Tiểu hành tinh sẽ không va vào Trái Đất vào năm 2032 mà va vào Mặt Trăng? Xác suất là bao nhiêu?



Biên dịch: Lý Ngôn

[ChanhKien.org]

Hình minh họa tiểu hành tinh va chạm với Trái Đất. (Ảnh: The Epoch Times)

Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo mới nhất rằng một tiểu hành tinh dự kiến sẽ tiếp cận Trái Đất và Mặt Trăng vào năm 2032, và mối đe dọa tiềm ẩn mà nó gây ra lớn hơn so với đánh giá trước đây.

Theo tờ Daily Mail, qua quan sát bằng kính viễn vọng không gian James Webb (James Webb Space Telescope – JWST), các nhà thiên văn học đã phát hiện ra tiểu hành tinh có tên 2024 YR4 có đường kính khoảng 60 mét, lớn hơn nhiều so với ước tính ban đầu là 40 mét, tương đương với chiều cao của một tòa nhà 15 tầng. Nếu va chạm với Trái Đất, nó có thể tạo ra vụ nổ với sức công phá lớn gấp 500 lần quả bom nguyên tử được thả xuống thành phố Hiroshima.

Kể từ khi được phát hiện vào tháng 12 năm ngoái, xác suất tiểu hành tinh 2024 YR4 va chạm với Trái Đất từng tăng lên 3,1%, lập kỷ lục đối với các tiểu hành tinh lớn. Mặc dù Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) đã loại trừ nguy cơ va chạm với Trái Đất, nhưng các quan sát của JWST cho thấy tiểu hành tinh này vẫn đang trên quỹ đạo có thể va chạm với Mặt Trăng.

Hiện các nhà nghiên cứu cho biết, xác suất thiên thạch với kích thước bằng một ngôi nhà này va chạm với Mặt Trăng là gần 4%.

Vào tháng Hai năm nay, các cơ quan không gian của nhiều nước đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về vấn đề này. Để nắm bắt chính xác hơn sức phá hủy tiềm tàng của 2024 YR4, NASA đã khẩn cấp ủy quyền cho một nhóm các nhà thiên văn quốc tế sử dụng kính thiên văn không gian James Webb (JWST), với các cảm biến hồng ngoại giúp đo bức xạ nhiệt phát ra từ tiểu hành tinh, phương pháp này giúp tránh sai số so với các phương pháp ước lượng kích thước dựa trên độ sáng trước đây.

JWST đã quan sát tiểu hành tinh trong 5 giờ vào ngày 26 tháng 03, xác nhận 2024 YR4 có đường kính khoảng 60 mét (sai số là 7 mét) và nó tự quay một vòng khoảng 20 phút. Nếu nó thực sự có nguy cơ va chạm với Trái Đất, Nhóm Cố vấn Lập kế hoạch Nhiệm vụ Không gian (Space Mission Planning Advisory Group – SMPAG) do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ sẽ nghiên cứu xây dựng kế hoạch làm lệch hướng đi của tiểu hành tinh.

Tiến sĩ Andy Rivkin, nhà thiên văn học tại Đại học Johns Hopkins cho biết, các đặc tính nhiệt của 2024 YR4 khác với các tiểu hành tinh lớn, điều này có thể liên quan đến tốc độ tự quay nhanh và sự thiếu vắng lớp bụi mịn (regolith) trên bề mặt. Ông suy đoán rằng bề mặt của nó có thể được cấu tạo bởi những nham thạch có kích thước bằng nắm tay trở lên.

Mặc dù Trái Đất không gặp nguy hiểm, nhưng nếu 2024 YR4 va vào Mặt Trăng, thì đây sẽ là lần đầu tiên con người có thể quan sát trực tiếp (theo thời gian thực) một tiểu hành tinh va chạm và tạo ra hố thiên thạch trên Mặt Trăng, mang lại bước đột phá lớn cho nghiên cứu địa chất Mặt Trăng.

Hiện tại, con người vẫn chưa có khả năng làm lệch hướng các tiểu hành tinh lớn, nhưng có thể giảm thiểu thiệt hại thông qua việc phát hiện sớm, sơ tán dân cư và bảo vệ cơ sở hạ tầng. NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (European Space Agency – ESA) đã từng thực hiện thành công nhiệm vụ “Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép” (Double Asteroid Redirection Test – DART), trong đó một tàu vũ trụ có kích thước bằng một chiếc tủ lạnh đã đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos để thử nghiệm kỹ thuật làm lệch hướng bằng động năng va chạm.

Kế hoạch này là thử nghiệm đầu tiên của nhân loại về việc sử dụng phương pháp tác động động lực học để làm lệch hướng tiểu hành tinh. Bằng cách tạo ra cuộc va chạm vào tiểu hành tinh nhiều năm trước thời điểm dự kiến, dù tốc độ chỉ lệch rất nhỏ cũng đủ để làm thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh theo thời gian và tránh va chạm với Trái Đất.

Kết quả của cuộc thí nghiệm phòng thủ hành tinh này dự kiến sẽ được xác nhận thêm bởi tàu thăm dò Hera vào tháng 12 năm 2026.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/296101



Ngày đăng: 16-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.