Bộ não của con người vốn bẩm sinh trung thực, nói dối có thể khiến bạn bị mắc bệnh



Tác giả: Tiến sĩ triết học Robert Backer; Makai Albert; Tiến sĩ triết học, Bác sĩ Y khoa, Yuhong Dong / Triệu Tư Tế biên dịch

[ChanhKien.org]

(Ảnh: Fei Meng / The Epoch Times)

Từng vật lộn với căn bệnh đau nửa đầu, vị bác sĩ tìm ra phương pháp trị bệnh mới lạ: đối mặt với những lời nói dối hàng ngày của chính mình.

Bác sĩ Jonathan Corson không chỉ nổi tiếng bởi chuyên môn về y tế, mà còn bởi những lời khuyên độc đáo mà ông đưa ra khi kê đơn cho bệnh nhân. Gần đây, ông bắt đầu chia sẻ với bệnh nhân của mình vì sao tu dưỡng đạo đức, ví như lòng biết ơn, có thể giúp cải thiện đáng kể các vấn đề sức khỏe của họ. Sự kết hợp giữa định hướng triết lý và thực hành y khoa đã mang lại cho ông cả sự kính trọng lẫn hoài nghi.

Một ngày nọ khi đang rời phòng khám, Corson cảm thấy kiệt sức sau một tuần làm việc liên tục và ít nghỉ ngơi. Vật lộn với chứng đau nửa đầu kinh niên mà y học dường như bó tay, ông cảm thấy hoài nghi chính lời khuyên mà mình đưa ra cho bệnh nhân. Cơn đau dữ dội nhắc nhở ông về sự mong manh của sinh mệnh, và rằng, kể cả khi là bác sĩ, ông cũng không thể không mắc bệnh. Cảm giác khó chịu tột độ này đã thôi thúc ông tự suy ngẫm sâu sắc về bản thân, không giống bất cứ điều gì mà ông từng trải qua trước đây.

Corson từng tự hào về khả năng lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho các vấn đề bên ngoài các triệu chứng bệnh, dám nghiên cứu sâu vào khía cạnh phẩm hạnh và đạo đức trong đời sống của bệnh nhân. Nhưng đến khi hồi tưởng lại, một câu hỏi nảy ra khiến ông trăn trở: “Mình có đang làm theo những gì mình thuyết giảng không?”

Nhận thức này đã đánh vào ông một đòn rất mạnh, có lẽ chứng đau nửa đầu của ông không chỉ là một bệnh lý thông thường về cơ thể. Liệu có sự liên hệ nào giữa tình trạng hiện tại của ông với các giá trị đạo đức, hoặc sự thiếu vắng chúng mà ông vẫn hay thảo luận gần đây ở nơi làm việc?

Đối mặt với những yêu cầu và trách nhiệm liên tục, ông Corson thường bỏ qua những chi tiết nhỏ với bệnh nhân, đưa ra những lời hứa không thực tế với gia đình mình, hay đơn giản chỉ nói những lời lọt tai người khác. Dần dần, dưới áp lực phải thể hiện bản thân, ông nhận ra cái danh, lợi, và thậm chí là ý nghĩ mình cao hơn người khác đã khiến ông chọn đi đường tắt. “Liệu có phải sự trung thực đang thiếu vắng đi trong cuộc sống của mình không?”, ông tự hỏi.

Corson quyết định đã đến lúc bắt đầu một hành trình hướng đến sự trung thực hơn, cả với bản thân và với người khác.

Ông bắt đầu ghi chép lại mỗi lần không thành thật hay nói lời không được trung thực, rồi sau đó suy ngẫm làm thế nào để cải thiện nó. Ông cũng nghiên cứu sâu vào khía cạnh khoa học về lợi ích sức khỏe của lòng trung thực.

Căng thẳng tan biến

Sau khi mở lòng đón nhận sức mạnh thay đổi của lòng trung thực, Corson cảm nhận được một sự bình an sâu sắc hơn và tìm lại ý nghĩa trong công việc của mình. Ông nhận thấy một mối liên hệ trực tiếp giữa sức khỏe và đạo đức.

