Bài ca sầu thảm của thành cổ Lâu Lan



Tác giả: Thiên Nhai Tri Kỉ

 

[ChanhKien.org]

Có bài thơ rằng:

Luân hồi ngàn vạn năm, chuyện xưa trôi theo gió

Chỉ có tấm lòng thành, hồng nguyện chưa hề đổi

Từ bi kết duyên lành, kính Trời vượt bể khổ

Khai sáng kỷ nguyên mới, hương sen tỏa khắp trời.

(Thơ do đồng tu sáng tác: “Cổ Phong: Đại nguyện”)

Tôi và Uyển Ninh cùng bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm và cảm ngộ những bí ẩn của sinh mệnh trong lịch sử mênh mang.

Hôm nay chúng tôi dừng chân tại vùng đất Lâu Lan trên sa mạc (Lâu Lan là một quốc gia cổ, tồn tại vào thế kỷ thứ 2 TCN, nằm ở vùng Đông Bắc sa mạc La Bố thuộc tỉnh Tân Cương, Trung Quốc)

Nhắc đến sa mạc, hẳn mọi người sẽ lập tức liên tưởng đến những bãi cát vàng trải dài mênh mông, vô tận, đó là vùng đất mà các sinh vật không thể tồn tại bởi khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Nhìn những bãi cát vàng trải dài ngút mắt, cảm giác hơi nóng tạt thẳng vào mặt, tôi thầm nhớ lại trước đây vùng đất này vốn không phải như vậy, điều gì đã biến nơi đây trở thành một vùng đất chết chóc?

Đang mải nghĩ ngợi, bỗng nghe thấy những hạt cát đập vào mặt dường như đang than thở về cảnh ngộ của chúng suốt mấy ngàn năm qua, chúng đang khóc lóc nỉ non, đang chờ đợi một người có thể hiểu được lời của chúng, đem câu chuyện của chúng viết lại cho con người thế gian, vậy mới không uổng phí ngàn vạn năm sóng gió, tang thương của chúng tại chốn này!

Uyển Ninh nói: “Thiên Vũ, anh hãy viết lại chi tiết câu chuyện về chúng đi, em thấy chúng đều đang khóc kìa, chẳng phải chúng cũng đến vì Pháp sao?”

Tôi nói: “Chúng ta hãy đi xem vùng đất Lâu Lan, xem cây Hồ Dương, hồ La Bố, rồi sau đó viết cũng chưa muộn”.

Giữa biển cát mênh mông, những cây Hồ Dương có sức sống mạnh mẽ lạ thường, chúng đã sống hơn 1.000 năm trên Trái Đất này, dù ở trong chốn sa mạc nhưng suốt một ngàn năm qua vẫn không mục nát! Biết bao nhiêu người lữ hành đi trên sa mạc nhờ cảm động và phấn chấn trước sức sống của những cây Hồ Dương mà có thêm nghị lực để vượt qua biển cát mênh mông này.

Tôi nói: “Biết bao người khi đi trên sa mạc đã cảm nhận được một cách sâu sắc sự cô đơn của chốn hồng trần! Những người bình thường không sao lý giải được điều này, bởi vì chẳng ai muốn đến nơi đó, ở đó không có niềm vui gì cả. Thật ra có một số người vì muốn né tránh những danh lợi, tranh đấu trong cuộc sống mà đi vào sa mạc, bởi những sự việc trong sa mạc rất giản đơn, cảnh giới sinh mệnh nơi đây trong suốt và bằng phẳng, không che giấu bất kể điều gì, vô cùng chân thật. Họ đã tìm thấy ở nơi đây sự tồn tại chân thật của sinh mệnh!”

Uyển Ninh nói: “Vậy anh nói xem liệu có thể bảo trì trạng thái chân thật và bình thản như thế này khi ở giữa chốn hồng trần không?”. Tôi nói: “Thật ra cũng có thể được, nhưng để không bị ô nhiễm thì người ta cần phải có nghị lực và dũng khí lớn!”

Đang đi, bỗng Uyển Ninh chỉ tay nói: “Kia chính là thành cổ Lâu Lan”.

Tôi nhìn kỹ, thì ra đó là một vài bức tường thành đổ nát hoang tàn, phía trước có mấy cây Hồ Dương đổ rạp.

