Thiển đàm về “Thành tín”



Tác giả: Lý Lượng

[ChanhKien.org]


“Thành” (诚) nghĩa là gì? Theo từ điển giải thích là “chân tâm”, “thực sự”. Mạnh Tử nói: “Thành giả, thiên chi đạo dã; tư thành giả, nhân chi đạo dã” (thành tín là đạo của trời; dùng tư tưởng để làm việc thành tín là đạo làm người). “Thành” vốn là đức tính cố hữu tự nhiên của ‘Thiên-Địa-Nhân’. Làm người nên thuận theo đạo trời, thành thực, đáng tin. Chu Hi thời Đại Tống – nhà sáng lập ra Lý học cho rằng “Thành giả, chân thực vô vọng chi vị” (Người thành tín là người chân thực không nói lời xằng bậy). Ông khẳng định rằng “thành” là một đức tính chân thực, không dối trá.

“Tín” (信) là gì? “Tín” là một trong ngũ đức của Nho gia “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”. Khổng Tử nói: “Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã” (người mà không có chữ tín, thì không thể làm nên việc được). Ông cho rằng nếu con người không giữ chữ tín sẽ không có chỗ đứng trong xã hội, làm việc gì cũng không thành.

“Thành” chủ yếu là nói về đạo của trời, “Tín” chủ yếu là nói về đạo của con người. Trong “Thuyết văn giải tự”, Hứa Thận nói: “thành, tín dã” (thành cũng là tín). Trong “Lã Thị Xuân Thu – Quý Tín” viết: nếu vua tôi không giữ chữ tín thì trăm họ sẽ phỉ báng triều đình, quốc gia không yên ổn; làm quan mà không giữ chữ tín thì dưới không sợ trên, sang hèn coi khinh nhau; thưởng phạt không giữ chữ tín thì người dân dễ phạm pháp, khó thực thi mệnh lệnh; bạn bè không giữ chữ tín thì oán hận lẫn nhau, không thể kết giao hòa thuận; làm hàng thủ công không giữ chữ tín thì chất lượng sản phẩm sẽ kém, trông như hàng nhái, nước sơn cũng không sắc nét.

Trong lịch sử mấy nghìn năm của Trung Hoa có rất nhiều luận thuật về thành tín, cũng lưu truyền nhiều câu chuyện về thành tín. Những điển tích quý báu này giờ đây cũng có thể cho chúng ta những gợi mở và nhận thức sâu sắc. Sau đây xin kể một số câu chuyện về thành tín:

Quý Bố nhờ “lời hứa đáng giá nghìn vàng” mà thoát tai ương

Người xưa có câu: người tìm vật trong phòng tối, không gì quý hơn lửa; người tìm đạo ở thế gian, không gì quý hơn thành tín. Có nghĩa là tốt nhất nên nhờ ánh sáng để tìm vật trong bóng tối; và chỉ có thành tín mới có thể giữ chữ tín trong thiên hạ, “có được nhiều sự trợ giúp để đắc đạo”. Cuối đời Tần có một người tên là Quý Bố luôn biết giữ lời nói, danh tiếng rất lớn, rất nhiều người đều muốn kết tình bằng hữu thân thiết với ông. Thời đó thậm chí còn lưu truyền câu tục ngữ: “Đắc hoàng kim bách cân, bất như đắc Quý Bố nhất nặc” (Được trăm lạng vàng không bằng được một lời hứa của Quý Bố). Đó chính là nguồn gốc của câu thành ngữ “lời hứa đáng giá nghìn vàng”. Sau đó vì đắc tội với Hán Cao Tổ Lưu Bang, ông bị triều đình treo thưởng cho ai bắt được ông ta. Nhưng những người bạn cũ của ông không những không bị tiền thưởng cám dỗ mà còn bất chấp nguy hiểm bị chu di chín tộc để bảo vệ ông, giúp ông tránh khỏi tai họa. Điều này cho thấy một người trung thực và đáng tin cậy tự nhiên sẽ có nhiều người giúp đỡ, được mọi người tôn trọng và yêu mến.

