Kỳ quan ngàn năm Huyền Không Tự



Tác giả: Tử Tiêu

[ChanhKien.org]

Huyền Không Tự (Nguồn ảnh: Wikimedia)

Tiên thơ Lý Bạch cả đời thích Đạo, dấu chân in khắp danh sơn đại xuyên, đã thăm viếng qua rất nhiều chùa chiền đạo quán, đến đâu cũng đều lưu lại rất nhiều tác phẩm lay động lòng người, trong đó có một bài thơ ý cảnh (1) cao xa, kỳ ảo xuất thần:

Dạ túc sơn tự

Nguy lâu cao bách xích

Thủ khả trích tinh thần

Bất cảm cao thanh ngữ

Khủng kinh thiên thượng nhân

Dịch nghĩa

Lầu cao vòi vọi trăm thước

Tay không có thể hái được sao

Không dám nói lớn tiếng

Sợ làm kinh động người trên trời

Thưởng thơ rồi tâm tư suy tưởng, ngôi chùa chênh vênh vắt vẻo trên núi, tay bắt được sao này ở đâu vậy?

Kỳ quan ngàn năm Huyền Không Tự

Huyền Không Tự (Chùa Huyền Không – ngôi chùa treo trên không trung) hay còn gọi là Huyền Không Các (lầu gác huyền bí trên không), được mệnh danh là “Ngôi chùa trên trời”, nằm ở núi Hằng Sơn, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, nổi tiếng với địa thế cao hiểm trở ngay trên vực thẳm. Ngôi chùa được xây dựng vào cuối triều đại Bắc Ngụy (năm 491), cách đây hơn 1.500 năm và là một ngôi chùa độc đáo đặc biệt kết hợp Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.

Thiết kế của Huyền Không Tự khéo léo kỳ lạ. Xa trông, là những đình đài lầu các lung linh tinh xảo khảm trên vách núi Thúy Bình bay bổng khí tiên. Gần nhìn, là nguy lâu với những điêu khắc gỗ cổ xưa điêu luyện sắc sảo treo lơ lửng trên không trung trăm thước. Kiến trúc tài tình như vậy được thế giới tôn xưng là kỳ quan.

Từ cổ chí kim, không biết có bao nhiêu du khách ngưỡng mộ danh tiếng đến đây thưởng ngoạn đã bị thiết kế thiên tài xảo diệu này làm cho kinh ngạc. Thi tiên Lý Bạch du lãm nơi này đã lưu lại trên vách đá hai chữ lớn “tráng quan”.

Huyền Không Tự (Nguồn ảnh: Wikimedia)

Huyền Không Tự sừng sững trên vách đá ngàn năm bất hoại quả là kỳ tích, một công trình kiến ​​trúc toàn bằng gỗ như thế làm sao có thể chịu được mưa sa gió táp? Ai là người có trí huệ lớn như vậy?

Tương truyền, vào thời Bắc Ngụy, có một vị thiên sư đạo trưởng trước khi quy tiên đã lưu lại di huấn: “Cần xây dựng một ngôi chùa trên không trung, để “thượng duyên tiêu khách, hạ tuyệt hiêu phù” (tạm dịch: trên rước khách trời, dưới rời ồn náo)”. Sau đó, các đệ tử của thiên sư tuân theo ý nguyện của thầy, trù tính kinh phí, lựa chọn địa điểm, thiết kế dựng thành.

Đặc điểm của Huyền Không Tự là cheo leo và hiểm trở, bước đi trên đó rung động đung đưa, giống như một tòa nhà nguy hiểm sắp sập, kỳ thực lại vững chắc như bàn thạch. Huyền Không Tự kinh qua vô số lần xuân hạ thu đông, nhưng như một cây thường xanh vẫn ngàn năm sừng sững đứng, được thế giới xưng tụng là một trong thập đại kỳ tích.

Phía ngoài của chùa được chống đỡ bởi một số cột gỗ thanh mảnh, tay chạm vào có cảm giác đong đưa. Chúng có tác dụng trợ lực, có thể giúp giảm áp lực của toàn tự viện, cũng tăng dũng khí cho những kẻ nhát gan, có ta đang chống đỡ đây rồi, đừng sợ nhé. Dân gian cũng truyền miệng cách nói rằng “Huyền Không Tự, cao nửa trời, ba cái đuôi ngựa treo trên không”. Bề mặt của các cột gỗ đã được phủ lên một lớp dầu cây du đồng để chống mối mọt và mục rỗng.

Toàn bộ trọng tâm cấu trúc bên trong của ngôi chùa chống đỡ vào đá núi, đá được đục thành dạng hình thang vuông, rồi cắm rường cột gỗ vào, lợi dụng nguyên lý lực học dùng một nửa rường cột đưa ra ngoài làm nền của ngôi chùa. Toàn bộ kiến trúc cao 50 mét so với mặt đất, có bố cục “nhất viện lưỡng lâu” (một tòa viện và hai tòa lầu) (2), với tổng chiều dài khoảng 32 mét, lầu các điện thờ có 40 gian, lầu điện giao thoa qua lại, cầu treo trên không làm lối đi, cao thấp đan xen.

Huyền Không Tự là tác phẩm xuất thần, thể hiện trí tuệ cổ xưa của nhân loại. Nhìn lại nhiều danh thắng cổ tích vùng đất Hoa Hạ, đều thấy điểm chung là hầu như tất cả chúng đều được những người tu hành xây dựng nên. Chẳng hạn như: Chùa Bạch Mã – ngôi chùa đầu tiên trên thế giới, Lạc Sơn Đại Phật, Tử Cấm Thành Bắc Kinh, v.v.