Nhìn chúng mà tôi rơi lệ xót thương, bất giác ngâm lên mấy câu thơ:

Lúc đầu

Các ngươi từng bảo vệ sự bình yên của hết thảy chúng sinh vùng này

Khi chúng sinh nơi đây trở nên bại hoại và tham lam

Thậm chí họ không còn tôn kính Phật Pháp nữa

Sự che chở của các ngươi đã trở nên yêu đuối và bất lực

Khi nơi này bị chúng Thần chôn vùi trong bão cát

Các ngươi khẩn cầu chư Thần cho thêm một cơ hội nữa

Khi đồng loại bên cạnh ngươi lần lượt bị chôn vùi trong biển cát mênh mông

Các ngươi vẫn nhớ đến lời thệ ước:

Rằng sẽ lưu lại những lời giáo huấn này cho con người mai sau

Để họ nhớ kỹ lời giáo huấn cổ xưa rằng phải kính lễ Thần Phật

Trăm ngàn năm nay, các ngươi mặc cho cát vàng tàn phá hoang tàn

Mặc cho hơi nóng ngút trời

Chưa từng chùn bước

Vẫn như xưa kia, các ngươi đem tấm thân già nua để chống đỡ cho nơi này

May thay, bên cạnh các ngươi còn có cây Hồ Dương làm bầu bạn giữa biển cát

Những lúc cô đơn có thể kể lể với chúng về nỗi lòng chờ đợi của mình

Mặt trời mọc rồi lặn, vật đổi sao dời

Khi thân thể cuối cùng sắp bị nuốt chửng hoàn toàn trong đêm tối

Đã gặp được chúng tôi, những người bạn thiên nhai tri kỷ hiểu được nỗi lòng của các ngươi…

 

“Đúng vậy, thật không dễ dàng gì” – Uyển Ninh nói – “chúng ta đã phải trải qua biết bao nhiêu khổ nạn mới có thể cùng nhau phiêu bạt nơi chân trời, cùng viết ra câu chuyện bể dâu này, quả thật không dễ chút nào!”

Một lát sau, chúng tôi nhìn thấy một vị Đạo nhân, thân thể có chút không thoải mái, dường như đã chờ đợi ở đây từ rất lâu rồi.

Chúng tôi chắp tay chào: “Đạo huynh dạo này vẫn khỏe chứ, Thiên Vũ, Uyển Ninh xin chào huynh”.

“Chà, kể từ khi các cậu ra đi cũng đã mấy ngàn năm rồi, hôm nay cuối cùng đã trở về, suốt mấy ngàn năm qua, các cậu sống tốt chứ?”

“Ở trong biển khổ lục đạo luân hồi thì có gì tốt chứ, dù sao cũng chỉ là chịu khổ hoàn trả nợ nghiệp, làm tốt thì được phúc báo, làm việc xấu cuối cùng phải xuống địa ngục mà hoàn trả thôi” – Uyển Ninh thở dài.

“Chao ôi! Nhân gian chính là như vậy đó, hôm nay các cậu chẳng phải đều đã được đắc Pháp rồi sao, các cậu vẫn còn may mắn đó!” Đạo nhân cảm thán nói.

“Chúng tôi quả thật rất may mắn, nhưng nếu không có Đạo huynh trông chừng nơi này suốt mấy ngàn năm, thì hôm nay chúng tôi cũng không có cách nào tìm lại được một phần lịch sử của Lâu Lan, càng không cách nào vén mở cho người đời tấm màn lịch sử thảm khốc đó. Vậy nên, bây giờ tuy huynh không trở thành đệ tử thời kỳ Chính Pháp, nhưng huynh đã trông coi vùng đất này, giúp cho di tích lịch sử nơi đây không bị bão cát vùi lấp hoàn toàn, chẳng phải là huynh cũng có công sao?” Tôi an ủi ông ấy.

“Đúng vậy, thật ra có rất nhiều vị Thần bại hoại muốn vùi lấp hoàn toàn nơi này, không để lại một chút dấu tích nào, nhưng do bị tôi ngăn cản nên họ đã không thực hiện được ý định đó. Đương nhiên, dưới sự bảo hộ của rất nhiều chính Thần, nơi đây đã trở thành minh chứng cho lời giáo huấn không kính lễ Thần Phật sẽ bị Trời trừng phạt! Những thương tổn rất lớn trên thân thể của tôi cũng đều do những tà Thần đó gây ra” – Đạo nhân ung dung nói.

“Thiên Vũ, vậy thì chúng ta hãy xem lại lịch sử của mình đi” – Uyển Ninh thúc giục.

Chúng ta hãy cùng quay trở lại lịch sử nhé!