Lưu Bình giữ chữ tín để cứu tính mạng mẹ

Thời nhà Hán, thiên hạ đại loạn. Có một người tên là Lưu Bình dẫn mẹ đi lánh nạn. Trên đường đi phải sống cảnh màn trời chiếu đất, ăn không đủ no. Một hôm đói đến nỗi không lê nổi bước chân, Lưu Bình đành phải giấu mẹ vào một hẻm núi, còn mình ra ngoài kiếm thức ăn.

Anh gặp một nhóm cướp cũng đang đói muốn làm thịt anh để ăn. Anh vội quỳ xuống đất cầu xin, nói rằng vì mẹ đang đói nên anh phải đến đây tìm rau dại, anh cầu xin toán cướp hãy thả anh và thề rằng nếu anh mang được đồ ăn về cho mẹ ăn no bụng thì anh nhất định sẽ quay lại, quyết không nuốt lời. Toán cướp động lòng thương xót trước tấm lòng hiếu thảo của anh nên đã thả anh về.

Sau khi Lưu Bình tìm được đồ ăn và đợi mẹ ăn no, anh kể với mẹ những điều vừa xảy ra. Anh nói đã hứa với người ta rồi thì phải quay lại, thế là anh bái biệt mẹ và thực sự đã quay trở lại chỗ toán cướp.

Khi toán cướp thấy Lưu Bình thực sự trở lại, chúng đã hết sức kinh ngạc. Chúng không ngờ trên đời này còn có người giữ chữ tín như vậy. Cuối cùng, toán cướp không những không làm khó anh mà còn cung kính tiễn anh đi.

Tuần Cự Bá nhờ giữ chữ tín cứu bạn mà đẩy lùi quân giặc

Nhân vật chính của câu chuyện này cũng là người đời Hán tên là Tuần Cự Bá. Một hôm nghe nói bạn mình bị bệnh nằm liệt giường nên anh đến thăm bạn. Thật không may, đúng lúc đó giặc Hồ đến xâm lược, người dân trong thành nghe tin giặc đến lập tức chạy trốn. Nhưng Tuần Cự Bá không chạy. Người bạn khuyên anh mau rời khỏi thành. Anh nói: “Trong lúc nguy cấp thế này, tôi sao có thể bỏ bạn lại một mình được, việc bất nhân bất nghĩa như thế tôi sao có thể làm được”. Quân lính Hồ mau chóng phát hiện ra Tuần Cự Bá và người bạn bị bệnh nằm trên giường. Trong một khu thành trống trơn vậy mà vẫn còn có người! Đây là điều mà những kẻ xâm lược không bao giờ nghĩ tới. Quân lính Hồ cảm thấy khó hiểu, hỏi tại sao Tuần Cự Bá không chạy. Tuần Cự Bá nói: “Bạn tôi bị ốm đang nằm ở đây, tôi sao có thể bỏ rơi không chăm sóc anh ấy được. Nếu bạn tôi hôm nay thoát nạn, tôi mong rằng có thể chết thay anh ấy”.

Nghe xong những lời của Tuần Cự Bá, Quân lính Hồ xúc động nói rằng: chúng tôi là đội quân bất nghĩa tấn công vào một nước có nghĩa. Cảm thấy hổ thẹn, giặc Hồ thực sự đã thoái lui.

Chu U Vương thất tín với quần thần nên mất thiên hạ

Mọi người đều biết điển cố “Phong hỏa hí chư hầu”, kể rằng Chu U Vương có một ái phi là Bao Tự, vì để đổi lấy một nụ cười của nàng, Chu U Vương đã ra lệnh đốt lửa hơn 20 tháp đèn hiệu gần đô thành – ngọn lửa là tín hiệu báo động từ vùng biên ải, nó chỉ được thắp sáng khi có quân địch ngoại bang xâm lược cần kêu gọi các nước chư hầu đến cứu viện. Kết quả là các nước chư hầu nhìn thấy lửa hiệu bèn vội kéo quân tướng đến, đến nơi mới hiểu rằng đó chỉ là trò chơi của nhà vua để tìm nụ cười cho ái phi, bèn giận dữ bỏ về. Bao Tự thấy các chư hầu bình thường vốn uy nghiêm, lừng lẫy mà nay dáng vẻ vô cùng lúng túng liền nở một nụ cười. Năm năm sau, hai tộc Khuyển, Nhung cất quân đánh nhà Chu, U Vương lại đốt lửa hiệu nhưng các chư hầu không đến, bởi không ai muốn lặp lại sai lầm lần thứ hai. Kết quả U Vương bị bức tử và Bao Tự cũng bị rơi vào tay giặc.

