Trồng rau sạch theo quy luật tự nhiên



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org] Rau quả có mặt trên thị trường hiện nay đa phần bị một số nông dân hoặc thương lái phun các loại thuốc kích thích giúp rau quả có sản lượng cao hơn mà lại trông tươi ngon và bảo quản được lâu. Trong quá trình rau quả phát triển, người trồng còn liên tục bón phân hóa học và phun thuốc trừ sâu, vậy nên người sử dụng lâu ngày sẽ hấp thu vào cơ thể một lượng lớn chất độc hại, lâu dần chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có người còn dùng nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng tưới lên cây trồng, đến nỗi người ta thường lưu truyền câu nói rằng: “Người trồng rau quả thì không ăn rau quả mà mình trồng”. Hiện nay muốn tìm thực phẩm thực sự sạch, không bị ô nhiễm thì quả thực rất khó.

Về vấn đề này, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt của mẹ tôi: lợi dụng quy luật tuần hoàn của tự nhiên để trồng ra những loại rau quả vừa có năng suất cao lại vừa thơm ngon, bổ dưỡng. Sau đây tôi lấy ví dụ về cây cà tím:

Đầu tiên phải dưỡng đất, vì đất trồng lâu ngày sẽ bị thiếu dinh dưỡng nên phải dưỡng đất. Hơn nữa dưỡng đất là một công việc chậm chạp và phải kiên trì lâu dài. Thời gian dài sử dụng phân bón hóa học sẽ khiến cho đất cứng và khô cằn. Chúng ta đều biết rằng lương thực ăn vào không có mùi thơm chính là do không đủ thành phần dinh dưỡng.

Nếu muốn trồng được rau quả có giá trị dinh dưỡng cao thì phải tăng độ màu mỡ cho đất đai (dưỡng đất). Hiệu quả của việc dưỡng đất trong năm đầu tiên thể hiện ra chưa rõ rệt lắm, nhưng tiếp tục duy trì đến năm thứ hai sẽ bắt đầu có hiệu quả rất rõ. Tôi còn nhớ một người họ hàng trồng rau quả trên mảnh đất vừa mới khai hoang (nơi đây vốn là bãi cỏ hoang). Vì đất đai phì nhiêu nên rau quả trồng đạt sản lượng cao, ăn rất ngon, hơn nữa lại không bị sâu bệnh, cây trồng có thể sống đến tận cuối thu khi trời có sương muối mới lụi đi.

Thông thường phương pháp làm đất là chuẩn bị một lượng phân chuồng nhất định. Phân bắc (phân người), phân chuồng (phân gia súc) và các loại cành cây, rơm rạ được ủ lên men hoàn toàn rồi trộn thêm một ít đất, rắc đều phân lên mảnh đất định trồng rau, tốt nhất là hàng năm phải rắc phân như thế vài lần mới có thể đảm bảo đất không bị thiếu dinh dưỡng. Chú ý mật độ rải phân không được quá dày nếu không sẽ dễ bị “cháy mầm”, lượng vừa phải là được.

Sau khi rải phân xong thì bắt đầu đánh luống, làm rãnh thoát nước, chuẩn bị cho việc trồng cà. Trong khi đánh luống thì rắc thêm một ít bột xương hoặc bột cá, không cần rắc quá nhiều, rắc một chút là đủ, nhưng cần rắc đều. Điều này giúp cây cà cứng cáp và không bị đổ rạp. Sau đó phủ một lớp màng ni-lông lên đất để tránh bị mất nước.

Những cây giống được trồng trong nhà kính khi chuyển ra trồng ở ruộng thì khoảng cách giữa các cây không được quá dày cũng không được quá thưa, cách nhau khoảng 30cm là được.

Bỏ tấm phủ ra và trồng cây mầm xuống, tưới nước lên, đắp đất xung quanh gốc cà. Đợi ít ngày để cà bén rễ, rồi nhỏ mấy giọt dầu đậu nành hoặc bã đậu nành sau khi đã ép hết dầu vào mỗi gốc cà sẽ giúp cây cà phát triển khỏe và mập mạp.

Trong quá trình cây cà phát triển có thể sử dụng ít hoặc không cần sử dụng phân bón hóa học, vì sâu bệnh sẽ giảm rất nhiều nên dĩ nhiên cũng không cần phải phun nhiều thuốc trừ sâu, do vậy dư lượng thuốc trừ sâu trên quả cũng rất ít. Nếu chúng ta duy trì như thế thì những năm về sau cũng không phải dùng đến phân hóa học và thuốc trừ sâu nữa, hoàn toàn trồng theo phương thức tự nhiên.