Thành cổ Lâu Lan đã từng biến mất rất nhiều lần, cách đây khoảng 4.000 năm, con người nơi đây rất giống với người châu Âu, sau này người ta cho rằng họ có cùng tổ tiên, thật ra Thần đã cố ý tạo ra như vậy. Nói cách khác là để thử xem nơi đó có thích hợp với cuộc sống của “người châu Âu” hay không, để chuẩn bị cho giai đoạn lịch sử sau này khi người châu Âu vì chiến tranh loạn lạc mà chạy đến vùng đông thổ (Trong bài “Câu chuyện luân hồi: học thuyết phương tây dần dần hướng về phương đông” có trình bày và phân tích kỹ lưỡng về giai đoạn lịch sử này).

Lúc đó, cây cối và nguồn nước nơi đây rất tươi tốt và trong lành, nước trong hồ La Bố rất trong xanh, là nơi trú ngụ của nhiều loại cá và thủy tảo, từng dải rừng cây Hồ Dương rậm rạp với rất nhiều loài động vật và chim muông sinh sống.

Khi đó, cuộc sống của con người trên mảnh đất này tuy có khổ một chút nhưng vẫn khá vui vẻ, bình yên.

Ba người chúng tôi cũng ở trong số đó, chúng tôi đi tản bộ, đánh cá và lao động bên hồ La Bố suốt cả ngày. Dù sao chúng tôi cũng có cuộc sống khá tự do và vui vẻ trong thời kỳ khó khăn đó.

Còn nhớ một ngày, vị huynh trưởng không biết kiếm đâu ra một hũ rượu, tôi hái về một chút quả dại, Uyển Ninh làm một vài món rau dại, chúng tôi cùng nhau ăn uống rất vui vẻ, và cùng cất cao tiếng hát. Hôm đó chúng tôi đều uống hơi quá chén nên lăn ra đất ngủ rất say. Khi tỉnh dậy đã là ban đêm, những ánh sao lấp lánh trên cao, một lát sau bỗng trên bầu trời xuất hiện một đốm sáng, đốm sáng mỗi lúc một lớn dần, cuối cùng biến thành một vị Thần, tôi vừa trông thấy vội vàng gọi hai người kia dậy. Chúng tôi quỳ mọp xuống đất theo bản năng, bái lạy vị Thần. Vị Thần nói: “Nơi này sắp xảy ra một trận chiến tranh, các ngươi hãy mau chạy đi càng xa càng tốt! Hơn nữa sinh mệnh nơi đây sắp bị tiêu hủy! Các ngươi sau này sẽ chuyển sinh trở lại nơi này, sẽ được chứng kiến một giai đoạn lịch sử!” Nói xong vị Thần biến mất.

Lúc đó chúng tôi đều đứng chết lặng, một nơi tốt đẹp thế này sao lại có chiến tranh cơ chứ? Mọi người đều không hiểu nổi.

“Dù thế nào thì chúng mình vẫn nên chạy đi thôi!” – Uyển Ninh nói.

“Cũng được” – hai chúng tôi đồng thanh trả lời.

Thế là chúng tôi lấy hết sức bình sinh nhanh chóng rời khỏi nơi này. Không lâu sau, vùng đất này quả thật đã xảy ra chiến tranh, nơi đây vốn đã chẳng mấy đông dân, vậy mà hầu hết họ đều bỏ mạng ở đây, một số người bị thương mà chết do không được chữa trị kịp thời (lúc đó không có từ vựng này, đành nói đại ý như vậy).

Chúng tôi tháo chạy rất xa, đến một thung lũng trong núi sâu, nhìn những dãy núi bốn bề mà lòng nghĩ: “Đời này chắc chúng ta sống ở đây thôi!”

Chúng tôi “sống ẩn cư” nơi đó, những người bản địa thi thoảng đi qua đều rất hiếu kỳ khi thấy tướng mạo của chúng tôi, họ hỏi chúng tôi từ đâu đến, cuộc sống ở nơi đó như thế nào, dần dần chúng tôi đã trở nên quen thuộc với họ. Họ rất nhiệt tình, thường đem cho chúng tôi một ít thức ăn. Chúng tôi cũng truyền thụ cho họ những kỹ nghệ mà chúng tôi học được ở Lâu Lan, dần dần họ đều học được. Đời này của chúng tôi đã trôi qua như vậy.