Thương nhân thất tín hết đường sống

Câu chuyện này được ghi lại trong “Úc Li Tử”, Ở Tế Dương có một thương nhân khi qua sông thì thuyền bị chìm, ông ta nắm lấy một cây gai dầu và kêu cứu. Một ngư dân nghe thấy liền đến, thương nhân kia vội vàng hét lên: “Tôi là người giàu nhất ở Tế Dương, nếu anh có thể cứu tôi, tôi sẽ cho anh 100 lượng vàng”. Sau khi được cứu lên bờ, ông ta trở mặt không thực hiện lời hứa, ông ta chỉ cho người đánh cá 10 lượng. Người đánh cá trách ông ta không giữ chữ tín, nói một đằng làm một nẻo. Gã nhà giàu nói: “Anh đánh cá cả đời không kiếm nổi mấy đồng, bỗng nhiên được 10 lượng vàng còn kêu ít sao?” Người đánh cá đành phải ngậm ngùi bỏ đi. Không ngờ sau đó gã nhà giàu lại bị lật thuyền một lần nữa ở chỗ cũ. Có người muốn cứu, người ngư dân đã bị ông ta lừa dối nói: “Hắn chính là kẻ không giữ lời hứa!” Thế là gã thương nhân chết chìm.

Từ các điển cố kể trên có thể thấy thành tín là một trong những mỹ đức trong truyền thống dân tộc Trung Hoa, thành tín là một phẩm chất tốt đẹp mà mọi người cần phải có. Thành tín là nền tảng căn bản để làm người, là luật pháp của chính trị, là đạo của tề gia, là cơ sở trong kết giao bằng hữu, là linh hồn của kinh doanh. Thành tín còn là liều thuốc tốt của tâm linh. Người xưa nói: “Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” (quay về với thành tín, không gì vui hơn). Chỉ có giữ được sự chân thành, vô vi mới có thể khiến nội tâm không hổ thẹn, thản nhiên, điềm tĩnh mới mang đến cho bạn tinh thần lạc quan nhất. Nếu dùng cách nhìn của con người hiện đại để đo lường lời nói và hành động của hai nhân vật Lưu Bình và Tuần Cự Bá thì cả hai đều có thể bị coi là “kẻ ngốc”. Tuy nhiên Lưu Bình lấy tín lập thân, Tuần Cự Bá dùng nghĩa đẩy lùi giặc đã trở thành giai thoại về sự thành thực, giữ chữ tín trong một giai đoạn lịch sử, và cũng được người đời sau vĩnh viễn tôn vinh.

Chỉ đáng tiếc trong xã hội ngày nay, những người nhắc đến “Thành tín” quả thực quá ít. Người ta luôn vì lợi ích của bản thân mà làm trái với đạo trời, không từ một thủ đoạn nào, vì lợi cho mình mà hại người khác, đặt ra ngoài lề các chuẩn mực đạo đức, uy tín và danh dự, tuân thủ pháp luật, làm rất nhiều hành vi bỉ ổi. Trong giới quan chức thì dối trên lừa dưới, tranh giành đấu đá, tham ô hủ bại… Trong giới kinh doanh thì đầu cơ trục lợi, táng tận lương tâm, lấy giả làm thật, lấy xấu làm tốt, thậm chí đầu độc người dân… Trong quan hệ giữa người với người thì không tín nhiệm lẫn nhau, lạnh nhạt vô cảm, thậm chí dối trá lừa gạt nhau… Quả thật là một chính phủ thất tín đang dẫn dắt một xã hội thất tín lao vào vòng nguy hiểm với tốc độ phi mã, phải chăng đây chính là xã hội nhân loại thời mạt kiếp như Đức Phật và các nhà tiên tri đã dự báo?

Vào thời mạt kiếp này, tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chính là con đường duy nhất đưa con người quay trở về với đạo đức.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/75136

 



Ngày đăng: 05-08-2019

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.