Sau khoảng một tuần, khi đang trên đường về nhà, ông chợt nhận ra, “Mình không còn những cơn đau đầu khó chịu đó nữa!” Những “cơn bão đau đớn”, như ông thường gọi, là thứ ông từng chấp nhận như một phần điển hình của cuộc sống. Ông nhận ra rằng mặc dù mới chỉ bắt đầu tập trung vào việc sống trung thực, mức độ căng thẳng của ông đã bắt đầu suy giảm.

Một nghiên cứu năm 2010 của Trường Đại học Kinh doanh thuộc Đại học Columbia đã chỉ ra rằng, chỉ một khoảng nhỏ không trung thực cũng có thể làm tăng nồng độ cortisol, loại hormone gây căng thẳng chính cho cơ thể. Cortisol chuẩn bị cho cơ thể phản ứng chiến đấu hoặc chạy trốn trước những mối đe dọa, có nghĩa là khi một người nói dối, cơ thể họ sẽ phản ứng như thể đang sẵn sàng đối mặt hoặc bỏ chạy. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh nói dối kích thích một phản ứng căng thẳng sinh lý có thể đo lường được, cho thấy cơ thể con người vốn rất nhạy cảm với sự thiếu trung thực.

Trung thực làm giảm căng thẳng. Trục dọc: Mức độ cortisol; Cột màu nâu: Người nói dối (Lie-tellers); Cột màu xanh tím: Người trung thực (Truth-tellers). (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Khi gặp nguy hiểm, cortisol được tiết ra giải phóng một năng lượng mạnh mẽ, có khả năng giúp cơ thể thực hiện những việc phi thường. Tuy nhiên, con người không thể sống trong trạng thái đó liên tục. Qua thời gian, các hormone căng thẳng sẽ đè nặng lên hệ tim mạch, dễ gây viêm, và gây nguy cơ mắc chứng đau nửa đầu như Corson từng trải qua.

Thân thể người là một hệ thống sinh học vận hành phi thường hoàn hảo. Tuy nhiên, cũng như một cỗ máy nếu vận hành quá tải sẽ hao mòn theo thời gian, cơ thể bị đẩy tới quá mức giới hạn cũng dễ dẫn tới “hỏng hóc”.

Các vấn đề sức khỏe do không trung thực gây ra. Từ trên xuống dưới: Sự không trung thực dẫn đến suy giảm chức năng điều hành; nhịp tim tăng nhanh; tăng huyết áp; và tăng mức cortisol. Tất cả những điều này đều có tác động tiêu cực tới sức khỏe. (Ảnh minh họa bởi The Epoch Times)

Sự trung thực tự nhiên của não bộ

Trước đây, Corson thường “bẻ cong sự thật”. Ông hay hứa với vợ sẽ về nhà trước một thời gian cố định nhưng cuối cùng lại thất hứa. Trong công việc, đôi khi ông nói với bệnh nhân điều đầu tiên ông làm mỗi sáng là đích thân kiểm tra kết quả của họ, trong khi thực tế ông chỉ lướt qua chúng vài phút trước buổi khám. Ông từng nói với con gái ông không thể đến xem trận bóng đá của con vì phải làm việc ngoài giờ, mặc dù ông biết nếu muốn thì ông hoàn toàn có thể tham dự. Thực ra, hôm đó ông đã quá kiệt sức sau một tuần làm việc dài và chỉ muốn một buổi tối yên tĩnh cho bản thân, nghĩ rằng vắng mặt một trận bóng thôi cũng không sao, và ông sẽ bù đắp cho con sau. Giờ đây, mọi thứ đã khác. Ông bắt đầu dành một khoảng hòa hoãn trước khi nói, kiểm tra xem liệu lời nói của mình có thành thật và khớp với hành động cũng như cảm xúc của mình hay không.

Khi sự chân thành của Corson với người khác tăng lên, ông bắt đầu nói chuyện một cách tự nhiên hơn – một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Thật bất ngờ, ông nhận thấy lòng tự trọng và kết nối với người khác chính là phần thưởng xứng đáng. Hơn thế nữa, cuối cùng ông cũng cảm thấy mình đang sống một cuộc đời chân thực hơn.

