Âm thanh phong nhã và âm thanh ồn ào
– Cảm ngộ nội hàm văn hóa của âm nhạc cổ điển Trung Hoa –
Tác giả: Tĩnh Tâm
[ChanhKien.org]
Âm nhạc dân tộc là tấm gương thể hiện văn hóa truyền thống Trung Quốc, nó phản chiếu ra bức tranh lịch sử lâu đời của dân tộc Trung Hoa và nội hàm bác đại tinh thâm trong đó. Âm thanh phong nhã tẩy sạch bụi trần trong tâm, như tắm trong nắng xuân, như uống chén rượu ngọt, như thưởng thức loại trà hảo hạng. Ngược lại âm thanh ồn ào, trụy lạc sẽ dẫn dắt người nghe vào nơi chán chường, tối tăm, u ám, hoặc kích thích tình cảm mãnh liệt hoặc chìm đắm trong suy nghĩ tiêu cực. Gia tăng mặt xấu, mặt tiêu cực của con người, thì chỉ có thể đầu độc con người, càng không thể nói đến tác dụng vỗ về tâm linh, đề cao cảnh giới con người của âm nhạc.
Thiên tính của con người thích sự yên tĩnh, cảm nhận về ngoại vật sẽ ảnh hưởng đến tình cảm của con người, rồi từ tâm trí của bản thân sản sinh ra tình cảm yêu ghét. Nếu không tăng cường tiết chế, con người sẽ bị sự dẫn dụ của ngoại cảnh và tình cảm yêu ghét cá nhân mà làm rất nhiều việc xấu. Do đó, các vị vua đời trước mới tạo ra lễ nhạc để tiết chế con người. Âm nhạc cần phải “vui tươi nhưng không phóng túng, buồn đau nhưng không ủy mị”, vừa biểu đạt tình cảm vừa tăng cường tiết chế tình cảm. Khổng Tử nói “Thi tam bách, nhất ngôn dĩ tế chi, viết: Tư vô tà”. (Kinh Thi có ba trăm thiên, một lời đủ bao quát tất cả, là tư tưởng thuần chính – Bản dịch Luận ngữ của Nguyễn Hiến Lê). ĐCSTQ vừa mới nắm quyền đã tạo ra văn hóa đảng tẩy não dân chúng, tận sức tiêu hủy và phá hoại văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Văn nghệ là một trong những thủ đoạn tẩy não và khống chế tinh thần quan trọng của tà đảng. Những âm thanh ồn ào mạnh mẽ kích động tình cảm, ca ngợi công đức của đảng đỏ trở nên phổ biến. Thứ âm nhạc đỏ đầy ma tính khiến con người bị ma quỷ khống chế xa rời tư tưởng và quy phạm hành vi bình thường của con người. Đảng đỏ trong phương diện văn hóa nghệ thuật tẩy não có thể nói là dày công tôi luyện, những học sinh trong cuộc vận động dân chủ năm 1989 tay không tấc sắt đối diện với cuộc thảm sát máu tanh, mà lại vẫn hát bài “Quốc tế ca”. Sau khi trường kỳ bị tẩy não, trừ những ca khúc nhạc đỏ ra người ta cũng không nghĩ ra được ca khúc nào khác nữa, thật đáng thương! Điều này càng cho thấy rõ bản chất tà ác của ma đỏ. Văn hóa đảng là thứ phản vũ trụ, nó không có chỗ đứng tại thế gian, chỉ bằng cách tiêu diệt hủy hoại văn hóa truyền thống, trường kỳ phong bế tẩy não người dân, ĐCS mới có thể từng bước tiến lên vũ đài. Những người mê muội vào triều đại đỏ chính là vật hiến tế bị tẩy não trong văn hóa đảng, trở thành một nhóm người biến dị.
Âm nhạc dân gian Trung Quốc có truyền thống lịch sử lâu đời, trong lịch sử Trung Quốc từng nhiều lần trải qua thời đại âm nhạc phồn vinh, hưng thịnh. Âm nhạc dân gian Trung Quốc là bộ phận quan trọng cấu thành văn hóa truyền thống dân tộc, nó phản ánh tinh thần dùng âm nhạc tu thân dưỡng tính của dân tộc Trung Hoa, nó thể hiện ý chí, đạo đức, văn hóa và nguyện vọng của dân tộc Trung Hoa.
