Hóa giải thành kiến của cha mẹ bằng từ bi và trí huệ từ Đại Pháp
Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp tại Úc
[ChanhKien.org] Tôi muốn chia sẻ thể ngộ của bản thân về làm thế nào để có thể giúp đỡ, hướng dẫn những người thường, thành viên gia đình, bạn bè… có hiểu biết tốt hơn và có cách nhìn đúng đắn về Đại Pháp.
Mặc dù bà ngoại và mẹ tôi là người dẫn tôi bước vào tu luyện Đại Pháp, nhưng vì cuộc đàn áp của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và áp lực gia tăng từ xã hội, cuối cùng chỉ còn mình tôi vẫn tu luyện. Cha mẹ tôi là những người tốt và đồng ý với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Tuy nhiên hễ khi nào tôi nói với họ về sự nhiệm màu nhờ tu luyện và tầm quan trọng của chân tướng, cha mẹ tôi thường không đồng ý và nói rằng “điều đó không thực tế”. Sau đó họ nói rằng tôi nên quan tâm đến sự nghiệp và kết hôn trong tương lai. Họ cũng tin rằng làm các hạng mục Đại Pháp mà không được trả tiền là không thực tế, mặc dù trong tư tưởng, họ thực sự nghĩ rằng các hạng mục là tốt.
Lúc đầu, trong thâm tâm tôi khá coi thường cha mẹ. Tôi nghĩ rằng nếu người ta thường chỉ chăm lo cho cuộc sống của bản thân mình và không quan tâm đến sự bất công mà những người tốt đang phải gánh chịu, thì làm sao họ có thể tự cho mình là người tốt được? Tôi liên tục tự hỏi: “Tại sao mẹ tôi lại quay ngược thái độ đối với Đại Pháp vào thời khắc then chốt này chứ? Khi tôi còn nhỏ, bà luôn dạy tôi suy nghĩ cho người khác trước cơ mà”.
Vì thế, tôi và cha mẹ không có tiếng nói chung trong những lần nói chuyện điện thoại về Đại Pháp, công tác và việc kết hôn của tôi. Một lần nọ, cha của tôi đã nổi giận và nói: “Bớt ngu đi. Mày đang đi trên con đường rất nhỏ hẹp đấy!” Tôi trả lời: “Đúng là nó quá nhỏ hẹp đối với một người tu luyện, nhưng con không làm gì sai cả”. Mẹ tôi nói trong nước mắt: “Mẹ không thể trông cậy vào con được nữa rồi”.
Tôi cảm thấy rất tội lỗi và vô vọng vì đã không thể thuyết phục được cha mẹ mà còn làm họ đau khổ. Tôi cảm thấy xấu hổ vì tôi thường dùng những lời của Sư phụ như là lời của mình, và làm cho họ khó hiểu. Sau cùng tôi nhận ra rằng mình phải thay đổi trạng thái và tìm ra cách khiến người nhà thực sự hiểu được phúc lành khi tu luyện Đại Pháp.
Tôi ngộ ra hai điều khi học Pháp. Trong bài giảng đầu tiên của Chuyển Pháp Luân, Sư phụ giảng:
Kỳ thực Thích Ca Mâu Ni [muốn] giảng rằng: Các tầng khác nhau có Pháp của các tầng khác nhau, Pháp của mỗi một tầng không phải là chân lý tuyệt đối của vũ trụ; nhưng Pháp của mỗi một tầng có tác dụng [làm Pháp lý] chỉ đạo tại mỗi một tầng. Thật ra Ông đã giảng chính [Pháp] lý này.
Bài giảng thứ hai, Sư phụ giảng:
Thông thường khí tinh hoa này tồn tại trong mỗi cá nhân đều khác nhau; có lẽ trong một vạn người mới có thể tìm thấy hai người ở cùng một tầng.
Tôi đột nhiên nhận ra rằng cha mẹ mình không phải là người tu luyện. Họ tin rằng làm người tốt ở xã hội người thường là đủ rồi. Điều họ nghĩ là đúng và đó là nguyên lý chỉ đạo ở cảnh giới của họ. Chẳng phải tôi tu luyện tới vị trí của mình hôm nay bằng cách từng bước đề cao thể ngộ của mình cho đến khi đột phá những nguyên lý đó sao? Nếu vào thời kỳ đầu ai đó bảo tôi hãy bỏ hết mọi thứ và làm hạng mục Đại Pháp đi, liệu tôi có thể chấp nhận không. Tôi hiểu rằng mình đã quá nóng vội và không kiên nhẫn để hiểu họ.
Ví dụ thứ hai giúp tôi ngộ ra là vào một lần kia, đồng tu làm kinh doanh nói với tôi rằng: “Một số đồng tu chưa biết cách quan sát thái độ của người nghe trong khi giảng chân tướng. Có lần tôi đi giảng chân tướng chung với một đồng tu khác. Lúc đầu, người đối diện rất vui vẻ lắng nghe, nhưng sau đó tôi để ý thấy họ đang mất kiên nhẫn, nhưng đồng tu kia vẫn cứ nói liền tù tì. Tôi nghĩ rằng trong trường hợp đó chúng ta nên đổi chủ đề hoặc dừng cuộc nói chuyện lại”. Sau đó tôi nhận ra rằng khi tôi giảng chân tướng cho người nhà, tôi thường làm mà không để ý thời gian hay địa điểm. Đôi khi tôi thậm chí còn lặp đi lặp lại một câu nhiều lần. Khỏi phải nói tại sao cha mẹ không đồng tình với tôi.
Khi tôi giảng chân tướng ở khu phố Tàu, tôi luôn lôi hết mọi thứ mình đã chuẩn bị ra để nói bất chấp họ có muốn nghe hay không. Tôi thường nghĩ rằng mình thật giỏi và kiên định chứng thực Pháp. Giờ tôi mới biết rằng mình chỉ đang làm cho xong mà không linh hoạt chút nào.
Năm ngoái, sau khi những buổi biểu diễn Shen Yun ở địa phương của tôi vừa kết thúc, tôi đã chủ động mời cha mẹ đến Úc, không mang một chút coi thường hay rào cản gì trong tâm. Họ đến ngay lập tức. Tôi nói chuyện rất lâu với cha mẹ. Họ nói rằng thời buổi bây giờ không còn nhiều người trẻ đối xử từ bi với người khác nữa. Điều giúp họ có một cái nhìn thiện cảm về Đại Pháp là họ đã nhìn thấy rất nhiều đệ tử Đại Pháp tràn đầy năng lượng.
Mẹ tôi cũng rất phấn khởi khi nghe về hoa Ưu Đàm Bà La 3.000 năm mới nở một lần. Bà đã học thuộc bài hát “Hoa Ưu Đàm khai nở”.
Sau đó, khi tôi và mẹ lắng nghe các bài giảng của Sư phụ, bà thường reo lên mỗi khi đồng ý với điều Sư phụ giảng. Có lần bà nói với tôi rằng bà tạ ơn Sư phụ hàng ngày và thường nhẩm “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Tôi biết rằng mặc dù hiểu biết của bà còn giới hạn, thái độ của bà đã trở nên ngày càng tích cực hơn.
Giờ đây tôi biết rằng sự kiên nhẫn và từ bi là vô cùng quan trọng. Tôi luôn luôn nhắc nhở bản thân mình rằng khi giảng chân tướng thì không nên chỉ làm những hành động cứng nhắc ở bề mặt mà còn phải dụng tâm, thận trọng và biết suy xét nữa.
Tạ ơn Sư phụ!
Cảm ơn các đồng tu!
Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7259
Ngày đăng: 07-03-2018
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.