Sự tự do mới lạ này phát triển một cách tự nhiên sau khi ông quyết định ngừng nói dối.

Trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt công bố trên tờ NeuroImage năm 2002, các nhà khoa học đã đo hoạt động não của các đối tượng khi yêu cầu họ nói dối và nói thật. Những người này trước tiên được cho xem một lá bài cố định – ví dụ xem con 2 Cơ. Sau đó, khi được cho xem một quân bài khác, họ sẽ phải trả lời liệu đó có phải quân bài 2 Cơ hay không, nếu đúng thì nói “Yes”, không đúng thì nói “No”.

Ngay cả khi các đối tượng nghiên cứu nói dối, kết quả cho ra tương tự như khi họ nói thật, do bộ não vẫn phải kích hoạt quá trình nhớ lại sự thật. Tuy nhiên, họ cũng có hoạt động phản ánh tại hai khu vực quan trọng liên quan đến khả năng tự chủ.

Con người luôn nghĩ đến sự thật trước tiên, nhưng khi họ nói dối, sự thật đó sẽ bị kìm nén.

Điều này cho thấy thành thật là trạng thái nhận thức cơ bản. Nói dối đòi hỏi thêm các nguồn lực nhận thức, từ đó dẫn tới gia tăng áp lực tinh thần và nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Một ví dụ về thí nghiệm khi các đối tượng được cho xem các lá bài và được yêu cầu nói dối hoặc nói thật. Hình ảnh quét não là các lát cắt theo chiều từ trên xuống, cho thấy những vùng hoạt động não bộ đặc trưng khi nói dối. Nguồn: Langleben et al., Brain Activity during Simulated Deception: An Event-Related Functional Magnetic Resonance Study. Neuroimage (2002). (Ảnh: Daniel Langleben)

Khi nói chuyện với đồng nghiệp là một nhà thần kinh học, Corson hiểu thêm tại sao việc che giấu sự thật lại rất mệt mỏi. Đồng nghiệp nói cho ông biết các mạng lưới trong não bộ, được kết nối với vỏ não trước trán lưng bên (DLPFC), kiểm soát hành vi và tư duy phản biện của chúng ta.

Tuy nhiên, các nguồn lực của khu vực này là hữu hạn. Nghĩa là, nếu chúng ta hao phí năng lượng khi cố gắng nói dối, năng lượng dành cho việc giải quyết vấn đề và tư duy phản biện sẽ ít đi.

Đó là lý do tại sao, sau một ngày làm việc dài và mệt mỏi, chúng ta thường trở nên mất tự chủ hơn, do đó gây tổn hại tới những người khác.

Các hình thức nói dối

Nghiên cứu chỉ ra rằng có nhiều hình thức nói dối khác nhau, được mô tả trong một nghiên cứu năm 2003 đăng tải trên tờ Cerebral Cortex, đã khám phá các cơ chế thần kinh đằng sau các hình thức lừa gạt khác nhau.

Một vài lời nói dối có thể được bịa ra ngay tại chỗ, ví như khi ta nói dối bữa trưa đã ăn gì. Nhưng cũng có những lời nói dối phải được bịa đặt ra và ghi nhớ, ví như nói dối về một chuyến đi tới Bahamas mà bạn chưa đi bao giờ.

Lời nói dối càng quan trọng thì càng gây hại cho tâm trí và thân thể con người. Nói dối đòi hỏi cơ thể phải ghi nhớ bối cảnh, ngụ ý, kết quả, ai là người đã được kể, và kể vào lúc nào.

Những lời nói dối đòi hỏi một lời nói dối khác để bao biện cho một lời nói dối trước đó kích hoạt mạnh mẽ vùng vỏ não vành trước (ACC). Ví dụ, khi được hỏi tại sao một người đến muộn và anh ta nhanh chóng thêu dệt một câu chuyện về tắc đường, trong khi thực tế anh ta ngủ quên, vùng ACC của anh ta sẽ hoạt động hết công suất.