Văn hóa âm nhạc dân tộc Trung Hoa bám rễ sâu vào mảnh đất văn hóa truyền thống lâu đời của Trung Quốc, văn hóa truyền thống độc đáo ấy đã tạo nên nền âm nhạc dân tộc độc đáo.
Âm nhạc truyền thống cùng với thư pháp, hội họa, thơ ca đã tạo nên nét độc đáo của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Cầm, kỳ, thi, họa chính là bốn loại nghệ thuật cổ xưa, trong đó cầm đứng đầu. Âm nhạc cổ cầm theo đuổi ý cảnh siêu phàm thoát tục, tư tưởng thiên nhân hợp nhất, nội hàm văn hóa “thanh tao, trầm tĩnh, nhẹ nhàng, sâu xa”. Âm nhạc cổ cầm phù hợp nhất với tư tưởng “trung hòa” của văn hóa truyền thống, trở thành một trong những cách thức tốt nhất để tu thân dưỡng tính, trau dồi nhân cách của cổ nhân.
Trong văn hóa thần truyền truyền thống Trung Quốc, âm nhạc không chỉ có tác dụng trau dồi nhân cách, mà còn có ý nghĩa an bang trị quốc, Lã Thị Xuân Thu – Thích Âm viết: “Phàm âm nhạc thông hồ chính nhi di phong bình tục giả dã”. (Âm nhạc là tương thông với chính sự, và có thể làm thay đổi được phong tục – bản dịch của Phan Văn Các). “Lễ Ký – Nhạc Ký” viết: “Chi Lễ Nhạc chi đạo, cử nhi thố chi thiên hạ vô nan hĩ” (Đạo nghiên cứu Lễ Nhạc thì hành vi trị thiên hạ không có gì là khó cả – bản dịch của Nguyễn Tôn Nhan). Chế độ “Lễ nhạc” có lợi đối với việc củng cố và phát triển xã hội cổ đại. Nho gia là người tiên phong đề xướng chế độ “lễ nhạc”.
“Nhạc đại diện cho sự hoà hợp giữa trời đất. Lễ đại diện cho trật tự trong trời đất”. Nhạc được nói đến ở đây là nhã nhạc cung đình, nhạc thực chất có tác dụng phụ trợ cho “lễ”, dùng thứ âm nhạc chấn động nhân tâm nhất kết hợp với lễ pháp tạo nên lực thẩm thấu và lực ngưng tụ rất lớn mạnh. Khổng Tử rất coi trọng nội dung và hình thức của âm nhạc, ông ca ngợi vẻ đẹp của âm nhạc cổ đại, từ nhạc “Thiều” ca tụng vua Thuấn nhân đức, văn trị cho đến loại hình nghệ thuật hoàn hảo “Cửu Biện”. Chu Công Đán là người đầu tiên dùng lễ nhạc hỗ trợ cho việc cai trị, triều đại nhà Chu đã kéo dài 800 năm.
“Luận ngữ – Thuật nhi” viết: “Tử tại Tề văn thiều, tam nguyệt bất tri nhục vị” (Tạm dịch: Khổng Tử khi ở Tề, nghe nhạc Thiều, ba tháng liền không biết mùi thịt). Khổng Tử đánh giá nhạc “Thiều” là tận thiện tận mỹ. Ông rất tán dương hình thức biểu diễn nghệ thuật của khúc nhạc “Đại Vũ” triều Chu, nhưng lại phê bình nội dung biểu hiện công lao và chiến tích của Chu Vũ Vương phạt Trụ diệt Thương là: “’Đại Vũ’ tận mỹ nhưng chưa tận thiện”.
Ở Trung Quốc có điển cố “Cao sơn lưu thủy ngộ tri âm” có thể nói nhà nhà đều biết, kể về câu chuyện giữa Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ, được ghi lại trong “Lã Thị Xuân Thu” và “Liệt Tử”.