Tại sao hành giả lại có trí tuệ lớn như vậy? Có phải chăng đang truyền tải Thiên ý gì?

Văn hóa truyền thống cổ xưa là do Thần truyền lại cho con người, trong khi tai quen mắt biết, con người biết giữ gìn đạo đức, tuân thủ lễ nghĩa. Sự truyền thừa của Phật giáo và Đạo giáo cũng là cấp cho con người nấc thang lên trời, con người thông qua chịu khổ tu xuất khỏi thế giới con người. Trong số đó có nhiều người tu luyện, bao gồm cả hòa thượng, đạo sĩ, nhờ tu luyện tinh tấn đã đạt đến cảnh giới xuất thần thông. Họ có thể câu thông với các vị Thần, nhận được sự khai thị của Thần.

Thiên sư đạo trưởng Khấu Khiêm của triều đại Bắc Ngụy là một trong số đó. Huyền Không Tự là kiệt tác của Thần, là người tu luyện thực hiện ý chỉ của Thần vậy.

Kể cũng lạ, tại sao Huyền Không Tự lại được xây dựng trên vách núi dựng đứng?

Nếu nói rằng “Thượng duyên tiêu khách, hạ tuyệt hiêu phù”, thì xây dựng trên vách đá có thể xem là một vị trí tuyệt vời. Không chỉ rời xa huyên náo, mà còn được ngắm mưa sao, hái sao và bầu bạn thiên nhân. Con đường tu hành cũng như thân trong cảnh “treo” này. Khi kiên định thực tu thì không khác gì luôn luôn được cùng thiên nhân bầu bạn, tư tưởng trong cảnh giới của Thần; bằng như lúc chán nản mỏi mòn, thì cái thân xác thịt cho dù cách xa cõi phàm nhưng nguy hiểm lại luôn ngay sát dưới chân, treo lơ lửng giữa trời không thể đắc độ.

Một kỳ quan khác nữa của Huyền Không Tự chính là phụng thờ cùng một lúc ba tôn giáo, làm tượng của ba ông tổ tam giáo là Khổng Tử, Phật Thích Ca Mâu Ni và Lão Tử rồi đặt cùng với nhau. Giới tu luyện xưa nay đều nói bất nhị pháp môn, không thể hòa trộn tạp tu, nếu như một người tu hành bước chân vào hai cửa thì tu không thành, cũng không có sinh mệnh cao tầng nào gia trì giúp đỡ.

Vậy có phải Thần đang gợi ý điều gì cho con người không?

Có phải chăng lúc này hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Đạo giáo đã bắt đầu suy bại rồi? Phật Thích Ca Mâu Ni cách đây hơn 2000 năm đã từng cảnh báo các đệ tử rằng, Pháp của ông trong tương lai rồi sẽ lạc mất, đến thời kỳ mạt Pháp thì Pháp của ông không thể độ nhân được nữa. Khi đó chùa không có Phật bảo hộ, thay vào đó là cáo chồn quỷ rắn. Các tỳ kheo nghe vậy vô cùng buồn khổ, hỏi: “Vậy phải thế nào?” Phật Thích Ca Mâu Ni bảo: “Khi Ưu Đàm Bà La hoa khai nở, Chuyển Luân Thánh Vương sẽ giáng thế, truyền Phật Pháp cứu độ thế nhân”.

Huyền Không Tự được xây dựng sau khi Phật Thích Ca nhập niết bàn 500 năm. Có thể Phật giáo lúc bấy giờ đã bắt đầu biến dị, và đồng thời Đạo giáo lúc bấy giờ cũng không còn tốt nữa. Phải chăng Huyền Không Tự đang tuân theo Thiên ý, đang gợi ý cho con người trong mê về trạng thái tu luyện trong tương lai là thế nào hay không?

Trong “Tuệ Lâm âm nghĩa”, có nói rằng: “Hoa Ưu Đàm Bà La cảm ứng điềm lành linh diệu, là hoa của trời, trên thế gian không có loài hoa này. Nếu Như Lai hạ thế, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện tại thế gian, bởi vì đại phúc và uy đức của Ngài cảm hóa loài hoa này xuất hiện”. Trong “Pháp Hoa Văn Cú” cũng có viết: “Hoa Ưu đàm, điềm báo tốt lành. 3000 năm mới nở một lần, khi xuất hiện thì là Kim Luân Vương đến”.

——

Chú thích:

(1) Ý cảnh là phạm trù trung tâm của văn học và mỹ học truyền thống Trung Quốc, có vị trí quan trọng trong văn hóa truyền thống. Cái gọi là “ý”, là bộc lộ tư tưởng, tư duy của tác giả trong tác phẩm. Cái gọi là “cảnh” chính là cảnh giới đạt được mà “ý” bộc lộ ra.

(2) Nhất viện lưỡng lâu: viện – tường bao chung quanh. Nhà ở có tường thấp bao chung quanh gọi là viện. Lâu – nhà lầu, phàm vật gì có tầng trên đều gọi là lâu. Bố cục của Huyền Không Tự gồm một toàn viện và hai tòa lầu.

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/279601

 



Ngày đăng: 02-09-2023

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.