Trải qua luân hồi ba đời mới được thân người



Tác giả: Tưởng Trân Tường

[Chanhkien.org] Vào một năm thời Đồng Trị triều đại nhà Thanh (1856-1875), một cuộc thi do Triều đình tổ chức đã được cử hành tại phủ Hoàng Châu, tỉnh Hồ Quảng (tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam ngày nay). Một thư sinh họ Lý đến từ Hi Thủy cũng tới dự thi. Anh ở cùng phòng với một người đồng hương mang họ Trần. Bất kể người họ Trần này làm gì, anh ta đều đeo một cái băng đỏ tại ống tay áo bên trái. Và bất kể trời nóng thế nào, anh ta cũng không bao giờ cởi áo. Tất cả các thí sinh đều nghĩ rằng anh ta thật kỳ dị và họ bắt đầu bàn tán sau lưng anh ta. Chỉ có thư sinh họ Lý là không nói gì cả. Sau kỳ thi, mọi người đều ở lại đợi xem bảng công bố danh sách thi đậu.

Một ngày nọ, tất cả những người khác trong phòng đều đi ra ngoài chơi. Thư sinh họ Trần nói với thư sinh họ Lý: “Lý huynh, tôi thấy anh là người thành thật đáng tin cậy. Tôi có một việc cần nói với anh. Anh có biết tại sao tôi luôn đeo cái băng đỏ trên tay áo và không bao giờ cởi áo ngay cả khi trời rất nóng hay không? Than ôi! Đây là kiếp luân hồi thứ ba của tôi và cuối cùng tôi đã được thân người!”

Thư sinh họ Lý vội hỏi lại: “Trần huynh nói thế là sao?”

Thư sinh họ Trần đáp: “Lý huynh, xin hãy nghe câu chuyện của tôi.”

“Tôi nhớ rằng kiếp trước tôi từng là một con tê tê. Một năm kia, có một trận hạn hán và trời không đổ mưa trong một thời gian dài. Tôi đã không uống chút nước nào trong suốt thời gian ấy, bởi vì chúng tôi không được phép xuống núi tùy tiện. Một ngày nọ, tôi rất khát và cảm thấy thật tồi tệ. Tôi bò xuống núi và muốn ra bờ sông uống chút nước. Nhưng khi đến con sông, tôi thấy một phụ nữ mang thai đang giặt quần áo. Khi ấy tôi nghĩ rằng nếu tôi đột nhiên bò xuống, người phụ nữ đó chắc chắn sẽ bị sợ chết khiếp, và tôi có thể làm hại hai sinh mạng. Tuy nhiên, nếu tôi không đi xuống, tôi sẽ bị khát tới chết. Tôi chần chừ một lúc và quyết định: ‘Dù sao, ta cũng không thể đi xuống. Nếu ta chết vì khát, đó chỉ là một đời, và sẽ còn hơn là giết chết hai sinh mạng.’ Do đó tôi đã chết vì khát. Sau khi chết, tôi tới chỗ Diêm vương ở. Ngài nói: ‘Ngươi đã tích đức trong kiếp này, và giờ ngươi có thể đầu thai tới một nơi tốt hơn.’ Tôi nói tôi không muốn đầu thai, nhưng Ngài nói điều đó không phụ thuộc vào tôi.

“Trong kiếp sống tiếp theo, tôi chuyển sinh thành một con lợn. Tôi được nuôi bởi một cặp vợ chồng già. Họ rất tốt với tôi và tôi lớn rất nhanh. Ngay khi hết năm, họ đã lên kế hoạch bán tôi. Tôi nghĩ: ‘Chẳng phải điều này có nghĩa là giết ta sao? Chạy thôi!’ Ngày hôm sau, tôi chạy lên núi và trốn ở đó. Cặp vợ chồng già đưa người mua lợn tới và tìm kiếm tôi khắp nơi. Họ gọi tên tôi hết lần này tới lần khác. Tôi nghe thấy và rất buồn: ‘Nếu ta ra ngoài, ta sẽ bị giết; nhưng nếu không, họ đã nuôi lớn ta trong một năm và hy vọng kiếm được chút tiền cho năm sau bằng cách bán ta. Trời ơi! Ta phải ra ngoài. Ta không đáng được nhận sự tốt bụng của họ khi nuôi ta.’ Do đó tôi lại bị chết lần nữa. Sau khi chết, tôi lại tới nơi Diêm vương ở. Ngài nói: ‘Lần này ngươi đã tích đức nữa. Giờ ngươi có thể chuyển sinh thành người rồi.’ Tôi nói tôi không muốn chuyển sinh chút nào nữa. Ngài nói: ‘Cả hai lần, ngươi đều nghĩ đến người khác và hy sinh thân mình, do đó ngươi đã tích đức. Lần này ngươi sẽ đầu thai vào một gia đình tốt và sẽ có thể hưởng phúc.’ Đó chính là tôi bây giờ.

Khi đang kể câu chuyện, thư sinh họ Trần kéo ống tay áo lên và cởi áo ra. “Lý huynh, nếu anh không tin tôi thì hãy nhìn đây. Tôi vẫn còn những dấu hiệu từ hai kiếp trước.” Thư sinh họ Lý thấy rằng tay trái thư sinh họ Trần là một cái móng heo, và trên lưng anh là chín cái vảy tê tê. Không thể không tin anh, thư sinh họ Lý gật đầu lia lịa. Kể từ đó, thư sinh họ Lý không còn hứng thú với quan trường nữa. Thay vào đó, anh nhất tâm tu Phật hướng Thiện. Anh đã sống đến 80 tuổi và chết mà không có bệnh gì. Trước khi chết, anh thấy một chiếc kiệu tới đón anh, và rất nhiều người dân làng nghe thấy tiếng trống và tiếng nhạc.

Thư sinh họ Lý này là ông ngoại của mẹ tôi.

Dịch từ:

http://zhengjian.org/zj/articles/2007/4/27/43510.html
http://pureinsight.org/node/4561



Ngày đăng: 10-06-2011

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.