Hướng nội giúp hồi phục cánh tay trật khớp của tôi



Tác giả: Một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hồ Bắc

[Chanhkien.org] Trong kinh văn “Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp”, Sư Phụ giảng: “Có người trong lúc đọc «Chuyển Pháp Luân», thì tư tưởng không chuyên nhất, đang nghĩ điều khác, không thể tu luyện một cách chuyên chú. Như thế bằng như lãng phí thời gian, không chỉ là lãng phí thời gian, đáng lẽ là lúc nên phải đề cao, nhưng lại dùng tư tưởng để nghĩ những vấn đề và những việc không nên nghĩ, không chỉ là không đề cao, mà trái lại còn đang rớt xuống. Nếu học Pháp không tốt, thì rất nhiều việc sẽ làm không được tốt”. Sau đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm của mình.

Trước đây quả thật là tôi không thể tịnh tâm học Pháp được và luôn suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Tôi biết rằng tình trạng này là không đúng nhưng vẫn cảm thấy bất lực không thể cải biến được. Cũng do học Pháp không tốt, tôi đã không thể làm “ba việc” được tốt. Trước đó, có một lần tôi nằm mơ thấy một đoàn tàu đang tiến đến và các đồng tu đã chỉ cho tôi thấy nó. Tôi thấy thật an tâm và thậm chí đã nói với họ rằng tôi sẽ tự mình leo lên chuyến tàu ấy. Tuy nhiên gần đây tôi bị ngã trật khớp cánh tay. Sự tình này đã khiến tôi giật mình tỉnh ngộ, và khi hướng nội, tôi đã phát hiện ra nhiều nhân tâm như sau:

1. Tâm ích kỷ và chấp trước sợ hãi

Chiểu theo Pháp, chúng ta đều biết mình phải ngày càng tinh tấn hơn trong quá trình tu luyện. Thế nhưng đối với tôi thì dường như càng ngày tôi càng có nhiều tâm sợ hãi. Mặc dù đã tu luyện hơn 10 năm, vậy mà đôi khi tôi vẫn nghĩ rằng nếu bị tà ác bắt được thì có lẽ tôi sẽ không thể tiếp tục tu luyện nổi nữa và thậm chí có thể chết vì bị tra tấn. Ngoài ra, tôi còn sợ bị người khác hiểu lầm vì điều đó sẽ làm tổn thương lòng tự tôn và làm tôi mất mặt. Hậu quả là tôi đã lỡ mất nhiều cơ hội giảng chân tướng. Hơn nữa, tôi cũng thiếu kiên nhẫn và chân thành khi nói sự thật về Đại Pháp cho người khác.

2. Chấp trước tranh đấu

Một ngày nọ tôi đến giảng chân tướng cho một nhóm công nhân xây dựng. Mọi người đều hiểu rõ và đồng ý thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng các tổ chức liên đới. Sau đó tôi phát tài liệu, bao gồm các tấm thẻ có in nội dung giảng sự thật cho họ. Bỗng một người khác tiến đến nói rằng tôi đang tham dự vào chính trị và chống đảng. Tôi rất hụt hẫng vì ông ta gần như phá hỏng mọi nỗ lực của tôi. Hỏa khí bốc lên, tôi đã phản đối ông ta bằng những từ ngữ cộc cằn. Tuy nhiên khi nhìn thấy mọi người đều đồng ý nhận Cửu Bình, ông ta cũng nhận một bản. Sau đó tôi ngộ ra rằng mình đã sai khi tranh cãi với người khác bằng tâm tranh đấu như thế. Là một người tu luyện thì chúng ta phải bảo trì tâm từ bi và nghĩ cho người khác trước.

Trong bài thơ “Thiểu biện” trong Hồng Ngâm III, Sư Phụ giảng:

Thiểu biện

Như ngộ cường biện vật tranh ngôn
Hướng nội trảo nhân thị tu luyện
Việt tưởng giải thích tâm việt trọng
Thản đãng vô chấp xuất minh kiến

Diễn giải:

Biện giải ít đi thôi

Nếu gặp phải biện giải mạnh mẽ thì đừng tranh lời
Hướng nội tìm nguyên nhân, ấy là tu luyện
Càng muốn giải thích thì tâm càng nặng
Mà lòng khoáng đãng không chấp thì lại nảy ý kiến sáng suốt

3. Chấp trước hiển thị và tật đố

Những chấp trước này thường khởi lên khi tôi thấy mình giảng chân tướng được tốt và có nhiều người đồng ý thoái đảng cùng các tổ chức liên đới.