Du Bá Nha giỏi chơi cổ cầm, còn Chung Tử Kỳ giỏi thấu hiểu tiếng đàn. Có một lần, khi Du Bá Nha gảy đàn biểu hiện chốn non cao, Chung Tử Kỳ khen rằng: “Gảy đàn hay làm sao, vời vợi tựa núi Thái Sơn”. Còn khi Bá Nha ý tại lưu thuỷ (dòng song), Chung Tử Kỳ lại cảm khái nói: “Gảy đàn hay làm sao, cuồn cuộn như nước chảy”. Cho dù Du Bá Nha khi đàn nghĩ về điều gì, Chung Tử Kỳ đều có thể tâm lĩnh thần hội. Du Bá Nha trong lúc du lãm núi Thái Sơn gặp phải mưa lớn, chỉ có cách tránh mưa bên vách đá cheo leo. Du Bá Nha cảm thấy bi ai, bèn gảy đàn để giải tỏa tâm tình. Tiếng đàn ban đầu biểu hiện tiếng mưa lâu mà không ngừng, sau đó là tiếng động lớn của núi lở. Mỗi khi Bá Nha tấu một khúc nhạc, Chung Tử Kỳ đều có thể nói ra được tiếng lòng của Bá Nha, khiến Du Bá Nha cảm thán không thôi.
Sau này, Chung Tử Kỳ lâm bệnh qua đời, Du Bá Nha vô cùng đau thương, trên thế gian này cũng không còn người xứng đáng để nghe ông gảy đàn nữa. Thế là Bá Nha đập vỡ cây đàn, suốt đời không gảy đàn nữa. Thành ngữ “Cao sơn lưu thủy (núi cao nước chảy)”, “Bá Nha tuyệt cầm (Bá Nha ngừng chơi đàn)”, “Bá Nha chi thán (lời than thở của Bá Nha)”… đều xuất phát từ điển cố này. Hậu thế có người cảm thán rằng “Vạn lưỡng hoàng kim dung dịch đắc, tri âm nhất cá tối nan cầu” (Kiếm một vạn lượng vàng thì dễ, tìm một người tri âm mới khó nhất).
Âm nhạc dân gian truyền thống là âm thanh phong nhã mà Thần truyền cho con người, tương thuận với ngũ hành, tương hợp tương thông với thiên địa, cảm ứng với Thần minh, tương tế với thiên giới, âm nhạc dân tộc có ngũ âm và mười hai âm luật, tương ứng với ngũ hành ngũ tạng và mười hai tháng, văn hóa thần truyền truyền thống tôn sùng thiên nhân hợp nhất, chứa đựng tâm chân thành, kính thiên kính thần, tu dưỡng thân tâm, dáng ngồi ngay chính đàn tấu những thần khí, tịnh tâm luyện tập đàn, mới có thể lĩnh hội được sự mỹ diệu của thiên nhân hợp nhất, từ đó mới được Thần chỉ dẫn và ban ân, lĩnh ngộ được nhiều thiên cơ hơn.
Muốn học tốt nghệ thuật đánh đàn, đầu tiên phải học cách làm người, làm một người thanh cao mới có thể thực sự đánh ra được những âm điệu phong nhã rung động, âm thanh phong nhã từ tơ trúc gảy ra mới có thể có được linh tính, mới có thể làm xúc động nhân tâm, cải biến con người, khơi dậy lương tri và thiện niệm. Âm nhạc mới có thể thực sự khởi tác dụng trị bệnh. Chúng ta không khó lý giải tại sao âm thanh tự nhiên của Thần Vận hợp nhất văn hóa phương Đông và phương Tây, lại có thể chấn động nhân tâm, cảm động con người, cải biến con người như vậy. Sự tu dưỡng đạo đức đạt đến tiêu chuẩn cao, cộng thêm sự gia trì của Thần, âm nhạc và con người hợp nhất, thân thần hợp nhất có thể tạo nên kỳ tích hoàn mỹ.
Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/130292
Ngày đăng: 27-08-2022
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.