Đặc điểm của phương pháp trồng cà này là bộ rễ phát triển mạnh, thân và cành khỏe, lá dày, cây mọc cao, quả cà to và dài mà ăn lại rất mềm. Thời gian ra quả dài, cây không dễ bị bệnh hay bị chết héo và có khả năng chống lại sương giá. Như vậy, toàn bộ thời gian ra quả kéo dài, người trồng có thể thu hoạch đem bán sớm và bán trong thời gian dài, từ đầu vụ đến cuối vụ đều bán được giá. Cây ra hoa hai đợt nên sản lượng tự nhiên sẽ cao hơn, không những vậy lại có mã ngoài đẹp, mùi vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng tự nhiên cao.

Nếu trồng dưa chuột hay cà chua, ngoài việc bón phân bằng dầu đậu nành và phân chuồng có thể dùng vỏ trái cây ủ lên men làm phân bón quanh gốc cây, như thế dưa chuột hoặc cà chua thu hoach được sẽ có mùi vị hoa quả.

Việc sử dụng bột xương và bột cá cần đặc biệt chú ý rằng cách này có thể giúp cây không bị đổ rạp, cành mập mạp, lá mỡ màng, nhưng cũng sẻ ảnh hưởng đến hương vị của quả, quả sẽ có mùi vị của cá hoặc xương. Những hương vị này không tốt đối với một số loại quả khác nhau, ví dụ như cà chua. Do vậy cần sử dụng thích hợp tránh làm mất đi mùi vị đặc trưng tự nhiên của rau quả, nếu không thì cái được chả bõ cho cái mất. Vỏ hoa quả cũng như thế, không nên bón vỏ hoa quả đã lên men gần chỗ trồng cây cà tím vì sẽ khiến quả cả trồng ra không còn đúng hương vị của nó nữa.

Sau này tôi cùng mẹ chuyển lên thành phố, nhà chúng tôi cũng có một vườn rau nhỏ. Mẹ tôi thường xuyên phân loại rác sinh hoạt, những thứ dễ phân hủy như vỏ hoa quả đều giữ lại ủ lên men rồi mang vào vườn bón cho đất, sau đó trồng một số rau quả thích hợp lên đó, như vậy vừa giảm bớt được việc vứt rác bừa bãi lại tăng thêm dinh dưỡng cho đất, vừa được ăn những loại rau quả thơm ngon, một công mà được nhiều lợi ích.

Nguyên lý của cách trồng trọt này là tôn trọng tự nhiên, thuận theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên.

Hệ sinh quyển trong tự nhiên đều có quy luật tuần hoàn, có thể nói là vô cùng hoàn hảo, chỉ có tuân theo quy luật tự nhiên mới có thể giúp vạn vật phát triển lành mạnh. Bản thân thành phần dinh dưỡng của loại cây này lại có thể bổ sung dinh dưỡng cho loại cây khác. Khi cây bị thiếu thành phần dinh dưỡng gì thì chỉ cần tìm loại cây có thành phần dinh dưỡng tương ứng lấy xác ủ lên men, rồi bón xuống đất trồng xung quanh cây đó, cây sẽ tự bổ sung dinh dưỡng cho mình một cách tự nhiên, từ đó mà phát triển khỏe mạnh.

Tôi nghĩ rằng nhân loại chúng ta trong suốt mấy nghìn năm lịch sử trước khi bước vào nền công nghiệp hóa toàn diện thì nền văn minh nông nghiệp đều chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Vậy mà trong hàng ngàn năm canh tác đó, đất đai không vì thế mà cằn cỗi đi. Điều đó chẳng phải nói lên rằng trong thời kỳ bị coi là kém phát triển trước đây, chẳng phải người nông dân vẫn phát triển dựa theo quy luật tuần hoàn của tự nhiên đó sao? Sau khi nhân loại hoàn toàn bước vào nền công nghiệp hóa, việc con người sử dụng phân bón do khoa học phát minh ra và phương pháp canh tác không chú ý đến tuần hoàn tự nhiên (ví dụ như việc đem rơm rạ, cành cây và lá cây đốt đi), lại thêm ô nhiễm bởi các loại hình công nghiệp hóa và thuốc trừ sâu v.v.. đã làm cho đất đai nhanh chóng mất đi chất dinh dưỡng, làm gia tăng các loại sâu bệnh độc hại, các loại rau quả trồng trọt đều chứa chất độc hại vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Hơn nữa con người hiện nay quá lệ thuộc vào khoa học hiện đại, phớt lờ quy luật tuần hoàn của tự nhiên, lại thêm đạo đức con người đều đang suy thoái nghiêm trọng về mọi mặt, từ đó khiến cho vòng tuần hoàn của đất ngày càng xấu đi.

Tục ngữ có câu: “dân dĩ thực vi thiên” (dân coi lương thực là trời). Không ai có thể sống mà không ăn, vậy thì ba bữa ăn trong ngày chúng ta ăn gì là một vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc. Bởi vì vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình chúng ta mà còn ảnh hưởng đến tương lai của nhân loại.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/158617



Ngày đăng: 17-09-2018

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.