Mong ngóng



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[Chanhkien.org] Một vài học viên có chấp trước “mong ngóng” trong tâm. Tôi xin chia sẻ thể ngộ của mình về những hiện tượng này với các bạn đồng tu. Nếu có chỗ nào sai sót, xin hãy chỉ rõ cho.

Từ những gì tôi nghe và thấy được, thì những mong ngóng đó chính là mong cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc, hay mong Pháp Chính Nhân Gian sẽ tới sớm hơn.

Theo tôi thấy, những người khác nhau có lối nghĩ khác nhau. Nếu niệm đầu của chúng ta ẩn chứa tâm người thường thì cho dù ở mức độ nào, đó chính là dấu hiệu của một tâm thái không trong sạch. So với chuẩn mực của người tu luyện thì đó chính là một thiếu sót.

Trong cuộc sống hàng ngày, nếu bạn dùng đôi tay dơ bẩn để tiếp xúc với mọi người hay cầm nắm những đồ vật khác thì bất cứ thứ gì bạn chạm vào chắc chắn sẽ ít nhiều bị nhiễm bẩn từ bạn. Tương tự, nếu chúng ta làm ba việc Sư phụ yêu cầu với tâm bất tịnh, điều đó không chỉ phản ánh trạng thái tu luyện không vững chắc, mà còn khiến cho ba việc chúng ta làm bị vẩn đục. Điều này có thể dẫn tới thiệt hại theo cách này hoặc cách khác.

Về bản thân tôi, trong tâm tôi còn chứa nhiều tâm oán giận hơn cả tâm mong ngóng.

Điều đầu tiên khiến tôi thường xuyên oán giận chính là mẹ tôi. Bà luôn luôn làm những việc ngớ ngẩn khiến cho hoàn cảnh gia đình tôi thêm tồi tệ và phức tạp, như lăng mạ Đại Pháp và gây khó khăn trong việc giảng chân tướng. Điều thứ hai là vì tôi còn trẻ và sống ở thủ đô, tôi cảm thấy công việc của mình như một gánh nặng và tôi chỉ có thể luyện công ở ngoài trời, nơi có rất nhiều muỗi vào mùa Hè và gió tuyết vào mùa Đông. Tôi oán giận thực tế là tôi phải thu xếp thời gian làm tốt ba việc, trong khi vẫn duy trì công việc và cuộc sống sinh hoạt bình thường giữa các khổ nạn.

Khi tôi đọc những bài chia sẻ của các bạn đồng tu khác và so sánh với bản thân mình, tôi biết chắc một điều là tôi đã không làm tốt ba việc. Để khắc phục thiếu sót này, tôi cần phải tinh tấn tu luyện và làm tốt ba việc hơn nữa. Mặc dù tôi đã nhận biết được điều đó, các khó khăn trước mặt tôi vẫn không mất đi. Trạng thái tu luyện của tôi dao động lên xuống, lúc tốt lúc xấu, và kết quả sau đó là tâm tôi thường xuyên bực bội, khó chịu.

Do đó, khi tôi đọc những từ nhạy cảm như “ngày tận thế, sự quy vị và viên mãn” gần đây, tôi nghĩ rằng mình đã bị chôn vùi  trong sự oán giận và không còn thời gian để mong ngóng những điều đó. Nhưng khi suy nghĩ với chính niệm, tôi nhận ra tâm mong ngóng của các bạn đồng tu cũng như tâm oán giận của tôi đều là những “khổ sở” sẽ gặp trong tu luyện.

Theo thể ngộ của tôi, những suy nghĩ trên đây sẽ không xuất hiện ở những đệ tử chân tu và đạt tiêu chuẩn, đó là những học viên tinh tấn trong Pháp, luôn nghĩ về nhiệm vụ của mình trong Chính Pháp, tu luyện vững chắc, và thường xuyên làm tốt ba việc.

Ngược lại, nghĩ về những khó nạn trong tu luyện với thái độ cực đoan và tiêu cực có thể dẫn tới tâm mong ngóng, oán hận, và sẽ cảm giác rằng tu luyện thật “khổ sở”, từ đó phủ nhận những khổ nạn và trách nhiệm mà bản thân phải đối mặt và gánh vác.

Nguồn gốc của cảm giác ”khổ sở” đó là do chấp trước vào tự ngã: trong đầu luôn tính toán những gì mình đã bỏ ra trong Chính Pháp, thành quả đã đạt được trong quá khứ, hiện tại cũng như sẽ đạt trong tương lai, luôn kể lể về những gì mình phải chịu đựng, loại tính toán và mặc cả này đến từ tâm ích kỷ. Khi cái tôi được ưu tiên, đong đếm “được và mất”, cảm giác đau khổ trở nên khuyếch đại, đó là nguồn gốc của tâm mong ngóng.

Trên thực tế, nếu chúng ta bình tĩnh suy ngẫm và nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, thì chúng ta sẽ có cách nghĩ tốt hơn.

1. Nghiệp lực là nguồn gốc của đau khổ

Một người bình thường cần ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Suốt một đời vội vã, chẳng phải bất cứ ai cũng phải trải qua những cảm xúc khác nhau của một con người? Chẳng phải ai cũng phải chịu đựng giá lạnh của mùa Đông hay nóng bức của mùa Hè? Chẳng phải họ cũng đang chịu khổ đó sao?