Trong hơn 2.000 năm về sau, vùng đất Lâu Lan thi thoảng cũng có người bên ngoài đến sống, nhưng đều không ở được bao lâu đã rời đi hoặc biến mất, vì vậy tuy cây cỏ nơi đây rất tươi tốt, hồ nước rất trong xanh, nhưng trong suốt 2.000 năm nay lại không có người đến sinh sống, định cư lâu dài, do đó đã xuất hiện sự gián đoạn của các nền văn minh trong lịch sử.

Điều này cũng vì để lại một giai đoạn lịch sử cho nhân loại sau này. Bố cục của xã hội nhân loại và môi trường tự nhiên đều có mối tương quan mật thiết. Khi con người có đạo đức cao thượng, người ta sẽ sinh sống đông đúc bên cạnh các vùng non cao nước chảy, nhưng khi đạo đức xã hội suy bại thì con người sẽ dần di chuyển về phía đông, về phía biển cả, nơi lấy đồng bằng làm chủ đạo.

Ở vùng đất Lâu Lan này, nếu như trong thời gian 2.000 năm đó diễn ra sự đổi thay của con người và triều đại, thì cũng có thể bởi vì vùng đất này không thể là nơi phát triển nền văn minh sau đó, bởi lẽ kết cục cuối cùng của nền văn minh sau đó là cần để lại một di tích đổ nát cho con người, khắc ghi vào tận xương tủy bài học giáo huấn đó! Đương nhiên, nếu con người thời đó có tâm thiện đãi Phật Pháp, vậy thì khoảng thời gian trước khi nó bị diệt vong, bị bão cát vùi lấp sẽ được kéo dài thêm rất lâu. Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân – quyển II:

Mỗi khi đến một thời kỳ là phải xuất hiện một lần đại kiếp, mỗi khi đến một thời kỳ là phải xuất hiện một lần tiểu kiếp. Tiểu kiếp nạn chính là khiến một phần nhân loại bị huỷ diệt; một vùng địa phương cục bộ biến thành rất xấu tệ rồi, thì nó [bị] tiêu huỷ. Động đất, bản khối đại lục chìm xuống, bão cát chụp lên, hoặc ôn dịch hay chiến tranh nào đó; tiểu kiếp nạn là cục bộ.  (“Sự sa đoạ của nhân loại và sự xuất hiện của Giác Giả”)

Chúng ta hãy quay trở về thời đại nhà Tấn, thời kỳ diễn ra câu chuyện lịch sử thành Lâu Lan bị bão cát chôn vùi, để lại những lời giáo huấn cho thế hệ mai sau.

Vị vua cuối cùng của Lâu Lan là một người vô cùng thông minh, khôn khéo, nhưng lại gian trá và xu nịnh, lúc bấy giờ vùng đất này có đến mấy loại tín ngưỡng, một số tín ngưỡng truyền từ Ả Rập sang và tín ngưỡng vào Phật và Đạo của bản địa.

Nhưng mọi người nơi đây phần nhiều chỉ kính Thần ngoài mặt còn trong tâm lại khinh mạn Thần, thậm chí trong tâm còn mắng chửi và chế nhạo Thần.

Một lần nọ, quốc vương mời sứ thần của một nước khác đến tham quan một nơi tín ngưỡng tôn giáo, vị sứ thần đó vô cùng thành tâm bái lạy tượng Phật. Trong lòng quốc vương cảm thấy ông ta nghiêm túc và thành tín quá mức, trong lúc ăn cơm, quốc vương còn nói: “Ta trước nay chưa từng nhìn thấy Thần Phật hiển linh bao giờ, ta chẳng qua chỉ muốn cầu xin họ bảo hộ vị trí của ta mà thôi! Dù sao đi nữa nhà ngươi cũng không cần phải thành tâm quá mức như vậy!”. Vị sứ thần nghe xong, vội vàng quỳ mọp xuống đất nói: “Xin ngài chớ có khinh mạn Thần Phật như vậy, nếu không ngài sẽ bị Trời phạt đấy!”

“Nói bậy! Cái gì mà Trời phạt chứ, ta đây mới chính là Trời!”, Quốc vương rất không vui, lập tức đuổi vị sứ thần đó đi. Trên đường trở về nước, vị sứ thần gặp hai cậu bé đang vui chơi bên đường, liền nói: “Các cháu đừng ở nơi này nữa, nơi đây sắp có tai họa rồi!” Hai đứa trẻ không hiểu vội hỏi: “Tại sao vậy?”

“Bởi vì quốc vương vũ nhục Thần Phật nên sẽ bị Trời trách phạt!”

“Vậy chúng cháu đi đâu đây?”

“Hãy lên xe đến đất nước của ta tạm lánh một thời gian!”

