Nhìn văn hóa truyền thống và quan niệm hiện đại dưới góc độ từ “dục” (ham muốn)



Tác giả: Đệ tử Đại Pháp

[ChanhKien.org]

Chúng ta hãy nhìn cấu tạo của chữ “dục” 「慾」(có nghĩa là ham muốn) dạng chính thể của Trung Quốc. Bề mặt chữ có ý tứ là trong lòng khiếm khuyết “cốc vật” (ngũ cốc). Tôi lý giải rằng, đó chẳng phải có nghĩa là thiếu “món ăn tinh thần” sao? Khi không đủ lương thực, con người sẽ đói nên luôn không thỏa mãn và tham cầu.

Vậy thì, đâu là “món ăn tinh thần” khiến con người cảm thấy no?

Tôi nghĩ đến văn hóa truyền thống. Bởi vì lý niệm truyền thống dạy con người phải biết tri túc, trân trọng những thứ đang có và biết cảm ân. Lý niệm như thế khiến con người “càng ăn càng no” và ít tham lam hơn.

Tôi nhớ một câu chuyện xưa về một người đàn ông nghèo khổ. Ông ấy làm việc vất vả cả ngày nhưng hầu như chỉ đủ nuôi sống gia đình. Tuy vậy, mỗi ngày, ông vẫn cảm ơn Trời xanh vì trong nhà không có người bị bệnh hay tai họa. Ông cảm thấy rất biết ơn và rất thỏa mãn vì có được điều đó. Nếu mọi người tiếp nhận giáo hóa truyền thống như vậy thì họ đâu còn cảm thấy có điều gì không hài lòng nữa?

Tôi lại nghĩ đến quan niệm hiện đại, “khích lệ” con người truy cầu “cái nhất”: trong hôn nhân phải tìm được “sự yêu thương nhất”, “tình yêu đích thực”, và tốt nhất là có mối quan hệ “tri kỷ”. Về cảm xúc cũng phải có sự “đam mê”; nếu quá bình đạm thì xem như “tình cảm” chưa đủ. Phụ nữ nếu muốn làm “mỹ nhân” phải tìm cách “để trẻ mãi không già” (đóng băng tuổi tác); học sinh phải là “học sinh xuất sắc”; con cái phải như “con nhà người ta”. Mọi người luôn so bì với nhau, kém một chút là không được. Những điều đó đã kích phát lòng ham muốn và tham dục của con người đến vô tận, không bao giờ thỏa mãn, khiến con người có “lòng ham muốn cao hơn trời”.

Điều này rất giống với “chất gây nghiện tâm thần” và “hormone tâm thần”, càng ăn ham muốn càng nhiều, càng ăn càng cảm thấy đói. Theo quan niệm này, có rất nhiều người không hài lòng với vợ/chồng của mình và mộng tưởng gặp được “tình yêu đích thực”. Cũng có không ít người không hài lòng với ngoại hình của mình, cho dù ngoại hình của họ không tệ. Khi đến một độ tuổi nhất định, họ cũng không hài lòng với việc xuất hiện nếp nhăn và tóc bạc. Họ cảm thấy mình phải “đóng băng tuổi tác” như một số người vẫn làm mới hài lòng.

Nhiều quan niệm hiện đại khác nhau đều kích thích “ham muốn” của con người đến mức vô hạn. Kết quả là họ sống một cuộc sống rất khó chịu và không hài lòng với bất cứ điều gì.

Tôi nhận ra rằng, bản thân mình vô tri vô giác cũng đã bị quan niệm hiện đại hầu như ở khắp mọi nơi làm cho “trúng độc” rất sâu, giống ngộ độc mãn tính như luộc ếch trong nước ấm. Rất nhiều cách nghĩ mà bản thân cảm thấy là lẽ bất di bất dịch, là lý đương nhiên, nhưng kỳ thực đó đều là tham dục quá độ và những suy nghĩ vô lý.

Ví dụ, tôi luôn tin rằng hôn nhân chỉ tốt nếu hai người thực sự yêu nhau. Đây là một suy nghĩ sai lầm lớn theo quan niệm hiện đại. Bởi vì hôn nhân là do Thần sắp đặt, Thần an bài dựa trên nhân quả, nhân duyên, nghiệp lực v.v., mà không phải là để cho con người tận hưởng tình yêu.

Một ví dụ khác, tôi luôn nghĩ rằng cần giữ trạng thái bề ngoài trẻ trung mới tốt. Thực ra, điều này cũng sai. Đằng sau suy nghĩ mà người hiện đại thường cho là tự nhiên này là tâm tham dục mạnh mẽ, gồm cả tâm sắc dục, tâm hư vinh, tâm hiếu thắng,v.v. Nếu đào sâu hơn, chúng ta sẽ thấy ma tính đằng sau nó rất mạnh mẽ. Đó là thứ mà một người tu luyện không bao giờ nên có.

Nhiều người hiện đại có chứng lo âu về ngoại hình, sợ già. Nhưng, ở thời đại truyền thống, thậm chí chỉ cách đây vài chục năm, con người trong xã hội nhìn chung không có loại quan niệm “nghịch thiên” như muốn đóng băng tuổi tác. Lúc đó, mọi người luôn coi trọng gia đình và con cháu. Những mục đích theo đuổi của con người thời đó cũng gần gũi hơn với ngũ phúc mà người xưa nói đến: Thứ nhất là trường thọ, thứ hai là phú quý, thứ ba là khang ninh [an khang], thứ tư là hảo đức, và thứ năm là thiện chung [chết lành]. Ngũ phúc không bao gồm tình yêu, hôn nhân, ngoại hình, những ham muốn vô độ mà con người hiện đại khao khát. Có thể thấy đạo đức xã hội đã sa sút đến mức nào và lòng tham của con người đã tăng lên đến chừng nào.

Nếu ôm giữ không buông những tham dục quá độ này, chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy đủ, sẽ luôn ưu sầu và lo lắng. Kỳ thực, chúng ta đang càng ngày càng rời xa hạnh phúc.

“Tri túc thường lạc” (Hài lòng với những gì mình có), biết ơn và trân quý phước lành là tâm thái đúng đắn dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là thỏa mãn dục vọng mà là giảm bớt dục vọng.

Trên đây là một chút suy nghĩ ngẫu hứng chia sẻ với mọi người.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/287951



Ngày đăng: 13-10-2024

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.