các định lý và công thức lại thường bị khoa học cố ý hoặc vô tình bỏ qua. Sự lãng quên này thường liên quan đến những lựa chọn đứng trước danh tiếng và lợi ích của con người trong hiện thực, và cùng với sự phát triển của khoa học, điều này bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra.

Ví dụ qua quan sát hiện tượng quả táo rơi, Newton đã khám phá ra lực vạn vật hấp dẫn, đây là một hiện tượng mà chúng ta có thể quan sát mọi lúc, vì vậy lực vạn vật hấp dẫn được chấp nhận rất nhanh chóng. Nhưng ngược lại, trong lịch sử hoặc trong quá trình phát triển của xã hội, cũng có một số hiện tượng không phù hợp với lực vạn vật hấp dẫn, chẳng hạn như một số truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc nói về hiện tượng bạch nhật phi thăng, ngoài ra còn có những màn ảo thuật bay lên không trung do một số nhà ảo thuật phương Tây biểu diễn. Khi đó, những hiện tượng này sẽ bị con người hiện đại giải thích là mê tín, là trò lừa bịp. Phủ định một sự việc không giống như chứng minh một sự việc là đúng, là sẽ đưa ra các luận cứ hoàn chỉnh và các nhóm kiểm soát thực nghiệm (control group) trong khoa học. Không chỉ vì nhóm kiểm soát quả thực quá khó tìm, mà còn vì liên quan đến các yếu tố khác như chính trị, lợi ích, danh dự v.v… làm phức tạp hóa các vấn đề đơn giản, mục đích cuối cùng không phải để nghiên cứu thảo luận về một vấn đề học thuật, mà là “đứng về” bên nào, lựa chọn cách hiểu nào. Khi khoa học đặt ra những định luật trong cái khung hữu hạn, thì nhân loại cũng bắt đầu phong bế con đường của chính mình.

Nếu cứ như vậy mãi, khoa học sẽ bắt đầu phát triển theo hướng nhỏ hẹp, phiến diện, trừ khi có bước đột phá trong khoa học kỹ thuật của nhân loại, nếu không nó sẽ phủ nhận mọi thứ trong phạm vi không thể chứng minh được của mình và gọi đó là “phản khoa học”, “mê tín” và “chủ nghĩa chống trí thức”. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhân loại đã phát hiện ra rằng chuyển động của vật chất ở vi quan không bị hạn chế bởi định luật vạn vật hấp dẫn (tương tự đối với các định lý khoa học khác đã bị lật đổ). Điều này nói rõ hai vấn đề: Một là các lý thuyết khoa học không phải là chân lý bất biến áp dụng cho mọi sự vật; Hai là cùng một chất hoặc một cá thể nhưng có khả năng bị ràng buộc bởi các quy luật khác nhau ở các trạng thái khác nhau. Như vậy ngược lại khi khám phá một số hiện tượng khác thường, có nên áp dụng cùng một định lý không? Cũng giống như lưỡng tính sóng – hạt của ánh sáng, về vấn đề này Einstein đã từng than thở rằng: “Có vẻ như có lúc chúng ta phải sử dụng một bộ lý thuyết này, có lúc chúng ta lại phải sử dụng một bộ lý thuyết khác để mô tả (hành vi của những hạt này), có lúc lại phải sử dụng cả hai. Chúng ta gặp một khó khăn mới buộc chúng ta phải sử dụng hai quan điểm trái ngược nhau (một là quan điểm về ánh sáng mang đặc tính sóng, hai là quan điểm về ánh sáng mang đặc tính hạt) để mô tả tình huống thực tế, chỉ dùng một quan điểm thì không thể giải thích đầy đủ hiện tượng ánh sáng, nhưng nếu kết hợp cùng nhau thì có thể giải thích được”. Từ thời của Descartes (triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, được một số người xem là cha đẻ của triết học hiện đại) đến nay, các nhà khoa học hiện đại đã nghiên cứu về ánh sáng suốt hơn 300 năm, giới khoa học ngày nay vẫn chưa thể giải thích rõ ràng làm thế nào thống nhất được hai quan điểm này.

Trung Quốc có câu ngạn ngữ: sai một li đi một dặm. Đây chính là kẽ hở rất lớn của khoa học hiện đại trong quá trình phát triển, dùng hiện tượng để khám phá bản chất thì không ai biết nó sẽ sai khác với sự thật bao xa. Việc tìm hiểu toàn diện vấn đề dựa trên khoa học và kỹ thuật hiện nay giống như người mù sờ voi. Nếu dùng phương pháp này để tìm ra sự thật thì rốt cuộc còn bao xa?

Ví dụ, theo khoa học hiện đại, nguyên tử là do các hạt nhân nguyên tử, electron, proton và neutron cấu thành, mô hình nguyên tử do các nhà khoa học đưa ra giống như các hành tinh xoay quanh một hằng tinh, xung quanh là “khoảng không”. Nhưng trên thực tế có phải như vậy không, cũng giống như vũ trụ trống rỗng này, trông thì giống như không có gì, nhưng trên thực tế chứa đầy các tia vô hình, ánh sáng, và thậm chí cả “vật chất tối”. Những vật chất đó là gì, có đặc tính gì, có năng lượng lớn bao nhiêu, có tác dụng gì, làm cách nào quan sát được chúng? Nói cách khác, dù là ở vi quan hay hồng quan, đâu đâu cũng có những vật chất mà máy móc hiện đại không thể đo thấy được.