“Vâng thưa ông!”

Chúng liền lên xe đi với vị sứ thần.

Buổi tối, họ dừng xe lại để nghỉ ngơi. Một lúc sau có một vị Đạo nhân đi đến, Đạo nhân nói rằng: “Cảm tạ đại nhân đã cứu hai người bạn này của ta, vùng đất Lâu Lan này quả thật sẽ bị vùi trong biển cát, dẫu cho có những người sống sót được đi nữa thì vẫn còn có một trận ôn dịch lớn đang chờ đợi họ, các ông hãy đi thật xa! Quốc gia của các ông có lẽ cũng sẽ bị liên lụy, nhất định hãy để cho hai người bạn này của ta nhớ lấy sự việc của ngày hôm nay, ta cần ở lại để trông coi di tích đổ nát nơi này, đợi hai người họ sau ngàn năm sẽ trở về, viết lại giai đoạn lịch sử này để làm lời giáo huấn cho con người! Để cho mọi người biết được hết thảy sự việc này đều là sức mạnh của Thần, nếu làm sinh mệnh của tầng thứ này mà bất kính với Thần Phật, vậy thì kết cục chính là bị tiêu hủy!”. Nói xong, Đạo nhân đưa cho chúng tôi một túi đựng nước.

Dưới sự dẫn dắt của vị sứ giả đó, chúng tôi đã đi được mấy trăm dặm đường, trên đường đi nhìn thấy gió cát lướt qua trên đầu, vọt về hướng thành Lâu Lan.

Còn nói về Lâu Lan, đó là một buổi sáng sớm, quốc vương và chúng đại thần đang bàn luận về việc vì sao lại đuổi vị sứ giả về, trong lúc nói chuyện còn xen lẫn vào những từ ngữ khinh mạn Thần Phật, chúng đại thần cũng hô hào hưởng ứng theo. Ngay lúc này, cát vàng mênh mông rợp trời dậy đất bỗng từ trên trời giáng xuống!

Những hạt cát kia nói: “Thần đã phái chúng tôi đến để chôn vùi các người! Ai bảo các người bất kính với Phật Pháp, vũ nhục Thần linh!”. Chỉ trong khoảnh khắc, thành Lâu Lan to lớn sừng sững đã biến thành biển cát, những người thoát được còn đang vui mừng vì mình đã may mắn sống sót qua kiếp nạn, thì chẳng bao lâu sau một trận ôn dịch kéo đến khiến họ gần như không còn ai thoát được!

Nền văn minh Lâu Lan cực thịnh một thời đã biến mất ngay trước Pháp lực uy nghiêm vô tỷ của Thần! Nhờ có sự trông coi của vị Đạo huynh đó và rất nhiều chính Thần, nên một chút tường vách đổ nát nơi này còn được lưu lại, lưu lại một ít văn hiến và văn vật, để lại cho người đời những hồi ức và suy đoán chưa tìm ra lời giải!

Nhìn thấy những bức tường đổ nát này, tôi không khỏi bùi ngùi, lấy ra ống sáo thổi một làn điệu ngắn, âm thanh vô cùng đau đớn, bi thương, chứa đựng ẩn ý sâu xa.

Uyển Ninh nói: “Thiên Vũ, em sẽ làm một bài thơ để nhắc nhở con người nhớ kỹ giai đoạn lịch sử và lời giáo huấn này nhé!”

Lâu Lan bi ca tỉnh thế nhân

Kính Thần lễ Phật yếu chân thành

Tiết độc Phật Pháp tao báo ứng

Đoạn bích tàn viên thị minh chứng.

Tạm dịch:

Chuyện Lâu Lan cảnh tỉnh thế gian

Kính Thần lễ Phật phải chân thành

Khinh nhờn Phật Pháp gặp báo ứng

Hoang tàn đổ nát mấy ngàn năm.

 

“Âm vần không được hay lắm, nhưng vẫn nói lên được ý tứ đó, phải không Thiên Vũ!” – Uyển Ninh cười nói.

Tôi nói: “Phải!”

“Vậy chúng ta về thôi, Đạo huynh, huynh cũng cần nghỉ ngơi cho tốt nhé! Tạm biệt!” – Uyển Ninh nói một cách tinh nghịch.

Hôm nay xin dừng bút tại đây, hẹn gặp lại quý đọc giả ở bài sau: “Thành cổ Pompeii”.

 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2009/08/04/60924.浪迹天涯:楼兰悲歌.html



Ngày đăng: 19-10-2015

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.