Kính viễn vọng James Webb phát hiện ra thiên hà lâu đời nhất
[ChanhKien.org]
[Ghi chú của biên tập viên] Vũ trụ mênh mông vĩnh viễn là một ẩn đố đối với con người. Những điều mà thiên văn học hiện nay nhận thức được chỉ là những khoảnh khắc biến đổi của các thiên thể, mà những dữ liệu và thông tin mà các nhà khoa học nắm bắt được trong khoảnh khắc này chỉ giống như người mù sờ đuôi voi, khó có thể thăm dò được bản chất thực sự của vũ trụ. Nếu chúng ta chỉ đứng tại không gian nhân loại để khám phá những bí ẩn của vũ trụ thì cuối cùng cũng chỉ phí công vô ích. Hy vọng độc giả thông qua phát hiện mới của thiên văn học hiện đại có thể lắng động suy ngẫm một chút về ý nghĩa thực sự của vũ trụ, nhân thể và sinh mệnh.
Theo báo cáo của trang space.com vào ngày 30 tháng 5 năm 2024, kính viễn vọng Webb (JWST) đã phát hiện ra hai thiên hà JADES-GS-z14-0, được cho là thiên hà lâu đời nhất và xa xôi nhất cho đến hiện nay, tiếp tục phá kỷ lục trước đó. JADES-GS-z14-0 được hình thành sau Vụ nổ lớn (big bang) có niên đại khoảng 300 triệu năm, hình thành sớm hơn 100 triệu năm so với thiên hà giữ kỷ lục trước đó.
Ngoài ra, thiên hà JADES-GS-z14-1 được phát hiện cùng lúc với thiên hà JADES-GS-z14-0, được xếp hàng thứ hai trong số các thiên hà sớm nhất được phát hiện cho đến nay.
Hai phát hiện này được công bố lần lượt vào tháng 10 năm 2023 và tháng 1 năm 2024, là một phần trong dự án tìm kiếm các thiên hà xa xôi JADES. Mục đích của dự án JADES là cung cấp những manh mối quan trọng về sự hình thành của các ngôi sao, khí và lỗ đen trong vũ trụ cách đây 13,8 tỷ năm về trước.
Ông Francesco D’Eugenio là nhà khoa học tại Viện vũ trụ học Kavli, cũng là thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết: “Những thiên hà này gia nhập vào quần thể thiên hà có kích thước nhỏ nhưng lại ngày càng tăng trưởng trong 500 triệu năm đầu của lịch sử vũ trụ. Phát hiện giúp chúng tôi có thể khám phá mô hình độc đáo của quần thể các ngôi sao này và các nguyên tố hóa học bên trong chúng”.
Thiên hà JADES-GS-z14-0 được phát hiện là thiên hà lâu đời nhất. Nguồn ảnh: NASA/ESA/CSA/STScI/B. Robertson (Chi nhánh Santa Cruz của Đại học California)
Thiên hà có biệt danh “bình minh vũ trụ” này chiều ngang khoảng 1.600 năm ánh sáng, kích cỡ cực lớn và độ sáng của nó khiến nhiều người kinh ngạc.
Daniel Eisenstein, người phụ trách nhóm JADES, làm việc tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard & Smithsonian (CfA) cho biết: “Kích thước của thiên hà này chứng minh rằng, phần lớn ánh sáng được tạo ra bởi số lượng lớn các ngôi sao mới được hình thành chứ không phải do vật chất rơi vào hố đen siêu lớn ở trung tâm thiên hà. Nếu như hố đen rơi vào trung tâm thiên hà sẽ khiến nó trông nhỏ hơn nhiều”.
Ben. Johnson, một thành viên khác của nhóm JADES, nói thêm rằng: “Kính thiên văn Webb sẽ giúp chúng ta khám phá thêm nhiều thiên hà giống như thế. Đây là một cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu sự hình thành của các thiên hà”.
Stefano Carniani, thành viên của nhóm JADES cho biết: “JADES-GS-z14-0 hiện đóng vai trò là mô hình đầu tiên của hiện tượng này. Thật ngạc nhiên khi vũ trụ có thể tạo ra những thiên hà như vậy chỉ trong 300 triệu năm”.
Ngạc nhiên hơn nữa là khí oxy được phát hiện trong thiên hà JADES-GS-z14-0. Các ngôi sao có thể tạo ra các nguyên tố nặng hơn như hydro và heli trong suốt cuộc đời của chúng, sau đó chúng bị phân tán khắp thiên hà khi những ngôi sao này phát nổ. Như vậy, sự tồn tại của oxy trong JADES-GS-z14-0 chỉ ra rằng, có ít nhất một thế hệ các ngôi sao đã sinh tồn và sau đó chết đi trong thiên hà lâu đời này.
Jake Helton làm việc tại Đài thiên văn Stewart và Đại học Arizona, cũng là nhà nghiên cứu của dự án JADES cho biết: “Kết quả của tất cả những quan trắc này cho chúng ta biết, JADES-GS-z14-0 không phải là loại thiên hà được dự đoán bởi các mô hình lý thuyết và mô phỏng máy tính tồn tại trong vũ trụ sơ khai. Dựa trên độ sáng của nguồn ánh sáng quan sát được, chúng tôi có thể dự đoán diễn biến phát triển của nó theo thời gian trong vũ trụ”.
Ông kết luận: “Trong 10 năm tới, các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng không gian James-Webb có thể khám phá ra nhiều thiên hà sáng như thế này, thậm chí có thể còn lâu đời hơn. Chúng tôi rất vui mừng khi thấy sự đa dạng phi thường của các thiên hà tồn tại vào buổi bình minh của vũ trụ!”
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/290779
Ngày đăng: 29-06-2024
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.