Rõ ràng, khi các nhà khoa học phát hiện ra hiện tượng rối lượng tử, khoa học liền trở nên bế tắc, không thể giải thích được nguyên nhân của hiện tượng này. Bởi vì phương pháp khám phá bản chất thông qua hiện tượng thực sự khó sử dụng ở đây. Mặc dù khoa học hiện đại đầy rẫy những kẽ hở không thể biện minh, nhưng những người được giáo dục bằng khoa học hiện đại đều coi các lý thuyết và giả thuyết khoa học là chân lý, họ bài xích và tránh xa những tư tưởng và hành vi truyền thống của nhân loại.

Mọi người đều biết rằng các cỗ máy tinh vi và các công trình kiến trúc tuyệt đẹp là do con người thiết kế, nhưng lại cho rằng thuyết tiến hóa có thể giải thích nguồn gốc của loài người. Các cấu trúc ngoạn mục của các giống loài, các kiểu hành vi, phương thức duy trì giống nòi của các chủng tộc, các chuỗi gen phức tạp vi quan khiến người ta ngạc nhiên thú vị, ngoài ra tư tưởng và cấu trúc cơ thể hoàn hảo của con người cũng là ẩn đố. Tất nhiên, không ai có thể nói rằng các tác phẩm nghệ thuật tinh tế trong cung điện Louvre ở Pháp là sản phẩm của quá trình tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, vậy mà con người và sinh mệnh phức tạp hơn thế hàng tỷ lần lại bị giải thích khiên cưỡng là do phát triển tự nhiên. Vậy thì ngay cả khi nó thực sự là quá trình tự nhiên, thì tự nhiên đó là gì? Có phải là một cơ thể hỗn loạn ngẫu nhiên tùy hứng? Hay là một sinh mệnh cao cấp của một hệ thống có kết cấu chặt chẽ?

Kỳ thực trong lịch sử nhân loại luôn có những lý luận uyên thâm giải thích về vũ trụ và sinh mệnh, nhưng vì sự phát triển ngang ngược của khoa học, mặc dù đã tạo ra một xã hội hiện đại phồn vinh về mặt vật chất, nhưng mặt tinh thần thì khoa học vẫn luôn đè nén và phong bế con người, và gây ra rất nhiều nguy cơ, nó sử dụng các lý thuyết nông cạn để lật đổ các truyền thống văn hóa cổ đại, coi đó là lạc hậu và ngu muội, nhưng lý do phủ nhận thường chỉ vì khoa học không thể chứng minh được. Vì không chứng minh được nên nói là sai lầm, là mê tín và giả khoa học. Vậy mà quan điểm này lại được công chúng chấp nhận, điều này thực sự khiến người ta cười ra nước mắt.

Ngược lại, trong “thuyết địa tâm” của các tôn giáo phương Tây, quan điểm của họ cho rằng Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, liệu khoa học đã thực sự bác bỏ được điều đó chưa? Trước hết, rốt cuộc thì vũ trụ là gì? Nó lớn như thế nào? Vũ trụ có vỏ không? Bên ngoài vũ trụ là gì? Có vũ trụ nào tồn tại ngoài vũ trụ này không? Những vấn đề này khoa học sẽ còn mất bao nhiêu năm nữa để giải thích? Sau khi trả lời những câu hỏi này, chúng ta mới thực sự có thể trả lời câu hỏi liệu Trái Đất có phải là trung tâm của vũ trụ hay không. Những gì khoa học có thể trả lời bây giờ là: Trái Đất không phải là trung tâm của hệ Mặt trời và hệ Ngân hà.

Khoa học chỉ là một phương tiện để con người tìm kiếm chân lý chứ không phải bản thân chân lý. Chúng ta không được để trí tuệ của mình bị phong bế bởi những tín tức và lý thuyết hiện đại phức tạp rối rắm, hãy cùng tôi khai mở đôi mắt bị bịt kín bấy lâu nay của các bạn.

Nếu các bạn có cùng khát vọng tìm hiểu về bí ẩn của sinh mệnh và tìm kiếm chân lý giống như tôi, các bạn cũng có thể tìm hiểu cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, đây là Đại Pháp cao đức đã được Đại sư Lý Hồng Chí truyền ra tại Trung Quốc năm 1992, cuốn sách đã tiết lộ bí ẩn về vũ trụ, sinh mệnh, thời không cũng như vạn sự vạn vật, mang lại lợi ích cho vô số người trong 29 năm qua, dưới sự bức hại điên cuồng của chính quyền cộng sản tà ác, cuốn sách vẫn lan truyền khắp thế giới. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp không chỉ bao gồm những người tu luyện ở mọi lứa tuổi, mà trong đó có nhiều người có trình độ học vấn cao, thậm chí còn có chuyên gia, học giả và nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau. Tôi tin rằng các bạn chắc chắn sẽ có được nhiều điều bổ ích khi đọc kỹ cuốn sách này.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/26798



Ngày đăng: 15-07-2021

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.