Khu vực này của bộ não ức chế xu hướng tự nhiên của con người là muốn nói sự thật và đòi hỏi thêm năng lượng nhận thức để duy trì lời nói dối, đảm bảo rằng lời nói dối nghe có vẻ đáng tin và nhất quán với các câu hỏi truy vấn tiếp theo.

Các bối cảnh được thêu dệt, ví như chuyến đi Bahamas, kích hoạt mạnh mẽ khu vực DLPFC của bộ não và gây mệt mỏi nhiều hơn so với một lời nói dối đơn giản, vì khi đó chúng ta phải kiểm tra chéo các thông tin và đảm bảo rằng câu chuyện được thêu dệt phải nhất quán.

Tóm lại, chúng ta phải trả một cái giá đắt khi nói dối, trong khi thành thật cho phép chúng ta thanh thản, tin tưởng và không vướng bận lo âu.

Làm việc năng suất và một cuộc đời đáng sống

Mỗi ngày, Corson bắt đầu thấy mình có nhiều năng lượng hơn khi rời phòng khám. Ông từng nhận xét: “Ai mà ngờ được chỉ ngồi và suy nghĩ lại có thể mệt mỏi đến vậy? Mặc dù chỉ ngồi trên ghế cả ngày, tôi cảm giác như mình phải lao động nặng cả ngày vậy!” Ông chia sẻ rằng trước đây mình quá “kiệt sức” không thể chơi với con gái. Giờ đây, ông thấy mình sáng tạo, khôi hài và tích cực hơn cả trong công việc lẫn ở nhà.

Tận hưởng một cuộc sống chất lượng hơn, Corson bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình với mọi người. Một hôm, ông nói chuyện với Frank, chuyên viên lập hóa đơn y tế của mình: “Tôi cá những người thành thật ít phải đi gặp bác sĩ hơn – ai đó nên làm một nghiên cứu về điều này”. Frank đồng tình, “Tôi nghĩ điều đó đúng đấy”, và đề cập đến một nghiên cứu năm 2022 đăng tải trên tạp chí Social Psychiatry and Psychiatric Epidemiology, nghiên cứu các đơn đòi bảo hiểm và tìm ra rằng người phẩm chất đạo đức cao ít bị trầm cảm và có sức khỏe tinh thần tốt.

Sau một ngày làm việc đặc biệt dài, Corson dựa lưng vào chiếc ghế trong văn phòng của mình. Gánh nặng từ những trách nhiệm mà ông phải gánh vác dường như được gỡ bỏ khỏi đôi vai khi ông nhận ra sự chuyển biến tinh tế nhưng sâu sắc trong cuộc sống của mình.

“Nếu một hành động trung thực có thể giúp mình giảm căng thẳng, và hơn thế nữa, là giảm chứng đau nửa đầu, liệu còn có những tiềm năng nào ẩn chứa trong lĩnh vực đạo đức nữa không?” ông tự hỏi.

Khi chuẩn bị rời văn phòng, một nụ cười nhẹ nở trên môi Corson. Ông tắt đèn, bước ra ngoài, đón lấy làn không khí trong lành của buổi xế chiều. Lái xe dưới ánh hoàng hôn, ông biết mình đang không chỉ đơn thuần trở về nhà mà còn đang tiến đến một cuộc sống trung thực hơn, lành mạnh hơn, và cuối cùng, trọn vẹn hơn.

Lời ghi chú của tác giả:

Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với những thách thức chưa từng thấy trong xã hội, y tế, và nơi làm việc. Câu chuyện này dựa trên tổng hợp từ các đồng nghiệp và chuyên gia y tế của chúng tôi. Những thách thức và phần thưởng được đề cập trong bài viết đều là thực. Với áp lực ngày càng tăng của việc phải thể hiện bản thân, chạy đua với thời gian, và theo kịp sự phát triển của xã hội, nhiều người trong chúng ta phải vật lộn với những tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức và sự thiếu trung thực. Chúng tôi tin rằng sự thật thực sự sẽ giải phóng bạn!

Nguyên văn từ bài viết tiếng Anh “Your Brain Is Wired for Honesty—and Lying Taxes You” của báo The Epoch Times.

Dịch từ: https://www.zhengjian.org/node/294179



Ngày đăng: 02-04-2025

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.