4. Truy cầu thoải mái

Do chấp trước vào sự thoải mái, tôi đã không nỗ lực đúng mức và đã bỏ lỡ nhiều cơ hội giảng chân tướng.

5. Chứng thực bản thân

Một lần nọ khi tôi giảng rõ sự thật về Pháp Luân Đại Pháp cho một cảnh sát trưởng, tất cả những điều tôi nói đều để chứng minh tôi là một người tốt chứ không phải là để chứng thực Pháp.

6. Việc hướng nội đã giúp cánh tay trật khớp của tôi được hồi phục

Nếu tính luôn cả tôi thì chỉ có hai đệ tử Đại Pháp trong khu vực này. Vị đệ tử kia bị mù chữ nên không thể đọc được. Khi chúng tôi bắt đầu học Pháp cùng nhau, tôi đã dạy bà ấy đọc từng câu một. Hiện giờ thì bà đã có thể đọc được rồi, nhưng vẫn còn rất chậm. Vì lý do này mà tôi thích học Pháp một mình hơn. Với tâm như thế, tôi đã lệch khỏi tiêu chuẩn của một người tu luyện chân chính.

Sau vụ tai nạn kể trên, do cánh tay trật khớp rất đau nên tôi chỉ có thể ngồi trên giường và thậm chí còn không thể tự mặc đồ cho mình. Tôi có thể quấn mền quanh người nhưng không thể ngủ được, cho nên tôi thường xem video giảng Pháp của Sư Phụ vào ban ngày và nghe các bài giảng vào ban đêm. Việc này kéo dài trong bốn ngày. Tôi ngộ ra rằng có điều gì đó không đúng trong việc này, và quyết định phải đi xin lỗi vị đồng tu kia. Ngoài ra còn có một người công nhân ở công trường vẫn đang chờ tôi đưa tặng một quyển sách. Trong khi chịu đựng đau đớn, tôi thầm gọi Sư Phụ giúp. Tôi chậm rãi mặc quần áo và đi bộ đến khu công trường nhưng không gặp người công nhân mà tôi cần tìm. Tôi bèn đi đến nhà vị đồng tu kia và học Pháp cùng bà.

Năm giờ chiều, bà ấy nói sẽ nấu ăn để chúng tôi có thể dùng bữa tối chung với nhau. Nhìn bà cầm một nắm rau xanh trong tay, tôi bỗng nhớ lại một chuyện. Cách đây bảy ngày, trên đường đi từ nhà của đồng tu này về nhà, tôi đã ghé qua một nông trại mà tôi quen thân để hái một ít rau về ăn mà không xin phép người chủ vườn vốn rất thân với tôi. Trong kinh văn “Thánh giả” (Tinh Tấn Yếu Chỉ), Sư Phụ giảng: “…ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết…” Khi hồi tưởng lại, tôi nhận ra mình đã phạm tội trộm cắp và đã làm điều mà một người tu luyện không nên làm. Mặc dù có vẻ đây chỉ là một chuyện nhỏ nhưng tôi cần phải nghiêm khắc với bản thân và phải đi xin lỗi người chủ vườn. Khi tôi đang nghĩ đến điều này, bỗng nhiên xương cánh tay bị trật của tôi lăn tròn như trái banh và hồi phục về vị trí cũ. Trong vòng chưa đầy một giây mà tôi đã có thể cử động cánh tay một cách thoái mái. Tôi quá kinh ngạc và không thể nói được gì trong một hồi lâu. Sau đó tôi đã háo hức kể lại với vị đồng tu kia, không quên vẫy vẫy cánh tay cho bà thấy. Bà ấy cũng rất vui mừng. Cả hai chúng tôi đều ngộ được rằng là một người tu luyện thì phải biết hướng nội.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2012/3/9/81060.html
http://pureinsight.org/node/6251



Ngày đăng: 03-06-2012

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.