Tương tự, không học viên nào làm việc 24 giờ mà không ngủ. Tuy nhiên, họ có Sư phụ quản vào mọi lúc. Họ có Pháp để chỉ đạo tu luyện, họ có môi trường để chia sẻ và giao lưu với nhau. Chẳng phải đây chính là “phúc phận” sao?

Nếu một học viên không chịu đối mặt hay sẵn sàng đón nhận những đau khổ cơ bản nhất, vậy thì còn “tu luyện” gì nữa đây?

2. Đâu là tiêu chuẩn của đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp?

Được tu luyện trong thời kỳ Chính Pháp là cơ hội chỉ đến một lần từ vạn cổ. Chúng ta nên có đức tin và trân quý Đại Pháp của Sư phụ để tu luyện tinh tấn và cứu độ chúng sinh. Tất cả những gì gặp phải trên con đường tu luyện đều được Sư phụ an bài một cách tỉ mỉ cho các đệ tử, vậy làm sao chúng ta có thể cho rằng cái nào tốt, cái nào xấu? Thế nào là tiêu chuẩn giữa tốt và xấu?

Khi đối mặt với khó khăn và khổ nạn trên con đường tu luyện, thay vì đối đãi với chính niệm, nếu chúng ta lại để tư tưởng của người thường trỗi dậy, thì đâu là sự uy nghiêm của đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp?

3. Chủ động đối mặt hay bị động cam chịu?

Trên con đường tu luyện và cứu độ chúng sinh chắc chắn sẽ luôn có khó khăn chờ đón. Theo thể ngộ của tôi, việc “tôi đã làm được những gì” hay “tôi có thể làm nhiều bao nhiêu” không quan trọng bằng việc “trách nhiệm của tôi lớn như thế nào”.

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thường xuyên tự vấn mình như vậy và thay đổi cách nhìn sự việc, thì chúng ta có thể khắc phục được những thiếu sót trong quá khứ và khó khăn hiện tại, với ý chí kiên định và quyết tâm của người tu luyện. Cố gắng hoàn thành trách nhiệm của đệ tử Đại Pháp thời Chính Pháp một cách tốt nhất, nỗ lực làm tốt mọi việc không phân biệt công việc đó quan trọng hay không: đó chính là uy đức vĩ đại của đệ tử Đại Pháp.

Ngược lại, khi bị động chịu đựng và nuôi dưỡng tâm ích kỷ xấu xa, chúng ta đã tự mình ly khai khỏi lực lượng của Pháp. Khó khăn sẽ bị khuyếch đại và sự kỳ diệu của Đại Pháp sẽ không được triển hiện.

4. Trân quý thời gian tu luyện với Sư phụ

Chúng ta đang mong ngóng điều gì, và điều gì khiến chúng ta trở nên mong ngóng?

Có phải mong ngóng cuộc đàn áp sẽ sớm kết thúc để người dân thế giới có thể thấy rõ bản chất của tà ác, lựa chọn một tương lai tươi sáng, Sư phụ và Đại Pháp sẽ được khắp trời ca tụng?

Có phải mong ngóng chúng ta sẽ nộp bài thi tu luyện Chính Pháp một cách đường hoàng, thản nhiên và thoải mái không?

Hỡi các bạn đồng tu, với những ai luôn có ý nghĩ về “kết thúc” hay bàn về nó, xin hãy tĩnh tâm lại!

Nếu chúng ta cứ nhẩm tính về “ngày kết thúc”, bất kể thời gian đó bao xa, thì có một điều chắn chắn rằng: với mỗi ngày trôi qua, số ngày mà đệ tử Đại Pháp có thể tu luyện cùng Sư phụ sẽ giảm đi một ngày. Vậy chúng ta sẽ nhìn nhận điều đó như thế nào: biết ơn và trân quý thời gian được kéo dài thêm, hay càng thiếu kiên nhẫn và mong ngóng, hay ôm giữ tâm lý bực bội mơ hồ?

Thời gian cứ trôi đi, thì cơ hội được luyện công vào mỗi sáng, cơ hội phát chính niệm đồng bộ toàn cầu, và cơ hội giảng chân tướng sẽ ít dần đi. Cứ mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại mất đi một ngày.

Vậy thì, liệu chúng ta có nên tính toán chúng ta đã hy sinh những gì, chịu đựng đau khổ bao nhiêu, hay mệt mỏi ra sao không? Nếu bạn vẫn chưa buông bỏ được những tâm đó, hãy ghi nhớ lại hồng ân của Sư phụ trong tâm, khắc cốt ghi tâm và hoàn thành thệ ước của bạn mỗi ngày.

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ lại với các bạn đoạn kinh văn gần đây của Sư phụ:

Nguyên tắc của Chính Pháp sẽ không vì hình thế con người mà cải biến theo. Tu luyện và cứu người là sứ mệnh vĩ đại của các đệ tử Đại Pháp. Mong rằng mọi người hãy làm tốt phần việc còn lại. Con đường của Thần sẽ không còn xa nữa đâu.” (Bảo trì thanh tỉnh)

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/114923
http://pureinsight.org/node/6398



Ngày đăng: 25-05-2013

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.